Ngô Gia văn phái là một nhóm phái văn chương của dòng họ Ngô Gia ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nếu căn cứ trên số lượng thành viên, di sản trước tác, thời gian quy tụ và tồn tại, có lẽ đây là nhóm phái văn chương độc nhất vô nhị ở Việt Nam từ xưa đến nay.
Theo những công bố của giới nghiên cứu cũng như tư liệu lưu hành của tộc phả, Ngô Gia văn phái được định hình trong khoảng hơn 200 năm, từ nửa đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX với 20 thành viên cùng huyết thống Ngô Gia, gồm 9 thế hệ. "Ngô Gia văn phái" (tên bộ sách hợp tuyển trước tác của các thành viên dòng họ Ngô Gia) mới có 15 tác giả. Tuy nhiên, bộ sách này cũng không đầy đủ, căn cứ trên lời tựa có thể thấy sách mới gồm 5.000 trang tác phẩm của 11 tác giả qua 4 đời. Trong số đó, “Hoàng Lê nhất thống chí” là tác phẩm quan trọng, được xem là đỉnh cao của thể loại tiểu thuyết chương hồi Việt Nam thời trung đại. Những hiện diện đó cho thấy nguồn mạch văn chương mạnh mẽ, to lớn, bền bỉ đã nảy sinh trên vùng đất Thăng Long - Hà Nội.
Sức sống và tầm vóc của Ngô Gia văn phái (hiểu như là một nhóm văn chương) trước hết được duy trì bởi những người cùng huyết thống. Trải hơn 200 năm, qua nhiều biến cố lịch sử nhưng huyết mạch vẫn là sợi chỉ gắn kết bền bỉ các thế hệ Ngô Gia. Ý chí này được thể hiện rõ trong lời tựa của “Ngô Gia văn phái” (tác phẩm): “Phàm gọi là phái, đó là ơn trạch của thi thư cuồn cuộn chảy mãi không hết. Ngược dòng lên, từ tằng tổ đến tổ khảo thì cha tôi theo mà khơi dòng, lại có chú tôi lấy văn học mà đỗ nhất nhì khoa Hoành từ. Anh cả tôi nối tiếp mà dấy sóng lớn, anh thứ cũng đem tài văn từ mà thi khoa điển lệ, là người em hiếm có vậy. Ông cháu cha con trong khoảng hơn trăm năm, nơi bể học bờ thánh nối tiếp nhau vùng vẫy. Bởi nguồn xa thì dòng dài, tích lũy lớn thì nhuần tưới rộng; đã có đức tất có lời, thế thì lời ấy thể hiện ra bên ngoài mà có văn chương vậy. Con cháu ta nối đời giữ gìn ơn đức ấy thì văn phái lâu dài cùng sáng với mặt trời mặt trăng và các vì sao, cùng chảy trôi, cùng cao tột với núi gò sông biển trong trời đất vậy” (dẫn theo “Ngô Gia văn phái, một hiện tượng của văn học Việt Nam”, Tạp chí Hán Nôm, tr3 - 12). Chính từ mối quan hệ huyết thống bền chặt ấy mà hợp tuyển “Ngô Gia văn phái” đã chú trọng vào tính văn chương, tôn trọng quan điểm chính trị, ứng xử thời thế của các thành viên. Có như vậy tác phẩm mới bao quát và thâu họp được nhiều thành viên, qua nhiều đời, nhiều thế hệ, nhiều triều đại.
Khi xem xét tác phẩm “Ngô Gia văn phái”, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, trước tác này còn thể hiện nhiều giá trị về mặt văn chương, nghệ thuật với cái nhìn “vừa mở rộng lại cũng vừa thu hẹp”. Không sưu tập tác phẩm lịch sử là để phân biệt sử với văn (trong truyền thống trung đại thường quan niệm văn sử bất phân), đó là thu hẹp. Hướng đến nhiều đối tượng của đời sống hơn, không chỉ cái cao cả, mà còn phong cảnh thiên nhiên, đời sống thường nhật riêng tư, mối bận tâm hằng ngày của con người, đó là mở rộng.
Trước Ngô Gia văn phái, thời Lê Thánh Tông đã từng có Tao đàn nhị thập bát tú như là một nhóm sinh hoạt văn chương hàn lâm. Tuy nhiên, để hình thành một cách bền bỉ, lâu dài, với trước tác đồ sộ và một quan điểm văn chương lưu truyền như Ngô Gia văn phái, lịch sử văn chương Việt Nam trước nay chưa hề có. Trên mảnh đất Tràng An, nơi một dòng họ trải qua mấy trăm năm, từ “tằng tổ” đến “tổ khảo”, ông cha con cháu nối nghiệp thi thư, tiếp nối nhau khơi rộng đào sâu “bể học bờ thánh” đã cho thấy một sắc diện riêng biệt làm nên phẩm tính của một vùng kinh đô, là nơi tụ hội và cũng là nơi anh kiệt bốn phương thi thố vẫy vùng. Truyền thống văn học Thăng Long - Hà Nội nhờ thế mà có thể duy trì được muôn đời.