Nền tảng I-Cabinet: Hà Nội tiến tới chính quyền số
Cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô thời gian qua đã chung sức, đồng lòng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Nhiều giải pháp xây dựng Chính quyền số - Chính quyền phục vụ đã được Hà Nội triển khai. Đặc biệt, ngày 28/6/2024, UBND Thành phố Hà Nội sẽ ra mắt nền tảng họp không giấy tờ (I-Cabinet) tích hợp phòng họp thông minh.
Nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính của Thành phố Hà Nội là ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Thủ đô đã xây dựng và triển khai các Kế hoạch, văn bản các nhiệm vụ của các ngành liên quan đến xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số, đảm bảo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
UBND Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua chính quyền Thủ đô đã ban hành các quy chế quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Thành phố; ban hành quy định bổ sung mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND Thành phố; hoàn thành cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản mới nhất, hoàn thành việc xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP).
Năm 2024, Thành phố thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, làm vì danh dự như đã thực hiện với việc giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Để xây dựng chính quyền số và chính quyền điện tử, UBND Thành phố Hà Nội đã vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp Ban cán sự đảng UBND Thành phố, UBND Thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội đã hoàn thành hạng mục thuê dịch vụ công nghệ thông tin; thực hiện rà soát các hiệu năng tính năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố theo các quy định hiện hành; kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo yêu cầu Đề án 06 của Chính phủ. Đồng thời, kết nối với VNPost; tổng đài, tin nhắn SMS; đẩy mạnh kê khai thuế điện tử; kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Thành phố. Các cuộc họp của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã áp dụng hệ điều hành quản lý hồ sơ công việc, gửi tài liệu qua email công vụ tới tất cả các Thành ủy viên, ủy viên UBND Thành phố, các giám đốc sở, ngành…
Thêm một bước tiến đánh dấu nỗ lực, quyết tâm xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử của Thành phố Hà Nội, ngày 28/6/2024, UBND Thành phố chính thức ra mắt các ứng dụng nền tảng thuộc Đề án 06 Chính phủ, trong đó có nền tảng họp không giấy tờ (I-Cabinet) tích hợp phòng họp thông minh. I-Cabinet sử dụng công nghệ hiện đại trợ lý ảo Al tạo thuận lợi, kịp thời trong chỉ đạo điều hành, xây dựng nền quản trị hiện đại, hiệu quả.
Nền tảng I-Cabinet mang theo sứ mệnh lớn bởi đây là hệ thống hướng tới mục tiêu phòng họp không giấy tờ, cho phép lấy ý kiến, tổ chức và chuẩn bị cho các cuộc họp, điều hành diễn biến cuộc họp một cách tường minh, khoa học. Hệ thống tích hợp với mô hình phòng họp thông minh giúp mang lại nhiều tiện ích thông qua việc điều khiển, vận hành và quản lý phòng họp trở nên dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện.
Với sự ưu việt, nền tảng I-Cabinet đem lại không ít lợi ích để tạo nên chính quyền số, chính quyền điện tử Thủ đô như đơn giản hóa và tiết kiệm thời gian cho quá trình lấy ý kiến cũng như công tác chuẩn bị họp, tăng chất lượng cuộc họp thông qua việc nghiên cứu trước nội dung và cho ý kiến trước phiên họp, công khai, minh bạch thông qua hình thức biểu quyết trực tuyến; hỗ trợ việc tổng hợp, lập biên bản dễ dàng thông qua các tiện ích nhận dạng giọng nói và báo cáo nội dung cuộc họp; dễ dàng trao đổi giữa các thành viên và bộ phận chuyên trách trước, trong và sau cuộc họp.
Nền tảng I-Cabinet tích hợp phòng họp thông minh của Hà Nội còn đem lại nhiều lợi ích mà thực tế có thể nhận rõ bằng mắt thường. Cụ thể, với một cuộc họp thông thường bằng hình thức trực tiếp, một cơ quan/đơn vị phải tốn nhiều thời gian để tổng hợp tài liệu, báo cáo; thực hiện in ấn, sao chép tài liệu phục vụ các đại biểu. Khi phân phát tài liệu, đôi lúc bị nhầm lẫn. Mặt khác, bộ phận văn phòng phải tính toán đúng số lượng đại biểu để in tài liệu cho đủ số lượng, tránh trường hợp bị thừa hoặc thiếu, gây lãng phí, làm mất thời gian.
Trong khi đó, với I-Cabinet, trước mỗi cuộc họp, nội dung chương trình và tài liệu được chuẩn bị và cập nhật lên hệ thống để các thành viên tham dự họp nghiên cứu trước. Khi cuộc họp diễn ra, các đại biểu chỉ cần một máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh kết nối internet, các đại biểu dễ dàng tra cứu, sử dụng các tài liệu, đồng thời có thể hệ thống hóa những nội dung mình quan tâm. Mỗi khi cần tra cứu, tìm kiếm lại tài liệu liên quan cũng tra cứu qua thiết bị thông minh thay vì phải cầm đọc văn bản hoặc ghi chú các nội dung ra sổ.
Ngoài ra, khi triển khai I-Cabinet, chính quyền Thành phố Hà Nội còn có thể tổ chức các cuộc họp mang tính cấp bách như chỉ đạo, giải quyết các vấn đề về an ninh chính trị, kinh tế - xã hội, thiên tai, dịch họa. Hình thức này vừa giải quyết nhu cầu cấp bách, vừa giải quyết nhu cầu chỉ đạo thường xuyên, liên tục cùng một lúc khi có sự cố xảy ra mà không phải di chuyển đến địa điểm như việc họp trực tiếp như trước kia.
Công nghệ thông tin ngày một phát triển, việc chuyển đổi từ phòng họp truyền thống sang phòng họp không giấy tờ là xu hướng tất yếu. Thành phố Hà Nội không đứng ngoài xu hướng này bởi Hà Nội đã, đang quyết liệt đẩy nhanh triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Với việc triển khai nền tảng I-Cabinet, đây là giải pháp hữu hiệu, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố Hà Nội đến các quận, huyện, thị xã cũng như các Sở, ban ngành.
Việc triển khai nền tảng I-Cabinet là minh chứng cho quyết tâm của Thành phố Hà Nội trong cải cách hành chính bằng ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, hướng đến một nền hành chính công hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới. I-Cabinet cũng cho thấy nỗ lực của Hà Nội trong triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số” đã được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW; đồng thời hiện thực hóa mục tiêu Đề án 06 của Chính phủ, Nghị quyết số 18/NQ-TU của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.