- Thưa nghệ sĩ, ông sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, và hẳn là môi trường ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến con đường nghệ thuật của ông?
- Cha tôi là Nguyễn Văn Chi, một trong những chỉ huy đầu tiên của Dàn nhạc Dân tộc Trung ương, hồi ấy do nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương làm Trưởng đoàn. Từ nhỏ, tôi được sống trong môi trường nghệ thuật rất phong phú tại Khu văn công Mai Dịch (Cầu Giấy). Tôi từng được xem vở nhạc múa đầu tiên của Việt Nam là vở Tấm Cám do cha tôi và nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác, biên đạo múa là chuyên gia đến từ Triều Tiên. Cha tôi đã dành dụm tiền thù lao cho tôi học violon. Năm 1960, tôi thi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Nam - nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tôi học hệ sơ cấp, trung cấp, sau đó là đại học. Tôi học đại học chính quy về violon khóa đầu tiên của trường do hai giáo sư Bích Ngọc và Tạ Bôn giảng dạy. Tốt nghiệp, tôi được giữ lại trường và được ưu ái dạy đại học luôn. Sau đó, tôi được cử đi học sau đại học tại Hungary trong 3 năm.
- Chặng đường học tập và giảng dạy của ông ở giai đoạn đầu gắn liền với giai đoạn khó khăn của đất nước, khi chiến tranh chưa kết thúc. Chắc hẳn ông có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?
- Giai đoạn 1965 - 1969, trường sơ tán về Bắc Giang, chúng tôi hồi ấy mới học trung cấp nhưng đã đi biểu diễn tại các quân khu, các đơn vị bộ đội. Bên khí nhạc có tôi, giáo sư Ngô Văn Thành, nghệ sĩ violon Bùi Công Thành, nhạc sĩ Phú Quang hồi ấy đang là nhạc công chơi kèn... Trong thời gian học đại học từ năm 1970 đến năm 1975, tôi đã 3 lần được biểu diễn báo cáo kết quả học tập tại Nhà hát Lớn. Thời đó, cơ hội cho sinh viên được biểu diễn ở Nhà hát Lớn hiếm hoi lắm.
- Ngoài giảng dạy, công chúng được biết ông còn là thành viên tích cực của Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội?
- Đối với chúng tôi, việc giảng dạy và biểu diễn là song song. Tất cả giảng viên kỳ cựu trong trường đều tham gia dàn nhạc cùng với các sinh viên xuất sắc. Năm 1999, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội được mời sang Nhật biểu diễn và được Hoàng gia Nhật Bản trao tặng giải thưởng trị giá 5 triệu yên. Giải thưởng này có ý nghĩa ghi nhận những đóng góp lâu dài của Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội - một trong những dàn nhạc giao hưởng thành công của khu vực ASEAN.
- Là người gắn bó với công việc giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cho đến khi về hưu ông vẫn được nhiều phụ huynh gửi gắm con em mình. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm đào tạo tài năng âm nhạc?
- Nghề giảng dạy nghệ thuật mang tính liên thông, từ sơ cấp, trung cấp đến đại học, sau đại học. Tuy có các cấp bậc như thế nhưng riêng với việc dạy về cảm nhận âm nhạc thì không có ranh giới. Theo tôi, khi dạy học sinh, mình phải khơi dậy cho các em cảm nhận âm nhạc. Chính điều đó làm cho kỹ thuật chơi nhạc thanh thoát hơn. Ngay từ đầu phải nắn các em chính xác, khoa học nhưng cũng phải tự nhiên. Văn học, sân khấu, hội họa... là những lĩnh vực bổ trợ cho âm nhạc. Không chỉ dạy chơi đàn, người thầy còn phải chú ý bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho các em. Chơi nhạc cụ đàn dây không có phím, có nốt. Một động tác bấm dây, chỉ nghiêng đi một chút là đã khác. Tất cả dựa vào cảm giác của đôi tay.
- Bây giờ có rất nhiều nghệ sĩ chơi nhạc thành danh, riêng với violon cũng có nhiều tên tuổi. Nhưng hiện nay nhiều tài năng âm nhạc sau khi du học đã ở lại nước ngoài. Ông nghĩ sao về điều này?
- Bây giờ là thế giới phẳng chứ không như ngày xưa nên theo tôi, không cần đặt nặng vấn đề này. Những nghệ sĩ thành danh ở nước ngoài cũng có sự cống hiến và có mối quan hệ sâu sắc với quê hương, nhiều người trở về nước biểu diễn đều đặn. Ví dụ như nghệ sĩ violon Khôi Nam - Khôi Nguyên ở Pháp thường được mời về biểu diễn trong những sự kiện, mùa diễn, những đợt kỷ niệm lớn...
- Trân trọng cảm ơn Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn!