Cũng trong chuyến đi này, những kiến thức pháp lý cần thiết, liên quan trực tiếp, thiết thực đến cuộc sống của các cụ, các em cũng đã được đoàn viên chi đoàn Trung tâm truyền tải.
Những món quà gửi gắm yêu thương…
Trước chuyến đi ít ngày, những thông tin về các cụ già, các em nhỏ đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm đã được Ban chấp hành chi đoàn Trung tâm tìm hiểu. 350 người đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm có 170 người già, trong đó có hơn 50 người già khuyết tật nặng tàn tật, không tự phục vụ được các sinh hoạt cá nhân tối thiểu. 180 trẻ từ độ tuổi 3 – dưới 16 tuổi. Trong đó một số trẻ khuyết tật nặng, sống đời sống thần kinh thực vật và nhiều trẻ sơ sinh từ 0-2 tuổi có thể trạng yếu.
Biết được hoàn cảnh của các các cụ, các em, các phần quà được gửi đến mọi người đều được lựa chọn cẩn thận. Đó là những vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ các sinh hoạt hàng ngày như quần áo, đồ chơi, bánh kẹo, sữa, mỳ tôm…
“Các cháu đa số là trẻ tàn tật, nên từng cái kẹo, gói bánh đều được đoàn viên chi đoàn chọn lựa cẩn thận, làm sao không chỉ đem đến niềm vui mà còn phải đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa những nguy hiểm có thể không may xảy đến với các cháu như hóc, nghẹn... Từng cái bánh, cái kẹo được chọn bởi thế đều là những loại nhỏ, mềm, dễ bóc, dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu”…, chị Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng phòng Pháp luật hành chính hình sự, Trung tâm TGPL Nhà nước, một thành viên trong đoàn chia sẻ.
2 giờ chiều ngày chủ nhật cuối cùng của tháng ba, Hội trường Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Thụy An lúc này đã đông đủ các cụ già, các em nhỏ. Người khỏe hơn dìu người yếu hơn, người lớn hơn dìu người bé hơn… Các cụ, các em đón Đoàn thiện nguyện bằng những nụ cười, những ánh mắt tin tưởng, đợi trông. Đoàn đáp lại bằng những lời hỏi han ân cần, những nụ cười, ánh mắt ấm áp, yêu thương, sẻ chia. Những nụ cười mang những con người đến gần nhau hơn…
Những phần quà gửi gắm bao yêu thương mong chia sẻ một phần những khó khăn, vất vả của những cảnh đời không may mắn... |
Cho đi là còn mãi…
Báo cáo viên là chị Phạm Thị Thu Trang, Chi ủy viên, Trưởng Chi nhánh TGPL số 2 của Trung tâm. Vẫn là công việc mà thường ngày chị vẫn làm – tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nhưng hôm nay giọng nói của chị dường như chậm hơn một nhịp so với mọi ngày. Các cụ, các em vào Trung tâm chủ yếu là người khuyết tật nặng, sức khỏe yếu nên báo cáo viên lựa chọn những quy định thiết thực, liên quan trực tiếp nhất để truyền đạt. Đó là các chế độ, chính sách của Nhà nước và của TP Hà Nội dành cho người khuyết tật. “Nhà nước quy định mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật là 270 nghìn đồng/người. Riêng Hà Nội, mức trợ cấp là 350 nghìn đồng/ người, cao hơn 80 nghìn đồng so với mức chung của cả nước…”, báo cáo viên nói, giọng nói chậm, to, rõ ràng. Các dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật cũng được báo cáo viên tập trung truyền đạt để từng người hiểu được chế độ của mình.
Chăm chú lắng nghe những truyền đạt của báo cáo viên, em Nguyễn Thị Giang chia sẻ “bọn em ở đây cũng được đón nhiều đoàn về thăm và tặng quà nhưng được giảng, tư vấn về các kiến thức pháp luật, các chế độ, chính sách cho người khuyết tật như bọn em thì đây là lần đầu”. Giang nói thêm, trong các điều báo cáo viên chia sẻ thì có 2 điều là em đã được biết. Các kiến thức còn lại đây là lần đầu tiên em được nghe.
Thông tin thêm về nội dung này, ông Phùng Công Lợi – Phó GĐ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ khuyết tật Thụy An cho biết, trước đây cũng có tư vấn viên của các đoàn thiện nguyện về tiếp xúc với người khuyết tật được nuôi dưỡng ở Trung tâm. Các tư vấn viên hỏi xem mỗi người có thắc mắc, vướng mắc về chế độ, chính sách hay quy định pháp luật không và trực tiếp giải đáp, hướng dẫn. Còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tập trung như Chi đoàn Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội tổ chức hôm nay là lần đầu. “Kiến thức báo cáo viên tập trung phổ biến đều tập trung và quyền lợi của người khuyết tật. Điều này rất thiết thực. Bởi trên cơ sở những kiến thức báo cáo viên đã thông tin, người khuyết tật có thể đối chiếu với các chế độ chính sách đã được hưởng ở Trung tâm để xem mình đã được hưởng đúng, hưởng đủ hay chưa”, ông Lợi nhấn mạnh.
Sau khi thông tin chia sẻ các kiến thức pháp luật, 350 phần quà đã được đoàn viên chi đoàn Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội gửi đến các cụ già, các em nhỏ đang được nuôi dưỡng ở đây. Điểm đặc biệt trong hoạt động thiện nguyện của chi đoàn Trung tâm TGPL Nhà nước TP ngoài sự tham gia nhiệt tình, tích cực, có trách nhiệm của các đoàn viên chi đoàn thì còn thu hút đông đảo con em của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên chi đoàn.
“Trợ giúp pháp lý kết hợp với hoạt động thiện nguyện từ nhiều năm qua đã trở thành hoạt động thường niên của chi đoàn Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội với mong muốn được truyền tải các quy định phát luật cho những người già, trẻ khuyết tật để họ biết được quyền lợi của mình.
Ngoài mong muốn chia sẻ kiến thức pháp lý, sự động viên, chia sẻ về mặt vật chất và tinh thần với những mảnh đời kém may mắn, thì chi đoàn cũng mong muốn lan tỏa tình yêu thương, sự gắn kết đến thế hệ con em. Các bé lớn nhiều năm đã tham gia cùng chi đoàn thì đã bắt đầu hiểu chuyện. Những em bé hơn thì cũng đã lây dần không khí ấm áp, rộn ràng, tràn ngập yêu thương từ những hoạt động như thế này. Cảm xúc từ những việc làm hôm nay, từ những gì được chứng kiến, được chia sẻ sẽ giúp các con – những mầm non của đất nước nuôi dưỡng, khơi mở lòng yêu thương, biết trân trọng những gì đang có, hiểu được giá trị của lòng yêu thương, biết sống sẻ chia và sống có trách nhiệm hơn”, Bí thư chi đoàn TGPL Nhà nước TP Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Xuân nói.
“Sống là cho không chỉ nhận riêng mình” – đó là dòng chia sẻ của đoàn viên Nguyễn Tất Doanh, thành viên trong đoàn. Và cho đi cũng là còn mãi…