Xã Liên Trung, huyện Đan Phượng có 100% làng, cụm dân cư được công nhận danh hiệu Làng văn hóa nhiều năm liền. Ảnh: Bá Hoạt |
Phong trào mới tạo dựng nền tảng mới
Sau 30 năm (1989-2019), phong trào xây dựng Làng văn hóa ở Hà Nội đã đi vào nền nếp, với trên 2.500 Quy ước Làng văn hóa được xây dựng, bổ sung và thực hiện. Rất nhiều xã có 100% làng, cụm dân cư được công nhận danh hiệu Làng văn hóa nhiều năm liền như Đan Phượng, Song Phượng, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung, Đồng Tháp (huyện Đan Phượng), Văn Nhân, Nam Triều, Tri Trung (Phú Xuyên), Vạn Điểm, Nghiêm Xuyên (Thường Tín)... Hai năm trở lại đây đã có những làng bắt tay vào việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu theo 4 tiêu chuẩn: Đời sống ổn định, tăng trưởng bền vững; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú và dân trí được nâng cao; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thanh Oai là huyện có nhiều làng đi tiên phong về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Ông Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai cho biết: Tháng 1-2017, UBND huyện Thanh Oai ban hành kế hoạch xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu năm 2018 và những năm tiếp theo, chọn và giao chỉ tiêu cho 4 làng là Thị Nguyên (xã Cao Dương), Hưng Giáo (xã Tam Hưng), Minh Kha (xã Bình Minh) và Tổ dân phố Kim Bài (thị trấn Kim Bài) xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, huyện đã đề ra các tiêu chí nâng cao và chú trọng các khâu đột phá là: Phát triển kinh tế; việc cưới, việc tang, lễ hội; cảnh quan môi trường; thiết chế văn hóa; ứng xử văn hóa nơi công cộng. Các giải pháp khả thi dựa trên cơ sở phát huy tiềm lực và lợi thế của mỗi làng. Đảng ủy các xã, chi bộ các thôn ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu; UBND các xã, ban lãnh đạo các thôn ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu... Kết quả, đến tháng 5-2019, hai làng Thị Nguyên và Hưng Giáo đã cơ bản đạt các tiêu chí; làng Minh Kha và Tổ dân phố Kim Bài cũng có thể về đích sớm.
Phong trào xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở nhiều địa phương khác cũng đã có chuyển biến tích cực. Tại huyện Đan Phượng, các thôn thuộc 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Đan Phượng, Liên Trung và Song Phượng được đánh giá là đi đầu trong việc xây dựng Làng văn hóa theo các yêu cầu mới. Huyện Phúc Thọ đã rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình Cụm dân cư kiểu mẫu làm cơ sở xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu...
Khó khăn, thách thức còn nhiều
Văn hóa truyền thống đậm nét ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. |
Tính đến hết tháng 5-2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 371/386 xã đạt tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và 349/386 xã đạt tiêu chí số 16 (văn hóa) theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, các địa phương đều ý thức được rằng, các yêu cầu xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đều rất cao so với việc xây dựng Làng văn hóa giai đoạn trước, trong khi khó khăn, thách thức còn nhiều và có thể còn xuất hiện trong thời gian tới.
Ở góc nhìn từ cơ sở, ông Bùi Thế Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), một trong 4 làng được chọn đi tiên phong về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của huyện, nhận định: Một vấn đề rất lớn liên quan đến toàn bộ quá trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới là việc quy hoạch, bố trí khu dân cư ở trong hầu hết các làng còn khá nhiều bất cập so với yêu cầu quy hoạch, kiến trúc, xây dựng nông thôn trong tiến trình hiện đại hóa. Vì thế, phải quan tâm ở mức ưu tiên cho rà soát quy hoạch, thực hiện điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch mới, kiến trúc, xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ và hoàn chỉnh.
Còn theo Trưởng thôn Bùi Thế Việt thì Hưng Giáo cho dù đã cơ bản đạt cả 4 tiêu chí nhưng vẫn còn một số mặt phải nỗ lực làm tốt hơn như hạn chế số mâm cỗ trong các đám cưới, số vòng hoa viếng trong các đám tang... Ông Nguyễn Kim Đài, Trưởng thôn Minh Kha (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) chỉ ra một số vấn đề như đời sống của người dân chưa phải là đã hết khó khăn; lao động việc làm của một bộ phận nông dân, kể cả lớp trẻ, chưa thật ổn định; còn một số tập quán sinh hoạt lạc hậu chi phối nếp nghĩ, cách làm của một bộ phận dân cư... Theo ông Đài, thôn Minh Kha có thể đạt 4/4 tiêu chí trong năm 2019 nhưng phải tiếp tục giải quyết tốt hơn những vấn đề đó.
Nhận định chung về kết quả xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của 4 làng sau hơn 2 năm, ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai, cho rằng: Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khá tốt song tất cả mới chỉ là bước đầu. Trong tổng thể chung của quá trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, phải quan tâm giữ vững và nâng cao chất lượng phong trào.
Tiền đề cho phát triển bền vững
Làng Rùa (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống. |
Xây dựng thôn, làng, bản văn hóa kiểu mẫu là tiền đề cho sự phát triển cả về văn hóa và kinh tế trong tương lai theo hướng bền vững.
Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới và tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng nông thôn mới với mục tiêu nâng chất, nâng tầm đời sống nhân dân. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến hết tháng 5-2019, toàn thành phố đã có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức) đạt chuẩn nông thôn mới, 325/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tới đây, sẽ có thêm 3 huyện Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, 3 huyện Thạch Thất, Sóc Sơn, Chương Mỹ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Mục tiêu phấn đấu là đến hết năm 2019, thành phố sẽ có 7 huyện và thị xã Sơn Tây đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 sẽ có 11 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trên nền tảng kinh tế - xã hội đó, và khi phong trào xây dựng Làng văn hóa đã đạt được những kết quả căn bản, vững chắc thì việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ càng có thêm điều kiện để mở rộng về diện và nâng cao về chất.
Theo ông Phan Công Tính, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đan Phượng, để phong trào xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của huyện Đan Phượng đạt kết quả tốt thì các cấp, các ngành của huyện phải tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền; xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, phong trào văn hóa thể thao, giữ gìn cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, để các giải pháp trên có tính khả thi thì phải chú ý xây dựng các điều kiện, nền móng thực hiện.
Đó là kinh tế phát triển ổn định, vững chắc, an ninh trật tự được bảo đảm, có sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân. Khi người dân được nghe, được thấy, được bàn thì sẽ thấu hiểu, tin tưởng và tự nguyện đóng góp công sức để cùng làm. Các cấp chính quyền phải tạo điều kiện tốt nhất để người dân dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng từ các thiết chế văn hóa, thể thao đã có ở cơ sở và ngày càng được bổ sung, nâng cấp. Tất cả mọi nỗ lực của các cấp, các ngành và của cộng đồng là nhằm tạo ra môi trường sống văn hóa, văn minh ở nông thôn.
Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã và đang nỗ lực xây dựng và thực hiện kế hoạch duy trì, phát triển các tiêu chí đã đạt được, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới điển hình tiên tiến. Đích đến là nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Trên cơ sở định hướng đó, việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu phải tập trung vào các nội dung và các giải pháp chính yếu là: Phát huy nguồn lực tổng thể, nhất là nội lực của cộng đồng dân cư trong làng; bài trừ hủ tục, thay đổi nếp nghĩ cũ, cách sinh hoạt cũ. Cùng với việc khôi phục, bảo tồn những nét văn hóa đặc thù của làng quê, phải lồng ghép, đưa cái mới trong văn hóa cộng đồng về làng, tạo nên đời sống văn hóa mới trong tổng thể kinh tế, văn hóa hài hòa; phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc để góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước hiện đại, văn minh.