Liễn mỡ

Nguyễn Minh Hoa| 11/12/2019 17:22

Xưa, đồ nhôm còn hiếm, chưa dám kể đến inox, đôi nhà để mỡ nước trong cặp lồng nhôm trắng, cái xoong gia công méo duệch, nhưng phần lớn vẫn là cái liễn sứ có nắp. Vừa bền chắc lại chịu được nhiệt, bán ở hàng gốm sứ trong chợ rất phổ biến.

Liễn mỡ

Xưa, đồ nhôm còn hiếm, chưa dám kể đến inox, đôi nhà để mỡ nước trong cặp lồng nhôm trắng, cái xoong gia công méo duệch, nhưng phần lớn vẫn là cái liễn sứ có nắp. Vừa bền chắc lại chịu được nhiệt, bán ở hàng gốm sứ trong chợ rất phổ biến.

Cái liễn mỡ có men màu trắng ngà, hay xanh nhạt. Liễn hình tròn, đáy tròn nhỏ hơn. Miệng rộng hơn đáy, cao thành khum miệng và có nắp đậy. Thường thì liễn trơn nhưng cũng có khi người thợ gốm vẽ đôi nét cách điệu hay hoa nhỏ kiểu cổ điển trang trí cho vui mắt. Cái liễn mỡ, cũng được tính là tài sản trong nhà như cái soong, cái chậu chứ không đơn giản chỉ là 1 vật dụng nhỏ, dễ thay thế.

Cái liễn mỡ đã thế, mỡ trong liễn lại là cả một câu chuyện dài, theo và có khi còn ám ảnh không ít người, nhất là thế hệ cũ.

Xưa, thịt cá ít, không ê chề như bây giờ, chỉ có dịp lễ Tết người ta mới ngả con lợn chung nhau đánh chén. 

Cái thời HTX, có lợn eng éc đấy, nhưng phải dành bán cho thực phẩm huyện, để mổ bán theo tem phiếu. Có nhà đổi tem phiếu lấy xương sườn, xương linh tinh để được nhiều, nấu cỗ bàn. Nhà lại chọn mỡ, để ít ra còn có cơm rang cho con ăn sáng đi học, mùa đông còn được bữa canh nấu, hay rau xào. Chính vì thế mà cái liễn mỡ luôn được ưu tiên, vơi lại đầy trong chạn. 

Thời kì này liễn mỡ thật quý! Nồi cơm thổi bữa tối hôm trước thường nhiều, cháy ăn hết trước, cơm nguội còn, sáng hôm sau đám trẻ dậy nhóm bếp rang cơm, ăn rồi đi học. Mùi mỡ thơm thơm và tiếng đảo cơm sồn sột trong cái sanh của chị cả cũng khiến mẹ yên lòng rằng bọn trẻ được chắc dạ cho đến đứng bóng mới về đến nhà.

Có mỡ, mâm cơm mỗi bữa khác hẳn, có nhà khó, tính như thể bữa tươi. Mỡ rán bìa đậu rồi sốt cà chua, hành lá cắt khúc, hành hoa thì chẻ củ cho vào đó, miếng đậu ngon mà nước cà chua cũng ngọt thơm và béo ngậy hơn nhiều. Vào ngày đông thì nước cà chua ấy kéo theo 1 rổ rau sống, khiến bữa ăn rôm rả hơn nhiều. 

Mỡ xào khoai tây bở tơi, ngọt thơm lại bùi, đôi miếng xém nhưng không cháy, ăn rõ ngon. Nhất là khoai tây mới dỡ trong những ngày đầu mùa đông, nấu quện mỡ, đỏ cà chua, chả cần đến xương linh tinh hầm vẫn ngon.

Mùa đông nhưng rau muống chưa lên hoa, bóc củ tỏi phi mỡ thơm xào với rau muống ngọn nhỏ, đĩa rau xanh bóng mỡ, chấm thêm vào bát nước mắm chanh ớt thật ngon chả nghĩ đến thịt nữa. Có mỡ, cá rán dở xong mới nấu, khế chua gắt, hành thì là thơm om bếp. Thịt cá ngọt lừ, ngấm nghệ, ngấm chua, ăn mà nhớ mãi. 

Liễn mỡ vơi là mẹ đã lo, tối ngồi đeo kính soát tem phiếu, y như rằng đợt tới món ưu tiên mua ở cửa hàng thực phẩm huyện phải là mỡ. Có những lần may thay được cả lá mỡ. Mỡ lá rán nhiều hơn mỡ khổ, tóp mỡ cũng ngon. Trẻ con đi ra đi vào cầm cái bát để xin tóp mỡ ăn trước. Khi non thì tóp ỉu, lúc lại quá lửa hơi giòn, nhưng thời ấy có quà thế là vui lắm. Có hôm không may mắn được mỡ lòng, mẹ lại tần ngần vì rán lên hao, chả được mấy mỡ nước chắt vào liễn. 

Nhà có con gà mái cúng giỗ, mẹ bảo rán đôi lá mỡ chắt vào phạng, ngày giỗ cụ nhà phải đồ xôi đậu xanh thôi, không đồ xôi xéo nữa, dành mỡ ăn tuần rét ngọt cho ấm. Bọn trẻ tiu nghỉu mất một bữa xôi có hành phi mỡ, giòn thơm. 

Sau này hết bao cấp, thực phẩm không còn khan hiếm, chả mấy người còn phải tính bữa ăn tươi như trước. Lợn nuôi trong nhà dân, đến lứa thì gọi lái đến bán. Chợ làng, chợ phiên, cầu hàng thịt giát nào cũng đầy, mỡ khổ mua bao nhiêu cũng có. Cái liễn trước kia cả năm chả được đầy mỡ 1 lần, nhiều lắm cũng chỉ lưng lửng nay thì thoải mái, chả phải dè sẻn. Nhìn liễn mỡ đầy, chị cả lại đi xay can bột nếp, làm bữa bánh rán mặn, ngọt cho cả nhà. Có liễn mỡ đầy, nem cuốn cũng được làm thường xuyên hơn. Chị em tay cuộn, tay rán trong cái chảo mới lại kể chuyện tóp mỡ năm nào. 

Dần dà, nhà ngang sửa, bếp được xây mới, cái chạn đặt vào bếp mới không hợp, kiến gián lại nhiều, đồ ăn phải cất vào tủ lạnh. Cái phạng mỡ quá to chẳng để được ngăn tủ lạnh nào cho vừa, mẹ tần ngần không muốn bỏ đi, nhưng nhìn lại, đúng là cố cũng không được. Chị mua cho mẹ cái âu sứ có nắp đậy, nhỏ hơn, mẹ ưng ý và giữ cái liễn mỡ để muối cà.
Các con đi làm, đi học xa nhà cả, cà muối cũng ít người ăn, lại lên mùi đá. Mẹ ướp cà trong cái hộp ăn vài bữa hết lại ướp tiếp. Mẹ đi chợ, mua can dầu đậu nành, vì nghe người ta nói ăn mỡ nhiều không tốt.

Cái liễn mỡ xưa cất dưới nhà ngang, khi mẹ đựng đồ khô như lạc, vừng, lúc mẹ lại đem đựng muối. Các con ai cũng bảo: Của nả này mai bà cho cháu nào giữ hộ đây? Mẹ bảo: Xưa liễn mỡ cứ vơi là lo sốt vó, có mỡ chưng bát mắm cũng ngon, không có mỡ ăn luộc mãi cũng đớ miệng, ngược hẳn với bây giờ, ăn nhiều đạm nên phải ăn rau luộc cho mát ruột. 

Cái liễn mỡ trong chạn nhà đã đi theo gia đình tôi suốt một chặng dài. Mẹ con, bà cháu nhớ lắm. Nhớ đến cay mắt, từ dáng hình đến màu men. Thế nên, đến giờ nhà tôi vẫn luôn có một “liễn” mỡ nhỏ, dù là xào, nấu, hay chưng mắm, phi hành vẫn dùng mỡ ấy, như thể thấy những ngày xưa không bao giờ mất.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Danh sách Bí thư, Chủ tịch 126 xã, phường Hà Nội
    Sáng 30/6, Hà Nội công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường và chỉ định nhân sự cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy Ban MTTQ Việt Nam cấp xã, phường.
  • Cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống tại “Ngôi nhà chung”
    Từ ngày 1 đến 31/7/2025, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tổ chức chuỗi hoạt động với chủ đề “Về làng trải nghiệm nét văn hóa truyền thống”. Sự kiện có sự tham gia của hơn 100 đồng bào đến từ 16 dân tộc, nhằm tạo sân chơi bổ ích ngày hè cho thiếu nhi, đồng thời giới thiệu những giá trị đặc sắc trong đời sống văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
  • “Gặp tôi trong tương lai”: Khơi dậy ước mơ nghề nghiệp từ trang sách thiếu nhi
    Sáng 29/6/2025, tại Nhà xuất bản Kim Đồng, lễ khai mạc trưng bày “Gặp tôi trong tương lai” đã diễn ra, mở đầu cho chuỗi hoạt động tổng kết chương trình kêu gọi ý tưởng sáng tác sách thiếu nhi. Đây là một sáng kiến được khởi xướng bởi The Initiative of Children’s Book Creative Content (ICBC), phối hợp thực hiện cùng ECUE VGEM và Nhà xuất bản Kim Đồng, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ chương trình Investing in Women, một sáng kiến của Chính phủ Australia.
  • Khán giả Hà Nội chuẩn bị được thưởng thức kịch rối truyền thống Bunraku Nhật Bản
    Ra đời từ đầu thế kỷ 17 và phát triển rực rỡ trong thời kỳ Edo, Bunraku không chỉ là di sản văn hóa đặc sắc của Nhật Bản mà còn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2003.
  • UNESCO trao Bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn
    Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn là minh chứng rõ nét cho nỗ lực gìn giữ và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam cùng với các di sản văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng thờ Mẫu, hát Then của người Tày, Nùng, Thái...
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Phu nhân Tổng Bí thư và Tổng Giám đốc UNESCO tham dự triển lãm ảnh "Chúng tôi có thể"
    Các tác phẩm là sản phẩm tiêu biểu của dự án “Chúng tôi CÓ THỂ” – sáng kiến phối hợp giữa UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến mục tiêu trao quyền học tập và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn.
  • Người đẹp Phú Yên Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
    Hà Trúc Linh - 21 tuổi, quê Phú Yên, sinh viên Đại học Tài chính Marketing TP HCM - vượt top 24 để đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2024.
  • Ra mắt sách “Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn"
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn sách "Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn", tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của nữ trí thức trên tuần báo Phụ nữ tân văn – một diễn đàn quan trọng trong phong trào nữ quyền Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ấn phẩm dày 600 trang, do Đoàn Ánh Dương biên soạn và giới thiệu, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 6/2025.
  • Hà Nội nêu cao tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
    Tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 27/6, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Liễn mỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO