Tác giả - tác phẩm

Mấy kỷ niệm về tác giả bài thơ “Cảm xúc tháng Mười”

Nhà văn Ngô Vĩnh Bình 10/10/2023 06:03

Nói về nhà thơ Tạ Hữu Yên (1927 - 2013), không thể không nhắc tới những bài thơ của ông đã được phổ nhạc và trở thành những bài ca “đi cùng năm tháng” như: “Đất nước” (nhạc Phạm Minh Tuấn), “Đôi dép Bác Hồ” (nhạc Văn An ), “Bàn tay mẹ” (nhạc Minh Châu, Nguyễn Thuỵ Kha, Bùi Đình Thảo) - một trong những bài hát viết cho thiếu nhi được bình chọn là hay nhất thế kỷ XX... cùng bài “Cảm xúc tháng Mười” (nhạc Nguyễn Thành).

nha-tho-ta-huu-yen.jpg
Nhà thơ Tạ Hữu Yên.

“Cảm xúc tháng Mười” đã trở thành ca khúc bất hủ không thể quên về ngày giải phóng Thủ đô, là niềm rưng rưng xúc động giữa cờ hoa của người dân Hà thành trong cái náo nức, hồ hởi của nhịp điệu đoàn quân “Tiến về Hà Nội” năm ấy.

Hà Nội mùa đông 1946 – Hà Nội tháng 10/1954 là những dấu mốc lịch sử không thể mờ phai trong lịch sử Thủ đô, trong lòng người dân Hà Nội. Đó là Hà Nội của những ngày “chiến đấu trong vòng vây” lửa khói bi hùng và lãng mạn; là Hà Nội những ngày giải phóng tưng bừng vui đến rơi lệ với cờ hoa từ khắp “năm cửa ô đón mừng”...

Hà Nội mùa đông 1946 đã đi vào văn học nghệ thuật với hình ảnh người chiến sĩ áo trấn thủ, mũ ca lô tay lăm lăm bom ba càng cùng lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; đôi khi là với cây đàn trên chiến lũy… Hình ảnh ấy đã được phục hiện trong vở kịch “Lũy hoa”, tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong tiểu thuyết “Đất nước” của nhà văn Hữu Mai… (Sau này được đạo diễn Đặng Nhật Minh dựng thành phim “Hà Nội mùa đông năm 46”) cùng rất nhiều những tác phẩm khác; trong đó ấn tượng hơn cả là những bài thơ, bản nhạc mang cảm hứng, mang khát vọng “trở về” của các chiến sĩ Thủ đô như bài hát “Ngày về” (nhạc Lương Ngọc Trác phổ thơ Chính Hữu) và “Tiến về Hà Nội của Văn Cao.

Tuy nhiên, các tác phẩm “Ngày về” hay “Tiến về Hà Nội” chỉ là những khúc ca nói về khát vọng, nói về quyết tâm, nói tới lời thề giải phóng Thủ đô, về lại Hà Nội của người chiến sĩ Thủ đô, của những người Hà Nội... Phải đến khi bài thơ “Cảm xúc tháng Mười” của nhà thơ Tạ Hữu Yên ra đời thì cái không khí chân thực của ngày giải phóng Thủ đô – 10/10/1954 mới được phục hiện một cách chân thực và sinh động.

t10.jpg

Tôi nhớ những lần đến thăm nhà thơ Tạ Hữu Yên ở một căn hộ “lắp ghép” nằm sâu trong ngõ nhỏ đường Nguyễn An Ninh (Hà Nội) những năm chưa xa. Nhà ông lúc nào cũng đượm không khí thi ca. Ấy có thể là một ngày cuối tuần, bạn bè, thi hữu và cả những bạn đọc trẻ yêu mến thơ ông tới thăm ông. Ấy có thể là một đêm khuya thanh vắng, chỉ có ông ngồi bên ngọn đèn bàn, trước tờ giấy trắng... Và, ấy cũng có thể là những thời khắc, những phút lặng im của nhà thơ trên góc ban công nhỏ với một mầm cây, một nụ hoa đang hé… Ông kể với tôi, bài thơ “Cảm xúc tháng Mười” được viết vào đầu năm 1974, và ngay sau đó, nhân kỷ niệm 10 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/1984), bài thơ đã được UBND Thành phố trao giải Nhất cho những sáng tác hay nhất về Hà Nội.

Đó là thời điểm tác giả bài thơ – Đại tá, nhà thơ Tạ Hữu Yên đang công tác ở Chương trình Phát thanh quân đội. Chuyện rằng, có một lần đến giao ban ở Đài Tiếng nói Việt Nam, sau khi ông đọc bài thơ “Cảm xúc tháng Mười” thì cả hai nhạc sĩ Văn An và Nguyễn Thành đều muốn phổ nhạc. Mọi người trong Ban Văn nghệ đề nghị bốc thăm. May mắn thuộc về nhạc sĩ Nguyễn Thành. Ca sĩ Kiều Hưng là người đầu tiên hát ca khúc này tại phòng thu lớn ở 58 Quán Sứ (Hà Nội). Bài hát với những câu mở đầu thật Hà Nội, rất mùa thu; đồng thời cũng thật rộn ràng không khí tưng bừng xúc động của ngày vui giải phóng: “Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”.

Ngày ấy, ngày 10/10/1954, bộ đội ta tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Đoàn quân chiến thắng cùng cán bộ, đồng bào ra đi từ ngày 19/12/1946, sau 9 năm kháng chiến gian khổ đã trở về trong khung trời phấp phới cờ đỏ sao vàng và trong vòng tay ấm áp của nhân dân Hà Nội giữa một ngày nắng đẹp đầy hoa...
Nhà thơ và nhạc sĩ bồi hồi nhớ lại “cái đêm ra đi đất trời bốc lửa...” cùng lời thề “sẽ trở về” của những người lính Trung đoàn Thủ đô năm nào:

Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu
Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi
Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca.

Và trong ngày khải hoàn hôm ấy, vượt lên hàng đầu là các mẹ mong tìm thấy con mình trong đoàn quân chiến thắng. Nét nhạc ở đây càng sâu lắng trong điệu thứ ấm áp chân tình lâng lâng và xao xuyến:

Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt
Xốn xang mẹ thầm gọi các con
Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ
Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn.

Tháng Mười, có một Hà Nội rực rỡ màu cờ và hoa với những hân hoan, nụ cười và câu hát. Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” đã cùng nắm tay “trùng trùng say trong câu hát” Trong đoàn quân tháng Mười ấy, có một người nhạc sĩ trẻ tên Nguyễn Thành, một người con đất Hà Thành đã trở về sau cái đêm “rút qua gầm cầu” cùng Trung đoàn Thủ đô… Và như cùng “say trong câu hát” của bộ đội Hà Nội, của người dân Thủ đô năm ấy còn có tác giả bài thơ - nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên còn có các bút danh là Lê Hữu, Xuân Hữu, Ðông Xuân, Cử Tạ. Ông sinh năm 1927 tại thôn Ðông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình và mất năm 2013 tại Hà Nội. Tạ Hữu Yên đã có hơn 40 năm phục vụ trong quân đội, mang quân hàm tới cấp Đại tá, từng làm đủ các công việc: chiến đấu viên, tuyên truyền viên, cán bộ địch vận, phóng viên,biên tập viên rồi cán bộ quản lý xuất bản sách... nhưng nói tới ông, ai cũng nghĩ ông là một nhà thơ, đồng tác giả của nhiều bài ca bất hủ .

Nét nổi bật không thể không nói tới mỗi khi nói về Tạ Hữu Yên và thơ Tạ Hữu Yên, ấy là mối quan hệ giữa thơ và nhạc hay nói cụ thể hơn là những bài thơ của ông được phổ nhạc đã đạt đến con số kỷ lục, vượt mốc 130 bài. Có người viết: “Tạ Hữu Yên là nhà thơ có duyên với nhạc”, tôi nói đó là một “hiện tượng” hiếm thấy trong gia đình nhà văn Việt Nam hôm nay, bởi trước ông, chưa có một trường hợp nào như vậy hoặc tương tự như vậy.

Cùng với các bài hát “Đất nước”, “Cảm xúc tháng Mười”, bài hát “Đôi dép Bác Hồ” đã trở thành những bài tiêu biểu của ca khúc cách mạng Việt Nam. Ông sống nhân hậu và luôn luôn lao động hết mình cho nghệ thuật nên có lắm bạn bè. Đông hơn cả là các bạn chiến đấu, bạn viết, bạn thơ, và các nhạc sĩ. Sẽ là thiếu sót nếu như viết về Tạ Hữu Yên mà không nói tới hàng ngàn bài báo của ông. Có những năm trong khi con trai thì ở xa, vợ ông lại phải vào cấp cứu bệnh viện vậy mà ông vẫn viết được hàng chục bài báo, hàng chục câu thơ, câu đối mừng xuân. Vẫn biết ông xuất thân từ nghề báo, từng làm Thư ký tòa soạn báo Quân khu Tả ngạn, từng phụ trách cả một chương trình phát thanh Quân đội trong những năm chiến tranh, vậy mà có lần đến thăm ông, đứng trước cả chồng báo biếu dành cho tác giả tôi vẫn bị bất ngờ. Tạ Hữu Yên thật đúng là “tuổi tuy hưu trí, chí không hưu” như câu nói năm nào của nhà thơ Thanh Tịnh… Cứ ngỡ con người ấy, hồn thơ ấy sẽ như những “tiếng ca xanh” xanh mãi, còn mãi không ngờ nhà thơ đã lặng lẽ ra đi vào sáng 30/5/2013 tại Viện quân y 108.

Lão nhà thơ Tạ Hữu Yên đã mãi xa Hà Nội, về lại vĩnh viễn với đất “địa linh nhân kiệt” Hoa Lư quê hương, nhưng trong tôi, trong lòng những người yêu Hà Nội, trong nhiều bạn viết, bạn đọc và đồng chí đồng đội của ông như còn vương mãi một bóng hình, một tấm gương lao động, một tấm lòng tha thiết với quê hương đất nước cùng giai điệu của những bài ca bất hủ mà nhà thơ đã để lại cho đời!

Bài liên quan
  • Giới thiệu cuốn sách "Cuba -Việt Nam: Hai dân tộc, một lịch sử"
    Chiều 3-10, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu cuốn sách “Cuba - Việt Nam: Hai dân tộc, một lịch sử” của Tiến sĩ Ruvislei González Saez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam, Giám đốc Chương trình Quan hệ quốc tế tại Cuba.
(0) Bình luận
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Họa sĩ Xu Man trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh
    Lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của họa sĩ người Bahnar Xu Man, trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã viết tác phẩm “Con thiêng của rừng”. Sách thuộc tủ sách Văn học thiếu nhi của NXB Trẻ, hướng đến bạn đọc từ 12 tuổi trở lên, nhưng đây cũng là một tác phẩm thú vị đối với người lớn.
  • Ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
    Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cuốn sách do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chỉ đạo biên soạn.
  • “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo về làng nghề thủ công Việt Nam
    NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo giới thiệu về các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mấy kỷ niệm về tác giả bài thơ “Cảm xúc tháng Mười”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO