Dân làng không ai còn nhớ chính xác nghề này có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề xuất hiện do những người phụ nữ trong làng bận làm ăn, buôn bán xa nên đã nghĩ ra cách đan giỏ ấm tích để ủ trà cho chồng mình và gia đình luôn có trà nóng để thưởng thức. Ban đầu, họ chỉ làm cho gia đình, sau làm quà tặng cho bạn bè, người thân và ngày càng có nhiều người yêu thích nên nhiều người học làm để bán. Từ đó, làng Bát Tràng có thêm nghề rút bao ấm như một nghề phụ mang lại thu nhập bên cạnh nghề gốm.
Trước kia, ở Bát Tràng luôn sẵn cây mây, song do người dân thường dùng để buộc và nẹp bè để trung chuyển hàng gốm sứ đi khắp nơi. Từ đó, mây và song trở thành nguồn nguyên liệu chính để làm giỏ ấm tích. Sau này, mây, song ngày càng hiếm nên người Bát Tràng thay thế bằng tre, nứa có sẵn ở làng và các vùng lân cận. Người Bát Tràng thường làm giỏ ấm tích theo hai kiểu: Kiểu hình hộp tròn và bầu dục, có nắp đậy, phần dưới nhỏ hơn phần trên nhưng vẫn cân xứng cả về chiều cao lẫn hình dáng.
Để làm giỏ ấm tích phải trải qua nhiều khâu, đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ và sự khéo léo của người thợ. Đầu tiên là khâu vót nan cốt từ tre thành các nan và đánh bóng. Một giỏ ấm thường cần 300 nan. Tiếp đó là vót vành với kích thước được xác định theo kích thước của loại ấm bên trong. Sau đó, người ta ngâm nan cốt và vành trong bể suốt 4 - 6 tháng để chống mối mọt, rồi vớt lên phơi khô, sấy kỹ. Hình dáng của giỏ ấm được định hình bằng khâu vây nan, dựng cốt. Tiếp đến là bóp hình, tức là ép các nan cốt cố định rồi đem hun bằng rơm và quét sơn. Sau 17 ngày, sơn khô hẳn, người ta mới lắp yếm (áo trong) của ấm, được nhồi rơm hoặc vải, bông bên trong cho chặt. Cuối cùng là khâu làm nắp và trang trí để hoàn thiện sản phẩm.
Nghề rút bao ấm ở Bát Tràng không quá vất vả nhưng tốn khá nhiều công sức, thời gian (17 ngày) mới có thể hoàn thiện một sản phẩm, vì thế, giá một chiếc giỏ ấm tích của Bát Tràng khá cao, dao động từ 400.000 - 1.000.000 đồng, tùy theo kích cỡ và chất liệu của sản phẩm.
Trước Cách mạng Tháng Tám, ở Bát Tràng có 5 gia đình làm nghề rút bao ấm, nhưng sau này, do thị trường ngày càng thu hẹp nên hiện tại chỉ còn 1 hộ giữ nghề. Tuy nhiên, người Bát Tràng luôn trân trọng và tự hào về nghề truyền thống độc đáo của mình.