Mai Động - hồn làng trong phố

hanoimoi| 26/05/2020 06:54

Dẫu đã đô thị hóa, trở thành phường từ gần bốn chục năm trước nhưng người dân làng Mai Động, tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì vẫn cần cù “cuốc bẫm cày sâu”, các bà các cô vẫn dậy từ nửa đêm làm đậu phụ để sớm mai kịp đem ra chợ bán, còn khách phương xa đến làng vẫn hỏi thăm nhà bạn bè ở xóm Đình, xóm Chùa, xóm Đống Cơm, xóm Cửa Lĩnh, xóm Mơ Táo..., những cái tên rất đỗi gần gũi, thân thương.

Mai Động - hồn làng trong phố
Giếng đình Mai Động.

Thấm đẫm huyền tích lịch sử

Nằm ở cửa ngõ phía đông kinh thành Thăng Long nhưng trong nhiều thế kỷ làng Mai Động (tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì) vẫn là một làng thuần nông. Năm 1961, Mai Động nhập về xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì. Ngày 13-7-1982, làng Mai Động và xóm Mơ Táo của xã này được tách ra để thành lập phường Mai Động, thuộc quận Hai Bà Trưng. Ngày 6-11-2003, phường Mai Động nhập về quận mới Hoàng Mai.

Bước sang đầu thế kỷ XXI, ngôi làng cổ ven đô thay đổi  thật nhanh chóng. Những ngôi nhà gỗ, nhà tranh mái lá đơn sơ thuở nào được thay thế dần bằng nhà cao tầng kiểu dáng đẹp. Con đường chính của làng và lối vào các xóm được đổ bê tông rộng rãi, phẳng phiu. Năm 2018, con mương nước thải từ ngõ Gốc Đề, làng Hoàng Mai chảy qua Mai Động dài hơn 1km đã được cống hóa. Nơi quanh năm có dòng nước đen ngòm nay đã thành đường, trải nhựa rộng từ 5 đến 7 mét.

Theo các tài liệu cũ, Mai Động, tức Động Mai, còn có tên cổ là My Động. Năm 1979, khi nạo vét dòng Kim Ngưu, nhân dân đã phát hiện những công cụ bằng đá có niên đại khoảng từ 3.500 năm đến 4.000 năm.   

Vào những năm đầu Công nguyên, đất My Động là một rừng mai, mùa xuân hoa mai nở trắng cả một vùng. Bấy giờ có đô Tam Trinh, người quận Cửu Chân, vì mến cảnh rừng mơ nên đến đây mở trường dạy cả văn lẫn võ. Học trò theo học rất đông. Năm 40, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đô Tam Trinh đem 3.000 tráng đinh lên Hát Môn tụ nghĩa. Hai Bà cử ông dẫn đầu một cánh quân tiến thẳng đánh thành Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Quân Đông Hán đại bại, Thái thú Tô Định phải cải trang làm dân thường, bỏ cả ấn tín chạy về phương Bắc. Khi Trưng Trắc lên ngôi vua, Tam Trinh được phong tước hầu. Đầu năm 43, Mã Viện dẫn quân Đông Hán sang xâm lược. Thế địch rất mạnh, Tam Trinh phải lui quân về Mai Động đào hào, đắp lũy cố thủ. Đêm 10 tháng Hai năm Quý Mão, sau một trận đánh không cân sức, ông phi ngựa lên núi rồi hóa. Về sau, vào ngày này, dân Mai Động làm lễ tế thần, đồng thời cử hành hội vật, tương truyền chính là môn thể thao của quân Tam Trinh ngày xưa.

Đầu thế kỷ XV, Mai Động chứng kiến một sự kiện trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Ngày 4-4-1427, tướng giặc Vương Thông chỉ huy quân tập kích doanh trại của Thái giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt (nay là thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì). Nghĩa quân chống trả quyết liệt. chủ soái Lê Lợi phái hai tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân thiết đột đến tiếp ứng. Nghĩa quân đánh lui quân địch và truy kích đến My Động. Thấy có ít quân ta đuổi theo, Vương Thông bất ngờ quay lại đánh. Đinh Lễ và Nguyễn Xí cưỡi voi chiến đấu, chẳng may voi bị sa lầy nên cả hai ông đều bị giặc bắt. Nhân đêm mưa gió, Nguyễn Xí dùng mưu trốn thoát còn Đinh Lễ bị giặc giết. Vương Thông nhân đó phao tin viện binh nhà Minh sắp sang để củng cố tinh thần quân lính. Nguyễn Trãi bèn gửi thư cho Vương Thông vạch trần luận điệu giả dối ấy: “Người dùng binh giỏi không lấy sự thắng nhỏ mà mừng, không lấy sự thua nhỏ mà sợ. Nay các ông có tàn quân vài nghìn, giữ một thành trơ trọi, lương sắp hết mà viện binh không thấy đến (...), cái thế mạnh yếu được thua, có thể ngồi mà suy biết được”...

Những sự kiện lịch sử trên đất My Động đã lùi xa. Trải bao biến đổi, giờ đây đến thăm Mai Động vẫn thấy các sự kiện đó tươi mới, sống động. Đình Mai Động thờ đô tướng Tam Trinh làm Thành hoàng làng. Trước đây đình chỉ làm bằng gỗ lá, đến đời vua Thành Thái (1895) dân làng góp tiền dựng đình quy mô và bảo tồn đến ngày nay. Đình có 5 gian, sân rộng lát gạch Bát Tràng. Trước đình có ao và cây đa cổ thụ. 

Cách đình không xa là ngôi nghè. Trước nghè có giếng Ngọc, quanh bờ xây tường hoa. Gian giữa nghè treo bức hoành “Phù Trưng lập quốc”. Cạnh nghè là ngôi chùa làng, tên chữ “Thiện Khánh tự”. Chùa do Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Sanh và Trịnh Thị Ngọc Nhị hưng công. Một di tích nữa là đền Quán Cổng thờ Mẫu nằm bên dãy số lẻ phố Minh Khai. Năm 1937, đền do người phụ nữ tên Quế trông nom nên từ đó ngôi đền này còn được gọi là đền Cô Quế. Ngoài ra phải kể đến đình, chùa, đền ở xóm Mơ Táo. Chùa Mơ Táo có tên chữ là "Phúc Khánh tự" gần đây được tu tạo khang trang, đặc biệt chùa có tam quan bằng đá xanh tạo tác rất đẹp. 

Vì sao ở một làng ven đô lại có 2 đình, 2 chùa như thế? Số là trước năm 1945, một số người giàu có, quyền thế ở xóm này định tách Mơ Táo thành một làng riêng. Theo quy định của triều Nguyễn, để được công nhận làng mới thì phải có đủ các kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng. Tuy nhiên khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất thì Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, từ đó không thấy ai nhắc đến chuyện tách làng nữa.

Gìn giữ dấu xưa 

Điều đáng quý là trước mọi đổi thay, người Mai Động luôn có ý thức giữ gìn dấu xưa tích cũ. Năm 1986, đình nghè Mai Động được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Năm 1990, con đường từ cầu Mai Động ra phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, dài hơn 3km, là nơi diễn ra trận chiến ác liệt giữa đô Tam Trinh và quân Đông Hán đã được HĐND Thành phố đặt tên là đường Tam Trinh. Nơi voi của Nguyễn Xí và Đinh Lễ bị sa lầy được dân gọi là Đống Voi, cây cầu bắc qua sông Kim Ngưu được dân làng đặt tên Cầu Voi, ngôi chợ làng họp ở gần đầu cầu cũng được dân làng gọi nôm na là chợ Cầu Voi. Năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội Sử học Hà Nội đã gắn bia ghi lại sự tích này.

Hằng năm, vào sáng mùng 4 Tết, tại sân đình Mai Động diễn ra hội vật tưởng niệm Đức thánh Tam Trinh. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh xác định Tam Trinh là thủy tổ của môn võ này, và hội vật Mai Động diễn ra từ ngày 4 đến 6 tháng Giêng có quy mô lớn nhất Hà Nội. Do vẫn giữ được những miếng vật từ xa xưa nên hội vật Mai Động thu hút rất nhiều đô từ Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định... về đây đua tài. Hội vật Mai Động đã đi vào tác phẩm Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng, đi vào tranh của nhiều họa sĩ tài danh, trong đó có họa sĩ Mạnh Quỳnh...

Gần một thế kỷ qua, người Hà Nội sành ăn thường nhắc đến đậu Mơ, vì Mai Động nằm trên đất Kẻ Mơ nên mới có tên gọi đó. Có thuyết nói rằng đậu phụ có từ thời đô Tam Trinh, bởi trong những năm tháng dạy học ở đây ông đã dạy nghề cho dân, lấy món đậu phụ làm món ăn cho quân sĩ. Nhiều kinh nghiệm trong chế biến, xay đậu, lọc, pha nước chua đến nay vẫn còn là bí quyết: “Pha non mất bữa quà, pha già mất bữa gạo”. Cùng với đậu phụ trắng, trước đây Mai Động còn có đậu nướng bằng than hoa. Đậu được xát muối từ ở nhà. Khách ăn đến đâu nướng đến đấy. Đậu nướng thường được bán ở cửa các rạp hát, cho người kéo xe tay và cả trai thanh gái lịch đi chơi khuya. 

Theo cụ Nguyễn Thị Hồng (cụ Lưu) ở ngách 127, ngõ 254 phố Minh Khai, nhà cụ có nghề làm đậu gia truyền từ nhiều đời. Bản thân cụ được bố mẹ dạy làm đậu phụ từ ngày còn bé. Năm nay đã 85 tuổi nhưng cụ Lưu vẫn thoăn thoắt gói đậu, mỗi ngày cụ cùng hai cô con gái làm hơn 10kg đậu nành, mọi công đoạn "vẫn theo lối của các cụ" nên đậu giữ được hương vị riêng. Đậu gói đến đâu là có người ở trong xóm đến mua hết. Những người có lòng giữ nghề tổ, hiện ở làng vẫn còn nhiều.

Nghề truyền thống ở Mai Động, cũng như các di tích, huyền tích, huyền thoại ở mảnh đất lịch sử này, được xâu chuỗi, gắn kết từ nghìn xưa cho tới hôm nay. Và tin chắc rằng dẫu mai này làng có thay đổi đến thế nào thì hồn làng vẫn được các thế hệ người dân nơi đây trân trọng, gìn giữ.

(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Mai Động - hồn làng trong phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO