Y tế - Giáo dục

Nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh liên quan đến phổi

Thu Trang 15:40 18/03/2025

Để tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng; nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản ở các tuyến y tế, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản năm 2025.

1d.png
Khám sàng lọc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Phổi Hà Nội.

Ngành y tế sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về dự phòng và quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản bằng nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp, sinh hoạt câu lạc bộ, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…

Ngành y tế phấn đấu khoảng 70% người bệnh đang được quản lý tại các đơn vị quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản được tuyên truyền về nguyên nhân của bệnh, các biện pháp phòng chống, các biểu hiện của bệnh, cách đánh giá mức độ nặng nhẹ, giai đoạn bệnh, biết cách xử trí các trường hợp nhẹ, nhập viện ngay khi có biểu hiện nặng và nguy kịch, biết cách theo dõi, kiểm soát bệnh; 50% các đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, người hút thuốc lá…) được biết các khuyến cáo phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Cùng với đó, ngành y tế tập trung vào nâng cao kiến thức, kỹ năng khám, phát hiện, tư vấn, quản lý, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cho cán bộ y tế với tỷ lệ 80% cán bộ được cập nhật kiến thức mới qua sinh hoạt chuyên môn, hội thảo, đào tạo liên tục, tập huấn…

Nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, dự phòng và quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản với chỉ tiêu cần đạt được là 70% người phát hiện bệnh được quản lý và điều trị; 60% người bệnh tại các đơn vị quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đạt quản lý tốt; 60% người bệnh hen phế quản quản lý tại các cơ sở y tế được điều trị đạt kiểm soát hen.

Cụ thể, các đơn vị y tế cung cấp các dịch vụ khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe, đo các chỉ số và thực hiện các nghiệm pháp để phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân, ưu tiên người từ 40 tuổi trở lên và người có nguy cơ cao. Tổ chức khám sàng lọc chủ động bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản trong năm tại 30 điểm khám tại cộng đồng, lồng ghép với hoạt động khám phát hiện chủ động bệnh lao theo hướng dẫn và quy trình của Bộ Y tế với dự kiến khám sàng lọc khoảng 10.000 người từ đó phát hiện được các bệnh nhân mới để đưa vào quản lý dự phòng theo chương trình.

Thực hiện tư vấn sức khỏe, hướng dẫn phục hồi chức năng cho tất cả người bệnh quản lý, đảm bảo mỗi người bệnh được tư vấn và hướng dẫn định kỳ hàng tháng. Trong năm thực hiện tư vấn sức khỏe, hướng dẫn phục hồi chức năng cho 7.000 người bệnh quản lý tại các phòng tư vấn trên địa bàn.

Tổ chức các hình thức theo dõi, tư vấn, dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản lồng ghép trong quản lý, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ quan, tổ chức; quản lý sức khỏe người cao tuổi và quản lý, theo dõi hồ sơ sức khỏe người dân tại cơ sở y tế và cộng đồng.

Củng cố mạng lưới quản lý, phát triển các đơn vị quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ thành phố đến cơ sở với chỉ tiêu 100% bệnh viện đa khoa, TTYT quận huyện có cán bộ y tế tham gia mạng lưới quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản theo quy định.

Ngành y tế duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của 15 đơn vị quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại các bệnh viện: Phổi Hà Nội, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Đống Đa, Thạch Thất, Thường Tín, Sơn Tây, Bắc Thăng Long, Mỹ Đức, Vân Đình, Đan Phượng, TTYT huyện Sóc Sơn, Ba Vì.

Trong năm 2025, tiếp tục xây dựng 03 phòng quản lý đạt chuẩn mới tại 03 bệnh viện đa khoa huyện. Lồng ghép hoạt động phát hiện, tư vấn, điều trị, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản lồng ghép mạng lưới quản lý bệnh không lây nhiễm, kết hợp bác sĩ y học gia đình.

Duy trì hoạt động 06 câu lạc bộ phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn và mạn tính tại 05 bệnh viện: Phổi Hà Nội, Xanh Pôn, Đống Đa, Hà Đông, Đức Giang, Thanh Nhàn. Triển khai sinh hoạt câu lạc bộ phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn và mạn tính định kỳ hàng quý; phát triển thêm 02 câu lạc bộ mới tại 02 bệnh viện.

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch, Sở Y tế đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, các đơn vị khối bảo trợ xã hội, trong đó Bệnh viện Phổi Hà Nội là đơn vị thường trực tổ chức triển khai hoạt động.

Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị UBND 30 quận, huyện, thị xã chỉ đạo TTYT, phòng y tế tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạnh tính và hen phế quản trên địa bàn. Định kỳ, Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động chương trình, xây dựng những giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình trên địa bàn thành phố./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh liên quan đến phổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO