Nguyễn Bính: Người lưu giữ hồn quê

Vũ Quần Phương| 11/09/2019 13:03

Năm 1940, khi Nguyễn Bính xuất bản hai tập thơ đầu Lỡ bước sang ngang và Tâm hồn tôi thì phong trào Thơ mới đã có tới tám năm phát triển với một đội ngũ thi sĩ đang được công chúng mến mộ như: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương...

Nguyễn Bính: Người lưu giữ hồn quê

Năm 1940, khi Nguyễn Bính xuất bản hai tập thơ đầu Lỡ bước sang ngang và Tâm hồn tôi thì phong trào Thơ mới đã có tới tám năm phát triển với một đội ngũ thi sĩ đang được công chúng mến mộ như: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương... Hầu hết các nhà thơ này đều chịu ảnh hưởng đậm hoặc nhạt của thơ Tây Âu, chủ yếu là thơ Pháp. Độc giả của họ là dân thành thị, trí thức, thanh niên học sinh. Nguyễn Bính khác hẳn, ông không chịu ảnh hưởng thơ châu Âu. Giọng thơ ông thuần chất Việt Nam. Hồn thơ ông gắn với những gì cố cựu của làng mạc quê hương. Người đọc ông không chỉ ở thành thị mà còn ở thôn quê. Những người ít học, thậm chí chưa biết chữ, cũng thuộc thơ ông. Cái gì đã làm nên sức phổ cập đó? Trước hết có lẽ là cái chất tâm hồn thấm đẫm hương vị làng xóm Việt Nam. 

Nguyễn Bính không tả thực hay tường thuật phong tục nông thôn. Ông không bận tâm lắm với những chi tiết đang là hiện thực của làng mạc đương thời như: Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ... Ông không dựng cảnh bằng quan sát. Ông dựng cảnh bằng tâm hồn. Mà hồn ông thì nhập vào dĩ vãng. Một dĩ vãng thơ mộng kì ảo, nương tựa vào sức gợi, vào tưởng tượng. Cái ánh trăng vốn có trong đời, người ta đã quen thấy, vào thơ Nguyễn Bính, nó rộng xa, mờ ảo, và gợi nhớ lạ lùng về một thời nảo thời nào từ trong ký ức:

Sáng giăng chia nửa vườn chè 
Một gian nhà nhỏ đi về có nhau
                      (Thời trước)

Trăng vàng đầy ngõ gió mênh mông
                      (Hoa với rượu)

Đó là thứ phong cảnh phiếm định, không đặc thù, không cận cảnh, nhưng chính thế mà thuộc về những gì cố hữu xa xưa ở mọi thời, mọi nơi của làng mạc nước mình, tiềm ẩn trong phần sâu thẳm nhất của mỗi tâm hồn người dân Việt. Thơ Nguyễn Bính luôn luôn tìm được sức cộng hưởng của hồn người là vậy.

Cảnh, nhưng quan trọng hơn là cái hồn của cảnh. Nguyễn Bính có biệt tài, chỉ vài ba chi tiết bình dị ông đã dựng nên hồn vía của làng mạc ruộng đồng. Đặt cái bình dị này bên cái bình dị khác, bên cái bình dị khác nữa bỗng thành kì ảo, lay động được vào phần sâu thẳm của hồn người. Đó là nét đặc sắc của tâm hồn, thể hiện vào bút pháp. Người viết không định mà thành. Người khác muốn học lại không được. Tâm hồn hoài cổ, bút pháp có tài phục cổ, cái nhìn của Nguyễn Bính là cái nhìn tâm tưởng. Ông thấy những điều mà mắt không thấy được. Chất thơ Nguyễn Bính bắt đầu từ đấy. Ông mang hồn mộng phổ vào cảnh thực. Thơ thôn quê của Nguyễn Bính phần mộng lấn át phần thực. Làng mạc, vườn tược và những mối tình quê e ấp giữa cảnh giời cao gió cả thường đẹp như trong cổ tích. Xã hội thanh bình “trai hiền bạn với gái đồng trinh”, con người hòa hợp với thiên nhiên, và thiên nhiên thì trong trẻo nguyên sơ:

Nhà ta ở dưới gốc cây dương 
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương.
                         (Cô hái mơ)

Trong trẻo nguyên sơ từ trong triều:
Một đôi công chúa đều hay chữ
Hoàng hậu nhu mì không biết ghen
                    (Xóm Ngự Viên)

Đến ngoài nội:
Rượu cất kì ngon men ủ khéo
Say người thiên hạ lại say nhau
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu.
                              (Hoa với rượu)

Nông thôn trong thơ Nguyễn Bính là một nông thôn của kỉ niệm, một cái ngày xưa, một thứ thời trước. Kí ức đã tự sàng lọc, chỉ những nét gợi cảm mới được giữ lại và thành thơ. Trong thực tại, ngay ở thời Nguyễn Bính, cái nông thôn ấy, những thôn Đoài, thôn Đông, mùa cốm mùa hồng, hoa bưởi hoa xoan, khung cửi nương dâu… có lẽ cũng chỉ còn dấu vết, và hồn vía của nó thì đã vào xa thẳm lắm rồi. Đọc Nguyễn Bính là một cách tìm vào nỗi nhớ. Bao giờ cũng bâng khuâng thấm thía, trong lòng ngân nga một nỗi buồn lặng và trong. 

Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính là thứ tình yêu mang vị làng và đẫm tâm hồn Việt, ngỡ như nó đi thẳng từ ca dao vô danh mà vào văn chương tác giả. Trước Nguyễn Bính, ở các tác giả cổ điển, thơ tình trai gái vốn hiếm, cùng thời với Nguyễn Bính thì tình thơ lại Âu hóa, thành thị hóa mất rồi.

Ở giai đoạn 1930 - 1936, khi chất thơ thôn quê đậm đà nhất trong tâm hồn thơ Nguyễn Bính, thì những bài thơ tình của ông đều viết về mối tình của người ta, của trai làng, gái làng. Ông rất thuộc tâm lí lớp người này. Những nét tâm lí như ngưng đọng từ thủa xưa nào, như đã thuộc về cõi hồn cố cựu của quê hương:

 Hội làng còn một đêm nay
Gặp em còn một lần này nữa thôi
Phường chèo đóng Nhị Độ Mai
Sao em lại đứng với người đi xem.
                           (Đêm cuối cùng)

Bài thơ Mưa xuân có thể coi như một điển hình cho những mối tình quê lặng lẽ và thấm thía ấy. Cô gái dệt cửi "Lòng trẻ còn nguyên cây lụa trắng”, bồn chồn với những cuộc hẹn hò trong đêm hội làng. Sự nhớ thương, nỗi khát vọng không cào xé, chát đắng nhưng lại nhiều ngậm ngùi, buồn tủi. Một thiên nhiên mưa bụi hoa xoan, một không gian thôn Đoài làng Đặng, có dải đê xa, có đám hát chèo... Cảnh ấy, tình ấy như đã có sẵn trong người dân đồng bằng Bắc Bộ. Thơ Nguyễn Bính làm nó thức dậy. Người đọc như được sống lại một thời xa và đẹp:

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay
từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem
Nhiều khi Nguyễn Bính chỉ cất giọng lên, chưa xét đến tình ý nội dung gì, chỉ riêng cái hơi thở của ngôn ngữ đã gợi bóng dáng hồn quê dân dã:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong 
một người.
 (Tương tư)

Trong bốn câu này, chữ nào cũng bình thường mà nối vào nhau lại thành kinh ngạc:
Hôm nay dưới bến xuôi đò 
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, 
cánh buồm...
                              (Không đề)

Tạng tâm hồn Nguyễn Bính là tạng buồn thương. Nhìn vào đâu ông cũng đọc ra cái khía cạnh li tán, xót thương, dâu bể. Ngôi trường huyện ngày xưa đổi kiểu, có thể vui, hay ít nhất cũng không buồn, nhưng ông đã chạnh lòng giữ mối tình lá sen tơ tuổi học trò mà buồn não nuột. Mẹ đưa con về nhà chồng mà sâu thẳm xót thương như đưa con đi cải tạo:
Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi
Con ạ đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.
                                    (Lòng mẹ)

Nguyễn Bính có tài (tài thành tật) là hay đụng vào chỗ lòng người dễ đau nhất. Người mẹ đi bước nữa, dặn dò con lại chọn những lời này:
Chúng con coi mẹ có như không
Khuya rồi đấy nhỉ con đi ngủ
Gió bấc đêm nay lạnh ngập phòng
(Bước đi bước nữa)

Cơn gió bấc ấy là tự lòng tác giả thổi thêm vào cái cuộc đời vốn đã không ấm áp.

Nét mới ở giai đoạn sau này còn là mạch cảm xúc cô đơn bi phẫn. Kiểu sống bằng mộng tưởng, hương đồng gió nội, không chống chọi nổi thực tế phũ phàng nơi thành thị. Ông thành người bất đắc chí. Tập thơ Mười hai bến nước (1942) cho thấy nhiều bế tắc, bi phẫn. Giọng thơ không còn mượt mà thư thái thuở thôn Đoài thôn Đông mà gay gắt, ngao ngán. Những ngày mưa Huế, lúc mà “Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây”, ông cùng người bạn lẻ:

Tỉ tê gợi tới niềm tâm sự
Cúi mặt soi gương chén rượu đầy
Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ
Đôi lòng hòa một vị chua cay
Đứa thương cha yếu, thằng thương mẹ
Cha mẹ chiều chiều, con nước mây.
                 (Giời mưa ở Huế)

Nhiều lần nhà thơ đã tuyên bố “Giày cỏ gươm cùn ta đi đây”. Nghe thì oai, nhưng giày ấy, gươm ấy, đi đâu? Lắng nghe trong giọng thơ tráng sĩ hề ấy có gì như sân khấu hát bội. Nó là hệ quả tất yếu của lãng mạn cõi thơ đụng vào hiện thực cõi đời, ở tạng tâm hồn Nguyễn Bính khi ấy:

Ta đi nhưng biết về đâu chứ
Đã đẩy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
                       (Hành phương Nam)

Tình cảnh thê thảm quá! Cả một cơn say tráng sĩ cũng không che được cái phận ăn mày giữa chợ, thế nhân ơi!
Tháng 8/1945, Nguyễn Bính tham gia cách mạng ở Cần Thơ. Thơ ông bắt đầu một thay đổi lớn. Bước đổi thay này vốn không dễ dàng đối với các nhà thơ lãng mạn. Với Nguyễn Bính, kẻ nặng căn mơ mộng phóng túng, lắm buồn thương và đầy bi phẫn ấy, lại càng khó. Chín năm kháng chiến chống Pháp ông chỉ có một tập thơ mỏng Đồng Tháp Mười, cho thấy nỗ lực nhưng chưa thấy thành công.

Thời kì đấu tranh thống nhất, hiện thực đất nước cắt chia với những nỗi lòng chờ đợi, những mối tình son sắt phần nào hợp với tạng cảm xúc Nguyễn Bính. Hơn nữa, là một người tập kết, Nguyễn Bính thấm thía nỗi đau chia cắt chính trên hoàn cảnh gia đình ông.
Thương con lại nhớ lời chồng
Lấy thân làm bức thành đồng che con
                              (Trưa hè)

Bài Chiều thu viết năm 1959, lấy lại nhiều tinh hoa của bút pháp Nguyễn Bính trước kia. Thiên nhiên tươi trẻ, tinh khôi “Trái na mở mắt nhìn ngơ ngác” và “Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín”. Nguyễn Bính nhất có lẽ là:

Đường mòn rộn bước chân về chợ
Vú sữa đầy căng mặt yếm sồi
Thời ấy, ở nông thôn miền Bắc cũng đã ít người mặc yếm, mà yếm sồi thì càng hiếm. Nhưng tạng cảm xúc của Nguyễn Bính là vậy, ông quen hướng về những nét xưa, nên đã “bắt” các bà nông dân miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa mặc là yếm sồi. Bài thơ dài Xây nhà máy nói rất ít về nhà máy, cảm xúc thơ hướng về đồng đất quê hương, cái nền để xây nhà máy. Câu thơ khơi gợi nhất là câu thơ tả trăng trên bến đò. Bến đò, trăng vốn là chất liệu quen của Nguyễn Bính tự xa xưa:

Bến đò ai quạt thơm ngô nướng
Mái mái chèo khua rối bóng trăng

Phong cách giầu bản năng, phóng túng, tài hoa vốn là một thế mạnh của Nguyễn Bính thời trước, giờ đây, trong khuynh hướng tăng phẩm chất chính trị, chính luận cho thơ, lại thành một trở ngại. So với Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh... thơ Nguyễn Bính phát triển hơi chậm, cảm xúc còn nhiều lúng túng ở bên trong. Tự mình gò mình lại. Tội lắm. Tập Đêm sao sáng (1962) vừa báo hiệu sự chín trở lại thì ông tạ thế. Tạ thế vào một ngày áp Tết “Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”.

Cuộc sống càng xuôi về hiện đại, càng hòa hợp vào thế giới rộng lớn, thơ Nguyễn Bính càng được tìm đọc, như một nhu cầu trở về cội nguồn, càng được quý yêu gìn giữ như một di sản tâm hồn của người Việt chúng ta.
(0) Bình luận
  • Phở Đệ Nhất Thanh - Truyện ngắn của Huỳnh Trọng Khang
    Con vàng anh yếm cam nghiêng đầu rỉa cánh. Trong ánh nhập nhoạng của ngày vừa vào sáng, nhúm lông vũ bé bỏng như đốm lửa hoang dã bập bùng trong chiếc lồng treo trước nhà chú Xè.
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Đại úy Rosalie”: Câu chuyện chiến tranh đầy cảm xúc từ góc nhìn trẻ thơ
    Crabit Kidbooks phối hợp với Nhà xuất bản Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách thiếu nhi “Đại úy Rosalie” – tác phẩm mới nhất của nhà văn, nhà soạn kịch người Pháp Timothée de Fombelle. Sách dày 72 trang, được minh họa bởi họa sĩ Isabelle Arsenault, do dịch giả Bùi Kim Ngân chuyển ngữ.
  • Cầu Long Biên bắc qua miền yêu thương
    Có đôi lúc tôi nghĩ, con người ta phải sống bao nhiêu cuộc đời mới đi hết được chiều dài thời gian, mới hiểu và cảm nhận đầy đủ lịch sử của cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, một cây cầu chạm vào ba thế kỷ. Cầu giống như con rồng khổng lồ uốn lượn trên cao với từng lớp vẩy thép đan xen, ngày đêm lặng lẽ bảo vệ người dân qua lại nơi dòng nước chảy xiết. Cây cầu ấy mang tên Long Biên, cây cầu bắc qua miền yêu thương.
  • Trưng bày “Bút sắc, lòng son”: Tái hiện tinh thần, khí phách của người chiến sĩ cộng sản
    Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức. Trưng bày diễn ra đến hết ngày 31/8/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
  • Hà Nội: Lấy ý kiến đại diện văn nghệ sĩ, trí thức góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố
    Sáng 18/7, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại diện chức sắc, tô giáo, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, bí thư đảng uỷ, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Thành phố vào dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 2025-2030.
  • Phường Thanh Liệt: Khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho 360 người có công
    Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), ngày 17/7, UBND phường Thanh Liệt phối hợp với Viện Y học Cổ truyền Quân đội và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức chương trình khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hoá học trên địa bàn.
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Bính: Người lưu giữ hồn quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO