Đời sống văn hóa

Nghệ nhân tài hoa của làng nghề mây tre đan Phú Vinh

Lưu Linh 09:15 03/09/2023

Đến làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội), thật dễ khi hỏi đường về thăm nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Trung. Và cả khi người đàn ông nhỏ bé, chân đi khập khiễng ấy đang đứng trước mặt, thật khó để hình dung rằng, ông vừa có một chuyến đi dài ngày sang vùng rừng núi bên nước bạn Lào, chỉ để tìm nguồn nguyên liệu mới…

Từ tìm một nguồn sống đến đam mê với nghề

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung sinh năm 1953 trên mảnh đất nghề truyền thống mây tre đan làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa. Lúc ông khoảng 9 - 10 tuổi, sau một trận ốm thập tử nhất sinh phải vào bệnh viện, bác sĩ kết luận ông bị bệnh co cơ, lao xương. Sau vài năm điều trị, bệnh tình không khỏi và chân phải của ông bị co rút, ngắn hơn chân trái. Vì thế, việc đi lại trở nên khó khăn hơn, đôi chân thành khuyết tật từ đó.

may-tre-dan.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đang đan sản phẩm là bức chân dung.

Nhờ được kế thừa sự khéo léo trong đan lát từ cha mẹ, cậu bé Nguyễn Văn Trung tập trung học làm mây tre đan. “Đầu tiên, học đan là để tìm một nguồn sống khi cơ thể tôi yếu hơn người thường. Nhưng dần dần, việc đan lát trở thành niềm yêu thích của tôi từ lúc nào không hay”, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung kể.

Năm 1972, khi tay nghề ông đã đủ cứng cáp và có dấu ấn riêng, ông tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Vinh. Có thêm nhiều cơ hội học hỏi từ tiền bối là các nghệ nhân cao tuổi trong làng, với đôi tay khéo léo và tài hoa cùng tâm huyết với nghề, Nguyễn Văn Trung được bầu làm đội trưởng đội kỹ thuật. Đội sản xuất do Nguyễn Văn Trung làm đội trưởng càng trở nên uy tín hơn khi giành được giải Nhất Cuộc thi tay nghề giỏi ở làng Phú Vinh. Giải thưởng là niềm tự hào, là động lực mạnh mẽ và quan trọng với chàng trai trẻ Nguyễn Văn Trung cũng như với thành viên trong đội.

Năm 1980, trong cuộc giao lưu nghề truyền thống, ông Trung được tặng giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” tại Liên Xô. Sau đó, ông được nhận vào học tại chức ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Năm 1983, ông được Ủy ban Khoa học Nhà nước và Bộ Đại học cử đi Cu Ba hỗ trợ tay nghề, giảng dạy cho người dân nước bạn về làm đồ thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, ông cũng được cử sang các nước châu Âu, châu Mỹ Latinh để học thêm nghề đan lát và nghiên cứu thêm về nghề mây tre đan từ các nước bạn.

may-tre-dan-2.jpg
may-tre-dan-3.jpg
Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung.

Thời gian học tập và giảng dạy ở nước ngoài (1983 - 1987), ông Trung đã xây dựng và đào tạo được một xưởng nghề với 300 công nhân cho Cu Ba; đan bức chân dung Chủ tịch Fidel Castro bằng chất liệu mây để tặng nhân dân Cu Ba. Khi trở về nước, ông là người đầu tiên ở Phú Nghĩa sử dụng cây bèo tây để tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

“Với tôi, đan là một hoạt động hấp dẫn. Sáng tạo kiểu mẫu để đan là một thú vui. Không chỉ là mây tre, mà tôi có thể đan với bất cứ nguyên liệu gì, kể cả từ cây, cỏ. Và tôi có thể làm thành bất cứ thứ gì, như lọ hoa, chùm đèn, bông hoa, bàn ghế, tranh,… chỉ từ những sợi đan”, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ.

Phát triển và phổ biến nghề truyền thống

Tháng 9/1987, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Hà Tây. Cho tới khoảng 1 năm sau, vì nhiều lý do, ông xin thôi việc ở trường Mỹ nghệ Hà Tây và trở về quê. Đứng trước tình trạng người làng Phú Vinh bỏ nghề đan vì những chuyển biến của thời đại, ông quyết tâm mang những điều mình đã học được ở nước ngoài để gây dựng và phát triển nghề truyền thống.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm mà nghệ nhân Nguyễn Văn Trung còn khao khát truyền dạy và phổ biến nghề truyền thống cho người dân địa phương và một số tình thành trên cả nước. Năm 2005, ông thành lập Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương, vừa dạy truyền nghề. Năm 2007, Trung tâm Dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh của ông được UBND Thành phố phê duyệt thành lập. Ông chủ trương hỗ trợ người khuyết tật bằng cách dạy nghề miễn phí và thu mua sản phẩm của họ với mức giá tốt. Cho đến nay, ông đã mở hơn 20 lớp học cho người khuyết tật, đào tạo được gần 1000 học viên, trong đó chi phí cho mỗi lớp học là 50 triệu đồng.

Mỗi năm, trung tâm của ông đào tạo được khoảng 500 học viên và đến nay có khoảng 5.000 lao động được học nghề từ đây. Sau khi học xong, có nhiều học viên của trung tâm đã ở lại làm việc tại công ty của ông với đãi ngộ và thu nhập ổn định. Học viên tại trung tâm của ông không chỉ là bà con địa phương mà còn là các lao động đến từ nhiều tỉnh thành khác như Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Đến nay, ở độ tuổi 70, dù sức khỏe yếu hơn người bình thường vì khuyết tật nhưng ông vẫn đi giảng dạy truyền nghề ở các vùng Hòa Bình, Hải Dương, Hà Nam, Đồng Nai… Với sự say mê và một lòng phát triển nghề truyền thống, ông không ngại lặn lội tìm đến các vùng núi Tây Bắc, khu vực miền Trung hay sang cả đất Lào chỉ để tìm nguồn nguyên liệu mới. Và có thể nói rằng, các hàng mỹ nghệ ở khắp mọi miền Tổ quốc, đều có thể là sản phẩm của học trò nghệ nhân Nguyễn Văn Trung.

Bằng tài năng và đóng góp cho nghề truyền thống trong 50 năm qua, ông đã được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen, các chứng chỉ quốc gia, quốc tế; được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề (2005), Nghệ nhân Hà Tây (2006), Nghệ nhân Dân gian (2009), Nghệ nhân Ưu tú (2016). Nhiều năm liền ông vinh dự được nhận danh hiệu Người tốt việc tốt các cấp. Đặc biệt, năm 2015 và 2016, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của công ty ông được Bộ Công thương trao chứng nhận Sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 và được công nhận hạng OCCOP 4 sao Trung ương vào năm 2023./.

Bài liên quan
  • Trải nghiệm làm nón Chuông tại phố cổ Hà Nội
    Ngày 12/8, tại đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, CLB Đình làng Việt cùng Ban Quản lý Dự án Trường làng trong phố phối hợp tổ chức workshop “Nghiêng vành nón Chuông". Đây là sự kiện thứ hai, tiếp sau workshop “Hoa cài tre đan” được triển khai trong trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Hè – Thu 2023.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Hoàn thiện chính sách pháp lý phát triển văn học, nghệ thuật bước vào kỷ nguyên mới
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định).
  • Bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024
    Theo đó, có 15 sự kiện được đưa ra bình chọn. Hoạt động bình chọn được tổ chức dưới 2 hình thức: Tổ chức bình chọn trực tiếp ngày 6/12/2024 với sự tham gia của đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
  • Trải nghiệm “Chuyến tàu Thanh xuân” cùng loạt ưu đãi hấp dẫn tại Phương Đông Asahi
    “Chuyến tàu Thanh xuân” là sự kiện diễn ra định kỳ nhằm giúp khách hàng có cái nhìn trực quan nhất về một điểm đến nghỉ dưỡng – dưỡng lão đẳng cấp, cũng như cơ hội tiếp cận chuỗi dịch vụ, tiện ích chăm sóc sức khỏe toàn diện tại Phương Đông Asahi.
  • Huyện Đan Phượng: Đảm bảo cung ứng mặt hàng thiết yếu dịp Tết Ất Tỵ 2025
    Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội) Nguyễn Thạc Hùng vừa ký ban hành Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ât Tỵ năm 2025 lĩnh vực Công thương trên địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại huyện Đan Phượng nói riêng và có thể cung cấp một phần cho thị trường Thành phố Hà Nội nói chung.
Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân tài hoa của làng nghề mây tre đan Phú Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO