Nàng dâu

Lê Phượng| 25/03/2020 09:34

Nàng dâu
Minh họa của Nguyễn Văn Đức
 - Úi giời! Con người chứ có phải mớ rau đâu mà tôi đi tôi đổi. Chứ giá kể đổi được tôi đổi ngay rồi!

Chị Thùy vừa đi làm về đến đầu ngõ đã nghe thấy tiếng mẹ chồng. Trong đầu chị hiện lên hình ảnh bà Tươi - mẹ chồng mình trề môi ra nói cùng cái nguýt dài. 

- Bà cứ nói vậy. Sau này tôi cũng chỉ mong có được cô con dâu như cô Thùy thôi. Vừa ngoan hiền, vừa giỏi giang. 

- Bà không ở trong chăn nên không biết chăn có rận. Tôi mà như người khác á, có mà um nhà um cửa suốt ngày.

Thùy dừng lại ngoài cổng. Thì ra mẹ chồng đang nói mình. Trong con mắt bà, cái gì liên quan đến chị cũng đều xấu hết thì phải. Chẳng thế mà chị làm thế nào bà cũng không vừa ý. Thùy nghe thấy tiếng mẹ chồng thở dài thườn thượt:

- Cũng tại ông nhà tôi đoản thọ, mất sớm. Mình tôi vất vả nuôi thằng Minh. Có mỗi mụn con thì phải lo cho nó đến đầu đến đũa chứ không lại chẳng phải với ông ấy. Nên năm tôi ốm nặng mới giục nó đem người yêu về. Thấy nó cũng ngoan ngoãn, thưa gửi lễ phép lại không ngại mình nằm một chỗ lâu ngày hôi hám mà lau người, xoa bóp cho nên giục chúng nó cưới luôn chứ có đi xem được tuổi tác gì đâu. Đấy, tôi cứ sợ ngộ nhỡ mình có đi thì cũng yên tâm nhắm mắt. Vả lại xuống gặp ông ấy còn có cái thưa gửi, dù sao mình cũng đã cố gắng lo được cho nó yên bề gia thất. 

Nói rồi bà Tươi lại thở dài. Kiểu như bà đang buồn bực, chán nản, nẫu ruột lắm. Dù từ lâu Thùy đã dặn lòng không nghĩ nhiều những lời mẹ chồng nói làm gì nhưng lúc này để vui vẻ, tươi cười, làm như không có gì thì chị không làm được. Thùy thở hắt ra. Khuôn mặt chị buồn thiu. Thùy đã định quay xe ra ngoài thì vừa lúc anh Minh - chồng chị cũng đi làm về. 

- Em định đi đâu à?

- Anh… không, em vừa đi làm về. 

Thùy trở vào nhà cùng chồng. 

- Bác Hoa đã ở quê lên thăm cháu ngoại đấy ạ? 

- Vâng. Cô chú đi làm về à. Lâu lâu tôi lên thăm mẹ con nhà nó, tiện qua chào bà Tươi với cô chú. 

- Bác ngồi chơi với mẹ cháu nhé. Cháu tranh thủ nấu cơm. Trưa nay, mời bác ở lại ăn cơm với mẹ con cháu luôn ạ.

Thùy chào khách rồi vào trong phòng thay đồ chuẩn bị nấu cơm.

- Thôi, bà với cô chú để khi khác. Chắc tôi cũng xin phép, về xem con cháu Thư nó đi chợ về chưa, phụ nó nấu nướng. 

Bà Tươi tiễn khách ra tận ngõ. Khi trở vào, bà bực dọc nói bóng gió:

- Đúng là đồ xanh vỏ đỏ lòng, mời người ta ở lại ăn cơm mà cái mặt nặng như chì thế, ai dám! Thà đừng mời, bà ấy còn ngồi lại chơi. Về một cái là đuổi khách…

- Tại mẹ nghĩ nhiều quá ấy chứ, vợ con có đời nào như thế. Rõ ràng bác Hoa nói về nấu ăn cùng con gái mà. Lâu lâu bác ấy mới lên thăm con cháu một lần, chả đời nào lại ở nhà mình ăn cơm đâu. 
Thùy ở dưới bếp, nghe cuộc nói chuyện của chồng và mẹ chồng mà đôi mắt ầng ậc nước. Thực sự, Thùy muốn tìm một nơi nào đó thật yên tĩnh, chỉ có mình chị thôi, để khóc cho thỏa, để trút ra tất cả những khó chịu, uất ức, nín nhịn bấy lâu nay. Thùy dọn xong bữa trưa, mời bà Tươi và chồng ra ăn cơm. Chị nói mình hơi mệt nên không ăn. Nằm trong phòng, nước mắt Thùy cứ lăn dài khi nghe mẹ chồng nói:

- Chắc lại la cà hàng quán đâu đó, giờ bụng no đẫy rồi nên mới không ăn chứ gì! Tôi còn lạ gì nữa!

- Mẹ, sao mẹ lại nói vậy. Vợ con nó mệt thật đấy! Mẹ cứ nói thế nó buồn. 

- Anh giờ coi vợ hơn mẹ nhỉ. Từ ngày lấy nó, tôi nói gì anh cũng cãi được. Chứ ngày trước ở với tôi đâu có thế đâu. 

- Con thì thấy mẹ càng ngày càng khắt khe với con dâu đấy. Mẹ thấy không, nhà mình trước nghèo, cô ấy về làm dâu đã là thiệt thòi rồi, vậy mà không hề than thở gì, cố gắng cùng con làm lụng, vun vén. Mẹ ốm đau nằm một chỗ, một tay cô ấy chăm sóc thuốc thang. Đến bây giờ béo khỏe, hồng hào. Trong nhà ngoài ngõ không phải đụng tay đụng chân việc gì, cứ khỏe mạnh, vui vầy cùng con cháu là được rồi. Mẹ có phúc lắm mới có được con dâu như thế đấy.

- Vâng, còn anh còn tôi. Rồi mới biết phúc hay họa. Anh cứ bênh nó chằm chặp rồi có ngày nó ngồi lên đầu lên cổ cho. 

- Mẹ càng nói càng quá đáng.
- Tôi là thế đấy, có sao nói vậy chứ không như kiểu ăn ở hai lòng. Còn anh, lấy vợ rồi là chỉ biết có vợ thôi.  
Thùy nằm quay vào trong giả vờ ngủ khi nghe có tiếng cửa phòng mở. Minh biết Thùy không ngủ, chắc vợ đã nghe thấy hết những điều mẹ vừa nói. Anh đến ngồi bên Thùy, yên lặng thật lâu. Anh đặt bàn tay lên vuốt mái tóc Thùy, nhẹ nhàng:

- Em đừng để ý những lời mẹ nói nhé. 

- Tại sao em làm gì mẹ cũng ghét thế chứ?

- Tại anh thương em. Chắc mẹ ghen. Tại mẹ có mình anh. Tự nhiên phải chia sẻ tình yêu thương của con trai cho một người đàn bà khác mà. 

Thùy ngồi dậy, đôi mắt đỏ hoe, mấy sợi tóc bị ướt còn dính chặt bên má. Minh đưa tay vén tóc cho vợ:

- Mắt đỏ hết lên rồi, chiều cu Thóc về lại phải nói dối con là mẹ bị bụi bay vào mắt.  

Có lẽ bà Tươi vẫn vậy, cứ hay để ý, dò xét, bắt bẻ con dâu thế này thế kia rồi than mình số khổ; còn Thùy sẽ thi thoảng lại bị bụi bay vào mắt đến buồn thiu rồi khóc nếu cu Thóc không phải nghỉ học dài do dịch. Dịch Covid-19 ngày càng nguy hiểm, cả nước đều lo, các trường học cho học sinh nghỉ dài ngày. Trường Mầm non của cu Thóc cũng nghỉ. Vợ chồng Thùy vẫn phải đi làm nên để cu Thóc ở nhà chơi với bà nội. Nó hết xem ti vi rồi lại múa hát, xong bắt bà kể chuyện cho nghe. Có cu Thóc ở nhà, bà Tươi cũng đỡ buồn. Một hôm, thằng bé nghịch bẩn bị bà mắng. Mặt nó xịu xuống rồi đôi mắt nó chớp chớp liên tục. Hồi lâu, nó ngước lên ngạc nhiên hỏi bà:

- Bà ơi, sao Thóc không bị bụi bay vào mắt vậy?

Bà Tươi còn chưa hiểu vì sao cháu hỏi vậy thì thằng bé nói:

- Mỗi lần bà mắng mẹ Thùy đều bị bụi bay vào mắt. Rồi mẹ khóc cho nước mắt chảy ra, cuốn cả bụi ra luôn. 

- Ai nói với Thóc vậy?

- Mẹ nói mà. Mẹ bảo bụi bay vào mắt mẹ.

Rồi cu Thóc ngồi trong lòng bà tỉ tê đủ thứ chuyện. Mẹ dặn nó ở nhà không được quấy bà, bà nói phải nghe lời, không được nghịch để bà còn nghỉ ngơi. Nó bảo bà sướng, Thóc ăn cơm làm rơi làm vãi là bị mẹ phê bình còn bà thì không. Mẹ không bắt bà tự nhặt những hạt cơm rơi như Thóc. Mẹ bảo bà già rồi, mắt kém không nhìn thấy những hạt cơm trốn dưới đất, mẹ sẽ nhặt thay bà; còn cu Thóc mắt tinh, không nên để cơm rơi vãi như vậy. Mẹ hay nấu những món bà thích. Thóc không thích mẹ nấu nhũn ơi là nhũn như vậy đâu. Nhưng mẹ bảo răng bà giờ yếu rồi, phải nấu nhũn cho bà dễ nhai, dễ nuốt. Mẹ bảo ngày xưa bà vất vả nuôi bố Minh rồi, giờ bà cần được nghỉ ngơi, Thóc phải ngoan, không được quấy, không được làm bà buồn…

Bà Tươi cứ ngồi lặng nghe thằng cháu thỏ thẻ. Bao nhiêu điều mẹ nó bảo thế này, mẹ nó bảo thế kia đều là vì bà, tốt cho bà cả. Tự nhiên bà thấy áy náy, bấy lâu nay, con dâu đối với mình như vậy mà mình thì… Bà nhớ cái bữa đang ăn cơm, Thùy gắp thức ăn cho bà, sẵn đang bực mình, bà hất miếng thức ăn văng cả ra mâm; rồi có lần bà nói Thùy là tuổi Tý, mặt quắt tai dơi, hãm tài chồng, Thùy khóc thì bà bảo nước mắt cá sấu; lại lần Thùy lấy lương, hí hửng mua cho bà bộ đồ mới, bà ướm lên ướm xuống rồi nguýt dài bắt đem đi trả giữa trưa nắng vì màu tối quá,… Bà Tươi đưa đôi mắt đùng đục nhìn ra ngoài, trong đầu nhớ lại bao chuyện. Bà chỉ ước gì những chuyện đó chưa từng xảy ra. Bỗng thằng cu Thóc ngước cặp mắt tròn trong veo lên nhìn bà năn nỉ:

- Bà ơi! Mẹ Thùy về bà đừng nói là Thóc hư, làm bà bực mình nhé. Mẹ sẽ giận Thóc đấy!

- Ừ. Thóc của bà ngoan mà!

Thằng bé sung sướng cười híp mí, ôm lấy bà, dụi đầu vào ngực bà:

- Từ nay bà cũng đừng mắng mẹ Thùy nữa nhé. Thóc không muốn bụi bay vào mắt mẹ đâu. 

- Ừ, bà thương còn không hết thì mắng làm sao được. 

Buổi tối hôm đó, Minh và Thùy thấy bà Tươi vui vẻ hẳn. Trong bữa cơm, hai vợ chồng cứ hết nhìn bà rồi lại nhìn nhau không hiểu chuyện gì. Bà Tươi giục:

- Các con ăn đi, đừng có ngồi mãi như thế. Đang dịch bệnh phải ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng, mới có sức khỏe đi làm, nhất là mẹ thằng Thóc kia kìa. Ăn vào chứ người cứ gầy nhẳng ra.

Thùy vâng, gắp thêm thức ăn cho mẹ chồng rồi tủm tỉm cười. Chị nhìn chồng, mắt bỗng rưng rưng. Lần này chắc chắn không phải bụi bay vào mắt. 
(0) Bình luận
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
  • Người anh trai bé nhỏ
    Câu chuyện này tôi được nghe kể từ người bác sĩ phẫu thuật từng có thời gian dài làm việc tại một bệnh viện của thị trấn nhỏ cách thành phố Pskov 100km. Câu chuyện đã làm cho tôi xúc động đến tận đáy lòng. Tôi sẽ cố gắng kể lại nó sao cho gần với nguyên gốc nhất.
  • Bến đợi
    Bà lão co ro trông thật tội nghiệp trước thềm khoa ung bướu của một bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Bộ quần áo bạc màu, nhăn nhó càng làm cho thân hình bà lão thêm khắc khổ, nhỏ bé trước biển người đang chen chúc nhau xếp hàng chờ đến lượt được khám.
  • Tự khúc
    Rèm cửa, hạ xuống. Trước mỗi bàn trang điểm, chiếc đèn nhỏ phía trên lại được bật sáng; trong tấm gương, phản chiếu hình ảnh một cô gái đang kẻ lông mày, sửa lại tóc.
  • Hương trời
    Buổi sáng, nhà hay ăn cơm nắm lá sen, mới hoai hoai nguội ông Nhẫn đã xong, vào nhà lấy khăn chít lên đầu.
  • Tĩnh lặng
    Bình minh là khoảnh khắc bình yên nhất trong ngày. Sự chuyển động của thiên nhiên vào lúc này vượt qua mọi sự hiểu biết. Đó là một sự đổi mới. Tôi có cảm giác bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Mỗi ngày, tôi thường lê mình ra khỏi chiếc giường êm ái để tận hưởng vẻ đẹp lộng lẫy của bình minh. Nhưng hôm đó, mọi thứ trở nên đặc biệt vì có sự xuất hiện của cô ấy.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Cầu Long Biên cần được coi là Di sản đô thị của Thủ đô Hà Nội
    Theo TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh, Phó Trưởng khoa Sau Đại học - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cầu Long Biên và Công viên Văn hóa Bãi Giữa sông Hồng cần được nhìn nhận là Di sản đô thị của Thủ đô Hà Nội.
  • 19 tác phẩm về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được tặng thưởng
    Lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022 sẽ diễn ra vào tối 6/12 tại Hà Nội.
  • Sân khấu Việt - Hàn chi trăm triệu tìm kịch bản đặc sắc cho trẻ em Việt Nam
    “Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em tại Việt Nam” do Nhà hát Tuổi trẻ (Việt Nam) phối hợp với Nhà hát Sangsangmaru (Hàn Quốc) tổ chức. Tác phẩm đạt Giải nhất cuộc thi sẽ được nhận phần thưởng trị giá 100 triệu đồng.
  • Fortech khai trương cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam
    Ngày 5/12, Công ty TNHH Fortechvn (Fortech) chính thức khai trương tại Khu công nghiệp Quế Võ 2, xã Ngọc Xá, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Cột mốc quan trọng này nêu bật cam kết của Fortech trong việc mở rộng toàn cầu hóa, điều này không chỉ mang lại cơ hội việc làm mà còn giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp và kinh tế địa phương.
  • Sa Pa đã có khách sạn dành cho du khách là người Hồi giáo
    Khách sạn Charm Sapa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai vừa thiết lập và công bố điểm lưu trú và phục vụ thực phẩm Halal dành cho khách du lịch Hồi giáo. Đây là điểm lưu trú đầu tiên của tỉnh Lào Cai thực hiện triển khai chương trình chuyển dịch một số dịch vụ theo hướng thân thiện với người Hồi giáo (Halal) theo đúng qui trình tiêu chuẩn của các Cơ quan Công nhận Halal Quốc tế – MUI, JAKIM, GCC.
Đừng bỏ lỡ
Nàng dâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO