Ngành Giáo dục Hoài Đức nâng cao chất lượng giáo dục thông qua chuyển đổi số
Theo báo cáo mới nhất từ Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức, lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học đã và đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong công tác giảng dạy và học tập của toàn ngành.
Ứng dụng chuyến đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục
Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức, tính đến nay trên địa bàn huyện đã có 54 trường tiểu học, THCS chuyển đổi số trong dạy và học. Trong đó, 9 đơn vị đạt mức 3,45 đạt mức 2. Chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục có 49 đơn vị đạt mức độ 2 và 5 đơn vị đạt mức độ 3.
Nhằm thực hiện thí điểm triển khai học bạ số cấp tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức đã chủ động thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể tới từng thành viên trong ban chỉ đạo, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời hỗ trợ các trường trong quá trình triển khai thực hiện.

Ðể đổi mới hơn nữa phương pháp giảng dạy, ngành GD&ĐT Hoài Đức đã đẩy mạnh số hóa học liệu điện tử, xây dựng giáo trình điện tử, sách điện tử, bài giảng, bài học trực tuyến bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức, chuyển đổi số là bước chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi sự thay đổi từ trong tư duy, nhận thức của mỗi người, cho nên, trường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, phổ cập tầm quan trọng của công tác này cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Đồng thời, chuyển đổi số trong giáo dục được xem là chiến lược dài hạn với những cải cách quyết liệt, triệt để trong giảng dạy, học tập, quản lý đào tạo. Trong chuyển đổi số, công nghệ không phải là yếu tố quan trọng nhất mà chính là quyết tâm cao độ của lãnh đạo, nhận thức và sẵn sàng thay đổi của các viên chức trong các nhà trường. Trang bị và phổ biến kiến thức về kỹ thuật số cho giáo viên, học sinh là điều cần thiết bởi công nghệ, kỹ thuật số là cốt lõi trong các hoạt động làm việc của giáo viên và học sinh.
Từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong ngành GD&ĐT huyện Hoài Đức, đến nay, ngành GD&ĐT huyện đạt 99,99% triển khai học bạ số cấp tiểu học, đứng thứ 2 toàn thành phố; tập thể Phòng GD&ĐT và cá nhân Trưởng phòng được UBND TP Hà Nội tặng bằng khen trong chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học.
Mặt khác, để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng CNTT vào quản lý và giảng dạy, Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức cũng chủ động tổ chức tốt Ngày hội Văn hóa, thể thao, công nghệ thông tin và Stem - Steam cấp huyện với sự tham gia của 100% các trường và tổ chức tập huấn công tác chuyển đổi số cho hơn 140 giáo viên cấp THCS năm học 2024-2025; xây dựng Kế hoạch số 16/KH-PGDĐT nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2025 của ngành GD&ĐT.
Chủ động bắt nhịp, tạo bước đột phá
Năm học 2024 - 2025, Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức tiếp tục triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025”.
Ngành Giáo dục huyện Hoài Đức cũng tiếp tục triển khai mở rộng cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT Hà Nội, kết nối với các cơ sở dữ liệu GD&ĐT nhằm nâng cao tiện ích và hiệu quả cho công tác quản lý giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông, liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai học bạ số, xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ hướng đến văn bằng số, chứng chỉ số.

Cùng với đó, ngành Giáo dục huyện Hoài Đức cũng tăng cường các điều kiện bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quản trị, dạy, học và nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, kiểm tra, đánh giá trong giáo dục; tiếp tục xây dựng hạ tầng số quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục đi cùng với phát triển các giải pháp bảo đảm an toàn môi trường học tập số; nâng cao năng lực số cho người học và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục triển khai hệ thống thư viện số toàn ngành; khai thác hiệu quả kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành và ngân hàng câu hỏi trực tuyến.
Theo ông Vương Văn Lâm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức, để thực hiện các mục tiêu, ngành Giáo dục huyện đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm: Chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra đánh giá theo Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Đồng thời, ngành đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị các cơ sở giáo dục và xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục với hệ sinh thái quản trị ngành và các nhà trường; tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục, trong đó ưu tiên một số dịch vụ.
"Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục huyện Hoài Đức. Hiện nay, chuyển đổi số đã hiện hữu trong các cơ sở giáo dục, mỗi thầy cô và học trò. Không chỉ tạo chuyển biến tích cực trong ngành Giáo dục mà đây còn là cơ hội để trường học vùng khó xóa khoảng cách trong tiếp cận công nghệ, tri thức cho học trò", ông Vương Văn Lâm chia sẻ./.