Lưu Quang Vũ và các chân dung nghệ sĩ
Lưu Quang Vũ là một nhà thơ, một kịch tác gia lớn của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, nhiều người đã biết. Nhưng giữa hai chặng làm nên hiện tượng Lưu Quang Vũ còn có một “lối nhỏ” thu hút cảm xúc và bút lực của ông.
Đó là thời gian ông làm phóng viên Tạp chí Sân khấu vào cuối những năm bảy mươi, đầu những năm tám mươi của thế kỷ XX. Trong thời gian này “cái máu mê sân khấu” từ trong tận cùng tâm hồn Lưu Quang Vũ lại trào dâng (có lẽ do cả “gien di truyền” của cha ông - nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận) cùng với vốn sống từ công việc “bếp núc” sân khấu đã hun đúc trong ông lòng say mê sáng tạo. Chính “lối nhỏ” này đã mở ra trước Lưu Quang Vũ con đường sáng tác kịch bản. Để rồi ông được giới nghệ thuật đánh giá là “nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại”, “chiếm lĩnh hầu hết sàn diễn sân khấu Việt Nam” thời kì đó.
Trước khi trở thành một nhà viết kịch tên tuổi, Lưu Quang Vũ đã có thời gian “thực hành” phê bình, bình luận sân khấu với những bài viết về chân dung, gương mặt nghệ sĩ thuộc loại hình kịch nói. Những bài viết này mới đây đã được tập hợp trong cuốn “Sân khấu và nghệ thuật diễn xuất” (NXB Sân khấu, 2023), hé lộ một khía cạnh khác của tài năng trên hành trình sống và viết của ông.
Cuốn sách gồm 2 phần: Phần 1 là tiểu luận Một số suy nghĩ về nghệ thuật diễn xuất và sự hình thành, phát triển của nghệ thuật diễn xuất kịch nói Việt Nam (12 trang) và phần 2 là Một số chân dung tiêu biểu (448 trang).
Phần 1 như một dẫn nhập cho thấy sự nghiêm túc và nhạy cảm của Lưu Quang Vũ khi ghi nhận tầm quan trọng của nghệ thuật diễn xuất: “Quên đi nghệ thuật biểu diễn người ta có biết rằng mình đã bỏ qua một yếu tố năng động bậc nhất làm nên sức sống vĩnh viễn của sân khấu hay không?” Theo tác giả, việc giới thiệu nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam từ lâu nay bắt đầu bằng cách ghi lại cuộc đời và những đóng góp của những bậc thầy trong nghệ thuật tuồng, chèo và các ngành ca kịch truyền thống. “Nhưng nói tới nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam không thể không nói tới các diễn viên kịch nói. Với khả năng đưa các vấn đề đời sống lên thẳng sân khấu, không phải qua ca hát vũ đạo và những hình thức cách điệu khác, kịch nói đã trở thành một thứ phòng thí nghiệm của đời sống hiện đại”
Trong cuốn sách “Sân khấu và nghệ thuật diễn xuất”, Lưu Quang Vũ mong muốn qua việc giới thiệu chân dung của một số diễn viên
quen thuộc của sân khấu kịch nói, giúp bạn đọc hồi nhớ và hiểu rõ hơn về nghệ thuật diễn xuất, đời sống tinh thần và lao động sáng tạo của các nghệ sĩ kịch nói, bước đầu cung cấp tư liệu cho những ai nghiên cứu và yêu thích sân khấu. Đó là đội ngũ tác giả và đạo diễn chuyên nghiệp, diễn viên tài năng, giàu năng lượng sáng tạo: Thế Lữ, Song Kim, Đào Mộng Long, Can Trường, Mạnh Linh, Hoàng Uẩn, Chu Quỳ, Vĩnh Phúc, Trần Tiến, Ngọc Thủy, Lê Chức, Ngọc Hiền, Đoàn Dũng, Nguyệt Ánh, Thế Anh, Mỹ Dung, Bích Thu, Hà Văn Trọng…
Phần viết chân dung chiếm gần hết số trang của “Sân khấu và nghệ thuật diễn xuất”. Lưu Quang Vũ đã tỏ ra linh hoạt và đa dạng trong cấu trúc và tạo dựng chân dung của mỗi nghệ sĩ. Ông không nảy ra vài ý rồi bình tán một cách dễ dãi mà luôn tìm hiểu, nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng đối tượng thẩm mỹ để phản ánh trong bài viết.
Nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ trong Lời giới thiệu cuốn sách đã nhận xét: “Các bài viết của Lưu Quang Vũ có giọng điệu đa dạng. Lúc như một cuộc trò chuyện trao đổi tâm tình, lúc bình luận, phân tích sâu sắc, thấu đáo, lúc đầy cảm xúc như một truyện ngắn… Nhưng bao trùm lên tất cả là cảm hứng ca ngợi, nâng niu, quý trọng các thành tựu của người diễn viên sân khấu Việt Nam”.
Lưu Quang Vũ may mắn được sống trong một gia đình làm nghệ thuật và có cơ hội gần gũi với các thế hệ văn nghệ sĩ vừa là bậc cha chú, vừa là đồng nghiệp của mình. Dễ nhận ra trong các bài viết về các nghệ sĩ đàn anh hay đồng trang lứa, tác giả không mất thời gian làm quen, đưa đẩy câu chuyện mà nhập cuộc ngay từ đầu ở cự ly gần, tạo không khí thân mật trong trò chuyện, đối thoại mang tính chuyên sâu mà không nặng nề, gò bó.
Trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX, Thế Lữ, nhà thơ, đạo diễn sân khấu, được vinh danh là người hai lần “tiên phong”: tiên phong trong Thơ mới và tiên phong trên sân khấu kịch. Thế Lữ còn thể hiện tài năng “kép”, một Thế Lữ - đạo diễn, một Thế Lữ - diễn viên. Với bài viết Thế Lữ và sân khấu kịch nói, Lưu Quang Vũ khẳng định “nghệ sĩ Thế Lữ là người đầu tiên xây dựng cho nghệ thuật diễn xuất kịch nói và nghề đạo diễn ở nước ta. Đó là người thợ cả đặt viên gạch đầu tiên cho tòa nhà nghệ thuật vững đẹp hôm nay.” Những bài viết dài hơi về Thế Lữ, Song Kim, Đào Mộng Long đã cho thấy việc tìm hiểu cuộc đời của nghệ sĩ với Lưu Quang Vũ là một công việc đặc biệt lý thú. Trên ý hướng ấy, ông chú ý đến diễn trình hoạt động sân khấu từ bản năng, năng khiếu diễn xuất đến sự chuyên nghiệp bài bản trong nghệ thuật biểu diễn của đạo diễn - diễn viên Thế Lữ, Song Kim, Đào Mộng Long. Từ đó, người viết đưa ra những nhận xét, đánh giá thuyết phục về tài năng và đóng góp đáng kể của họ. Những diễn viên kịch nói ở thế hệ tiếp theo: Can Trường, Mạnh Linh, Hoàng Uẩn, Chu Quỳ, Vĩnh Phúc, Trần Tiến, Ngọc Thủy, Lê Chức, Ngọc Hiền, Đoàn Dũng, Nguyệt Ánh, Thế Anh, Mỹ Dung, Bích Thu, Hà Văn Trọng,… là những gương mặt sân khấu và điện ảnh nổi tiếng những năm 60, 70 của thế kỷ trước, biên chế trong các Đoàn kịch nói Nam bộ, Đoàn kịch nói Trung ương, Đoàn kịch nói Hải Phòng… Những khán giả U70, U80 ngày nay vẫn còn nhớ các gương mặt và vai diễn đầy ấn tượng của họ - một “thế hệ vàng” trên sân khấu, trên màn ảnh lúc bấy giờ. Là nghệ sĩ Can Trường với vai diễn Lê nin trong vở kịch “Chuông đồng hồ điện Kremlin” công diễn vào năm 1970 “mọi người sẽ nhớ mãi Can Trường, người nghệ sĩ đầu tiên đã diễn xuất thành công rực rỡ vai kịch lớn này, nhớ mãi lao động nghệ thuật của anh, tấm lòng trung thực và tận tụy của anh với nghệ thuật và cách mạng”. Là nghệ sĩ Mạnh Linh luôn tròn vai với hình tượng người cộng sản, hóa thân thành Lê nin trong vở “Khúc thứ ba bi tráng” “có cái nét mềm mại của chính bản thân anh, có chút gì của sự lôi cuốn, hấp dẫn và sự hồn nhiên ngây thơ đáng yêu, cái đã làm cho Lê nin của anh trở nên đặc biệt gần gũi và quý giá”.
Khi gặp gỡ các diễn viên, Lưu Quang Vũ luôn kết nối kênh đối thoại tạo được các mối quan hệ thân mật, gần gũi, khiến người đối diện không bị động mà tự chủ trong đối đáp, trò chuyện. Với tư cách là phóng viên, Lưu Quang Vũ cũng tiếp nhận được ở đối tượng những kiến thức về nghệ thuật diễn xuất, về sân khấu, kịch trường, về mối quan hệ giữa diễn viên và khán giả, về mối quan hệ giữa kịch bản và vở diễn, sân khấu và điện ảnh. Điều này thể hiện rõ qua các bài viết: Kỷ niệm về Chu Quý, Vĩnh Phúc và nghề diễn viên, Đời sống và vai kịch của Trần Tiến, Lê Chức của Hải Phòng, Bản lĩnh sân khấu của Ngọc Thủy, Ngọc Hiền, Thế Anh - Kịch và phim, Hà Văn Trọng - trách nhiệm và mong ước, Gặp Mỹ Dung.
Lưu Quang Vũ cũng cảm thấy thú vị khi tìm ra được bí quyết thành công trong diễn xuất của các nghệ sĩ: là sự công phu, nghiêm túc ghi chép tiểu sử nhân vật mà mình sẽ nhập vai, rồi đến với nhân vật bằng tâm hồn mình như Hoàng Uẩn “Hoàng Uẩn với một thời kịch nói” hay diễn về nhân vật nào lại làm bản tự thuật về nhân vật ấy với mong muốn truyền sức trẻ và thăng hoa trong vai diễn (“Mùa xuân tâm hồn - mùa xuân sáng tạo của Đoàn Dũng”). Tác giả cuốn sách nhận ra diễn viên Nguyệt Ánh xinh đẹp và tài hoa, ngay từ buổi diễn đầu tiên đã là “một hiện tượng sân khấu đặc sắc” với hình ảnh Ni la Nguyệt Ánh - “Cô gái đánh trống trận”; một diễn viên Bích Thu - dân tộc Tày, diễn xuất của chị “như dòng suối trong vắt, hiền hậu, êm dịu nhưng không kém phần dào dạt, sâu xa”; một Ngọc Hiền “có sức mạnh nội tâm sâu sắc”…
Trước khi là một kịch tác gia nổi tiếng, Lưu Quang Vũ là một phóng viên, một cây bút phê bình tài hoa của Tạp chí Sân khấu, nơi tích lũy vốn sống và tri thức, khởi nguồn cho những kịch bản sau này của ông. Với tác giả, việc tìm hiểu cuộc đời của những nghệ sĩ, con đường đến với nghệ thuật diễn xuất của họ thật sự lý thú, lôi cuốn ông. “Sân khấu và nghệ thuật diễn xuất” của Lưu Quang Vũ - “tập sách đầu tiên viết về các diễn viên kịch nước ta”không chỉ cần thiết, hữu ích cho những ai quan tâm đến sân khấu, mà còn giúp hình dung đầy đủ hơn những đóng góp vừa rực rỡ, vừa thầm lặng của một người nghệ sĩ cho sân khấu nói riêng và đời sống văn học nghệ thuật nước nhà nói chung./.