Hoạt động hội

Nghệ thuật ca trù qua thời gian - ngàn năm sênh phách

Thụy Phương 06/03/2024 15:31

Ca trù có từ bao giờ, nơi nào trên mảnh đất Kinh kỳ đã lưu dấu sự hiện diện và phát triển của ca trù? Trải qua thời gian loại hình diễn xướng dân gian này có những biến đổi ra sao, và đâu là những giá trị của ca trù... Đó là những nội dung đã được làm sáng tỏ trong cuộc tọa đàm “Nghệ thuật ca trù qua thời gian - ngàn năm sênh phách” do Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội tổ chức sáng ngày 6/3/2024.

Tại buổi tọa đàm, diễn giả - NSND Việt Hương với phần trình bày công phu và tâm huyết đã giới thiệu từ bao quát đến cụ thể về lịch sử, đặc điểm cùng những giá trị của ca trù.

NSND Việt Hương cho hay, ca trù có rất nhiều tên gọi như hát ả đào hay hát cô đầu, hát nhà tơ...; ca trù gắn liền với văn chương, lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam.

Đưa ra nhận định của nhà dân tộc nhạc học, cố GS. Trần Văn Khê rằng “ca trù là lối hát đặc biệt của nước Việt", NSND Việt Hương lý giải: “bởi đó là một nghệ thuật biểu diễn cổ truyền mang trong mình cả lịch sử nghìn năm, vừa mang chức năng nghi lễ, vừa là một thú chơi tao nhã; vừa phổ biến ở chốn dân gian, lại vừa vào đến cung vua phủ chúa cao sang”.

111.jpg
NSND Việt Hương với phần trình bày công phu và tâm huyết đã mang đến bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật ca trù.

Khảo cứu lịch sử, các nhà nghiên cứu cho rằng ca trù xuất hiện từ thời Lý với lối hát đào nương hay còn gọi là hát ả đào cho tới thời Lê thì mới xuất hiện tên gọi ca trù. Trong sử sách còn ghi về những cuộc thi hát ở Kinh thành Thăng Long, trong các cuộc thi ấy người ta dùng những chiếc thẻ có ghi mệnh giá để thưởng cho đào nương. Thẻ ấy gọi là trù, và chữ ca trù xuất phát từ đấy.

Ca trù có nhiều thể cách, theo như thống kê từ sách cổ thì có 99 thể cách hát ca trù, trong đó trình thức hát cửa đình có 14 thể cách. Từ thế kỷ XVII đến đầu của thế kỷ XX là thời kỳ rất thịnh hành của hát cửa đình. Hình thức hát thờ trong cửa đình nuôi dưỡng nghệ thuật ca trù làm cho lịch sử của nghệ thuật ca trù cũng đồng hành với lịch sử văn hóa ở các làng xã của Việt Nam.

Kể từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, ca trù có một bước phát triển rực rỡ, trở thành điểm giao hội giữa âm nhạc và thơ ca. Nhiều văn nhân tài tử mê ca hát đã đến với ca trù như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Dương Lâm, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương…

z5222462432891_0e1b652dc5e75cee18da232c02382b9a.jpg
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo các văn nghệ sĩ.

Nhìn lại lịch sử ca trù, NSND Việt Hương khẳng định dấu tích của nghệ thuật ca trù tại Thăng Long hiện diện ở nhiều các di tích như: đình Đông Ngạc (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm); đền Đông Hương (số nhà 82 phố Hàng Trống) là nơi thờ đào nương Nguyễn Thị Huệ thời Lê Trịnh; bức chạm gỗ hình người cầm đàn đáy có niên đại thế kỷ XVII hiện còn ở trong đình Hoàng Xá thị trấn Vân Đình; đền thờ Ca Công thờ Bá Vương (xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai)...; mảnh đất lịch sử Lỗ Khê, nơi gần 600 năm trước đã là một trong những cái nôi của nghệ thuật ca trù.

Các thập niên đầu của thế kỷ XX là thời kỳ cực thịnh của hát ca quán. Các ca quán đua nhau mọc lên ở Hàng Giấy, Nhà hát Thái Hà, Khâm Thiên trước 1915, rồi nhà hát ở Vạn Thái, Ngã Tư Sở...

“Tại Thủ đô Hà Nội, ca trù từ 7 đời vẫn truyền lại đến nay đến nay đó là ca trù giáo phường Thái Hà. Và không thể không nhắc tới NSND Phó Kim Đức - một trong những ca nương danh tiếng của thế kỷ XX còn sống đến nay. Bà Kim Đức đã phục dựng múa bài bông để biểu diễn phục vụ tại non thiêng Yên Tử đúng vào dịp kỷ niệm 700 năm ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch. Nguyên gốc đây là tiết mục do thân phụ của bà, cụ quản giáp giáo phường Khâm Thiên Phó Đình Ổn đã dựng vào năm 1945 tại Hà Nội”, NSND Việt Hương minh chứng.

Chia sẻ về những nỗ lực trong việc bảo tồn ca trù, NSND Việt Hương cũng không quên nhắc tới nghệ nhân Quách Thị Hồ - người đã được Hội đồng âm nhạc quốc tế của UNESCO và Viện nghiên cứu Quốc tế Âm nhạc trao bằng danh dự vì có công lao đặc biệt trong việc bảo tồn một bộ môn âm nhạc truyền thống có giá trị; nhắc tới nghệ sĩ ưu tú Bạch Vân – người đã vượt qua mọi thách thức để góp phần giữ lấy nghề tổ bằng việc thành lập là câu lạc bộ ca trù đầu tiên ở Thủ đô sau một thời gian dài vắng bóng.

“Không chỉ riêng Thủ đô Hà Nội, mà ở khắp các tỉnh thành, những nơi xưa kia ca trù từng bén rễ thì nay phong trào đều phát triển trở lại. Đáng chú ý, trong số đó có Hải Phòng, với một nhóm ca trù hoạt động thường xuyên ở đình cổ Hàng Kênh và tạo được tiếng vang rất tốt. Nhiều CLB ca trù đã lần lượt ra đời, như một cố gắng tiếp nối cái dòng mạch phát triển đã vô tình bị cắt đứt giữa chừng”, NSND Việt Hương chia sẻ.

Theo NSND Việt Hương, đây chính là minh chứng cho thấy ca trù đã không hề mất đi trên con nước thời gian…

Tại buổi tọa đàm, NSƯT Nguyễn Văn Khuê - Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thái Hà, một giáo phường đã có 7 đời làm nghề và truyền nghề liên tục ở Hà Nội cũng đã giới thiệu về một làn điệu hát nói trong ca trù.

z5222466564816_d24a476444302b22807b50f8ae2800be.jpg
NSƯT Nguyễn Văn Khuê - Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thái Hà chia sẻ tại tọa đàm.

Theo NSƯT Nguyễn Văn Khuê, hát nói là một trong 70 làn điệu của ca trù. Hát nói là thể thơ vô cùng đặc biệt mà cha ông ta đã sáng tạo ra, không giống các thể thơ thất ngôn bát cú hay thơ lục bát, thơ Đường… Thể thơ hát nói rất đặc biệt về niêm luật, gồm nhiều thể cách: đủ khổ, thiếu khổ, dôi khổ, mưỡu hậu, gối hạc…

“Chúng tôi hi vọng, từ hiểu ít đến hiểu nhiều các thể cách hát nói, mọi người sẽ thêm yêu và cùng chúng tôi gìn giữ lấy các thể cách thơ hát nói mà cha ông đã để lại, đến nay có nguy cơ bị mai một, thất truyền”, NSƯT Nguyễn Văn Khuê bày tỏ.

z5222463267809_b210fdb8a9f2ef0c828697c434dfcd6a.jpg
z5222464462175_d91d1d4d5f443d3723ff5afeb74d0806.jpg
Bộ phim "Ngàn năm sênh phách" đã truyền đi thông điệp sâu sắc về giá trị di sản.

Cùng với phần trình bày của diễn giả và khách mời, tại buổi tọa đàm, các đại biểu còn được xem bộ phim tài liệu khoa học về văn hóa xã hội mang tên “Ngàn năm sênh phách” do NSND Việt Hương làm đạo diễn. Theo chia sẻ của nữ đạo diễn, đây là bộ phim chị tự bỏ tiền túi để sản xuất, chắt chiu từ những kiến thức, tư liệu đã gom nhặt trong nhiều năm tháng làm nghề, và từ sự đồng hành của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, ca nương…

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đánh giá cao chất lượng, giá trị của bộ phim, cũng như nỗ lực của cá nhân đạo diễn Việt Hương trong việc mang tới một bức tranh toàn cảnh về ca trù.

Nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh khẳng định, ông trân trọng nữ đạo diễn khi dám dũng cảm lao vào đề tài khó dù kinh phí không nhiều. Bộ phim phản án sự truân chuyên của di sản, niềm đau đáu với quá khứ, văn hóa truyền thống, qua đó góp phần đáng kể trong việc quảng bá giá trị của ca trù.

“Với “Ngàn năm sênh phách”, ca trù được nhìn nhận trong ở trong các chiều kích không gian, thời gian khác nhau. Đặt ca trù trong không gian đa văn hóa, trong đường biên của các thể loại văn học, và đặc biệt là qua gương mặt con người, đạo diễn Việt Hương cho thấy cách kể chuyện thú vị về "số phận của ca trù" . Bộ phim được thực hiện bởi một người có kiến thức nền tảng về âm nhạc điện ảnh, một đạo diễn nhiều kinh nghiệm đã truyền đi thông điệp sâu sắc về giá trị di sản, về một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đã góp phần kiến tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc”, PGS.TS Trần Thị An – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội nhận định./.

Cũng trong khuôn khổ của tọa đàm, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã trao quà tri ân cho các hội viên cao tuổi và trao quyết định kết nạp cho các hội viên mới.

trao-qua.jpg
PGS.TS Trần Thị An – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội trao quà tri ân cho các hội viên cao tuổi.
Bài liên quan
  • Rộn vang thang âm ca trù Thăng Long - Hà Nội
    Diễn xướng dân gian ca trù Hà Nội có tại các làng Lỗ Khê (Đông Anh), Thượng Mỗ (Đan Phượng), Ngãi Cầu (Hoài Đức)... nổi danh khắp cả nước. Trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, thang âm ca trù vẫn ngân lên dập dìu, thánh thót khiến lòng người say đắm. Lúc đào mai khoe sắc báo xuân về, cũng là lúc ca trù Hà Nội “bung” những thang âm đẹp nhất.
(0) Bình luận
  • Vai trò của văn học nghệ thuật Thủ đô qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW
    Sáng 3/5, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm: “Vai trò của văn học nghệ thuật Thủ đô qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Bên cạnh việc đánh giá những thành tựu, chỉ rõ hạn chế của văn học, nghệ thuật Thủ đô sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33, tọa đàm cũng đã gợi mở nhiều giải pháp trong việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết thời gian tới.
  • Nỗi ám ảnh và sự cách tân trong thơ Nguyễn Việt Chiến
    Sáng ngày 25/4, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm "Tuyển tập thơ: Thơ và trường ca của Nguyễn Việt Chiến", nhìn lại một hành trình thi ca của tác giả và khẳng định những giá trị đặc sắc trong tác phẩm đối với nền thơ ca đương đại của Việt Nam.
  • Tọa đàm “Văn hóa cắm hoa và làm hoa lụa của người Hà Nội”
    Sáng 22/4, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Văn hóa cắm hoa và làm hoa lụa của người Hà Nội”.
  • Đoàn văn nghệ sĩ Thủ đô đi thực tế sáng tác tại Thái Bình
    Triển khai kế hoạch hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, trong hai ngày 20 và 21/4/2024, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức chuyến thực tế sáng tác tại tỉnh Thái Bình. Đoàn văn nghệ sĩ Thủ đô do NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội làm Trưởng đoàn.
  • Khúc tráng ca về chiến tranh và hòa bình
    Sáng ngày 10/4/2024, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Hà Nội hướng đến ngày 30/4 và 7/5 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”. Tới dự buổi sinh hoạt có đại diện Ban Chấp hành Hội và đông đảo hội viên, văn nghệ sĩ.
  • Văn nghệ sĩ 3 miền tham quan các di tích, thắng cảnh của Thủ đô Hà Nội
    Trong khuôn khổ Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật của 3 hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Huế và TP. Hồ Chí Minh, ngày 22/3, đoàn văn nghệ sĩ đã tham quan trải nghiệm tại các di tích, thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật ca trù qua thời gian - ngàn năm sênh phách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO