Tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 2005, Hoàng Tùng được Đạo diễn - NSND Lan Hương “đón” về Nhà hát Tuổi trẻ thành lập đoàn kịch 3 mang tên Đoàn kịch Hình thể: chuyên dựng diễn các vở mang tính nghệ thuật thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể, kết hợp lời thoại nhưng ít hơn so với kịch nói.
Huy chương Vàng đầu tiên Hoàng Tùng đạt được là vai diễn người chiến sĩ công an trong vở kịch “Từ một ngã tư”, cũng chính là vở đã tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân do NSND Lan Hương đạo diễn. Tiếp đến với “Hồn Trương Ba da Hàng Thịt”, anh đạt huy chương Bạc cho vai diễn lý trưởng; với vở “Bạch đàn liễu” anh đạt huy chương Vàng vai ông Quyền - chủ tịch xã. Nhờ khả năng biến hóa nhân vật tài tình, đài từ sáng rõ âm vang nên Hoàng Tùng được các đạo diễn tin tưởng giao vai chính trong nhiều vở diễn. Trong vở “Quẫn” của nhà viết kịch Lộng Chương, do nghệ sĩ Trần Lực đạo diễn, anh đóng cặp với NSND Lê Khanh vai người chồng tư sản Đại Cát. Hoàng Tùng đã kết hợp điêu luyện ngôn ngữ hình thể, độc thoại, đối thoại nhiều lớp lang của vở, tạo nên luồng gió tươi mới vừa hiện đại vừa cổ điển, hấp dẫn khán giả đến nhà hát thưởng kịch.
Trong các vở “Vi rút sát thủ”, “Nguyễn Du và Kiều”, “Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử”, “Biến vĩ của tình yêu”, “Tâm linh Việt” và gần đây là vở “Búp bê” (kịch bản của Lê Hoàng)… Hoàng Tùng đều gây ấn tượng cho người xem.
Không chỉ được biết tới qua những đêm diễn bùng nổ và rực rỡ trên sân khấu Nhà hát, Hoàng Tùng còn ấp ủ ý tưởng trình diễn solo chuỗi “Kịch câm trở lại” phục vụ khán giả đang dần quên lãng thể loại Pantomime. Những buổi độc diễn của nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng như làn gió mới tràn về, đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả nhiều lứa tuổi. Nhiều nam nữ thanh niên đã mua vé xem đi xem lại các tiết mục trong chương trình kịch câm của anh. Đó chính là thành công ngoài mong đợi của người nghệ sĩ trẻ dám sống hết mình và dâng hiến đam mê; là phần thưởng cho nỗi cô đơn, những giọt mồ hôi, những miệt mài sáng tạo mà Hoàng Tùng đã đánh đổi trên hành trình tìm lại môn nghệ thuật từng làm say đắm mê hoặc bao con tim.
Để mang đến cho khán giả niềm vui thưởng thức nghệ thuật, Hoàng Tùng không chỉ đau đáu suy tư, tìm tòi mà còn dày công miệt mài khổ luyện, chèo lái con thuyền kịch câm trở lại phục vụ công chúng. Cũng bởi thế, qua thời gian, lượng khán giả yêu mến, ưa thích kịch câm đông dần lên. Nghệ sĩ Hoàng Tùng nói mình cô đơn trong hành trình sáng tạo, tìm nguồn để kịch câm trở lại sân khấu, để đời sống tinh thần của đông đảo khán giả được nâng cao, thăng hoa phong phú. Nhưng những người biết anh đều hiểu anh không cô đơn. Đồng hành bên anh trên con đường sáng tạo nghệ thuật còn có ba mẹ, gia đình bé nhỏ và bạn bè đồng nghiệp, những người sẵn sàng sẻ chia gánh vác giúp anh từ khâu phát hành vé, tìm địa điểm biểu diễn, phát tờ rơi… để anh yên tâm vững bước trên con đường hoạt động nghệ thuật.
Hoàng Tùng may mắn có một người mẹ rất tuyệt vời. Bà là nhà giáo nhưng am hiểu và yêu kịch nghệ sân khấu. Bà thường xuyên thức đợi anh từ nhà hát trở về sau mỗi đêm diễn. Vở diễn nào con trai tham gia bà cũng đến xem, chia sẻ những cảm xúc, những điều bà ấn tượng và góp ý điều bà thấy chưa đạt. Hoàng Tùng cũng rất yêu kính và biết ơn mẹ nhiều vì chính bà đã hướng nghiệp để anh phát triển tài năng như hôm nay. Có một chuyện mẹ hay nhắc khi có ai hỏi về thuở ấu thơ của chàng nghệ sĩ: Tùng ngày bé nhát lắm, nhà có khách đến chơi là chạy biến trốn sau lưng mẹ. Thấy con trai nhút nhát vậy, ba mẹ bàn nhau cho cu cậu lên Cung thiếu nhi vào lớp kịch để rèn tính mạnh dạn từ hồi 5 tuổi. Nào ngờ, Tùng lại say mê và phát triển năng khiếu từ lớp kịch Chim Họa Mi thuở đó. Khách đến chơi, mẹ gọi ra diễn kịch là Tùng diễn liền, giọng cứ lanh lảnh véo von như chú chim non nho nhỏ.
Chú bé nhát như cáy năm xưa giờ đã là nghệ sĩ Pantomime, giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, hiện anh đang theo học Tiến sĩ ngành Lịch sử và Lý luận Sân khấu. Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nơi Hoàng Tùng đang truyền lửa say mê cho học trò cũng chính là ngôi trường thân yêu đã đào tạo anh từ thuở là sinh viên. Nhà giáo ưu tú Lê Hùng - thầy chủ nhiệm của Tùng những năm xưa rất yêu quý trò giỏi thông minh, liên tục đề nghị khoa Sân khấu giữ Tùng lại trường giảng dạy. Chỉ đến khi đã có hơn 10 năm tung hoành thử sức và cống hiến, tỏa sáng trên sân khấu trong nước và quốc tế, gặt hái nhiều huy chương, Hoàng Tùng mới “vâng lời” thầy Hùng trở về đứng trên bục giảng, “truyền nghề” cho lớp lớp sinh viên.
Vừa là nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn các vở nhạc kịch, vừa đứng lớp giảng dạy, cộng tác với đoàn kịch Trần Lực, các đoàn kịch Nhật Bản, Hàn Quốc… nên lịch của Hoàng Tùng ken dày, kín đặc. Dù thế nhưng anh vẫn sắp xếp thời gian đưa đón các con đi học, vẫn dành thời gian mời mẹ xem kịch hay đến rạp xem phim, sẵn sàng hợp tác và nhận các show biểu diễn kịch câm của các tổ chức yêu mến Pantomime.
Đôi nét chân dung về người nghệ sĩ tài năng trẻ tuổi đang sung sức này chỉ là phác thảo khiêm nhường, vì tôi biết anh sống vô cùng giản dị, nhân ái, chân tình, ăn chay trường, âm thầm làm từ thiện… Chúc nghệ sĩ Hoàng Tùng tiếp tục niềm đam mê bỏng cháy của mình, tiếp tục cống hiến và đào tạo thế hệ học trò thành danh, gặt hái những thành công rực rỡ tiếp theo trên hành trình làm nghề của mình và hạnh phúc trọn vẹn./.