Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này vừa thực hiện khảo sát (địa bàn điều tra chưa phủ kín), có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, cán bộ, công chức: 10.000 hộ; hộ nghèo, cận nghèo: 39.000 hộ; lao động trong các khu công nghiệp: 17.000 hộ… TP Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Mục tiêu đến năm 2020, thành phố phấn đấu hoàn thành 20.000 căn. Nhưng trên thực tế nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở xã hội.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), có hai trở ngại lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi. Hiện quỹ đất của TP Hồ Chí Minh đang cạn dần và giá đất rất cao. Còn về vốn, HoREA vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, trong đó kiến nghị Chính phủ ban hành quy định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tương tự lãi suất của gói 30.000 tỷ đồng trước đây (5%/năm). “Khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, HoREA kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp đô thị”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay.
Về vấn đề tạo lập quỹ đất, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương dành 9 khu đất rộng hơn 60.000m2 để xây dựng nhà ở xã hội. 9 khu đất này nằm ở quận 4, 6, 9, 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Củ Chi do Nhà nước trực tiếp quản lý. Hiện có 8 khu đất đã được UBND các quận, huyện xác định chỉ tiêu quy hoạch làm cơ sở kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Riêng khu đất rộng gần 12.000m2 tại quận 12 đã được xác định chỉ tiêu quy hoạch với khoảng 540 căn hộ. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ dựa trên cơ sở tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, khu đất nào chỉ có một doanh nghiệp đăng ký thì thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư cho doanh nghiệp đó theo quy định của Luật Nhà ở.
Về lâu dài, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực, cả công lẫn tư để phát triển nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn tự có. Thành phố đang cân nhắc các chính sách như tạm hoãn tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… để mở lối cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển mạnh nhà ở xã hội.