Người cha
Truyện - Ngày đăng : 14:42, 03/01/2022
Dưới bãi, tiếng gọi nhau í ới không ngớt. Tiếng trả giá râm ran ở phiên chợ hải sản. Mặt trời ngấp nghé đằng đông. Anh nhắm mắt suy nghĩ về hình ảnh cha đang vật lộn với từng con sóng để mong ngày trở về. Cha và đôi chân không còn nguyên vẹn. Nỗi xót xa dâng đầy lồng ngực. Nước mắt anh chảy lặng lẽ trước bình minh.
Đã bao lần Viễn quạu cọ với cha về việc cha sẽ ở lại vùng quê hay lên thành phố ở cùng anh em Viễn. Nếu cha vui vẻ xách ba lô lên thì có lẽ giờ này anh không phải ngồi đây đếm nhịp tim mình. Cha bảo: “Cha lớn tuổi rồi, việc đi hay ở không còn quan trọng. Cha chỉ muốn ở đây, lâu lâu theo thuyền đi đánh cá cùng anh em. Chỉ là để khỏa lấp nỗi nhớ biển mà thôi”.
Viễn không thể hiểu cảm giác của cha. Anh năn nỉ, vẽ khung cảnh vui tươi phố thị. Nhưng đáp lại tấm lòng của Viễn và em gái, cha lặng lẽ rời nhà khi trời còn mịt mờ. Lúc anh tỉnh dậy, tô cháo trai úp sẵn trên bàn, thơm phức và một mảnh giấy vỏn vẹn mấy câu: “Cha đi rồi cha lại về. Con cứ trở lại thành phố lo công việc, vợ con, lo cho em. Nó cũng sắp tới tuổi lập gia đình rồi. Anh em nhớ bao bọc lẫn nhau”.
Viễn đọc xong, cũng chẳng biết làm gì, cun cút mang ba lô về lại thành phố.
***
Cha con Viễn đến vùng biển này đã được mười lăm năm. Sau khi mẹ anh không may chết đuối trong một đêm bà đi bắt cua ngoài đồng. Khi bắt được kha khá cua, bà mon men ra bờ sông rửa ráy thì sảy chân. Đêm đó mẹ không về nhà, cha con Viễn hoảng hốt đi tìm. Anh nhớ mình đã chạy khắp cánh đồng làng, kêu gọi khản cả giọng nhưng không thể nghe tiếng mẹ. Cha rũ rượi còn em gái thì hoảng loạn. Ba ngày sau, người ta mới tìm thấy bà dưới ống cống dẫn nước, thân hình không còn nguyên vẹn nữa. Người ta đồn đoán xì xầm, bảo bà bị ma bắt. Ai bảo khuya lắc khuya lơ không chịu về còn ráng mò thêm cua thêm ốc. Nhưng mấy ai biết được, mẹ Viễn bị thiếu máu, có lẽ khi ra bờ sông rửa cua thì gặp lúc xây xẩm mặt mày vì cúi quá lâu. Bà lại không biết bơi nên mới xảy ra sự việc đau lòng đến thế. Năm ấy, Viễn tròn mười lăm tuổi.
Viễn sợ nước, sợ con sông trước nhà kể từ ngày đó. Mỗi buổi đi học về, Viễn lặng lẽ ngồi dưới gốc bưởi trong vườn, cho tới khi cả bàn chân tê cứng mới chịu bước vào nhà. Cha ngồi mép cửa rít thuốc lào. Còn em gái nằm bất động. Ba cha con chấm dứt quãng thời gian khủng hoảng đó bằng việc rời khỏi làng. Viễn không nghĩ cha sẽ lại đưa hai anh em về một vùng sông nước. Khi đặt chiếc ba lô cũ kỹ xuống nền đất lạnh của một ngôi nhà, nghe tiếng sóng ì ầm sau lưng, như phản xạ tự nhiên Viễn đã gào lên đau đớn: “Sao cha lại đưa tụi con đến đây?”. Giọng cha nhẹ nhàng nhưng đầy chua xót: “Mình biết đi đâu bây giờ hở con?”. Rồi cha chống đôi nạng gỗ, tập tễnh bước về phía biển. Em gái chạy theo, gạt nước mắt nhìn cha.
***
Mọi thứ bắt đầu một cách khó khăn. Sáng đi học, chiều Viễn cùng em đi bắt ốc bán cho mấy hàng hải sản trong chợ. Cha vào làm ở xưởng đóng thuyền. Khắp vùng biển này khó khăn lắm mới có người dám nhận một người tật nguyền như cha. Người ta sợ chỉ với một chân còn lại, cha sẽ không đứng vững khi sóng biển ập đến, nói chi việc quăng lưới quăng chài. Viễn nằng nặc đòi nghỉ học để đi biển. Nhưng cha gạt phăng, bảo có đi ăn xin chăng nữa cha cũng không cho đứa nào bỏ học hết.
Thương cha, ngoài những buổi học anh em Viễn tranh thủ xuống biển cào ốc, tìm những thứ có thể bán được để kiếm tiền nộp học. Có lẽ ám ảnh về cái chết của mẹ nên hai anh em chỉ quanh quanh gần bờ rồi về. Bữa cơm thường chỉ có tép biển nấu canh, vài cọng rau xanh và bát nước mắm đầy. Viễn giấu cha, mon men xin đi biển với các chú gần nhà, sau một buổi tình cờ thấy ông vật lộn bên những tấm ván đóng tàu, thân hình nhễ nhại mồ hôi, đằng sau là những lời nhiếc móc của bà chủ. Viễn đứng chết trân nhìn cha cho tới khi ông quay lại. Một thằng nhóc mười lăm tuổi khi đó máu nóng dồn lên mặt, nhưng khi cha ra hiệu im lặng, Viễn chỉ biết câm nín lầm lũi trở về. Thương cha, gánh nặng gà trống nuôi con đè lên đôi vai của cha.
Một buổi sáng Viễn chạy qua nhà chú Thịnh, nằng nặc xin đi biển với chú. Chú Thịnh nhìn Viễn đầy ái ngại, nhưng cuối cùng cũng gật đầu cho Viễn đi theo đánh bắt gần bờ. Ngày đầu tiên lên thuyền đã say sóng, bao nhiêu mật xanh mật vàng Viễn nôn xuống biển hết. Khi đang lựng khựng bước vào trong thuyền thì bỗng đâu cha lừ thừ đi ra hỏi: “Mệt lắm không con?”.
Viễn ngạc nhiên tột độ, không biết tự lúc nào cha đã nhìn thấy cảnh Viễn như một cọng bún, lê lết vì say sóng. Từ ngày đó, dù cha im lặng nhưng Viễn biết giữa việc chăm chỉ học hành và việc đi biển thì Viễn phải chọn tiếp tục con đường học vấn. Cha bắt đầu công cuộc chinh phục biển cả với chiếc chân còn lại. Thường là những đợt câu mực, cha giúp chú Thịnh bắt được khá nhiều. Chính bởi vậy cha dần gắn bó với con thuyền của chú Thịnh. Trong những năm tháng túng quẫn đó, chú là người dang rộng vòng tay đón nhận cha con Viễn, giúp đỡ nhiệt tình, chân thành như chính tấm lòng của con người vùng biển. Xóm của những người dân biển trở nên gần gũi, thân thương dần...
***
Vài lần ngồi dưới hàng phi lao rì rào gió, cha kể đôi ba câu chuyện và về nỗi ân hận khi để mẹ ra đi một cách oan uổng. Cha bảo thời ấy chiến tranh, mất mát, đau thương nhiều, cha chứng kiến đồng đội nằm gai nếm mật với nhau ra đi. Mỗi người để lại một nỗi đau riêng. Cha trở về với đôi nạng gỗ. Cuộc sống thời bình với người vợ hiền thảo, bao năm đằng đẵng đợi chồng. Khi cha trở về, Viễn tròn ba tuổi, khóc ré lên khi thấy một cục thịt tròn tròn, nhăn nheo ở chân trái của cha. Mẹ dùng miếng vải xô quấn lại và nhét nó vào chiếc chân giả. Một tuần liền Viễn không dám tới gần cha. Bữa đó cha nhìn mẹ, hai người tự nhiên trào nước mắt. Cứ ngỡ họ sẽ được đi cùng nhau thêm một đoạn đường phía trước, nhưng cũng chỉ mười hai năm. Mười hai năm trọn nghĩa vẹn tình, khi em gái ra đời thì mẹ ra đi không một lời từ biệt. Cha không bao giờ nhắc đến chuyện đi thêm bước nữa. Vì trong thâm tâm ông chỉ có người phụ nữ duy nhất là mẹ.
Mặc cho bao nhiêu vất vả của cuộc sống đè nén đôi vai, người đàn ông ấy vẫn không bao giờ chùn bước. Viễn nhớ mỗi lần đón cha ở biển trở về, hình ảnh in đậm trong tâm trí anh là dáng cha sừng sững trước mũi tàu như thách thức với cuộc đời, làn da nâu rắn rỏi. Chiếc nạng gỗ để ép sát góc boong tàu, nụ cười hồn hậu và giòn tan khi anh em Viễn chạy ào ra ôm chặt lấy cha. Viễn thích nhất cảm giác vùi đầu vào bộ ngực ấy, hít hà mùi mặn mòi của biển. Cha như một tấm lá chắn, sẵn sàng che chở hết sóng gió cho anh em Viễn.
Ngày Viễn nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi, cha bận bộ đồ quân phục đứng ở xa nhìn. Trong lúc anh vui với bạn bè, cha với em gái ngồi trò chuyện cùng nhau, về khoảng thời gian ba cha con cùng chiến đấu để vượt qua. Niềm vui hiện lên trên đôi mắt của người lính già.
***
Ngày thứ mười ở biển, Viễn vẫn chưa hết hy vọng về cha. Hằng ngày anh đều thức dậy trước bình minh, lặng lẽ chân trần ra bãi biển ngồi đợi. Chưa bao giờ anh thấy thời gian trôi chậm đến thế. Nỗi đau hai mươi năm trước lại hiện về. Cái ngày người ta tìm thấy mẹ dưới ống cống. Nước mắt lăn dài trên gò má của người đàn ông đã trưởng thành. Ăn năn, hối hận. Anh nhớ hồi đó trong những giấc mơ gặp lại mẹ, bà vẫn thường dặn anh để ý tới cái chân của cha. Gặp lúc trái gió trở trời, nó hành hạ cha lắm. Nhưng bao nhiêu năm lăn lộn nuôi con trưởng thành, chắc cha đã bỏ quên nỗi đau của chính mình.
Gió vẫn rít qua hàng phi lao hằng đêm. Viễn bỏ dở công việc ở thành phố. Em gái nghe tin cũng thu dọn hành lý về nhà cùng anh đợi cha. Ngày thứ mười bốn, con tàu của chú Thịnh tã tượi trở về, lấp ló sau ngọn hải đăng. Chỉ nhìn xa thôi Viễn đã phát hiện ra được. Anh cùng em gái chạy ào xuống biển, gào lên gọi cha.
Vậy là cuối cùng người lính ấy cũng trở về. Ông ngồi thụp dưới tàu, áo rách bươm, nét mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt già nua. Chắc hẳn ông đã chiến đấu cực khổ để trở về. Thành viên trên tàu có người đã mất tích. Cha lặng lẽ chống nạng bước chậm trên bãi cát dài. Lúc đó, Viễn mới cảm nhận được nỗi đau mất mát của cha là quá lớn. Nên việc bám biển nguyện ở lại nơi đây đối với cha là điều mong mỏi cuối cùng. Ba cha con cứ thế ôm nhau khóc ròng.
Biển ì ầm sóng. Trong bóng chiều loang lổ, ba cái bóng dìu dắt, nương tựa lẫn nhau đi về phía ngôi nhà.