Đời sống văn hóa

Rộn vang thang âm ca trù Thăng Long - Hà Nội

Quỳnh Chi 19/02/2024 07:39

Diễn xướng dân gian ca trù Hà Nội có tại các làng Lỗ Khê (Đông Anh), Thượng Mỗ (Đan Phượng), Ngãi Cầu (Hoài Đức)... nổi danh khắp cả nước. Trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, thang âm ca trù vẫn ngân lên dập dìu, thánh thót khiến lòng người say đắm. Lúc đào mai khoe sắc báo xuân về, cũng là lúc ca trù Hà Nội “bung” những thang âm đẹp nhất.

148-10-31-3.jpg

Mùa vàng” ca trù Hà Nội

Hàng trăm năm qua, cùng với chèo, tuồng, hát văn… ca trù đã hiện diện trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, gắn bó với các thế hệ người dân Thủ đô và trở thành một diễn xướng dân gian không thể tách rời trong kho tàng âm nhạc truyền thống của cả nước. Ca trù với lời hát nói Sẵn rượu đào, xuân uống với ta đi (Gặp xuân, sáng tác Nguyễn Khắc Hiếu) do ca nương, kép đàn, trống chầu cất lên tự bao giờ đến hôm nay, đã đưa mùa xuân và Tết Việt hiện lên trước mắt mọi người.

sdvxdbrfgb.png
NNND Nguyễn Thị Tam đã có 65 năm “sống” cùng ca trù Thăng Long - Hà Nội.

Xưa, ca trù là thú chơi sang trọng của giới trí thức, họ gặp nhau vào mùa xuân để thưởng trà và “chơi” thơ, đối thơ khi xem các phần trình diễn của ca nương, kép đàn nghệ thuật ca trù. Theo nhà nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, ca trù sôi động, náo nhiệt nhất vào mùa xuân, Tết cổ truyền của người Việt. Vào dịp này, tại những “nôi” ca trù của Hà Nội như làng Lỗ Khê, Thượng Mỗ, Ngãi Cầu… những người thực hành diễn xướng dân gian lại nao nức chỉnh tề khăn áo, sênh phách kéo nhau đi hát ca trù ngày này qua ngày khác.

Ca trù Thủ đô đang ở đâu trong thời buổi văn hóa giải trí thời đại mới phát triển như vũ bão, điều này chỉ người trong cuộc rõ nhất. Ngày xuân gặp “báu vật sống” nghệ thuật ca trù Nguyễn Thị Tam (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội) khó hơn bao giờ hết. Gần tháng Chạp, “lão nghệ nhân” đã bận rộn và “đắt show” không kém những ngôi sao giải trí hạng A trong làng điện ảnh, âm nhạc. Tết Giáp Thìn 2024, nghệ nhân nhân dân (NNND) Nguyễn Thị Tam bước sang tuổi 74, nhưng khi bà hát: “Bóng xuân quang soi khắp xa gần/ Gõ nhịp phách mừng xuân ta hát thử” trong bài “Mừng xuân” (tác giả Vô Danh), người đối diện bỗng xao xuyến, lâng lâng xúc cảm. Bởi giọng hát, ngón đàn của bà đẹp như đóa mai vàng; lại vẫn thanh lịch, cao sang, quý phái, cùng với dáng người nhỏ nhắn nho nhã toát lên phong thái của người con gái xứ Đoài.

Bén duyên ca trù từ khi 8 tuổi, NNND Nguyễn Thị Tam vẫn nhớ như in những cái Tết theo cha mẹ đi diễn ở các đình cổ tại địa phương. Hơn nửa thế kỷ trước, cô bé Tam cũng lẽo đẽo theo bậc sinh thành đến phố Khâm Thiên để cất lên tiếng đàn, tiếng hát “ứ hự” đặc trưng của ca trù trong lễ hội, hoặc diễn theo yêu cầu của gia đình có điều kiện. “Hát ca trù ngày Tết và mùa xuân thường nhộn nhịp, đông người xem hơn ngày thường. Đâu chỉ nhạc ngày nay mới có sáng tác về mùa xuân và Tết. Trong diễn xướng dân gian ca trù cũng có nhiều tác phẩm về đề tài này như “Gặp xuân”, “Xuân tình” của Nguyễn Khắc Hiếu; “Chơi xuân kẻo hết xuân đi” của Nguyễn Công Trứ, “Câu đối ngày Tết”, “Cảnh Tết nhà cô đầu” của Trần Tế Xương; “Chúc xuân” và “Mừng xuân” của tác giả Vô Danh”, NNND Nguyễn Thị Tam chia sẻ.

Theo NNND Nguyễn Thị Tam, mùa xuân là “mùa vàng” ca trù. Bà “bật mí” với người ngồi đối diện, tháng Giêng là cao điểm vì nhiều nơi có hội mời tới hát ca trù, các gia đình có người cao niên mừng thọ, thượng thọ cũng mời bà đến hát những bản “khao thọ”. Đến tháng Hai, buổi đêm, NNND Nguyễn Thị Tam được mời hát trên tàu du lịch ở sông Hồng, phục vụ cả khách ta và khách “Tây”. Khác biệt ngôn ngữ nhưng nghe tiếng đàn đáy, phách, trống chầu, luyến láy của ca nương, khán giả quốc tế cũng “lên đồng” như khi xem một chương trình rock, EDM của âm nhạc đương đại.

Bỏ lại “bảo vệ khẩn cấp” không xa

Đón một mùa xuân mới Giáp Thìn 2024, NNND Nguyễn Thị Tam thêm một tuổi mới. U80 nhưng bà vẫn quả quyết “còn khỏe còn sống với ca trù”. Nhưng nữ nghệ nhân ca trù nức tiếng xứ Đoài giờ này không còn canh cánh ca trù mai một, thiếu lớp người kế cận như năm 2009 mới được UNESCO ghi danh “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. NNND Nguyễn Thị Tam vui vì Thủ đô Hà Nội hiện có trên 300 người thuộc gần 20 nhóm, câu lạc bộ ca trù thực hành, sinh hoạt thường xuyên tại địa phương, tham gia các liên hoan ca trù, trình diễn phục vụ du lịch… Điều này trái ngược hoàn toàn với thời điểm 15 năm trước, Hà Nội chỉ có một vài giáo phường hoạt động đơn điệu, thiếu cả nghệ nhân và khán giả thưởng thức.

Nhiều năm qua, NNND Nguyễn Thị Tam đã truyền nghề, đào tạo và tập huấn cho rất nhiều người đến với nghệ thuật ca trù tại địa phương và các nơi khác. Trong đó, lão nghệ nhân thấy nhiều bạn trẻ đã có niềm yêu thích nghệ thuật truyền thống dân tộc, thậm chí các cháu thanh thiếu niên giờ đây tiếp thu nhanh, chỉ một tuần đánh được phách, thuộc đủ các thể phách thì học ca đàn. Ít ai hay biết, ca nương Nguyễn Mai Phương (14 tuổi, CLB Ca trù Thượng Mỗ) nổi tiếng trong làng ca trù trẻ Hà Nội và cả nước là học trò của NNND Nguyễn Thị Tam. Nhờ sự tận tình truyền dạy, chỉ bảo của nghệ nhân cao niên nhất ở xứ Đoài, ca nương nhí đã chơi được phách và hát các thể cách ca trù thuần thục chỉ sau hai năm. Ca nương Nguyễn Mai Phương đã thể hiện tiếng phách giòn, đúng nhịp, khi hát tiếng tròn đủ độ ngân, vang thuộc “hàng hiếm” của ca trù Việt.

Đất Thăng Long - Hà Nội đang “hồi sinh” ca trù, những lộc non và chồi biếc của diễn xướng dân gian này đã vươn lên trong mùa xuân mới. Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn, liên hoan ca trù tạo sân chơi cho các nghệ nhân, lớp người kế cận hoàn thiện kỹ thuật nhả chữ, gieo phách, các ngón đàn, đến nỗ lực trao truyền của cộng đồng thực hành di sản, tình yêu nghệ thuật truyền thống của thế hệ trẻ đã đem tới cho ca trù Hà Nội tương lai tươi sáng.

Sắc xuân về trên những con phố nội đô Hà Nội, người xe tấp nập và hối hả cùng Tết. Đâu đó, câu hát “Dẫu trăm năm gặp gỡ đủ trăm lần/ Thơ với rượu cùng xuân ta vẫn thế”… (Gặp xuân, sáng tác Nguyễn Khắc Hiếu) từ vùng đất xứ Đoài của nữ ca nương U80 vọng lại. Thang âm ấy đưa ca trù Hà Nội - Việt Nam tới đích cần đến “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, và bỏ lại “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” của ngày hôm nay./.

“Ca trù có tính thính phòng, nó cũng đại diện cho tầng lớp sĩ phu Bắc Hà xưa. Bởi vậy, Hà Nội cần định vị giá trị ca trù, tạo thành các không gian giáo phường như các cụ ngày xưa thường làm. Điều này sẽ tạo nên một Hà Nội rất phong phú về đời sống tinh thần, cũng vừa làm thêm sự sang trọng cho nghệ thuật truyền thống Thủ đô” - Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long.

Bài liên quan
  • "Khoác áo mới" cho nhạc cụ truyền thống
    Tối ngày 20/1, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra chương trình hòa nhạc “TRAIECT IV VietNam”. Chương trình thuộc chuỗi dự án quốc tế “TRAIECT” (Traditional Asian Instruments and Electronics) của Hiệp hội Nhạc mới Hanover (HGNM) với sự hợp tác của Đại học Âm nhạc, Kịch nghệ và Truyền thông Hanover và được thực hiện bởi Quỹ Văn hóa Liên bang, Quỹ Lower Saxony và thành phố Hanover, Đức.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Rộn vang thang âm ca trù Thăng Long - Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO