Trời Sài Gòn lại mưa, những cơn mưa cứ rả rích rả rích làm tôi càng nhớ quê, nhớ những ngày biển động, ghe neo bờ, nhớ cái rẫy của ba, nhớ những ngày xưa cũ, sao mà nhớ đến lạ.
Như hiểu được lòng tôi, một người bạn cùng quê kịp gửi tặng mớ bông giờ. Vừa nhìn thấy, tôi đã ồ lên vì ngạc nhiên, cũng đã khá lâu tôi không được thưởng thức món đặc trưng này của quê hương, món gắn bó với tuổi thơ tôi. Là người con của vùng quê được danh là “trời yên đất phú” dù ở nơi nào, ở bao xa khi vô tình nghe thấy cái tên bông giờ, tôi tin rằng tất cả họ đều nhớ đến những năm tháng tuổi thơ của mình.
Cậu tôi, dù xa quê hơn 40 năm nhưng cứ vào mùa bông giờ mọc là cậu lại nhớ, lại nhắc, để được lưu giữ mùi hương của bông hoa bình dị, tinh khôi hiện diện trong mỗi bữa ăn của gia đình. Cậu nhờ người ở quê, gom mua và phơi khô, rồi đóng gói gửi vào để cậu mang làm quà cho bạn bè thời chăn trâu cắt cỏ.
Tôi háo hức chế biến các món từ mớ bông giờ còn đang tươi rói từng cánh. Bông giờ màu tím phớt, đài trắng và thơm nhẹ. Cảm giác của người con xa quê gặp lại hình bóng quê nhà trong từng cánh mịn. Tôi giật mình khi nghe con gái hỏi:
- Sao người ta gọi là bông giờ vậy mẹ? Sao không gọi là "hoa giờ" hay giống như cách gọi "hoa mười giờ"?
- Vì người dân xứ “nẫu” của ngoại gọi hoa là bông. Hằng năm cứ vào đúng thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch là lúc bông giờ thi nhau mọc nên có thể vì lí do đó mà gọi là bông giờ.
Tôi giải thích thêm:
- Điều đặc biệt là bông của nó mọc lên từ đất sau những cơn mưa đầu mùa như một dạng nấm. Từ bông trổ các nhánh lá, khi lá chuyển màu xanh đậm là lúc lá đã già cũng là lúc bông giờ tàn. Người sành món dân dã này chờ những cơn mưa đi qua là cắp rổ đi hái bông giờ về tha hồ chế biến. Con gái nghe có lý nên đã cười cho qua.
Bông giờ món ăn dân dã của vùng nông thôn Phú Yên. Bông giờ có thể luộc chấm tương, xào tỏi hoặc dùng vài bông cho vào nồi canh chua để tăng thêm hương vị, nhưng thích hợp nhất vẫn là nấu canh rau tập tàng. Bỏ chút công đi hái nào là: rau bát, rau bồng bồng hay còn gọi là rau chùm ngây, rau nhớt hay còn gọi là rau đay... trộn chung để có món canh rau tập tàng vô cùng thú vị. Tổ hợp rau tập tàng có thêm bông giờ làm chủ đạo thành món rau luộc chấm với nước mắm nguyên chất của vùng biển xứ “nẫu” mới tuyệt vời làm sao.
Bông giờ cũng gần với họ cây nghệ nên có vị nồng nhẹ. Sức sống của bông giờ rất mãnh liệt, không cần bón phân, chăm sóc, dù vào mùa hè với cái nắng chói chang của miền Trung làm trụi cây lá, nhưng chỉ cần một hai cơn mưa cuối thu đầu đông là bông giờ bắt đầu nhú hoa, ra lá. Bông giờ mọc tự nhiên trên núi, gò, đồi, hương và màu sắc đẹp hơn loại trồng lấy củ. Mùi hương của bông giờ rất đặc biệt, khó tả. Bông giờ có màu tím nhạt, cao khoảng 5cm đến 10cm. Bông giờ già một chút sẽ chuyển màu vàng nứt ra từ các cánh. Thời gian từ lúc ra hoa rồi tàn rất ngắn và rộ trong khoảng vài tuần. Mỗi năm chỉ có một lần nên mưa xuống là lúc người dân tranh thủ đi tìm hái. Nếu người hái có kinh nghiệm một chút thì sẽ được rất nhiều, cứ tìm đến những nơi của năm trước thì kiểu gì cũng có bông giờ.
Bông giờ còn được trồng để lấy củ. Củ bông giờ làm bột có nhiều công dụng như: pha loãng với nước cho thêm tí đường sẽ có một ly giải khát xua tan cái nắng gay gắt của những ngày hè. Pha bột bông giờ với nước ấm uống có tác dụng trị chứng táo bón ở trẻ em, chữa bệnh kiết lỵ hoặc nước đang sôi trên bếp cho cá cơm ngần vào rồi tiếp tục cho bột bông giờ, sau đó khuấy đều tay khoảng 2 phút sẽ có một món bột cá rất thơm ngon, bổ rẻ.
Ai dìa làm rể Phú Yên
Bông giờ thơm phức
anh ghiền khó quên.
Nẫu mê canh nấu bông giờ
Ông mau thức dậy đặt lờ đi ông
Bông giờ là hương vị quê hương, bông giờ là kí ức, bông giờ chứa một trời kỉ niệm trong tôi.