Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Giáo dục Thủ đô: Ngành giáo dục Hoàn Kiếm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong trường học
Giáo dục là một trong những lĩnh vực được ưu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hướng đến xây dựng một nền giáo dục mở. Để nâng cao chất lượng giáo dục, Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng đã chủ động tiên phong tham gia và nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo hướng đến chuyển đổi số toàn diện.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ ngày nay đã thay đổi hoàn toàn cách giáo dục truyền thống trên toàn thế giới, chính vì vậy, để có thể đạt được thành công trong môi trường làm việc tương lai, con người cần phải có nền giáo dục số phù hợp. Do đó, hệ thống giáo dục và đặc biệt là cách chúng ta học và dạy phải được điều chỉnh cho phù hợp với kỷ nguyên số. Chuyển đổi số đang tạo ra một cuộc “cách mạng giáo dục” thay đổi toàn diện từ cách tạo ra công cụ học tập mới, giấy trắng bảng đen thành các tài liệu “mềm” trên thiết bị điện tử.
![z6316464460456_7b82ee899c53579884aa1ab40f37623c.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/14/z6316464460456_7b82ee899c53579884aa1ab40f37623c.jpg)
Nhận biết và nắm bắt được xu hướng tất yếu của thời đại, ngành Giáo dục Thủ đô nói chung và ngành Giáo dục quận Hoàn Kiếm nói riêng đã xác định việc chuyển đổi số trong toàn ngành là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng với các nội dung cụ thể như:
Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, phát triển công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa thông qua hai hình thức phát triển một hệ tri thức phổ thông được cập nhật cùng với kho học liệu mở và phát triển mạng giáo dục Hà Nội trên cơ sở mở rộng và nâng cấp hệ thống quản lý ngành giáo dục điện tử hiện có cho phép kết nối hiệu quả học sinh – giáo viên – phụ huynh – các cơ sở giáo dục, đào tạo – các nhà quản lý giáo dục trong một môi trường học thuật và sư phạm.
Đặc biệt, với phương châm “Giáo dục thông minh trong thời kì hội nhập quốc tế”, ngành GD&ĐT Hoàn Kiếm nhiều năm qua đã quan tâm, chú trọng và đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy và học, bước đầu đã đạt được những hiệu quả thiết thực như: trang bị nhiều trang thiết bị CNTT hiện đại tại các trường học, sử dụng phần mềm thư viện, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử, kho học liệu mở, website thông tin hoạt động của nhà trường, nhiều giờ học được tích hợp ứng dụng công nghệ hiện đại, kĩ năng CNTT của thầy và trò được nâng cao…
![z6316480744309_981ff73e9b24ebf8115a3327b28b7447.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/14/z6316480744309_981ff73e9b24ebf8115a3327b28b7447.jpg)
![z6316491200753_b5f3edb3ce6a72e2618c4027cdc0b696.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/14/z6316491200753_b5f3edb3ce6a72e2618c4027cdc0b696.jpg)
Công tác xây dựng kho học liệu điện tử được triển khai rộng rãi với nhiều hình thức như: các bài giảng E-learning, các bài giảng điện tử powerpoint, các video ngắn theo chủ đề, đường link video các tiết chuyên đề chất lượng tốt... Đây là nguồn học liệu vô cùng phong phú và hữu ích cho quá trình học tập, phát triển chuyên môn của các thầy cô giáo.
Trong quá trình chỉ đạo, triển khai ứng dụng CNTT, lãnh đạo ngành luôn coi con người là yếu tố trung tâm, đầu tư thích đáng cho công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và kiến thức về CNTT cho đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên các cấp nhằm xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong thời gian qua và những năm tiếp theo. Đại diện Ban giám hiệu các trường Mầm non, Tiểu học và THCS thường xuyên được tham dự các hội thảo Phổ biến về Luật an ninh mạng; kinh nghiệm bảo đảm an toàn trên không gian mạng. Các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy được tập huấn về ứng dụng phần mềm giáo dục, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI giúp việc quản lý soạn bài, xây dựng kế hoạch giáo dục, nhận xét đánh giá trẻ của giáo viên và các cấp lãnh đạo quản lý trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn.
Bà Trịnh Ngọc Trâm, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng như quận Hoàn Kiếm, phòng GD&ĐT quận đã tổ chức họp ban lãnh đạo các trường trong toàn quận để tập trung tuyên truyền về tính năng, lợi ích của mô hình đến tất cả các cơ sở giáo dục cũng như phụ huynh, học sinh. Để công tác chuyển đổi số đạt hiệu quả, các trường trên địa bàn toàn quận đã khẩn trương trang bị nhiều thiết bị thông minh phục vụ hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành; đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng như: kết nối mạng internet, phát wifi, thiết bị trình chiếu phục vụ công tác giảng dạy, học tập, phòng họp và thiết bị họp trực tuyến.
Trong tháng 01/2024, Phòng GD&ĐT đã mời chuyên gia tập huấn Thiết kế bài giảng E-learning cho giáo viên cả ba cấp Mầm non, Tiểu học và THCS. Tham gia các nội dung thi Kĩ năng CNTT dành cho giáo viên, nhân viên; Thiết kế bài giảng điện tử Elearning trong Ngày hội CNTT-STEM quận Hoàn Kiếm năm 2024, các giáo viên, nhân viên quận đạt tổng cộng 123 giải, trong đó có 12 giải Xuất sắc, 18 giải Nhất, 24 giải Nhì, 32 giải Ba, 37 giải Khuyến khích.
![z6316464470658_fb0ed46d53f8678d12d6faed0a00add4.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/14/z6316464470658_fb0ed46d53f8678d12d6faed0a00add4.jpg)
![z6316464427224_e2d8c6e611917f673c67d2a9642ee996.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/14/z6316464427224_e2d8c6e611917f673c67d2a9642ee996.jpg)
Tháng 3/2024, Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Đẩy mạnh chuyển đổi số và giáo dục STEM theo định hướng giáo dục thông minh cấp THCS thành phố Hà Nội tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên. Kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số trong dạy học có 13/21 đơn vị đạt mức độ 2, 8/21 đơn vị đạt mức độ 3; kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục có 4/21 đơn vị đạt mức độ 2, 17/21 đơn vị đạt mức độ 3.
Mặt khác, thực hiện Kế hoạch số 864/KH-SGDĐT ngày 26/3/2024 của Sở GD&ĐT Hà Nội về triển khai thí điểm Học bạ số các trường phổ thông Ngành GD&ĐT thành phố Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Học bạ số ngành GD&ĐT Hoàn Kiếm, xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị giáo dục chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thí điểm Học bạ số các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn quận.
Đồng thời, Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm đã xây dựng quy trình nghiệp vụ quản lý, sử dụng, vận hành các chức năng cơ bản trong tạo lập và sử dụng Học bạ số đối với từng cấp học theo các nội dung cụ thể (tạo lập, cập nhật Học bạ số; quản lý và lưu trữ Học bạ số; sử dụng Học bạ số để tra cứu thông tin Học bạ số, thực hiện các thủ tục hành chính sử dụng liên quan đến Học bạ số...); kết nối, trao đổi dữ liệu Học bạ số trên cơ sở dữ liệu Ngành GDĐT địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia; nâng cấp bổ sung chức năng hệ thống thông tin ngành GDĐT tại https://csdl.hanoi.edu.vn đáp ứng các yêu cầu về Học bạ số, cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh TH, THCS đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ theo quy định của Bộ GD&ĐT./.
Nhằm hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có Văn bản số 3034/SGDĐT-CTTT-KHCN ngày 4/9/2024 gửi tới các Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã, các đơn vị, trường học trực thuộc Sở, các Trung tâm GDNN-GDTX. Trong đó nhấn mạnh về việc tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025”.