Nguyễn Tiến Thanh Thơ là định mệnh - báo là định danh

Nguyễn Việt Chiến| 18/06/2021 09:47

Trong ký ức tôi cho đến giờ, mặc dù Nguyễn Tiến Thanh thành danh trong nghề báo với hàng loạt ấn phẩm có số lượng phát hành lớn của báo Gia đình - Xã hội, báo Đời sống & Pháp luật mấy thập niên gần đây thì với tôi, anh vẫn là một thi sĩ tài hoa, đậm chất lãng tử. Và, sau ba chục năm cầm bút, hai tập thơ Chiều không tên như vết mực giữa đời (NXB Văn Học) và Loạn bút hành (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Tiến Thanh vừa ra mắt bạn đọc đã nói lên điều đó.

Nguyễn Tiến Thanh Thơ là định mệnh - báo là định danh
2 tập thơ và 1 tiểu luận của nhà báo Nguyễn Tiến Thanh được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Những đêm thơ sinh viên đầy hoa và rượu 

Tôi nhớ lại những đêm thơ sinh viên (cuối những năm 80 đầu những năm 90 ở Hà Nội) thời đổi mới với sự tham gia của các nhà thơ và sinh viên các trường đại học đã làm cho đời sống văn chương những năm ấy trở nên sôi động, thú vị hơn bao giờ hết. Trên diễn đàn các đêm thơ ấy, ngoài sự xuất hiện của những nhà thơ trận mạc nổi tiếng như: Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha... là lớp nhà thơ hậu chiến chúng tôi như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Việt Chiến, Trần Hòa Bình, Dương Kiều Minh, Nguyễn Linh Khiếu, Trương Nhân Huyền... rồi đến lớp nhà thơ sinh viên như: Nguyễn Tiến Thanh, Nguyễn Đức Hạnh, Phạm Tường Vân, Đặng Thị Thanh Hương, Nguyễn Vĩnh Tiến... cùng nhiều gương mặt thơ trẻ. Trong những đêm thơ sinh viên ngày ấy, thơ - hoa và cả rượu đã làm nên chất men say thi hứng sáng tạo cho các nhà thơ trẻ hội nhập vào dòng thơ đương đại.

Có thể nói, với Nguyễn Tiến Thanh, cuộc đời cầm bút bắt đầu từ thi ca khi bài thơ đầu tiên anh viết năm 17 tuổi - bài Lục bát tuổi trăng tròn. Nối tiếp đó là dưới cái đẹp của đôi mắt huyền mùa thu, người thơ tự thấy mình chỉ là ngọn cỏ phiêu lãng trên cánh đồng tình yêu: Đôi mắt huyền thăm thẳm những mùa thu/ Ngọn cỏ úa như âm thầm chỉ lối/ Anh ngoái lại - cả một mùa gió thổi/ Một mùa mây trôi qua tuổi học trò/ Em ngước nhìn sao mắt đã âu lo/ Màu bão tố thay sắc huyền yên ả/ Em có biết rằng em là gió lạ/ Thổi rạp đời anh - ngọn cỏ mùa thu (Đôi mắt huyền và ngọn cỏ mùa thu -1987)

Nguyễn Tiến Thanh Thơ là định mệnh - báo là định danh
Với 2 tập thơ vừa in, có thể thấy rõ thơ Nguyễn Tiến Thanh chia làm hai chặng thơ khá rõ rệt. Chặng thứ nhất 1985 - 1989 là những bài thơ viết về những kỷ niệm, những mối tình thuở sinh viên với giọng thơ đầy ắp cảm xúc trữ tình và thi điệu trong sáng, ngọt ngào với những câu thơ mê đắm, giàu tính mỹ cảm: Với cỏ cây xao xác một thời/ Thơ ấu khóc cánh diều rơi cuối bãi/ Thương nhớ cũ đứt ngang chiều tuổi dại/ Mây trắng trời, khôn lớn trắng bàn tay (Điều đó dĩ nhiên rồi).

Nhịp thơ 8 chữ huyền ảo với những rung động tinh tế về mặt cảm xúc và khắc họa ấn tượng về mặt hình ảnh chính là một điệu du ca của các “nhà thơ quảng trường” cách đây mấy chục năm với những bài thơ khiến cho nhiều độc giả lên cơn “sốt thơ” say đắm trong các đêm thơ sinh viên ngày ấy: Thì ta sợ một ngày em trở lại/ Con chim xanh tha hạt bay rồi/ Cả hạnh phúc ngọt đường dễ dãi/ Vỡ trong đời như một giấc mơ thôi/ Khi ấy, cuối một mùa nắng rớt/ Ngày đi qua - chiều thăm thẳm chân trời/ Quả đất rộng - tha hồ em cứ khóc/ Ngôi nhà mùa thu khép cửa lâu rồi... (Ngôi nhà mùa thu)

Nhìn lại những trang thơ thời tuổi trẻ của mình, Nguyễn Tiến Thanh cũng rất khiêm tốn khi giãi bày: “Đôi khi, mình vẫn nằm mơ về thời đi học ở khoa Văn, rượu say chất ngất, vĩ cuồng trên mây, cả ngày không làm gì, chỉ làm mỗi... thơ và bàn toàn những chuyện viển vông, xa rời thế  sự.…

Hầu hết những bài thơ còn đôi chỗ vụng dại nhưng tinh khôi với rất nhiều đại ngôn ngày ấy ra đời trong những cuộc rượu “luận anh hùng” bất tận ở ký túc xá Mễ Trì  - “tuyệt tình cốc” của sinh viên khoa Văn -  Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chính vì vậy, “Chiều không tên như vết mực giữa đời” là sản phẩm của một cuộc lục tìm trong ký ức và sổ tay, với rất nhiều lần sửa chữa, nhiều dị bản khác nhau”.

Ở chặng đường thơ đầu tiên này của Nguyễn Tiến Thanh, thật thú vị có một số bài thơ đã ghi dấu sự chuyển đổi của dòng thơ trữ tình ký ức sang dòng thơ trữ tình thế sự mà bài thơ Sân ga chiều đừng mưa viết năm 1988 là một điểm nhấn: Sân ga chiều đừng mưa nữa mưa ơi/ Cho ướt áo run vai gầy của mẹ/ Đường mấy ngả qua thời gian dài thế/ Nẻo thời gian mẹ đợi những con tàu/ Nước chè xanh đây, ai thuốc lá nào/ Mẹ khan giọng sân ga chiều rộng quá/ Ta đứng đó hóa người không xa lạ/ Đường ray dài trong tít tắp niềm đau/ Sẽ chẳng bao giờ ai hiểu hết được đâu/ Giọt nước mắt mẹ rơi giữa ngày chiến thắng/ Mây đã trắng khăn tang chồng chết trận/ Trăm cuộc đời chung một hướng Vọng phu… (Sân ga chiều đừng mưa - 1988)

Thơ là định mệnh -  báo là định danh
Sau Chiều không tên như vết mực giữa đời với những câu thơ tràn đầy cảm xúc và mơ mộng, say đắm của tuổi sinh viên ở giai đoạn 1985 - 1989, nhà thơ trẻ Nguyễn Tiến Thanh hăm hở bước vào chặng đường thứ hai của nghiệp thi ca với tập thơ Loạn bút hành. Có thể nói, với tập thơ này, thơ anh đã bước sang một trường thi ngôn và thi tứ mới với những sáng tạo bất ngờ về mặt ngôn ngữ và có những phát hiện mới lạ về mặt hình tượng thơ mà bài thơ Loạn bút hành viết năm 1990 đã mở đầu cho giai đoạn này: Ta chẳng dại gì như Kinh Kha/ Nhưng cũng điêu linh lúc nhớ nhà/ Người xưa chống kiếm qua sông Dịch/ Ta vung bút loạn bến Thương hà…. Trong Loạn bút hành, vẫn phong thái hào hoa trong câu chữ ở thể trữ tình nhưng vẻ lãng tử, đậm chất thi sĩ của anh đã có những lập ngôn ban đầu về mặt tư tưởng. Bài thơ này đã ghi dấu sự bứt phá để làm nên một diện mạo mới khi anh thoát khỏi trường thi hứng ở giai đoạn trước. 

Thơ Nguyễn Tiến Thanh vốn giàu nhạc điệu và anh luôn hướng đến những khám phá vẻ đẹp mới của thi ca về mặt âm nhạc, âm điệu và thơ lục bát của anh thường tạo ra ấn tượng mới lạ về mặt nhịp điệu thơ và ý tưởng thơ. Như câu thơ ngạo nghễ Ta chôn vực thẳm ven đời/ Gieo thơ lục bát ngang trời thị phi trong Bởi vì mây bay cho thấy nhịp điệu phóng túng của tâm hồn thi sĩ đã mở ra trường thi cảm mới để mời gọi những câu thơ ám ảnh tiếp theo: Trĩu vai một gánh sương mù/ Nát tim từng giọt mưa phù vân rơi. 

Nguyễn Tiến Thanh Thơ là định mệnh - báo là định danh
Tưởng chừng, có nhiều lúc với lục bát thơ, Nguyễn Tiến Thanh đã tung hoành ngang dọc như một hiệp sĩ trong phim chưởng với những câu thơ kiểu “hoa bay, tuyết rụng” ngay cả khi anh viết về một đề tài hiện đại như bài thơ “Facebook”: Người về chém gió trên “phây”/ Thì ta tóc xõa ngang mây cuối đèo/ Tháng năm trôi, lá bay vèo/ Post lên mực tím ngập chiều phố xưa... Với những bài thơ lục bát kiểu trên, chất lãng tử - du tử trong thơ Nguyễn Tiến Thanh đã đưa anh vào một cuộc chơi ngôn ngữ của nghệ thuật thi ca. 

Đáng chú ý, trong tập thơ Loạn bút hành của Nguyễn Tiến Thanh có 6 bài thơ viết theo thể thơ văn xuôi, từ Đoản khúc 1 tới Đoản khúc 6 với các tựa đề: Ngủ quên trên vai  hoàng hôn; Giác ngộ trong cơn đói chân trời; Vu vơ; Chốn cũ; Mưa bụi, Ngày hôm qua. Theo tôi, khi viết những đoản khúc này, anh đã dấn thân vào cuộc đời làm báo với những thăng trầm, từng trải, thành công cũng nhiều mà dằn vặt trong tâm hồn cũng không ít. Ở Đoản khúc 1 có tựa đề Ngủ quên trên vai hoàng hôn, anh chợt nhận ra sau những trải nghiệm, phiêu bạt của cuộc đời, các rung động thi sĩ trong tâm hồn mình như cánh đồng sau mùa gặt với những cuống rạ cảm xúc bị cắt sát gốc. Đây là một thử thách lớn đối với các nhà thơ - nhà báo trong thời đại “bão lốc thông tin của các loại hình thời Internet”, nếu như họ không nuôi dưỡng được tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên trong tâm hồn mình thì e rằng thiên chức thi sĩ và khát vọng phụng sự nghệ thuật của họ chỉ còn là những tiếng kêu lạc lõng trên các trang thơ: Sau rất nhiều phiêu bạt/ Mệt mỏi vì rong chơi, vụt hiện và giác ngộ: /Đáy tim mình như cánh đồng sau mùa gặt/ Những cuống rạ cảm xúc bị cắt sát gốc/ Và giấc ngủ như một niềm cứu rỗi... (Ngủ quên trên vai hoàng hôn)

Theo tôi, sau hơn 30 năm cầm bút, với Nguyễn Tiến Thanh, có lẽ “thơ sẽ là định mệnh, còn báo chắc là định danh”. Anh đã có thành công với nhiều dấu ấn khá năng động ở các tờ báo thời đổi mới và  hơn ai hết, anh cũng đã nhận ra sự “thoái trào” nghiệt ngã của báo giấy những tháng năm này khi nhận định: “Ở thời điểm hiện tại, trong hầu hết mọi tòa soạn báo truyền thống, xu hướng dịch chuyển trụ cột từ báo in sang online là tất yếu. Hành động thiên di trong một tâm thế phiêu lưu, tất cả đều không thể cưỡng lại sự mời gọi xanh thẳm quyến rũ và nguy hiểm, chất chứa không ít bí ẩn của một không gian mà chúng ta không hiểu là bầu trời khoáng đạt hay đáy vực mơ hồ mang tên internet. Ở đó, các thủ thuật công nghệ tăng view vừa như một hiểm họa, vừa giống một giấc mơ, thể hiện một quyền năng đáng kinh ngạc đối lập với nội dung báo chí, mọc lên từ sự mê hoặc khó cưỡng lại của các chỉ số truy cập, lưu trang hiển thị từng giây. Nó đòi hỏi các tòa soạn báo chí chọn lấy một thái độ dấn thân: hoặc tập trung đầu tư đội ngũ làm thủ thuật công nghệ, đổi lấy sự hiệu quả bằng một bảng số liệu đẹp, câu view bằng mọi cách để thu tiền từ các nền tảng quảng cáo tự động; hoặc kiên định xây dựng nội dung - giá trị cốt lõi của mọi loại hình truyền thông - để thật sự làm cho báo chí đoạt lại vị trí làm chủ dòng chủ lưu dư luận.”

Qua sự trải lòng nói trên với tư cách nhà báo, ta thấy những trăn trở, dằn vặt của Nguyễn Tiến Thanh đã phần nào khắc họa được chân dung báo chí những tháng năm này. Và, bài thơ Suy tưởng của anh, phải chăng cũng chính là một sự “giác ngộ” của một trái tim thi sĩ:

Những giấc mơ và các vì sao
Đều mọc lên trong đêm 
và đều... huyễn hoặc. 

Trái đất
Bị truyền nhiễm bởi 
các nhà thơ và triết gia 
Vùi đầu vào những giấc mơ
Ngửa mặt ngắm các vì sao 
Quên nhìn xuống đất.

Sớm nay khi tôi thức dậy
Giấc mơ tan biến, 
và các vì sao đã tắt

Chỉ còn bình minh cô độc 
trong nỗi đau rớm máu mặt trời 
Của những tia nắng đầu tiên
Hôm nay có thể một triệu 
người sẽ mất đi hy vọng 
Bởi những lời nói dối về 
những giấc mơ và các vì sao 
Các vì sao không đủ sáng 
để thắp lên minh giác 
Giấc mơ chỉ là một 
tên gọi khác của hư vô

Thế giới đã hết xanh non, 
chỉ còn mộ địa 
Nhưng tôi biết
Tôi còn tin và tôi còn suy tưởng 
Bởi vì
Vẫn có những giấc mơ 
và vẫn có các vì sao.

(Suy tưởng - 2020) 
(0) Bình luận
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Tiến Thanh Thơ là định mệnh - báo là định danh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO