“Dự thảo lần thứ nhất không bao giờ hoàn hảo, sẽ có điểm thiếu, ban soạn thảo lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp. Báo chí là bộ lọc ban đầu đưa đến bạn đọc và ban soạn thảo ý kiến xác đáng. Xuất phát từ điều này, Bộ có cuộc gặp trao đổi với cơ quan báo chí”, ông Khánh cho biết. Ngay sau đó, Thứ trưởng Khánh yêu cầu, các phóng viên báo chí không ghi âm, chụp ảnh và sử dụng những thông tin trao đổi tại cuộc gặp. Ông Khánh cung cấp tài liệu hỏi đáp, để phóng viên có thể trích dẫn. Tài liệu này được các tác giả thuộc Ban soạn thảo gồm Trần Quốc Khánh, Phan Văn Chinh, Trần Thanh Hải và Trịnh Thu Hiền viết ra.
Cửa hàng kinh doanh Khaisilk nhập lụa Trung Quốc về dán nhãn hàng Việt Nam Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quy định về hàng hoá, sản phẩm có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu, giúp hàng hoá Việt Nam hưởng ưu đãi thuế khi vào thị trường nước ngoài hoặc phục vụ mục tiêu của quản lý ngoại thương.
Hàng hoá sản xuất và lưu thông trong nước, việc ghi xuất xứ thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hoá và thuộc lĩnh vực của Bộ KH&CN. Tuy nhiên, trước các bất cập, phát sinh từ nguyên tắc tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi xuất xứ trên nhãn hàng hoá, Bộ Công Thương chủ động đề xuất Chính phủ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. Trong đó lý giải rõ như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”.
Theo ban soạn thảo, hàng hoá được phép coi là hàng hoá của Việt Nam trong các trường hợp: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; Hàng hoá trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hoá theo quy định tại điều 9 dự thảo thông tư này. Hàng hoá lưu thông trên thị trường phải ghi nhãn hàng hoá bằng tiếng Việt, không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài như “Made in Vietnam” hay “Product of Vietnam”.
Theo ông Trần Quốc Khánh (thành viên ban soạn thảo), ngoài ghi nhãn hàng hoá, doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm trên thị trường Việt Nam sử dụng mọi tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan hàng hoá như tờ rơi, tài liệu hướng dẫn sử dụng, clip quảng cáo…đều phải tuân thủ quy định, ghi rõ bằng tiếng Việt.
“Với thông tư này, doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện nguy cơ cáo buộc gian lận xuất xứ, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, thông tư cũng giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm “đội lốt” hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua”, ông Khánh cho biết như vậy trong tài liệu cung cấp cho báo chí.
Ông Khánh khẳng định, thông tư không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Thông tư chỉ giúp tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43 và loại bỏ trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Nhà nước sử dụng thông tư để phân xử đúng - sai khi xuất hiện tình huống đòi hỏi có sự phân xử như vụ Khaisilk trước đây.