Người ở quê ra...

nhipsonghanoi| 19/08/2020 11:17

Cô hàng xôi ấy tầm trong ngoài ba mươi. Chỗ cô ngồi là góc phố, xế cửa một công sở trên đường Lê Trọng Tấn, trục đường chính của khu dân cư phía nam thành phố. Cứ mỗi sáng tầm 6h, khi tôi đạp xe thể dục về đến đấy, là cô đã dọn hàng. Một gánh hàng khiêm tốn gồm một thúng ủ các loại xôi, thêm vài món quà quê khác.

Người ở quê ra...

Người ở quê ra...

Thế mà cũng khá đông khách. Có lẽ bởi đó là những món quà sáng vừa tiện, vừa lành mà lại phù hợp với túi tiền giới bình dân. Một bà mẹ trẻ đèo con, đỗ lại, mua cho cô bé gói xôi, lát tranh thủ ăn trước giờ vào lớp. Một chị mặc đồ công sở, ghé mua gói xôi chỉ 5 ngàn, xinh xinh như thức đồ hàng của trẻ nhỏ, ý như để giữ eo.

Lại có hôm, một chiếc xe hơi dừng lại, mua một lúc năm bảy suất, chắc đi công tác đâu đó, cả đoàn ăn trên xe, đỡ ghé hàng quán kích rích mà lại chẳng an tâm…

Mà chỉ một gánh hàng nhỏ, cũng đủ cho mọi người đổi vị. Xôi lúa, xôi xéo rắc đỗ vàng ươm, rưới tí hành phi thơm nức. Xôi lạc, xôi đậu chấm muối vừng thơm ngậy. Ngán của nếp, sẵn có những nắm cơm nắm nấu gạo mới, thơm dẻo, mịn màng, chấm muối vừng hay ruốc mặn tùy khách lựa chọn.

Hỏi chuyện, biết cô hàng quê mãi Văn Lâm, Hưng Yên. Vậy là mỗi ngày cô đi về tới sáu chục cây số để bán hàng. Tầm non buổi, hết hàng cô lại về lo cơm nước, con cái, lợn gà. Buổi chiều làm hàng để sớm sau lại bắt đầu buổi mưu sinh mới.

Người ở quê ra...

Bận rộn, lam làm, nhưng kể chuyện với tôi cô vẫn vui vẻ, mắt cười lấp lánh. Có vẻ như cô bằng lòng về cuộc sống mình đang có, với một gia đình nho nhỏ. Vợ bán hàng, chồng làm nghề xây dựng, chắt chiu, đầm ấm.

Những cô hàng như vậy ở Hà Nội không ít. Hầu như mỗi góc phố, con đường đều có những cô hàng xôi. Gần thì họ đến từ Tương Mai, Phú Thượng. Xa thì Thường Tín, Văn Lâm. Tất cả hao hao ở cái dáng lam làm, tần tảo. Và không chỉ có xôi. Những bà, những cô đến từ các vùng quê ấy bán nhiều thức, từ xôi, bánh, bún, đậu… đến rau, hoa, củ, quả. Mùa nào thức ấy, những thứ quà, thường là do chính tay họ làm ra, lấy công làm lãi, thảy đều ngon lành, sạch sẽ.

Những cô hàng ấy, gây nhớ cho khách, nhất là các bà nội trợ bằng cái vẻ chân chất, thực thà của họ. Đôi khi mấy mớ rau, chục quả trứng gà ta, mẻ cà vườn nhà… dành riêng làm các bà hài lòng. Ngay cả cách gói xôi của các cô cũng tạo điều thú vị nho nhỏ với những vị khách kỹ tính. Ngày hè, khi gói xôi lúa, xôi xéo cho khách, các cô thường lót mảnh lá sen, một sự lựa chọn tinh tế. Xôi lạc, xôi đậu thì đã có mảnh lá dong xanh mướt… 

Người ở quê ra...

Nhắc đến những cô hàng xôi, một kỷ niệm tuổi thơ lại ùa về. Quãng đầu những năm 60 của thế kỷ trước, ngay đầu ngõ nhà tôi ở phố Nguyễn Công Trứ, có một bà cụ ngồi bán xôi. Bà gốc người làng Tương Mai, một làng ven đô nổi tiếng về nghề nấu xôi. Mỗi sáng, tôi thường được mẹ cho tờ một hào màu đỏ, ra mua xôi ăn sáng.

Đến nay, hơn 60 năm đã qua, tôi vẫn không quên gương mặt phúc hậu, mái tóc bạc, đặc biệt là món xôi lúa ngon lành của bà. Tôi thích xem bà đơm xôi, dùng con dao mỏng sắt những lát đỗ xanh mỏng mảnh phủ lên trên và cuối cùng là một lượt hành phi vàng rụm. Chỉ trông đã vô cùng ngon mắt.

Cũng nhờ bán xôi mỗi sáng, bà mua được mảnh đất trong ngõ nhà tôi, dựng nếp nhà gỗ và cùng cụ ông nuôi 5-6 người con học hành, phương trưởng.

Mấy bữa nay, đạp xe qua quãng phố quen như thấy thiêu thiếu chút gì. Thì ra đang mùa dịch, cô hàng xôi tạm nghỉ. Có vẻ như những cô bán xôi, bán rau, những người từ quê lên… đã là một phần không thể thiếu trong dòng chảy cuộc sống của Hà Nội hôm nay.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Người ở quê ra...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO