Người cha

HNMCT| 03/01/2022 14:42

Viễn ngồi trên bờ biển nhìn xa xăm, ngọn hải đăng lấp lóa trước mắt. Sóng vỗ nhẹ bờ cát, xa xa những con thuyền ra khơi nhỏ dần, nhỏ dần trước mắt anh. Cảm giác biển cả bao la rộng lớn sẽ nuốt chửng chúng, lòng anh đầy lo âu. Đã ngày thứ bảy anh không thấy cha trở về.

Người cha
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Dưới bãi, tiếng gọi nhau í ới không ngớt. Tiếng trả giá râm ran ở phiên chợ hải sản. Mặt trời ngấp nghé đằng đông. Anh nhắm mắt suy nghĩ về hình ảnh cha đang vật lộn với từng con sóng để mong ngày trở về. Cha và đôi chân không còn nguyên vẹn. Nỗi xót xa dâng đầy lồng ngực. Nước mắt anh chảy lặng lẽ trước bình minh.

Đã bao lần Viễn quạu cọ với cha về việc cha sẽ ở lại vùng quê hay lên thành phố ở cùng anh em Viễn. Nếu cha vui vẻ xách ba lô lên thì có lẽ giờ này anh không phải ngồi đây đếm nhịp tim mình. Cha bảo: “Cha lớn tuổi rồi, việc đi hay ở không còn quan trọng. Cha chỉ muốn ở đây, lâu lâu theo thuyền đi đánh cá cùng anh em. Chỉ là để khỏa lấp nỗi nhớ biển mà thôi”.

Viễn không thể hiểu cảm giác của cha. Anh năn nỉ, vẽ khung cảnh vui tươi phố thị. Nhưng đáp lại tấm lòng của Viễn và em gái, cha lặng lẽ rời nhà khi trời còn mịt mờ. Lúc anh tỉnh dậy, tô cháo trai úp sẵn trên bàn, thơm phức và một mảnh giấy vỏn vẹn mấy câu: “Cha đi rồi cha lại về. Con cứ trở lại thành phố lo công việc, vợ con, lo cho em. Nó cũng sắp tới tuổi lập gia đình rồi. Anh em nhớ bao bọc lẫn nhau”.

Viễn đọc xong, cũng chẳng biết làm gì, cun cút mang ba lô về lại thành phố.

***

Cha con Viễn đến vùng biển này đã được mười lăm năm. Sau khi mẹ anh không may chết đuối trong một đêm bà đi bắt cua ngoài đồng. Khi bắt được kha khá cua, bà mon men ra bờ sông rửa ráy thì sảy chân. Đêm đó mẹ không về nhà, cha con Viễn hoảng hốt đi tìm. Anh nhớ mình đã chạy khắp cánh đồng làng, kêu gọi khản cả giọng nhưng không thể nghe tiếng mẹ. Cha rũ rượi còn em gái thì hoảng loạn. Ba ngày sau, người ta mới tìm thấy bà dưới ống cống dẫn nước, thân hình không còn nguyên vẹn nữa. Người ta đồn đoán xì xầm, bảo bà bị ma bắt. Ai bảo khuya lắc khuya lơ không chịu về còn ráng mò thêm cua thêm ốc. Nhưng mấy ai biết được, mẹ Viễn bị thiếu máu, có lẽ khi ra bờ sông rửa cua thì gặp lúc xây xẩm mặt mày vì cúi quá lâu. Bà lại không biết bơi nên mới xảy ra sự việc đau lòng đến thế. Năm ấy, Viễn tròn mười lăm tuổi.

Viễn sợ nước, sợ con sông trước nhà kể từ ngày đó. Mỗi buổi đi học về, Viễn lặng lẽ ngồi dưới gốc bưởi trong vườn, cho tới khi cả bàn chân tê cứng mới chịu bước vào nhà. Cha ngồi mép cửa rít thuốc lào. Còn em gái nằm bất động. Ba cha con chấm dứt quãng thời gian khủng hoảng đó bằng việc rời khỏi làng. Viễn không nghĩ cha sẽ lại đưa hai anh em về một vùng sông nước. Khi đặt chiếc ba lô cũ kỹ xuống nền đất lạnh của một ngôi nhà, nghe tiếng sóng ì ầm sau lưng, như phản xạ tự nhiên Viễn đã gào lên đau đớn: “Sao cha lại đưa tụi con đến đây?”. Giọng cha nhẹ nhàng nhưng đầy chua xót: “Mình biết đi đâu bây giờ hở con?”. Rồi cha chống đôi nạng gỗ, tập tễnh bước về phía biển. Em gái chạy theo, gạt nước mắt nhìn cha.

***

Mọi thứ bắt đầu một cách khó khăn. Sáng đi học, chiều Viễn cùng em đi bắt ốc bán cho mấy hàng hải sản trong chợ. Cha vào làm ở xưởng đóng thuyền. Khắp vùng biển này khó khăn lắm mới có người dám nhận một người tật nguyền như cha. Người ta sợ chỉ với một chân còn lại, cha sẽ không đứng vững khi sóng biển ập đến, nói chi việc quăng lưới quăng chài. Viễn nằng nặc đòi nghỉ học để đi biển. Nhưng cha gạt phăng, bảo có đi ăn xin chăng nữa cha cũng không cho đứa nào bỏ học hết.

Thương cha, ngoài những buổi học anh em Viễn tranh thủ xuống biển cào ốc, tìm những thứ có thể bán được để kiếm tiền nộp học. Có lẽ ám ảnh về cái chết của mẹ nên hai anh em chỉ quanh quanh gần bờ rồi về. Bữa cơm thường chỉ có tép biển nấu canh, vài cọng rau xanh và bát nước mắm đầy. Viễn giấu cha, mon men xin đi biển với các chú gần nhà, sau một buổi tình cờ thấy ông vật lộn bên những tấm ván đóng tàu, thân hình nhễ nhại mồ hôi, đằng sau là những lời nhiếc móc của bà chủ. Viễn đứng chết trân nhìn cha cho tới khi ông quay lại. Một thằng nhóc mười lăm tuổi khi đó máu nóng dồn lên mặt, nhưng khi cha ra hiệu im lặng, Viễn chỉ biết câm nín lầm lũi trở về. Thương cha, gánh nặng gà trống nuôi con đè lên đôi vai của cha.

Một buổi sáng Viễn chạy qua nhà chú Thịnh, nằng nặc xin đi biển với chú. Chú Thịnh nhìn Viễn đầy ái ngại, nhưng cuối cùng cũng gật đầu cho Viễn đi theo đánh bắt gần bờ. Ngày đầu tiên lên thuyền đã say sóng, bao nhiêu mật xanh mật vàng Viễn nôn xuống biển hết. Khi đang lựng khựng bước vào trong thuyền thì bỗng đâu cha lừ thừ đi ra hỏi: “Mệt lắm không con?”.

Viễn ngạc nhiên tột độ, không biết tự lúc nào cha đã nhìn thấy cảnh Viễn như một cọng bún, lê lết vì say sóng. Từ ngày đó, dù cha im lặng nhưng Viễn biết giữa việc chăm chỉ học hành và việc đi biển thì Viễn phải chọn tiếp tục con đường học vấn. Cha bắt đầu công cuộc chinh phục biển cả với chiếc chân còn lại. Thường là những đợt câu mực, cha giúp chú Thịnh bắt được khá nhiều. Chính bởi vậy cha dần gắn bó với con thuyền của chú Thịnh. Trong những năm tháng túng quẫn đó, chú là người dang rộng vòng tay đón nhận cha con Viễn, giúp đỡ nhiệt tình, chân thành như chính tấm lòng của con người vùng biển. Xóm của những người dân biển trở nên gần gũi, thân thương dần...

***

Vài lần ngồi dưới hàng phi lao rì rào gió, cha kể đôi ba câu chuyện và về nỗi ân hận khi để mẹ ra đi một cách oan uổng. Cha bảo thời ấy chiến tranh, mất mát, đau thương nhiều, cha chứng kiến đồng đội nằm gai nếm mật với nhau ra đi. Mỗi người để lại một nỗi đau riêng. Cha trở về với đôi nạng gỗ. Cuộc sống thời bình với người vợ hiền thảo, bao năm đằng đẵng đợi chồng. Khi cha trở về, Viễn tròn ba tuổi, khóc ré lên khi thấy một cục thịt tròn tròn, nhăn nheo ở chân trái của cha. Mẹ dùng miếng vải xô quấn lại và nhét nó vào chiếc chân giả. Một tuần liền Viễn không dám tới gần cha. Bữa đó cha nhìn mẹ, hai người tự nhiên trào nước mắt. Cứ ngỡ họ sẽ được đi cùng nhau thêm một đoạn đường phía trước, nhưng cũng chỉ mười hai năm. Mười hai năm trọn nghĩa vẹn tình, khi em gái ra đời thì mẹ ra đi không một lời từ biệt. Cha không bao giờ nhắc đến chuyện đi thêm bước nữa. Vì trong thâm tâm ông chỉ có người phụ nữ duy nhất là mẹ.

Mặc cho bao nhiêu vất vả của cuộc sống đè nén đôi vai, người đàn ông ấy vẫn không bao giờ chùn bước. Viễn nhớ mỗi lần đón cha ở biển trở về, hình ảnh in đậm trong tâm trí anh là dáng cha sừng sững trước mũi tàu như thách thức với cuộc đời, làn da nâu rắn rỏi. Chiếc nạng gỗ để ép sát góc boong tàu, nụ cười hồn hậu và giòn tan khi anh em Viễn chạy ào ra ôm chặt lấy cha. Viễn thích nhất cảm giác vùi đầu vào bộ ngực ấy, hít hà mùi mặn mòi của biển. Cha như một tấm lá chắn, sẵn sàng che chở hết sóng gió cho anh em Viễn.

Ngày Viễn nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi, cha bận bộ đồ quân phục đứng ở xa nhìn. Trong lúc anh vui với bạn bè, cha với em gái ngồi trò chuyện cùng nhau, về khoảng thời gian ba cha con cùng chiến đấu để vượt qua. Niềm vui hiện lên trên đôi mắt của người lính già.

***

Ngày thứ mười ở biển, Viễn vẫn chưa hết hy vọng về cha. Hằng ngày anh đều thức dậy trước bình minh, lặng lẽ chân trần ra bãi biển ngồi đợi. Chưa bao giờ anh thấy thời gian trôi chậm đến thế. Nỗi đau hai mươi năm trước lại hiện về. Cái ngày người ta tìm thấy mẹ dưới ống cống. Nước mắt lăn dài trên gò má của người đàn ông đã trưởng thành. Ăn năn, hối hận. Anh nhớ hồi đó trong những giấc mơ gặp lại mẹ, bà vẫn thường dặn anh để ý tới cái chân của cha. Gặp lúc trái gió trở trời, nó hành hạ cha lắm. Nhưng bao nhiêu năm lăn lộn nuôi con trưởng thành, chắc cha đã bỏ quên nỗi đau của chính mình.

Gió vẫn rít qua hàng phi lao hằng đêm. Viễn bỏ dở công việc ở thành phố. Em gái nghe tin cũng thu dọn hành lý về nhà cùng anh đợi cha. Ngày thứ mười bốn, con tàu của chú Thịnh tã tượi trở về, lấp ló sau ngọn hải đăng. Chỉ nhìn xa thôi Viễn đã phát hiện ra được. Anh cùng em gái chạy ào xuống biển, gào lên gọi cha.

Vậy là cuối cùng người lính ấy cũng trở về. Ông ngồi thụp dưới tàu, áo rách bươm, nét mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt già nua. Chắc hẳn ông đã chiến đấu cực khổ để trở về. Thành viên trên tàu có người đã mất tích. Cha lặng lẽ chống nạng bước chậm trên bãi cát dài. Lúc đó, Viễn mới cảm nhận được nỗi đau mất mát của cha là quá lớn. Nên việc bám biển nguyện ở lại nơi đây đối với cha là điều mong mỏi cuối cùng. Ba cha con cứ thế ôm nhau khóc ròng.

Biển ì ầm sóng. Trong bóng chiều loang lổ, ba cái bóng dìu dắt, nương tựa lẫn nhau đi về phía ngôi nhà.

(0) Bình luận
  • Phở Đệ Nhất Thanh - Truyện ngắn của Huỳnh Trọng Khang
    Con vàng anh yếm cam nghiêng đầu rỉa cánh. Trong ánh nhập nhoạng của ngày vừa vào sáng, nhúm lông vũ bé bỏng như đốm lửa hoang dã bập bùng trong chiếc lồng treo trước nhà chú Xè.
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổng kết 6 tháng đầu năm 2025: Tiếp tục ổn định tổ chức, đẩy mạnh hoạt động chuyên môn
    “Đổi mới phương thức hoạt động, phát huy năng lực hội viên, nâng cao chất lượng sáng tác là yêu cầu tất yếu để Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đồng hành cùng Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới”, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội tổ chức sáng 16/7/2025.
  • Thiên nhiên trong kí viết về chiến tranh của Minh Chuyên
    Năm 2025, nhà văn, nhà báo, đạo diễn Minh Chuyên được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, ghi nhận những đóng góp nổi bật cho văn học và sự nghiệp gìn giữ ký ức chiến tranh Việt Nam của ông. Không chỉ có trải nghiệm thực tế của một người lính từng xông pha gần chục năm trên chiến trường miền Nam vào những năm máu lửa, Minh Chuyên còn có đủ độ lùi thời gian cần thiết của một nhà văn thời hậu chiến để có thể nhìn về chiến tranh từ nhiều phía. Bởi vậy, chiến tranh trong ký của Minh Chuyên hiện lên đa diện, vừa chân thực vừa thấm đẫm suy tư. Thiên nhiên trong tác phẩm không chỉ là chứng nhân của tội ác, mà còn là hình tượng nghệ thuật giàu cảm xúc - như người mẹ bao dung, lặng lẽ chở che con người giữa mất mát và tàn phá.
  • Lưu trữ mộc bản triều Nguyễn bằng công nghệ AI
    Nhờ ứng dụng công nghệ AI, mộc bản Triều Nguyễn đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV lưu trữ một cách khoa học, giúp cho du khách, công chúng dễ dàng tiếp cận.
  • Lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố Hà Nội
    Thường trực HĐND TP Hà Nội tổng hợp, công bố lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố sau kỳ họp thứ 25 HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (đợt 1).
  • Cơ hội nhận tài trợ miễn phí trọn gói thụ tinh ống nghiệm
    Đó chính là suất tài trợ trị giá nhất, gói IVF Vẹn tròn 70.110.000đ, thuộc dự án “Tháng 7 yêu thương – Viết tiếp giấc mơ làm cha mẹ” của Trung tâm Hiếm muộn và nam học công nghệ cao Phương Đông (IVF Phương Đông). Dự án dành cho tất cả cặp vợ chồng hiếm muộn/mong con. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký từ 10/07 - 28/07/2025.
Đừng bỏ lỡ
Người cha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO