Ngàn lau trắng

HNMCT| 25/02/2022 12:46

Ban đêm gió lạnh về nhiều. Đã qua hơn hai tháng giãn cách. Tám triệu người dân đã buộc phải ở nhà hơn sáu mươi ngày sau lệnh giãn cách của chính quyền thành phố. Ai muốn ra đường phải được cấp giấy, kể cả việc đi mua thức ăn, đi làm việc và đến bệnh viện... Cuộc sống của người dân buộc phải thích ứng với hoàn cảnh, để tránh sự lây lan của vi rút.

Ngàn lau trắng
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Những vì sao xa vời lắm, nhưng đối với con người khi nhìn lên bầu trời đêm, hy vọng lại được nạp đầy bởi ánh sáng dịu nhẹ đến từ nơi xa xôi cao vời...

Gió thổi mỗi lúc càng mạnh, mang thêm không khí lạnh ở những vùng miền xa xôi về.

Trong căn gác xép nhỏ ở trên tầng áp mái, cô lặng lẽ một mình.

Lâu lắm cô không gặp ai. Mà hình như cô cũng rất thích ở một mình như vậy.

Những chậu cây nhỏ được đặt ở trên những bệ cửa sổ. Mấy hôm trước hoa mười giờ giống Mỹ nở rực rỡ, hoa thanh tú màu tím nở dịu dàng.

Ở giữa phố cổ mà có cảm giác như đang được ở một nơi không có người. Đó là điều mà cô rất thích thú, giống như cô đang ở một ốc đảo mà mọi thứ đồ ăn đã có sẵn trong chiếc tủ lạnh thiên nhiên. Mặc cho dịch bệnh hoành hành khắp nơi. Ở đây cô chắc chắn rằng "loài covid" đáng sợ đó không thể tìm đến.

Cô thường ngồi rất lâu trước ly cà phê tự pha, ngắm bức tranh thêu rừng phong hương đỏ treo trên tường. Bức tranh không có gì đặc biệt ngoài sắc đỏ tươi, và nó là của một dịch giả người Trung Quốc tặng cô vào cái năm ông còn rất khỏe, có thể sang Việt Nam thường xuyên để thăm thú hoặc dự hội nghị. Lâu lắm rồi cô không còn gặp ông ấy, nhưng cô biết rằng ở một thành phố xa xôi, ông cũng đang chống chọi với nạn dịch khủng khiếp mà cả thế giới đang phải trải qua.

Loài động vật duy nhất ở trong căn gác xép này cùng chia sẻ vui buồn với cô là mấy chú cá đang đùa vui trong bể cá nhỏ, một cái bể cá hình vuông kích thước bề ngang mỗi bề chỉ 40 centimét, có cái đèn và có cả những máy sục oxy. Nom những chú cá bơi lội thật vô tư.

Dưới kia phố xá lại ồn ào tiếng người xe qua lại. Thỉnh thoảng tiếng còi cấp cứu hú vang, đủ cho người ta nghĩ rằng dịch bệnh vẫn chưa qua, đâu đó vẫn còn có người bị mắc căn bệnh thế kỷ.

Cô mở cuốn sổ tay ra ghi theo thói quen hằng ngày:

“Không cao lãnh. Không có khuôn mặt như núi tuyết ngàn năm. Cũng không có thần lực thông thiên.

Không có KHÔNG. Cũng không có CÓ.

Cả ngày tiêu dao tự tại.

A di đà Phật!”.

Dường như có tiếng lau sậy va vào nhau khi gió thổi. Tiếng ai thì thào bên trí não, tiếng thì thào theo gió luồn qua ô cửa sổ, như đã lâu lắm rồi thúc gọi. Cô nhận ra chính là cô đang vô thức trượt tay vào một file ảnh cũ. Gương mặt người ấy nhìn cô như gợi lại những vỉa tầng cất giữ vùi chặt trong ký ức. Cô nhìn sâu vào đôi mắt người ấy.

Em nhớ anh. Lẽ nào chúng ta sẽ gặp lại nhau?

Lâu lắm rồi, cuộc sống của cô không có anh. Cô đã quên ánh mắt nụ cười ấy.

***

Mùa xuân sắp về nơi đây, nhưng loài vi rút đáng sợ vẫn chưa chịu chìm lấp dưới những vỉa tầng của vỏ trái đất. Chúng trỗi dậy thách thức. Những bông lau trắng bên bờ sông tràn ngập nắng gió, tan tác giống như đầy trời tuyết bay. Chim sâm cầm lâu lắm không còn hạ chân xuống mặt nước để ngắm chân trời nơi có những đám mây sáng lên u huyền.

Thế gian chìm sâu vào giấc ngủ chậm.

Ai đó đang tấu lên khúc nhạc thiền: “Thế gian hạnh phúc bởi còn ký ức, còn có thể ghi nhớ sắc màu thế giới/Thế gian bi ai bởi còn ký ức,còn có thể ghi nhớ bóng tối của thế giới...”

Thế gian giờ đây vật lộn chống chọi cơn đại dịch nguy biến hơn cả sóng thần.

Nước chảy về đâu? Có xa cách như ánh mắt của người thương đã tiêu tan đã lìa xa. Những áng mây mơ hồ dường như đang quấn quýt mãi trong ký ức, như chưa từng theo nhạn phương Nam bay khuất phía chân trời.

Cô biết, chốn hồng trần, nếu không vương vấn sẽ không phải rơi nước mắt. Đã tiễn người đi. Đã buông tay rời bỏ những vui vầy thế gian, ai biết còn không ân tình?

Ai đó nói: “Như bông hoa dại trong gió sương, nào biết vì ai mà nở. Lại như ngọn cỏ dại cô đơn giữa hoang vu, biết xanh vì ai?”.

Năm đó, cô quả quyết rời xa anh. Ngoái lại ngày cũ bao nỗi nhớ lại tràn ngập.

Anh học xong đại học, nhiều công ty lớn mở cửa đón nhận. Cô hy vọng sẽ có một nơi giữ được chân anh giữa cái chốn thị thành sầm uất. Rồi họ sẽ có một gia đình ấm cúng. Nhưng anh từ chối tất cả.

“Anh muốn về chăm giữ những dải lau sậy bên sông quê anh, em ạ. Rồi anh sẽ mang ít giống đào về trồng xen bên cạnh, lùi vào phía trong bờ. Đất cát pha được phù sa sông bồi đắp có thể sẽ hợp với một vài giống đào và mận trắng. Hơn nữa nghề làm hương gia truyền của nhà ngoại anh đang rất cần có người tiếp nối. Mẹ đã yếu lắm rồi...”.

Anh không nói nhiều. Nhưng cô biết, anh còn mẹ già, với những khát vọng níu kéo. Họ đã rời xa nhau. Không hẹn gặp lại. Cô cũng có sự nghiệp của mình, không thể theo anh về chăm lau sậy, hay tưới bón những gốc đào, rồi đêm ngày nhào nặn giấc mơ hồng trần bảng lảng theo khói hương.

Những đóa hoa nở trong mưa xuân nhắc nhớ một đời sống thường hằng. Lâu lắm cô không xao động hay khắc khoải. Không biết người ấy giờ đây có cuộc sống ra sao.

Chỉ có hoa đào năm xưa vẫn lưu trong ký ức. Khi họ tay trong tay đi giữa vườn đào dịp giáp Tết. Cô cười nụ cười của bông đào phai. Nụ cười như giấc mộng đào mãi mãi không nhạt nhòa, như khói như sương, như ảnh hình xưa cũ.

***

Những luồng nắng phả xuống nhân gian từng dải phất phơ theo gió. Gió thổi từ đâu đó, vượt qua thung rộng phía đông thành phố, mang theo hơi thở nhân gian, trùm lên vạn vật, lay động cả ánh sáng...

Cơn mưa đêm qua đã xóa sạch mọi vết ố bẩn đọng trên những cành lá. Những vết ố bẩn mắt thường có thể nhìn thấy thường sạch được ngay. Nhưng những loài vi rút dưới tầng tầng lớp lớp vỏ mặt đất nào ai hay trong một ngày một thời khắc, bỗng là thứ hủy diệt loài người.

Khi đó họ cùng nhìn thấy nhau.

Bên vạt cỏ ven sông, nắng đang đổ ngào ngạt. Nắng vàng ươm trên thân những chú bò ai chăn thả chậm rãi bứt cỏ. Dưới sông con tàu chở cát đang trôi từ từ về bến.

Một con thuyền nhỏ đang lách rất nhẹ nhàng từ sau con tàu lớn đó, tiến dần vào bờ. Cô nheo mắt nhìn con thuyền lách qua con tàu, những cú lách khá uyển chuyển, cũng có lẽ lúc này nhờ gió đẩy, nên con thuyền đã tắt máy và có thể dễ dàng tiến gần bờ đến thế.

-   Em... tìm gì ở mảnh đất này?

Anh hỏi nhỏ, khác với vẻ thô tháp. Tay anh vẫn mạnh mẽ và dứt khoát trải những vòng hương trầm ướt lên mặt những chiếc giá phơi.

Cô băn khoăn quá. Biết nói sao với anh đây. Không lẽ nói rằng, cô chỉ đơn giản tìm về nơi xưa kia có một truyền thuyết, nơi có bãi tắm tiên, và đứng ở dưới một bóng cây để nhìn xuống dòng sông. Hay là cô muốn nhìn thấy anh? Cô cũng không biết nữa.

Cô cười quả quyết:

- Em không tìm gì cả. Đơn giản là em muốn được về bến sông này, muốn được tiếp thêm cho mình chút năng lượng. Em... dường như đã mỏi mệt.

Cô ngồi sụp xuống, cùng phơi hương với anh. Những vòng hương được đặt xuống tấm liếp, dưới nắng, tỏa thơm dìu dịu. Thứ hương thơm tạo cho người ta cảm giác lâng lâng không thể cắt nghĩa.

Anh giải thích:

- Phù sa bãi bồi đã nuôi lớn những thân mộc. Ngày xưa nơi đây ngàn lau phủ kín. Đức Ngài đã dạy dân lấy chút đất bồi luyện cùng mộc hương. Hương được luyện bởi khí Trời khí Đất, nên thắp lên xua được tà ma ám khí. Con dân nơi đây học rộng, nhiều người đỗ đạt làm quan, hoặc làm kẻ sĩ...”.

Cô nhìn sâu vào mắt anh:

- Anh ở đâu giữa những hàng quan và kẻ sĩ?

- Mấy năm trước, khi gặp lại em ở đền, em cũng hỏi vậy. Tay anh luyện hương và giữ những bờ lau kia.

Những bờ lau? Cô nhìn thấy những bông lau trắng. Và cả những vạt đào được trồng xen kẽ dọc theo dải phù sa bên sông.

- Anh cùng người làng dời đào về đây rồi. Dịch này cũng không thể chen chúc chợ hoa. Mọi người dần dần thì cũng phải đi xa chút để sắm được cành đào ngày Tết.

Anh nói với cô mà như nói với chính mình.

- Vậy là năm nay hoa đào sẽ nở rực ở vùng này. Thích thật đấy. Khi đó em sẽ lại về để ngắm đào.

Anh không nhìn sâu vào mắt cô như ngày nào nữa. Nhưng anh đang lắng nghe những thanh âm từ lồng ngực của cô. Những thanh âm không thể giấu nổi.

- Em... rồi sẽ chỉ về ngắm đào thôi sao?

Cô thản nhiên:

- Vâng. Lâu lắm rồi em không được ngắm hoa đào nở tại vườn.

- Em vẫn sống một mình sao?

Cô nhìn anh:

- Đừng lo cho em. Anh cần chăm sóc tốt cho bản thân và gia đình nhỏ của anh...

Bàn tay thô ráp của người đàn ông lưỡng lự bên sạp hương. Gương mặt anh rạng lên ánh đồng. Có lẽ nắng khiến đôi tay ấy mạnh mẽ hơn.

- Anh đã từng nghĩ đời này không còn có thể trở lại với em nữa. Anh vẫn biết tin em. Nhưng anh không đi tìm em. Vì anh nghĩ đã để mặc em những năm tháng khốn khó.

Cô gạt mồ hôi trên trán.

- Đừng nói chuyện đó nữa, được không anh? Nắng đẹp quá. Anh nhìn bãi lau sậy bên sông kia. Dường như vẫn nguyên sơ như vậy, từ buổi Triệu Quang Phục ẩn mình để chiến thắng giặc Lương, rồi lập triều đại Triệu Việt Vương...

- Anh muốn tìm một người bầu bạn, bên mình suốt đời. Thực ra... anh vẫn luôn đợi em. Để quên đi bao mùa sâm cầm bay về phương Bắc, quên đi bao mùa lau thả bông trắng lóa bờ sông. Quên đi những vết bụi con đường ngoài kia, những dải sương bạc như những ngọn khói liễu hồ run rẩy bên mình. Anh muốn đi giữa đất trời không chỉ một mình...

Bên bãi lau sậy hoa nở trắng bên sông, họ đứng bên nhau lặng lẽ.

Không biết họ có thôi ý nghĩ tiếp tục buông tay nhau?

Dịch bệnh khiến hết thảy con người trên thế gian này đều phải chịu ngăn cách, nhưng trái tim dường như xích lại gần nhau hơn.

Khi ấy hoa đào chưa nở.

Ngàn lau trắng nghiêng nghiêng trên bến nước.

(0) Bình luận
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Ngàn lau trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO