Văn hóa – Di sản

Nguyễn Quý Đức - quan chức, nhà chính trị, ngoại giao toàn tài

Nguyễn Minh Tường 29/11/2023 16:33

Nguyễn Quý Đức (1646-1720), hiệu là Đường Hiên, người làng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây (nay thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội). Ông đỗ Đình nguyên, Đệ nhất giáp, Tiến sĩ cập đệ, Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676) đời vua Lê Hy Tông. Nguyễn Quý Đức làm quan đến Thượng thư Bộ Lại, kiêm Đông các Đại học sĩ, Tham tụng, thăng hàm Thiếu phó, tước Liêm Quận công.

nguyen-quy-duc.jpg
Rước tượng danh nhân Nguyễn Quý Ân về Đại Mỗ Ảnh: XB

Nguyễn Quý Đức ra xuất chính vào thời điểm xã hội Đàng Ngoài của vua Lê, chúa Trịnh đang trên quá trình phục hồi và có chiều hướng phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ tục biên) nhận xét về thời kỳ này như sau: “Vua tuân giữ cơ nghiệp có sẵn của tiên vương, rủ áo khoanh tay mà nước được trị, kỷ cương được chấn hưng, thưởng phạt nghiêm minh, các công khanh phần nhiều đều xứng chức, các quan lại vâng theo pháp luật, dân chúng yên ổn làm ăn...” (Tập I. Bản dịch, 1992)..

Năm Canh Ngọ, Chính Hòa thứ 11 (1690), tháng 5, Nguyễn Quý Đức cùng với Nguyễn Danh Nho được sung làm Chánh sứ sang nhà Thanh tuế cống. Mùa thu, tháng 7 năm Giáp Tuất (1694), ông được thăng làm Tả thị lang Bộ Lễ, vào làm Bồi tụng ở phủ chúa, tước Liêm Đường bá. Mùa đông, tháng 11 năm Ất Hợi (1695), ông được thăng Đô ngự sử. Mùa thu năm Bính Tý (1696), vì xử kiện không đúng, ông bị giáng làm Tả thị lang Bộ Binh, nhưng vẫn giữ chức Bồi tụng.

Mùa đông năm Mậu Dần (1698), Nguyễn Quý Đức được đổi sang làm Tả thị lang Bộ Lại. Năm Mậu Tý (1708), ông được thăng làm Thượng thư Bộ Binh vào làm Tham tụng (Tể tướng) trong phủ chúa, tước Liêm Quận công, gia phong Tá lý công thần, kiêm Đông các Đại học sĩ, bấy giờ ông đã 61 tuổi. Năm Giáp Ngọ (1714), ông được thăng chức Thiếu phó, sau đó lại thăng làm Thiếu bảo. Mùa đông, tháng 10 năm Đinh Dậu (1717), tuổi vừa đến 70, Nguyễn Quý Đức xin về hưu. Sách Đại Việt sử ký tục biên chép về sự kiện này như sau: “Tham tụng Thượng thư Bộ Binh, Thiếu bảo Nguyễn Quý Đức xin trí sĩ. Dâng thư tới ba lần mới được ưng thuận. Chúa gia phong Thái phó Quốc lão tham dự triều chính, ban cho hai bài thơ, rồi ngựa, xe và ruộng lộc điền, ân biển ban tặng rất trọng hậu. Giới tấn thân đều cho là vẻ vang” (Bản dịch, 1991). Thời kỳ làm Tể tướng, ông cấm mọi việc phiền hà, khoan tha cho những người trốn thuế và thiếu thuế, bớt tạp dịch, giúp nhà nông, dân được nhờ ơn nhiều. Nguyễn Quý Đức được người dân thời bấy giờ ca ngợi: Tể tướng Quý Đức, thiên hạ yên tức (Tể tướng Quý Đức, thiên hạ yên vui).

Nguyễn Quý Đức là người nhân hậu và thân dân. Về hưu tại quê nhà, hàng ngày ông dạo chơi quanh vùng, có khi vác cuốc ra đồng cùng nông dân chăm sóc ruộng nương. Cũng có khi ông cùng mấy bạn “thanh khí” đã trí sĩ như Đặng Đình Tướng (Tiến sĩ năm 1670, Thái phó tặng Quốc lão), người Lương Xá; Nguyễn Đương Bao (Tiến sĩ 1673, Thượng thư), người Tây Mỗ cùng nhau xướng họa văn thơ làm vui. Nguyễn Quý Đức đã dành 10 mẫu ruộng được triều đình ban cho để tặng cho dân làng và trích ra 4 mẫu lập chợ Thánh Nguyên, tức chợ Mỗ ngày nay.

Mùa hạ, năm Canh Tý (1720), Nguyễn Quý Đức qua đời, hưởng thọ 73 tuổi. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú nhận xét về Nguyễn Quý Đức như sau: “Ông là người khoan hậu trầm tĩnh. Ngày thường tiếp ai thì dễ dàng, vui vẻ. Khi bàn luận trước mặt chúa, việc gì chưa thỏa đáng, ông cố giữ ý kiến mình bàn đến ba, bốn lần không ai ngăn được. Ông làm văn không cần trau chuốt mà ý sâu. Triều đình có chế tác gì lớn phần nhiều do tay ông thảo. Ông làm Tể tướng 10 năm, về chính sự chuộng khoan hậu. Đám hậu tiến phần nhiều do ông cất nhắc. Việc sửa sang học cung (tức trường Quốc Tử giám - TG), dựng bia Tiến sĩ đều chính mình ông trông coi cho đến lúc xong. Bàn đến ông, ai cũng khen. Triều đình tặng Thái tể, truy phong Đại vương” (Tập I. Bản dịch, 1960).

Sự nghiệp của Nguyễn Quý Đức khá đa dạng và phong phú trải rộng trên các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, giáo dục. Trần Quý Nha trong Công dư tiệp ký tục biên, từng nhận xét về Nguyễn Quý Đức như sau: “Ông lấy tài đức thuyết phục thiên hạ, là một vị Tể tướng hiền lương. Ông dạy mấy nghìn học trò, là một vị tôn sư đời ấy. Văn chương và đức nghiệp của ông không kém cổ nhân”; hoặc lại nói: “Ông dạy ở nhà Thái học 10 năm, ra sức đào tạo sĩ tử, cho nên học trò đông đúc, văn trị hưng thịnh, từ Trung hưng trở lại, đến đời ông là nổi trội hơn cả, những người kế tiếp đều không theo kịp” (Bản dịch, 2001).

Sự nghiệp trước tác của Nguyễn Quý Đức cũng khá rạng rỡ. Về sử học, vào khoảng năm Chính Hòa thứ 18 (1697), ông được vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn cử làm Toản tu quốc sử. Ông đã cùng với Lê Hy biên soạn các sự kiện lịch sử trong khoảng 13 năm, từ đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671) đến đời vua Lê Gia Tông (1672-1675), gọi là Tục biên. Bộ Quốc sử tục biên thực lục hay còn gọi là Tục biên, hoặc Đại Việt sử ký tục biên, do Lê Hy và Nguyễn Quý Đức biên soạn xong năm 1697, chính là quyển XIX, Kỷ nhà Lê trong Đại Việt sử ký toàn thư đang lưu hành qua bản dịch (4 tập) của Viện Sử học, xuất bản năm 1967-1968. Viết sử theo quan điểm của Nguyễn Quý Đức, trước hết là để nêu lên việc làm tốt, việc làm xấu trong đạo trị quốc và đối với việc làm tốt thì phải khen, đối với việc làm xấu thì phải chê, nhằm làm cho hậu thế rút lấy bài học kinh nghiệm lịch sử. Bộ sử do ông biên soạn rất có phương pháp, ghi chép rành mạch và có những lời bàn hết sức nghiêm cẩn, xác đáng. Ngoài ra, ông còn đề tựa sách Việt sử thông khảo.

Về sự nghiệp thơ ca, Nguyễn Quý Đức có các tác phẩm: Thi châu tập, Hoa trình thi tập và 72 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục (Quyển 24, tờ 35 trở đi). Ngoài ra ông còn có một số thơ văn Nôm chép lẫn với thơ văn chữ Hán trong sách Nguyễn Quý thị văn phả, gồm 5 tập, còn giữ tại nhà con cháu ông.

Trong số 72 bài thơ của Nguyễn Quý Đức, có khá nhiều bài rút từ Hoa trình thi tập, đó là những bài thơ ông làm trong lần đi sứ sang Trung Quốc tiến cống năm 1690. Trong lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc dưới thời quân chủ, nếu tính từ đời Trần đến đời Nguyễn, thì có khoảng 60 người đi sứ làm thơ, với hàng trăm thi tập và ngót một vạn bài thơ. Đó là một khối lượng đáng kể trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam. Từ sau đời Lê trung hưng, thơ đi sứ nước ta, có những tập thơ nổi tiếng của Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh, Hồ Sĩ Đống, Lê Quý Đôn... Đánh giá thơ đi sứ từ Lê Trung hưng về sau, danh sĩ Ngô Thì Nhậm trong Lời tựa tập thơ Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích có viết: “Đến như từ Lê Trung hưng về sau, các nhà thơ danh tiếng thấy trong các tập thơ đi sứ. Hoặc thăm chốn thanh u, viếng nơi cổ tích, gặp cảnh mà sinh tình. Hoặc xa cố quốc, nhớ quê nhà, nhân việc mà tỏ ý... Hương thơm có thể nhuần thấm cho đời sau...”. Thơ đi sứ của Nguyễn Quý Đức ghi lại những giây phút êm đềm, những khoảnh khắc xao động trong tâm hồn của vị sứ giả trên các nẻo đường “hoàng hoa”.

Ở đây, tôi xin trích dẫn một bài trong hàng chục bài thơ đi sứ của Nguyễn Quý Đức: bài Bắc sứ thuật hoài (Thuật hoài khi đi sứ phương Bắc). Trong bài thơ này, bên cạnh chất trữ tình, còn toát lên đôi chút lòng tự hào, vẻ hào hùng, khí phách của một vị sứ giả Đại Việt từng dạo gót đi trên sông núi Trung Hoa:

Tráng tuế thao đăng Tướng tướng khoa,

Lạm ưng thịnh tuyển phủ Hoàng hoa.

Mã trì Lĩnh, Kiệu sơn tiêu chướng,

Thuyền độ Giang, Hoài thủy tiếp ba.

Yên Bắc xâm xâm thông Hạ Vũ,

Giao Nam tão tão phán Chu xa.

Quy kỳ hữu hạnh toàn quân mệnh,

Trung hiểu sơ tâm thi mỹ tha.

Tham Tuyền dịch thơ:

Tuổi trẻ tên nêu trước bảng rồng,

Hoàng Hoa thơ vịnh đội ơn chung.

Ngựa lồng Lĩnh Kiệu tan sương núi,

Thuyền vượt Giang Hoài lặng sóng sông.

Yên Bắc cống theo thời Hạ Vũ,

Giao Nam xe hẹn lối công.

Nay tròn quân mệnh mau về nước,

Trung hiếu sau xưa dốc một lòng.

Thơ nói chung và thơ đi sứ nói riêng của Nguyễn Quý Đức là những bài thơ hay trong dòng thơ cổ điển Việt Nam. Thơ đi sứ của ông, ngoài chất trữ tình thấm đượm, nó còn chứa chan lòng yêu cảnh đẹp thiên nhiên, đất nước, gắn liền với lòng yêu quý, lòng tự hào về nền văn hóa dân tộc.

Đức độ và tài năng chính trị của Nguyễn Quý Đức được con và cháu ông tiếp tục duy trì và phát huy. Con ông là Nguyễn Quý Ân (1673-1722) đỗ Hoàng giáp khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), đời vua Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Đề hình, Hữu tư giảng, dạy thế tử Trịnh Giang. Sau khi mất được truy tặng Thượng thư bộ Công, phong Phúc thần, Trung đẳng Đại vương. Cháu là Nguyễn Quý Kính (còn đọc là Cảnh) (1693-1766), cũng làm tới Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại, tước Kính Quận công. Khi mất được tặng Đại Tư đồ, Nghị Trung công, gia phong Phúc thần (Đại Việt sử ký tục biên. Bản dịch, 1991). Hiện nay ở địa phương còn truyền tụng đôi câu đối:

- Đinh giáp nhất môn thiên hạ hữu

(Đứng đầu Khoa giáp trong một nhà, thì thiên hạ xưa nay có nhiều)

- Phúc thần tam diệp thế gian vô

(Còn làm Phúc thần ba đời liên tiếp, thì thế gian chưa từng có)

Ngày nay ba vị Phúc thần: Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân, Nguyễn Quý Kính vẫn được hương khói thờ phụng ở 4 đình làng là Đại Mỗ, An Thái, Phú Thứ, Huyền Phố nằm trên 2 phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm - Hà Nội.

Thời kỳ Nguyễn Quý Đức làm Tri Quốc Tử giám, từ năm 1708 trở đi, đã có nhiều đóng góp trong việc trùng tu, nâng cấp cụm di tích văn hóa lịch sử này. Năm 1716, ông đứng ra sửa chữa Quốc Tử giám với quy mô mới: xây dựng Đại Thành điện và hai dãy Tả vu, Hữu vu, trong 3 năm. Triều đình chỉ cấp có 1.000 quan tiền, ông phải dùng tiền nhà và đi quyên tiền để dựng nhà giữa và hai bên giải vũ.

Năm 1717, Nguyễn Quý Đức lại đứng ra trông coi việc dựng 20 tấm bia Tiến sĩ, ghi tên những người đỗ Tiến sĩ trong 20 khoa, từ khoa 1656 đến khoa 1715. Hiện nay, ở Văn Miếu - Hà Nội, còn nhiều tấm bia Tiến sĩ ghi tên ông đứng nhuận sắc những bài văn bia do Bùi Sĩ Tiêm, Dương Bật Trạc, Nguyễn Nham, Nguyễn Kiều, Nguyễn Quý Ân viết.

Tại Đại Mỗ quê hương Nguyễn Quý Đức hiện còn giữ bức tranh vẽ chân dung ông. Nhà vuông “Lạc Thọ đình” do ông xây trong quê, trồng cây tùng, cây bách chạy quanh làm chỗ họp vui chơi của các bậc phụ lão xưa, nay đã mất, nhưng biển Lạc Thọ đình đề tên ngôi nhà ấy vẫn còn giữ được. Như vậy có thể nói, hồn thiêng của Nguyễn Quý Đức vẫn còn hiển hiện để chứng giám và phù hộ cho người dân quê hương ông trong công cuộc đổi mới hiện nay./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Tô Hiến Thành – nhà chính trị tài năng
    Chính sử chép rằng Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng giêng và mất năm Kỷ Hợi 1179, đời vua Lý Cao Tông, nhưng không ghi rõ năm sinh. Lịch sử có điều khiếm khuyết như vậy (Tháng 7 năm 1997 tại cuộc hội thảo lớn về thân thế, sự nghiệp của Tô Hiến Thành, có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện các nơi thờ cúng cụ Tô, đại diện các chi hệ dòng họ cụ Tô tham dự. Hội nghị đã tham khảo nhiều bản thần tích, tộc phả và đã tìm ra ngày tháng năm sinh Tô Hiến Thành là ngày 22 tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1102, triều Lý Thần Tông)...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nơi “nuôi dưỡng” niềm tự hào dân tộc
    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã từng đi nhiều nơi và đã có rất nhiều địa điểm in dấu chân Người, gắn liền với sự kiện quan trọng của dân tộc. Một trong số đó là ngày 3/12/1946, Bác Hồ về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để chuẩn bị rút lên chiến khu. Tại ngôi nhà này, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến toàn thể quốc dân, đồng bào, kêu gọi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Hà Nội phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn rộng hơn 1.400ha
    Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký Quyết định số 6396/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 3, tỷ lệ 1/2000 tại các xã Phù Linh, Tiên Dược, Tân Minh, Xuân Giang, Đức Hoà, Đồng Xuân, Kim Lũ và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
  • Nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Mũi Cà Mau năm 2025
    Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh với chiều dài gần 170km vào năm 2025 nhằm cơ bản nối thông từ Cao Bằng đến Cà Mau.
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Quý Đức - quan chức, nhà chính trị, ngoại giao toàn tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO