Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn: “Trả nợ” Hà Nội với “Đào, Phở, Piano”

Vân Thảo thực hiện| 14/12/2022 08:49

“Làm một bộ phim về Hà Nội là cách tôi chọn để trả món nợ ân tình với mảnh đất mà tôi đã sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời” - đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn nói về lí do thực hiện bộ phim truyện “Đào, Phở, Piano” được anh ấp ủ kịch bản hơn 10 năm qua, dự kiến bấm máy vào tháng 12 tới.

dao-dien-phi-tien-son(1).jpg
Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn.

PV: Anh có thể giới thiệu đôi chút về bộ phim tâm huyết này của mình?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn:
“Đào, Phở, Piano” nói về cuộc chiến đấu của người dân Hà Nội trong 60 ngày đêm, từ 19/12/1946 đến 17/2/1947. Nếu đọc lịch sử, chúng ta biết, đó là cuộc chiến rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, không chỉ mở màn cho toàn quốc kháng chiến mà còn chưa từng xảy ra trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Trước đây, Hà Nội từng nhiều lần mở toang cánh cửa cho địch vào, sau đó chiếm lại, nhưng với trận đánh này, Hà Nội đã phản công mạnh mẽ, chống lại đội quân thiện chiến được trang bị vũ khí hiện đại như xe tăng, máy bay… Đáng nói là lực lượng của ta lúc này chỉ có người dân Hà Nội là chính và chiến đấu theo kiểu tay bo - dàn trận đánh nhau. Họ là những người lao động, văn nghệ sĩ, thợ thủ công, người buôn bán tham gia vào cuộc chiến đấu. Một vài người có điều kiện mua được các khẩu súng với rất ít đạn, còn lại chủ yếu dùng vũ khí thô sơ như dao, mác… Tất cả họ đều yêu thành phố này bằng một tình yêu thuần khiết dù mỗi người có một cách bày tỏ tình yêu khác nhau. Và vì yêu mảnh đất này nên họ đồng lòng bảo vệ nó, không vì lí tưởng cao siêu gì. Cho nên, bộ phim sẽ không nói về lòng dũng cảm mà nói về chất Hà Nội, tinh thần Hà Nội, tình yêu Hà Nội của người Hà Nội.

tet-xua-va-nay-6-1.jpg
Chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội) Tết Bính Thân 1956. Ảnh: TTXVN


PV:
Vì sao anh lại chọn câu chuyện Hà Nội vào thập niên 1940? Có phải anh muốn tìm lại không gian, hồn cốt của đất và người Hà Nội xưa?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn:
Trong hơn 70 năm qua, Thành phố Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Có những sự thay đổi theo chiều hướng tốt nhưng cũng có những thay đổi đem đến sự mất mát nuối tiếc. Cho nên tôi muốn làm một bộ phim về Hà Nội những năm 1940 trước khi chúng ta không còn cơ hội làm được nữa.

Thêm nữa, tôi nhìn thấy trong cuộc chiến 60 ngày đêm đó, phẩm chất người Hà Nội được thể hiện nổi bật, đậm nét. Các nhân vật chính trong phim như cô tiểu thư Hà Nội, ông họa sĩ già, vị cha xứ, cậu bé đánh giày, người bán phở, ông Tây học nhà..., mỗi một nhân vật có xuất thân, tính cách khác nhau và có cách hành xử khác nhau. Trong bối cảnh đặc biệt của bộ phim này, họ là những người còn sót lại trong đêm cuối cùng mà quân ta đã rút ra ngoài. Bằng mọi giá, họ cố gắng tranh thủ thời gian tận hiến tình yêu của mình cho mảnh đất Hà Nội mà họ gắn bó như máu thịt, dù ngày mai họ có thể chết. Sự khốc liệt và lãng mạn được thể hiện ở đó.

Phim dự kiến sẽ bấm máy vào tháng 12/2022, trong tiết trời mùa đông để phù hợp với bối cảnh lịch sử. Ngoài ra, vào mùa đông, trời hanh khô, cây cối xác xơ, Hà Nội cũng đậm chất Hà Nội hơn.


PV:
Thực hiện một bộ phim với bối cảnh đã lùi xa hơn 70 năm so với hiện tại thực sự là một thử thách lớn. Anh có sự chuẩn bị như thế nào để tái hiện một khung cảnh Hà Nội thật nhất, một không khí Hà Nội đúng nhất ở giai đoạn đó?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn:
Bối cảnh chính của câu chuyện phim là một con phố cổ với những ngôi nhà đổ vỡ, tan hoang. Phim sẽ không dùng bối cảnh thật nào của Hà Nội hôm nay mà sẽ dựng nguyên một khu phố trên mặt bằng diện tích gần 6000 m2 với những ngôi nhà nguyên mẫu còn tồn tại ở Hàng Bè, đảm bảo rằng đó vừa đúng là góc phố Hà Nội xưa vừa tái tạo không khí của chiến tranh. Hiện ekip phụ trách bối cảnh vẫn đang làm việc rất tích cực. Các nhân vật trong phim đều hư cấu nhưng quen thuộc, những con người mà chúng ta cũng có thể gặp họ đâu đó trong cuộc sống hôm nay. Các tiểu thư Hà Nội khá là điển hình, hình ảnh ông giáo cũng thế, cậu bé đánh giầy thì thời đại nào cũng có, thành phố nào cũng có. Tuy nhiên, như tôi đã nói, bộ phim không nói họ chính xác là ai, mà miêu tả họ - những con người Hà Nội đã sống như thế nào trong hoàn cảnh đó. Mỗi nhân vật đều hành xử theo phong cách truyền thống nhưng mang tinh thần, tư duy của ngày hôm nay.

chien-si-cam-tu-quan-om-bom-ba-cang-san-sang-tieu-diet-xe-tang-dich-tren-duong-pho-ha-noi-ngay-23-12-1946-anh-nguyen-ba-khoan.jpg
Chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Hà Nội ngày 23/12/1946 - Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

Trong “Đào, Phở, Piano” có một nhân vật mà tôi nhắm cho ca sĩ Tuấn Hưng, muốn mời anh đảm nhận vai diễn này. Trợ lí của tôi mới đầu e ngại, sợ Tuấn Hưng chê vai nhỏ, hoặc nếu Hưng có nhận lời thì đoàn phim cũng không đủ tiền trả catse. Nhưng bất ngờ là Tuấn Hưng khi nhận lời đề nghị tham gia đã trả lời: “Cứ cái gì nói về Hà Nội, tôn vinh Hà Nội là… em chơi hết, không nói chuyện tiền nong!”
Đạo diễn Phi Tiến Sơn


PV: “Đào, Phở, Piano” - tựa phim rất Hà Nội, nhưng giống với một phim kí sự Hà Nội hơn là một bộ phim truyện cần yếu tố lãng mạn, kịch tính để tạo sự hấp dẫn cho khán giả, lí do là gì vậy thưa anh?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn:
Trong phim, những ngày cuối cùng ác liệt nhất của cuộc chiến là những ngày cận Tết. Mà Hà Nội thì Tết đến nhất định phải có hoa đào. Ngày xưa, đào là loại hoa hiếm và quý chứ không nhiều như hiện nay. Phở là món ăn thân thuộc với người Hà Nội. Và luôn luôn, trong không khí tĩnh lặng của Hà Nội xưa, đâu đó, trong ngôi nhà nào đó, tiếng Piano réo rắt… Đó là những ý tưởng để tôi cho ra đời bộ phim “Đào, Phở, Piano”, là những gì khá đặc trưng cho Hà Nội về yếu tố nhìn, thưởng thức, chơi của Hà Nội. Phim không có mâu thuẫn, xung đột, không có tình yêu tay 3 tay 4, không ai là người xấu, tất cả mọi người đều tốt với nhau và tất cả các nhân vật trong bộ phim này đều thể hiện “Chất” của người Hà Nội. Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm cũng thế. Và cũng chỉ có dân Hà Nội mới dám làm điều đó. Họ chỉ muốn bảo vệ mảnh đất nơi họ đã và đang sinh sống, nơi có gia đình, những người thân yêu của họ mà thôi.
PV:
Có vô vàn câu chuyện để kể về Hà Nội, về di sản, văn hóa, ẩm thực, lối sống, con người Hà Nội nhưng lại có rất ít bộ phim về Hà Nội. Đó có phải là động lực để anh, với tư cách một nhà làm phim người Hà Nội, bắt tay vào thực hiện dự án này?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn:
Tôi sinh ra trên mảnh đất Hà thành. Đây cũng là nơi chứa đựng vô vàn kỉ niệm về những người thân và bạn bè của tôi. Tôi yêu từng con phố, mái nhà cho đến những cái cây của Hà Nội, nhất là ở Bờ Hồ, nơi tôi có thể nhìn những cái cây theo thời gian mà ngả dần ra mặt nước. Đó là những thứ không thể miêu tả được mà chỉ có thể cảm nhận được. Gọi là sứ mệnh thì hơi lớn lao, có thể xem đây là món nợ mà tôi phải trả cho tất cả những gì mình đã nhận được. Và tôi nghĩ vậy tại sao mình lại không làm một bộ phim về Hà Nội nói về những điều hay và đặc trưng Hà Nội. Ngoài ra, còn một lí do nữa là những thế hệ làm phim sau tôi gần như không làm phim về Hà Nội, có thể do khái niệm Hà Nội nói riêng và khái niệm vùng miền nói chung hiện nay đã nhòe đi, những người ở ngoại tỉnh về sinh sống làm việc ở Hà Nội sẽ cảm nhận Hà Nội không khác nhiều lắm so với các đô thị lớn khác.
PV:
Hành trình để bộ phim đi đến ngày hôm nay, ngoài việc tìm nguồn kinh phí thực hiện, tìm diễn viên, còn những khó khăn nào mà anh đã gặp phải?
Đạo diễn Phi Tiến Sơn:
Câu hỏi đầu tiên đặt ra là, chúng ta có làm được bộ phim với kịch bản như thế này không? Mặc dù chúng ta cần một bộ phim về Hà Nội thời kì đó, nhưng ngoài tình yêu với Hà Nội, máu lửa nghề nghiệp của bản thân tôi ra, làm sao để còn truyền cảm hứng đó đến tất cả mọi người. Rất may là các bộ phận khác nhau trong đoàn phim đều thích thú. Điều đó khiến tôi vững tin là có thể làm được bộ phim. Cuối cùng, rất may phim được duyệt tài trợ. Đó là tất cả những tiền đề cho sự hình thành của bộ phim. Còn khó khăn thì dĩ nhiên là rất nhiều, ví dụ, làm sao để có chiếc xe tăng ở thời đó chạy trên phim trong khi cả nước hiện có 2 cái xác xe tăng của giai đoạn đó, thậm chí không còn nguyên vẹn. Đó chỉ là một trong nhiều bài toán phức tạp. Nhưng chúng tôi xác định sẽ cố gắng hết sức để thực hiện bộ phim một cách hợp lí, sạch sẽ, tử tế nhất có thể.

Đạo diễn - NSƯT Phi Tiến Sơn sinh năm 1954 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng cơ duyên với điện ảnh đã khiến anh rẽ lối sang học quay phim Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh tại Việt Nam và tiếp đó là Trường Đại học Điện ảnh và Truyền hình ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Về nước, anh công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam, là tay máy chính của các phim “Cạm bẫy tình”, “Những năm tháng đẹp”, “Truyền thuyết tình yêu thần nước”... Vài năm sau đó, anh chuyển sang làm việc tại Hãng phim truyện I. Tại đây, bên cạnh vai trò quay phim, anh còn làm đạo diễn những bộ phim thuộc dòng phim chính luận như “Vào Nam ra Bắc”, “Lưới trời”...
Phi Tiến Sơn đã 3 lần nhận giải thưởng Quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX, X và XI với các bộ phim “Lá ngọc cành vàng“, “Truyền thuyết tình yêu thần nước”, “Giọt lệ Hạ Long“.
Anh còn là đồng đạo diễn các phim “Em còn nhớ hay em đã quên“ (giải Bông sen Bạc - LHP Việt Nam lần thứ X - năm 1993), “Giọt lệ Hạ Long“ (giải B Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1995), “Ngọt ngào và man trá“ (giải B - Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1997); đạo diễn kiêm biên kịch phim “Chuyện kể của những người đàn bà“ (giải B - Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1997), đạo diễn phim truyện “Vào Nam ra Bắc“ (nhận Bằng khen tại LHP Việt Nam lần thứ XIII), phim truyện “Lưới trời“ (giải Cánh diều Vàng - Phim điện ảnh xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Cánh diều, Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2002).

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • [Podcast] Dẻo thơm hương vị bánh gai làng Giá
    Nhắc tới bánh gai có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới bánh gai Ninh Giang (Hải Dương), bánh gai bà Thi (Nam Định) hay bánh gai tứ Trụ (Thanh Hóa), nhưng nếu một lần được thưởng thức bánh gai làng Giá - Xứ Đoài của Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức bạn sẽ nhớ mãi. Theo quan niệm của người dân làng Giá (xã Yên Sở, H. Hoài Đức), bánh gai là thể hiện cho con người giao hòa với trời đất, âm dương, vì thế, công đoạn làm bánh phải thật công phu.
  • Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
    Nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của Hà Nội để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp (nông nghiệp tuần hoàn); Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn: “Trả nợ” Hà Nội với “Đào, Phở, Piano”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO