Đúng vậy, ông không chỉ là nhà báo, đạo diễn điện ảnh tài liệu, NSND, tác giả của hơn 20 bộ phim trong đó có bộ phim tài liệu kinh điển của điện ảnh Việt Nam - “Chuyện tử tế” mà còn là một người Hà Nội tử tế.
1 Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy sinh năm 1940 tại Nam Định. Tháng 8/1965, ông trúng tuyển lớp Quay phim khóa Chống Mỹ cứu nước của trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Mới học được nửa chương trình, vào tháng 8/1966, ông khoác ba lô lên đường ra mặt trận với tư cách là phóng viên quay phim tại chiến trường khu Năm Quảng - Đà. Trong những năm tháng chiến tranh, trải qua đói khát, bệnh tật, “từ một người 70kg chỉ còn 40kg, từng sống 17 ngày không có hạt cơm nào vào bụng, tận tay chôn cất không biết bao nhiêu người” ấy ông đã quay rất nhiều tư liệu để sau đó hoàn thành bộ phim đầu tay “Những người dân quê tôi” (1968). Bộ phim kể về “sự chịu đựng đến vô cùng, vượt lên hoàn cảnh đến không tưởng của những người dân ở đó: một nhà sư mất chùa, một đứa bé mồ côi, một cô thôn nữ bất hạnh, một ông giáo làng, một bà mẹ mất sạch con cái…”. Đó là những câu chuyện, những số phận mà ông đã chứng kiến tại Đại Lộc, Hòa Vang, Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Hội An... thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng. “Những người dân quê tôi” đã giành giải Bồ câu Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, Đức tổ chức năm 1970 và giành giải Bông sen Bạc, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 (năm 1973).
Tháng 8/1970, Trần Văn Thủy trở về công tác tại trường Điện ảnh Việt Nam và hai năm sau ông sang Liên Xô (cũ) theo học Khoa Đạo diễn, Trường Đại học Điện ảnh Matxcơva. Trong những ngày tháng sinh viên ấy, Trần Văn Thủy đã thực hiện bộ phim “Nơi chúng tôi đã sống” và giành giải thưởng Hoa cẩm chướng đỏ tại Liên hoan phim Trường Đại học Điện ảnh Matxcơva năm 1975.
Trở lại quê hương năm 1977, ông về làm việc tại Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương (nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung Ương). Từ đây, sự nghiệp điện ảnh của Trần Văn Thủy nở rộ với nhiều bộ phim gây được tiếng vang cũng như có những cột mốc quan trọng gắn liền với cuộc đời của nhà làm phim cá tính và sắc sảo. Năm 1980, ông giành giải thưởng Bông sen Bạc và giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V với bộ phim “Phản bội” nói về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung. Sau thành công vang dội của bộ phim tài liệu đen trắng được đánh giá là dài nhất, hấp dẫn nhất về thể loại chính luận thời sự này, Trần Văn Thủy chưa biết làm gì tiếp theo. “Cả năm 1981, tôi ngồi chơi. Sang năm 1982, thôi thì kiếm một kịch bản làm đại đi cho xong. Khi đó tôi đọc kịch bản của một đạo diễn trong Hãng phim có tên “Hà Nội năm cửa ô” viết nhằm quảng bá du lịch Hà Nội mà Hà Nội thời kì đó người ăn xin đầy đường… Vậy làm du lịch kiểu gì? Tôi vào Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội đọc sách để tìm một Hà Nội khác, một Hà Nội tâm linh với những cách thức trị nước yên dân do tiền nhân để lại. Và những điều đó khiến tôi, từ chỗ bị ám ảnh, lôi cuốn đến ngỡ ngàng, nhận ra từ trước đến nay mình chẳng hiểu gì về Hà Nội cả. Tôi cũng không biết được rằng cha ông ta đã dày công như thế nào, đã hoài vọng như thế nào đối với hậu thế và “Hà Nội trong mắt ai” ra đời. Đó là Hà Nội tư tưởng, Hà Nội cho cách thức trị nước yên dân”, NSND Trần Văn Thủy bộc bạch.
2 Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam nói chung và điện ảnh tài liệu nói riêng, Trần Văn Thủy là một nhà làm phim đặc biệt. Tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, bộc trực thẳng thắn… đã dẫn tới việc rất nhiều bộ phim của ông có số phận long đong trước khi được ghi nhận là những tác phẩm điện ảnh giá trị. “Hà Nội trong mắt ai” là một trong số đó. Bộ phim làm ra vấp phải những ý kiến trái chiều và từng bị cấm chiếu. Mãi đến 6 năm sau, khi những khúc mắc được giải đáp, những tổn thương, uất ức dồn nén được chữa lành, “Hà Nội trong mắt ai” đã giành giải Bông sen Vàng và các giải Đạo diễn xuất sắc, Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VIII năm 1988. Với Trần Văn Thủy, những giải thưởng ấy không chỉ lấy lại danh dự, niềm tin, ghi nhận tài năng và cống hiến của ông mà ý nghĩa hơn cả là bộ phim tự do đến với công chúng đúng như sứ mệnh mà nó được sinh ra. Có một chuyện khá thú vị là khi Trần Văn Thủy và những người ủng hộ “Hà Nội trong mắt ai” đang trong tình trạng “tơi bời khói lửa” thì đầu năm 1985, ông cho ra đời bộ phim, “Chuyện tử tế”. Kết quả phim này cũng bị… “đắp chiếu”. Đạo diễn Trần Văn Thủy kể lại chuyện cũ rồi ông nói với tôi: “Chuyện này ai cũng biết rồi, tôi thực sự không thích nhắc lại”. Tôi không rõ ông đang vui hay buồn. Cuộc sống, xã hội cũng như phim ảnh, không bao giờ là đơn giản. Nó cần có sự phức tạp nhất định để mang lại một giá trị nhất định. Như “Hà Nội trong mắt ai”, như “Chuyện tử tế” - hai bộ phim được làm cách đây 40 năm nhưng vẫn mang tính thời sự, vẫn là câu chuyện của Hà Nội hôm nay, thậm chí của muôn đời sau bởi tự thân chúng đã chắt lọc được những tinh hoa, hồn cốt của đất và người Hà Nội.
3. Đạo diễn Trần Văn Thủy kể, trước khi vào hoạt động tại chiến trường khu 5, ông đã có 7 năm ở Tây Bắc, thường ăn ngô ăn sắn và “sống cuộc đời không có thanh xuân”. Nhưng nhờ những năm tháng trui rèn đó, đến nay đã ở tuổi ngoài 80, ông vẫn đầy nhiệt huyết. Ông khoe vừa đi các nước châu Âu: Bỉ, Áo, Pháp… trong một tháng cùng đoàn làm phim của Đài Truyền hình Việt Nam với tư cách là người kết nối và đang làm một bộ phim khác, quay ở Hà Tĩnh. Nói về Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vừa được trao tặng vào tháng 10/2022, đạo diễn Trần Văn Thủy không quên nhắc tới “người bạn vong niên” của mình đó là họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông kể hai người làm bạn với với nhau từ những năm 1982 - 1983. Khi bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” gặp khó, họa sĩ Bùi Xuân Phái - một trong những nhân vật của bộ phim lúc đó đã nói với ông có phải vì “dây vào tớ” mà phim đó “bị đổ” không nhưng Trần Văn Thủy phủ nhận. Ông bảo mình luôn dành cho Bùi Xuân Phái những tình cảm trìu mến tốt đẹp. “Tôi còn nhớ như in hôm rủ ông ấy ra khỏi nhà với đằng sau xe là lỉnh kỉnh đồ nghề, giá vẽ. Chao ôi, cái hình ảnh đó rất hợp với “vẻ đẹp liêu xiêu của Hà Nội” mà trước Bùi Xuân Phái, không ai nhận thấy được. Trong mắt Bùi Xuân Phái, hồ Gươm là lẵng hoa giữa lòng thành phố, và chỉ có ông ấy nhìn ra vẻ đẹp đó của Hà Nội mà thôi”.
Có thể đạo diễn Trần Văn Thủy đọc bài viết này sẽ thấy người viết chưa đáp ứng mong muốn tìm được “cái tứ mới” về ông, như ngày xưa ông đã đau đáu đi để rồi đổi “Hà Nội năm cửa ô” như nó vốn thế thành “Hà Nội trong mắt ai” đa chiều đa sắc. Nhưng tôi muốn ông đón nhận nó như một lời tri ân của thế hệ người Hà Nội hôm nay với một người Hà Nội tử tế, là ông - một người yêu Hà Nội bằng trái tim của người cả đời sống ở Hà Nội, sống vì Hà Nội. Mà đã là tình yêu thì có bao giờ xưa cũ!