Minh họa Nguyễn Văn Đức
Chiều nay, cũng như bao buổi chiều khác, Thúy An lại lững thững đi tới căn chòi lá, lơ đãng nhìn ra biển như trông ngóng điều gì. Mắt nàng chợt sáng lên khi thấy phía cuối chân trời một đoàn thuyền đánh cá nối đuôi nhau lừng lững vào bờ. Tia hi vọng chợt loé lên, biết đâu trong đoàn thuyền ấy, chàng vẫn vẹn nguyên trở về?
Ba tháng trước, cơn bão hung dữ đã nhấn chìm ba con thuyền đánh cá giữa biển khơi, khiến những người đàn ông, trong đó có chồng nàng không bao giờ quay trở về. Làng chài Trà My hôm đó, nhuốm màu tang tóc. Người già rũ xuống, bất thần. Con trẻ khóc cha thét gào thảm thiết. Những người vợ ngồi lặng câm bên bếp lửa, mắt ráo hoảnh.
Sau cơn hồng thủy, Thúy An vẫn lặng lẽ lê chân trần ra bờ biển, ánh mắt đờ đẫn vô hồn. Chỉ khi nghe tiếng người đàn ông vùng biển nặng chình chịch kêu: Sao giờ này còn ngồi đó, Thúy An mới rời căn chòi lá, nặng bước trở về nhà. Con đường cát trắng mịn màng dưới chân nàng, ngoằn ngoèo uốn lượn, nhìn từ xa như một lát cắt giữa khoảng không vô định.
Màn đêm buông xuống. Bỗng có tiếng gõ cửa, liên hồi ba nhịp: “Cốc. Cốc. Cốc”, khiến nàng sợ hãi đứng yên không nhúc nhích.
- Ai đó? - Nàng hỏi vọng.
Vẫn là sự im lặng. Qua khe cửa, nàng chỉ thấy một vệt sáng đỏ, như tàn thuốc lá lóe lên rồi phụt tắt và tiếng chân người gõ nhẹ trên nền cát, xa dần, xa dần.
Mệt mỏi, nàng ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong cơn mơ, hình ảnh quá khứ hiện về xa xăm mờ ảo. Ngày ấy, Thúy An mười bảy tuổi, nổi tiếng xinh đẹp nhất làng, khiến cho đám đàn ông cùng trang lứa chết mê, chết mệt. Mặc dù được nhiều chàng trai theo đuổi nhưng cô bé có mái tóc kết đuôi sam lại đem lòng yêu thương cậu học trò Trọng Văn, có khuôn mặt chữ điền thông minh, lanh lợi.
Ngày ấy, chiến tranh chống Mỹ đang bước vào thời kỳ khốc liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Trọng Văn cùng nhiều học sinh tình nguyện lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Hôm chia tay, nàng khóc rồi hứa với lòng mình sẽ chờ Trọng Văn quay về để hai đứa nên duyên vợ chồng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trọng Văn ra quân, trở về địa phương, trước niềm vui vỡ òa của Thúy An và gia đình. Sau bao năm mỏi mòn chờ đợi, tưởng rằng hạnh phúc sẽ đến với họ, nhưng oái ăm thay, cha mẹ nàng lại một mực phản đối. Một buổi tối, cơm nước xong, bà Bình, cho gọi nàng vào phòng lớn tiếng:
- Tuyệt đối mày không được lấy thằng Văn!
- Chuyện này là thế nào hả mẹ?
- Tao không chê nhưng bố mày vì một lý do nào đó mà ông ấy không chấp nhận. Mày hiểu tính bố rồi đó, ông ấy đã quyết đến trời cũng không ngăn nổi!
Đang ngồi đọc báo ngoài hè, bố nàng nói vọng vào:
- Lại chuyện mày với thằng Văn chứ gì. Tao nói lại không là không. Mày có biết ngày xưa ông nội nó đã làm cho gia đình mình khuynh gia bại sản hay không?
- Bố ơi quá khứ rồi sao bố cố chấp, mà chuyện người lớn có liên quan gì đến chúng con?
- Ý tao đã quyết, không nói nhiều hiểu chưa!
Thấy bố không đổi ý, có nói thêm cũng vô ích, tối hôm đó, Thúy An gặp Trọng Văn nói cho chàng biết chuyện bố nàng ngăn cản là do xưa kia, hai nhà có mối thâm thù, mà nguyên nhân lại chính lại từ ông nội Trọng Văn mà ra.
- Vậy chúng mình phải làm thế nào đây em?
- Giờ anh quyết định thế nào em sẽ nghe theo. Em và anh bao nhiêu năm mỏi mòn chờ đợi, giờ đến ngày hái quả sao có thế để dễ dàng buông bỏ.
- Hay là thế này, anh có người bạn rất thân hồi còn trong quân ngũ, ở làng chài Trà My, là chủ tàu đánh bắt cá xa bờ, có vợ hai con, nếu anh nói chúng mình về đó, cậu ta sẽ ủng hộ cả hai tay!
- Nhưng về đó mình làm gì để sống hả anh?
- Không lo, hồi còn ở quân chủng hải quân, anh rất thạo nghề đánh cá, anh sẽ theo cậu ấy đi biển, miễn sao chúng mình được ở bên nhau em ạ.
Tối hôm đó, Thúy An viết lá thư từ biệt cha mẹ, theo Trọng Văn về vùng quê biển mưu sinh. Hàng tháng, Trọng Văn rong ruổi cùng bạn ra khơi. Khi dành dụm được một khoản tiền, lại được vợ chồng người bạn tốt bụng cho đám đất phía sau đồi, vợ chồng Thúy An đã dựng được một căn nhà gạch ba gian để tá túc. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cứ thế êm trôi trong cảnh chồng thường xuyên vắng nhà, còn vợ thì sống trong cô đơn lo lắng. Một hôm, Thúy An bàn với chồng:
- Hay anh tìm một việc khác làm đi, anh cứ đi biền biệt thế này, em lo lắm.
- Em chịu khó thêm một thời gian nữa, bạn đang cần mình, bỏ đi sao được.
Thấy chồng nói có lý nên nàng đành lặng im. Đã có lúc nàng cảm thấy ân hận vì tội bất hiếu đã bỏ nhà ra đi, để cho cha mẹ đau buồn. Nhiều đêm vắng chồng, nàng thấy cô đơn, trống trải. Tuổi nàng đang độ xuân thì, lửa tình rực cháy, nhưng mỗi lần đi biển về, Trọng Văn thường mệt mỏi ngủ thiếp đi. Điều buồn hơn là sau ba năm chung sống, vợ chồng An chẳng sinh nổi một mụn con, khiến đàn bà xóm chài, ác ý thêu dệt nàng mắc bệnh vô sinh. Điều này, Trọng Văn là người hiểu hơn ai hết, nên chuyện sinh con không thể ngày một, ngày hai. Được cái Thúy An rất tâm lý nên thường động viên chồng:
- Anh đừng quá nặng nề chuyện đó, em sẽ bồi bổ sức khỏe cho anh, sớm muộn gì chúng ta sẽ có con anh ạ.
Những lúc được vợ an ủi, chàng thấy ấm lòng, nhưng lại càng thấy thương nàng vô cùng.
Sáng hôm đó, trời nắng đẹp, Trọng Văn dậy sớm sang nhà bạn chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi. Nhớ lại hôm đi biển lần trước về, Trọng Văn được mấy bà trong xóm cho biết những ngày chàng vắng nhà, đêm nào cũng có một người đàn ông lạ mặt ngồi trò chuyện cùng Thúy An. Ban đầu chàng còn bán tin bán nghi bởi từ xưa đến nay Thúy An một mực yêu thương chồng, làm gì có chuyện đó. Nhưng tiếng đồn gần xa ngày một nhiều khiến chàng đem nỗi hồ nghi rồi nhằm hướng còn thuyền bước tới và nghĩ mình sẽ không trở về ngôi nhà ấy nữa.
Chuyện thiên hạ đồn đại Thúy An có bạn trai xem ra cũng có cơ sở. Cách đây gần một năm, lần lên phố huyện, tình cờ vào cửa hiệu sửa điện thoại, nàng đã gặp gã đàn ông có dáng người bảnh bao, tóc chải ngược bóng lộn, niềm nở tiếp đón. Thế là từ đó, hai người quen thân nhau. Nàng thú nhận, thời gian đầu rất có cảm tình, bởi gã ăn nói có duyên, lại biết chiều lòng phụ nữ. Thấy một bông hoa đồng nội xinh đẹp, trẻ trung bỗng đâu xuất hiện, gã đem lòng si mê nàng như điếu đổ. Rồi chẳng hiểu gã tìm hiểu ở đâu mà biết được chỗ ở của nàng. Tối nào gã cũng đến trồng cây si trước cổng nhà, cho dù nhiều lần nàng nói mình là gái có chồng, nhưng gã vẫn phớt lờ. Nàng nghĩ mình không thể phản bội Trọng Văn. Nhưng giữa suy nghĩ và hành động lại luôn mâu thuẫn, bởi tình yêu và dục vọng luôn trỗi dậy trong lòng người đàn bà thường xuyên vắng chồng.
Buổi tối hôm đó, hai người đang ngồi nói chuyện ngoài hiên, bỗng trời nổi giông tố, mưa xối xả trút nước xuống mặt đất, như muốn cuốn trôi đi tất cả. Sợ hãi, nàng lao vào nhà, gã đàn ông thấy vậy cũng chạy vào giúp nàng cài chặt các then cửa. Xong việc, hai người lại ngồi bên nhau trò chuyện. Ánh mắt gã đàn ông chợt sáng lên khi bắt gặp cái nhìn nảy lửa của người đàn bà khát tình. Như một con thiêu thân gã lao vào ôm chặt lấy nàng…
Nhưng bất ngờ, thoáng sau, nàng đùng đùng nổi giận hét lên: Không được! rồi dùng hết sức bình sinh cùng lòng can đảm đẩy gã đàn ông xuống giường.
- Anh cút đi, đồ khốn nạn. - Nói rồi nàng vơ vội quần áo che đi tấm thân. Gã đàn ông lúc này như chợt tỉnh và hiểu ra tất cả, vội vàng mặc quần áo rồi lao nhanh ra khỏi cửa, lên xe máy phóng đi trên con đê biển mờ tối.
Mệt mỏi, nàng quay vào buồng, ngả người xuống giường rồi thiếp đi. Bỗng ngoài trời, một tia chớp lóe lên đem theo người đàn ông quần áo ướt sũng bước vào. Trọng Văn! - Nàng hét lên sung sướng và lao ra ôm chặt lấy chồng khóc nức nở.
Sau phút ngỡ ngàng, Trọng Văn kể cho nàng nghe số chàng gặp vận may. Hôm đó, cơn bão biển nhấn chìm chiếc tàu đánh cá, mọi người trên tàu hầu như tất cả chìm nghỉm. Trong lúc, giữa cái sống, cái chết cận kề, bỗng chàng vớ được một mảnh ván lớn dạt trôi từ một con thuyền khác để cố sức ôm chặt rồi nằm lên đó trước cơn sóng dữ chao đảo. Sáng hôm sau, một chiếc tàu hải quân đang tuần tiễu trên biển nhìn thấy chàng nằm lạnh cóng trên mảnh ván liền đưa chàng vào bờ. Sau một tuần được bác sĩ quân y và anh em chiến sĩ săn sóc tận tình chàng đã bình phục và được đưa về nhà.
- Ôi, em không thể tin đó lại là sự thật. Anh biết không, ngày nào em cũng ra biển ngóng trông, dù chỉ là tia hy vọng mong manh nhưng em vẫn tin là anh còn sống trở về.
Rồi nàng nghẹn ngào kể cho chàng những điều dồn nén, chứa chất trong lòng; những oan ức mà người đời ác ý thêu dệt; sự giằng xé giữa lý trí và dục vọng, để thoát khỏi bẫy tình của lũ đàn ông háo sắc. Đêm hôm đó, hai vợ chồng quấn quýt bên nhau sau một thời gian tưởng chừng tình yêu đã nguội tắt. Họ trao cho nhau dư vị ngọt ngào của tình yêu trong ngất ngây hạnh phúc. Gần một năm sau, Thúy An sinh hạ một chàng quý tử khôi ngô tuấn tú, giống Trọng Văn như đổ khuôn. Hai vợ chồng quyết định đặt cho con trai cái tên Nguyễn Đại Dương, để ghi dấu những tháng ngày ở làng biển Trà My nhọc nhằn gian khó.