Nâng cao năng lực giám sát, điều trị bệnh melioidosis trên người và động vật ở Việt Nam
Hội thảo “Nâng cao năng lực giám sát và thiết lập bản đồ phân bố bệnh melioidosis trên người và động vật ở Việt Nam” diễn ra tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Ngày 26/5, tại Bệnh viện Trung ương Huế diễn ra Hội thảo báo cáo kết quả dự án “Nâng cao năng lực giám sát và thiết lập bản đồ phân bố bệnh melioidosis trên người và động vật ở Việt Nam” giai đoạn 9/2023 - 5/2024 và triển khai giai đoạn 5/2024 - 12/2024.
Dự Hội thảo có BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, BS. Mai Văn Tuấn - Trưởng khoa Vi sinh (Bệnh viện Trung ương Huế), TS. Trịnh Thành Trung - Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) - Giám đốc Dự án “Nâng cao năng lực giám sát và thiết lập bản đồ phân bố bệnh melioidosis trên người và động vật ở Việt Nam”, GS.TS. Blackburn Jason Kenna - Đại học Florida (Hoa Kỳ), PGS.TS. Norris Michael Holt - Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) và lãnh đạo các đơn vị tham gia dự án cùng các cán bộ chuyên môn Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế), Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện Đà Nẵng, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội)…
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu tổng quan về dự án, tổng kết kết quả đạt được giai đoạn 9/2023 - 5/2024 và triển khai dự án giai đoạn 5/2024 - 12/2024, báo cáo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai… để góp phần nâng cao năng lực của nhân viên xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị melioidosis tại các bệnh viện. Báo cáo cho thấy, dự án đã góp phần nâng cao tỷ lệ phát hiện bệnh lên 17%.
Melioidosis là bệnh đặc hữu ở các vùng nhiệt đới nhưng ít được báo cáo trên toàn thế giới và chưa được nằm trong danh mục bệnh cần báo cáo ở Việt Nam. Tỷ lệ tử vong ở Melioidosis nếu không được điều trị kháng sinh đặc hiệu có thể >50% và >90% nếu bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn. Nếu chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời tỷ lệ tử vong sẽ giảm <10%.
Con người có nguy cơ nhiễm bệnh Melioidosis khi tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm nhưng khả năng lây truyền của Melioidosis từ động vật sang người hiện vẫn chưa được tập trung nghiên cứu. Do đó, việc nâng cao năng lực giám sát, năng lực phòng xét nghiệm, cải thiện khả năng chẩn đoán, điều trị và tăng cường các chiến dịch y tế công cộng trên khắp Việt Nam là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh.
Từ 2014 - 5/2024 có khoảng 267 trường hợp được chẩn đoán Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với vi khuẩn Burkhoderia pseudomallei) tại Bệnh viện Trung ương Huế đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Sự hợp tác và hỗ trợ của Đại học Florida (Hoa Kỳ) rong dự án “Nâng cao năng lực giám sát và thiết lập bản đồ phân bố bệnh melioidosis trên người và động vật ở Việt Nam” sẽ triển khai quy mô lớn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên./.