Một số đầu sách viết về ngành y
Nghề y cao quý bao nhiêu thì cũng vất vả bấy nhiêu, nhưng ít ai hiểu được điều đó. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, Người Hà Nội xin điểm qua một số cuốn sách xuất bản thời gian gần đây viết về những câu chuyện nơi bệnh viện, về những người bác sĩ, về công việc luôn phải đối mặt với tử thần nhưng cũng đầy vô thường này.
Vô thường của Nguyễn Bảo Trung
Cuốn sách thuộc thể loại tản văn, là những câu chuyện thường ngày ở bệnh viện được tác giả, bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (công tác tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP. Hồ Chí Minh) ghi lại với góc nhìn đầy nhân văn của vị bác sĩ trước những người bệnh. Người hôm nay trông có vẻ mạnh khoẻ đấy, cười vui đấy mà giây thoáng đã phải bước vào con đường sinh tử chiến đấu với bệnh tật, với thần chết. Có người lại đang hạnh phúc đấy, bỗng chốc sa vào đau thương vì vụ tai nạn cướp đi người thân yêu. Vô thường là vậy, mọi sự đều thay đổi mỗi ngày, không có gì là mãi mãi. Và sống chậm lại, yêu thương nhau nhiều hơn, chân thành và tử tế với nhau hơn là thông điệp của cuốn sách này.
Để yên cho bác sĩ hiền và Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể của Hùng Ngô (bác sĩ Ngô Đức Hùng)
Để yên cho bác sĩ hiền là những mẩu chuyện đời thường về chuyện nghề, chuyện đời qua góc nhìn của tác giả Hùng Ngô (bác sĩ Ngô Đức Hùng, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội). Cuốn sách được viết bằng sự tổng hợp của các thể loại bút ký, hồi ký, tản văn với giọng văn sắc sảo, tinh tế và thâm thuý của tác giả. Qua đó, độc giả hình dung dễ hơn về chặng đường của các vị bác sĩ từ khi còn là sinh viên y khoa đến lúc đã có nhiều năm làm việc trong ngành y.
Cuốn sách không chỉ mang lại những câu chuyện để mua vui vào lúc “trà dư tửu hậu”, mà còn phản ánh một xã hội đang dần đánh mất khả năng lắng nghe khi ai cũng có quyền được nói và nhao lên nói nhờ sức mạnh của mạng xã hội và được tiếp tay bởi truyền thông câu khách. Cuốn sách cũng mang lại cho người đọc cơ hội để chậm lại một chút, lắng nghe nhiều hơn một chút, một cách cẩn trọng và trân trọng hơn. Dưới những diễn ngôn của truyền thông là những nỗ lực của các y bác sĩ, nhất là các bác sĩ công tác tại phòng hồi sức cấp cứu, nơi “mọi cái giường đều có người chết”. Để khi khép sách lại, chúng ta, độc giả, những người luôn từ ngoài nhìn vào cánh cửa phòng khám, có thể thở ra một hơi nhẹ, để thấu hiểu hơn và chia sẻ hơn với nhau thế giới qua góc nhìn còn lại bởi cuộc sống còn có một chữ TÌNH.
Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể là một nhật ký vắn tắt, một biên niên sử ngắn gọn về dịch Covid-19 ở Việt Nam dưới góc nhìn của một bác sĩ tham gia chống dịch. Với giọng văn hài hước và tinh thần cầu thị, tác giả đã kể cho chúng ta những câu chuyện ít được chia sẻ về dịch bệnh, về những con người trong dịch bệnh, về thái độ của cá nhân và cộng đồng. Đất nước đi qua hai mùa Covid, sau tất cả là tình người, một khái niệm, một hiện thực luôn được định nghĩa đi, định nghĩa lại, làm giàu, và cập nhật.
Bác sĩ trưởng khoa của Vũ Oanh
Cuốn tiểu thuyết kể về nhân vật chính là bác sĩ Trần Tử Khang. Anh được sinh ra trong một gia đình có ông nội làm nghề thầy lang, nhưng bị kết tội oan trong một cuộc cải cách ruộng đất. Bố anh là liệt sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, anh được điều động vào quân đội. Những năm tháng ở chiến trường Tây Nguyên khốc liệt, bằng năng lực chuyên môn, trách nhiệm của một vị bác sĩ quân y, anh đã cùng những người đồng đội của mình cứu chữa cho biết bao thương binh, bệnh binh thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Là “bàn tay vàng” cứu bao bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái thần chết, luôn hết lòng với bệnh nhân và coi khinh thói nịnh hót, đố kị, tham lam nhưng những điều chướng tai gai mắt và trái đạo đức nghề nghiệp của lãnh đạo đã làm anh kiệt sức. Những chiến đấu trong công việc chưa đủ gây mệt mỏi, cuộc đời còn muốn thử thách giới hạn anh bằng những bất hạnh trong tình yêu.
Bác sĩ cũng là con người, là một người bình thường trải qua đủ hỉ, nộ, ái, ố. Nhưng những áp lực cuộc sống mà họ phải đối diện cũng chẳng dễ dàng gì.
Khi hơi thở hóa thinh không của Paul Kalanithi
Những dòng hồi ký của bác sĩ, tác giả Paul Kalanithi trong cuốn Khi hơi thở hóa thinh không chắc chắn sẽ khiến độc giả phải chiêm nghiệm thật nhiều về những ý nghĩa của cuộc sống.
Sách là lời kể về hành trình đi đến cái chết của Paul Kalanithi, một bác sĩ mắc bệnh ung thư khi đang ở gần đỉnh cao sự nghiệp. Cuốn sách với hai phần chính là: Khởi đầu với một sức khỏe hoàn hảo và Không dừng cho tới chết hàm chứa những thông điệp tích cực về cuộc sống.
Bằng ý chí và niềm tin, từ những trang viết chân thật, Paul Kalanithi đưa ra quan niệm sống: Đôi khi con người có thể xoay ngược lại tiến trình không mong muốn nếu biết chấp nhận sự khởi đầu bằng “sụp đổ” để đến phút cuối cùng vẫn giữ lại được những ước mơ. Qua những trang viết, Paul Kalanithi cho người đọc cảm giác được vỗ về bởi vòng tay ấm áp của gia đình, ánh mắt quan tâm từ bạn bè, đồng nghiệp và cái nắm tay thấu hiểu giữa bác sĩ với bệnh nhân.
Chạy trời không khỏi đau – Nhật ký bí mật của một bác sĩ trẻ của Adam Kay
Làm việc 97 giờ mỗi tuần. Phải đưa ra các quyết định sinh tử. Thường xuyên bị nhấn chìm trong những “cơn sóng thần” của máu và dịch cơ thể. Tiền lương nhận được không bằng doanh thu của trụ thu phí đỗ xe. Chào mừng bạn đến với cuộc sống của một bác sĩ trẻ.
Được viết vội sau những giờ làm việc kéo dài như vô tận, những ca trực trắng đêm không một lần chợp mắt và những ngày cuối tuần dành cả cho công việc, nhật ký bí mật của Adam Kay (từng là một bác sĩ ở Vương quốc Anh) như bản báo cáo không khoan nhượng về thời gian anh đứng trong hàng ngũ bác sĩ tiền tuyến của NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia). Hài hước, choáng váng và đau đớn, cuốn sách này chứa tất cả những gì bạn muốn biết – và kha khá thứ bạn không muốn biết – về cuộc sống bên trong và bên ngoài bệnh viện.