Văn hóa – Di sản

Lê Thánh Tông – một ý chí tự cường vĩ đại

Tạ Ngọc Liễn 05/11/2023 16:44

Lê Thánh Tông, tự là Tư Thành, còn có tên là Hạo, hiệu Thiên Nam Động chủ, là con Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao - con gái Thái Bảo Ngô Từ, một công thần khai quốc của nhà Lê. Ông sinh ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), tại nhà ông ngoại ở mạn tây nam Quốc Tử Giám, nay thuộc khu đất chùa Huy Văn, Hà Nội.

le-thanh-tong.jpg
Tranh minh họa vua Lê Thánh Tông.

Lê Thánh Tông lên ngôi lúc 18 tuổi, sau khi Nhân Tông bị hãm hại và Nghi Dân bị lật đổ, trị vì đất nước 38 năm, hai lần đổi niên hiệu (Quang Thuận và Hồng Đức), thọ 55 tuổi.

Trong lịch sử nước ta, thời Thịnh Lê (nửa sau thế kỷ XV) là thời kỳ độc lập cường thịnh, sự phát triển về mọi mặt của nhà nước phong kiến khi ấy đạt tới đỉnh cao, để lại một dấu ấn đậm nét với những giá trị văn hóa lớn như Hồng Đức hình luật, Hồng Đức thiên hạ bản đồ, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức quốc âm thi tập... Tất cả thành tựu đó đều gắn liền với tên tuổi Lê Thánh Tông, người được các sử gia đương thời khen là “có hùng tài đại lược”.

Nói tới Lê Thánh Tông, người ta cũng không quên một việc có ý nghĩa lịch sử: năm 1464, ông ra lệnh rửa oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm thơ văn của Nguyễn Trãi bị thiêu hủy sau vụ án “Lệ Chi viên”. Lê Thánh Tông đã tạc lại bia cho Nguyễn Trãi bằng câu thơ “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo".

Trong thời gian làm vua, Lê Thánh Tông tỏ ra là nhà tổ chức vô cùng tài giỏi và có tinh thần cải cách khá táo bạo cũng như có một ý chí tự cường dân tộc mạnh mẽ. Sau khi lên làm vua một năm, ông đã trách lỗi cựu thần Ngô Sĩ Liên: “Ta mới coi chính sự, sửa mới đức tính, người bảo nước ta là hàng phiên bang của Trung Quốc thời xưa, thế là người theo đường chết, mang lòng không vua”.

về cơ cấu tổ chức chính quyền, Lê Thánh Tông xóa bỏ việc chia đất nước thành 5 đạo thời Lê Lợi, đổi thành 12 đạo, sau gọi là 12 thừa tuyên. Dưới thừa tuyên là phủ, huyện, châu, tổng, xã. Hệ thống quan lại từ trung ương xuống địa phương cũng thay đổi rất nhiều theo hướng canh tân nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tế đất nước.

Lê Thánh Tông nói: “Đất đai bờ cõi ngày nay so với đời trước khác nhau nhiều lắm, không thể không thi quyền chế tác cho hết đạo biến thông”. Và “không phải ta cố làm ra vẻ thông minh, thay đổi phép cũ để buộc miệng thiên hạ. Từ nay trở đi con cháu ta nên biết rằng làm ra quy chế này là do bất đắc dĩ vậy”.

Về phương diện quốc phòng, Lê Thánh Tông cũng là nhà tổ chức, xây dựng quân đội, nhà chiến lược quân sự đại tài. So với trước, Lê Thánh Tông đã làm đổi mới hẳn nền quốc phòng đương thời. Quân đội được tổ chức lại chặt chẽ, cơ động, thường xuyên được học tập binh pháp, rèn luyện phép đánh thủy, đánh bộ. Các cuộc tập trận được tiến hành sôi nổi trên sông, trên biển. Lê Thánh Tông còn ban hành 43 điều quân luật rất nghiêm.

Tên tuổi Lê Thánh Tông gắn liền với Bộ luật Hồng Đức, một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của thời đại và của sự nghiệp ông. Bộ luật Hồng Đức ra đời là sự kiện đánh dấu trình độ phát triển cao của xã hội nước ta hồi thế kỷ XV. Lê Thánh Tông, người khởi xướng luật Hồng Đức là người gương mẫu tôn trọng luật pháp, thực hiện nghiêm chỉnh luật lệ đã ban hành. Lê Thánh Tông từng nói với các quan cận thần rằng: “Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo”. Câu nói đó thể hiện một nét vĩ đại trong tư tưởng Lê Thánh Tông.

Nếu như về chính trị, quân sự, kinh tế, Lê Thánh Tông đã để lại một sự nghiệp rực rỡ thì về văn hóa, giáo dục, ông cũng xứng đáng được hậu thế tôn vinh là nhà văn hóa lớn của dân tộc, Lê Thánh Tông đã có công lao tạo lập cho thời đại một nền văn hóa với một diện mạo riêng, khẳng định một giai đoạn phát triển mới của lịch sử văn hóa dân tộc.

Ở nước ta thời phong kiến, nền giáo dục, khoa cử chưa bao giờ thịnh đạt cũng như vai trò của giới trí thức chưa bao giờ được đề cao như đời Lê Thánh Tông. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện. Nhà thái học, Quốc Tử Giám là những cơ quan văn hóa lớn của Nhà nước, Lê Thánh Tông còn cho xây kho bí thư chứa sách. Và đã sáng lập Hội Tao đàn do ông làm Tao đàn Nguyên súy, vừa sáng tác thơ văn, vừa phê bình, nghiên cứu. Những trước tác của Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn được chép trong bộ sách đồ sộ Thiên Nam dư hạ tập, và các cuốn Quỳnh uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú, Hồng Đức quốc âm thi tập..

Thiên Nam dư hạ tập, công trình mang dấu ấn vương triều này là một bộ “bách khoa thư” của thời đại Lê Thánh Tông; trong đó không chỉ ghi chép thơ văn mà còn ghi chép về lịch sử, kinh tế, quan chế, địa lý...

Với tư cách là Tao đàn Nguyên súy, Lê Thánh Tông dẫn đầu phong trào sáng tạo và trước thuật, để lại một khối lượng tác phẩm không nhỏ: Thiên Nam dư hạ tập, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Anh Hoa hiếu trị (thất truyền), Châu cơ thắng thưởng (thơ chữ Hán), Chinh tây kỷ hành (thơ chữ Hán), Văn minh cổ súy (thơ chữ Hán), Lam Sơn lương thủy phú...

Xét về phương diện thơ, Lê Thánh Tông là một thi sĩ mang tầm vóc thời đại. Thơ ông là tiếng nói của một nhân cách lớn, một nhà tư tưởng, một trái tim yêu nước tràn đầy tự hào dân tộc và bát ngát núi sông hùng tráng.

Lê Thánh Tông là một trong những vị Hoàng đế tài giỏi nhất nước ta trong việc phòng thủ, bảo vệ vững chắc lãnh thổ biên giới của Tổ quốc. Khi nói đến Lê Thánh Tông, những người có học, có đọc lịch sử dân tộc, không ai không biết lời Lê Thánh Tông viết trong tờ sắc dụ năm 1473, gửi cho Lê Cảnh Huy, viên quan trấn thủ vùng biên giới gần Quảng Tây - Trung Quốc: “Một thước núi, một tấc sông của ta không được vứt bỏ.... Nếu ngươi dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ mà cho giặc thì tội phải giết cả họ” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Lê Thánh Tông được thể hiện một cách kiên quyết, cứng rắn trong suốt 38 năm ông làm vua (1460-1497) và đó là thành tích vẻ vang trong chính sách đối ngoại của Lê Thánh Tông.

Đường biên giới trong lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc, được giới sử học chia thành ba khu vực: khu giáp gianh giữa tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng của Việt Nam với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; khu Tây Bắc của Việt Nam tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và khu biên giới Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh nước ta, tiếp giáp với phía tây tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Hàng nghìn năm qua dưới chế độ phong kiến, vấn đề biên giới bao giờ cũng là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trước áp lực lấn chiếm đất đai của phong kiến phương Bắc, các triều đại Việt Nam phải luôn luôn chủ động đối phó bằng nhiều biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, khi nào nước ta thực lực mạnh và những người đứng đầu Nhà nước phong kiến có ý chí dân tộc cao, không nhượng bộ để đối phương lấn lướt thì “một thước đất” của tổ tiên vẫn được giữ vững. Lê Thánh Tông là một tấm gương lịch sử vĩ đại trong chính sách đối ngoại và bảo vệ lãnh thổ nước Đại Việt, đồng thời vị Hoàng đế này cũng là người đã làm cho mối quan hệ giữa Đại Việt với nhà Minh hồi nửa sau thế kỷ XV vừa hiểu biết, vừa tôn trọng lẫn nhau, sống hòa hiếu trong mối bang giao truyền thống.

Tại khu vực biên giới Đông Bắc, nơi thường xảy ra tranh chấp là địa phận châu Khâm cũ, tức là vùng phía Tây tỉnh Quảng Đông tiếp giáp với huyện Hải Ninh của ta. Đây là một miền núi non hiểm trở, có biển bao quanh, giữ vị trí xung yếu về quân sự. Về kinh tế, là nơi đầu mối giao thông buôn bán trên biển giữa nước ta với Trung Quốc và các nước lân cận khác. Bởi vậy, đối với khu vực này, phía Trung Quốc cũng như Việt Nam, đời nào cũng chú ý xây dựng đồn lũy phòng thủ. Thí dụ, vào năm thứ năm niên hiệu Vĩnh Lạc (1407), Thượng thư Hoàng Phúc bàn với triều Minh rằng: “Huyện Vạn Ninh tiếp giáp với cửa khẩu Vân Đồn của Giao Chỉ nối liền với địa phương châu Khâm tỉnh Quảng Đông, rất hiểm yếu, nên đóng thêm quân ở châu Khâm, đặt đồn bảo vệ”...

Về phía Việt Nam, vào triều Lê, Lê Thánh Tông cho xây dựng đồn lũy ở Tân Yên, Vạn Ninh, chọn tướng giỏi làm trấn thủ ở An Bang, lấp đường các cửa ải ngăn ngừa người Minh xâm phạm. Vì vùng biển Đông có Vân Đồn nằm trên đường giao thông giữa Trung Quốc với các nước phía biển Nam nên hải đảo này trở thành địa điểm tụ họp của thuyền buôn các nước Qua Oa, Xiêm La... song nhiều hơn cả vẫn là thuyền buôn Trung Quốc. Dưới thời Lê Thánh Tông, trong việc phòng thủ đất nước, để chống các hoạt động gián điệp của ngoại quốc, vương triều Lê đã tiến hành kiểm soát nghiêm ngặt người nước ngoài khi họ đến Đại Việt.

Ở khu vực biên giới Đông Bắc có Như Tích là địa điểm quan trọng nhất về mặt quân sự. Như Tích ở trên núi cao, bao quanh hai bên là sông nước, khe động, thế vô cùng hiểm trở. Đây là nơi phát sinh mâu thuẫn cao nhất giữa triều Minh và triều Lê. Nhà Minh nỗ lực giành chủ quyền về mình ở đó. Song với cuộc đấu tranh kiên quyết, kéo dài thời Lê Thánh Tông, vùng Như Tích và Chiêm Lãng vẫn thuộc bản đồ Việt Nam. Tới năm 1540 dưới triều Mạc, Như Tích, Chiêm Lãng cùng một số vùng khác (Cổ Sâm, Tư Lẫm, Kim Lặc, Liễu Cát) mới bị sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc.

Đối với khu vực biên giới Đông Bắc - khu vực có biển Đông bao bọc, tiếp nối với các vua Trần, Lê Thánh Tông đã dành nhiều tâm trí cho vùng xung yếu này. Qua sử biên niên và qua thơ Lê Thánh Tông chúng ta biết ông từng nhiều lần thân hành đem quân đi tuần tiễu miền Hải Đông, duyệt thủy trận tại đây và làm khá nhiều thơ ghi lại những chuyến “Đông tuần” ấy.

Trong một bài thơ Lê Thánh Tông làm khi dẫn quân đi tuần thú Hải Đông, ông viết:

Diểu diểu quan hà lộ kỷ thiên,

Bắc phong hữu lực tống qui thuyền.

Hải sơn lý dĩ cùng du mục,

Chi kiến hùng hùng cắng bích thiên.

(Non sông vời vợi, con đường dài mấy nhìn dặm,

Gió bắc thổi mạnh đưa thuyền trở về.

Núi chạy dài dọc bờ biển, đưa mắt nhìn ra xa tít,

Chỉ thấy núi non hùng vĩ vươn đến trời xanh)

Cảm hứng về sự hùng vĩ của núi sông đất nước trong thơ Lê Thánh Tông càng đẹp hơn, lớn hơn khi nhà thơ “thao bút” với tư cách là một vị hoàng đế, một vị thống soái đang mang quân đi tuần thú vùng biển xung yếu này:

Thiên trượng noãn quang phù vũ bái,

Lục sư hi sắc hiệp hồ điêu.

Nhật thăng dương cốc vân dụng bạc,

Mục cực giang sơn vạn lý dao.

(Nắng ấm nghìn trượng tỏa trên ngọn cờ

Khí thế ba quân át cầy cáo

Phương đông mặt trời mọc, mây nhẹ trôi

Phóng hết tầm mắt ngắm núi sông muôn dặm)

(Buổi sớm xuất phát từ sông Cấm đi tuần phía đông)

Ở Lê Thánh Tông, tình cảm yêu nước, lòng tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc luôn hòa quyện với nhau. Cưỡi thuyền lướt sóng trên sông Bạch Đằng, Lê Thánh Tông nhớ đến Trần Hưng Đạo với chiến công bình Nguyên thời Trần:

Vạn lý trường phong phiếm họa thuyền,

Bạch Đằng hải khẩu thủy như thiên.

Miến hoài Hưng Đạo cần vương tích,

Hốt ký Toa Đô tổng tử niên.

Đương nhật bất di Trần xã tắc,

Nhất thời y cựu Việt sơn xuyên. ...

(... Con thuyền như vẽ lướt gió muôn dặm,

Cửa biển Bạch Đằng trời nước một màu.

Nhớ mãi công Cần vương của Hưng Đạo xưa,

Chợt nhớ năm Toa Đô nộp mạng.

Ngày ấy xã tắc nhà Trần không suy chuyển,

Núi sông nước Việt một thời vẫn như xưa)

(Qua sông Bạch Đằng)

Những bài thơ Lê Thánh Tông viết trong những lần “Đông tuần” hoặc duyệt thủy trận ở khu vực này là những bài thơ cổ hay nhất viết về vùng biển Đông Bắc Tổ quốc:

Hải môn thập nhị thủy ương ương,

Cực mục vân đoan lộ diểu mang.

Tráng chí kinh hồn kình trúc quán,

Tân xuân lộng khí dã phù dương...

(Mười hai cửa biển trời nước mênh mông,

Phóng hết tầm mắt đến chân mây, đường đi vời vợi.

Chí lớn kinh hồn đắp nên đài chiến thắng,

Xuân mới đầy sinh khí tràn ngập khắp ruộng đồng)

Vua Lê Thánh Tông không chỉ am hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc, tự hào về truyền thống anh hùng của cha ông, mà còn có chí lớn, làm được những việc khiến bao thế hệ sau phải ngưỡng vọng và biết ơn, vị Hoàng đế xứng đáng là người đại diện kiệt xuất của dân tộc.

Trong một bài thơ Nôm, Lê Thánh Tông “tự thuật” về mình:

Lòng vì thiên hạ những sơ âu,

Thay việc trời dám trễ đâu.

Trống dời canh còn đọc sách,

Chiêng xế bóng chửa thôi chầu...

Thật đẹp biết bao hình ảnh một ông vua đứng đầu quốc gia việc nước bộn bề, bận rộn “song tay không lúc nào rời quyển sách” (Lời sử gia Vũ Quỳnh)./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Lý Nhân Tông – vị vua giỏi của triều Lý
    Tháng Chạp năm Đinh Mùi (1127), hoàng đế Lý Nhân Tông viết di chiếu: “Trẫm xét phận tuổi thơ đã phải lên ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi, đã 56 năm nay…”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Bánh tẻ Cầu Liêu – Món ăn thấm hồn quê của làng Thạch xá
    Vùng đất xứ Đoài không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, mà còn có nhiều món ăn ngon, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của xứ Đoài, trong đó có món Bánh tẻ. Bánh tẻ xuất hiện sớm tại 2 địa danh của vùng xứ Đoài xưa là Cầu Liêu (Thạch Thất) và Phú Nhi (Sơn Tây). Nếu như bánh tẻ Phú Nhi được gói bằng lá dong, lá chuối như nhiều loại bánh tẻ khác thì bánh tẻ Cầu Liêu so với những nơi khác là bánh được gói bằng loại lá đặc biệt – lá tre mai.
  • Bản hòa ca Hà Nội qua tranh vẽ
    70 tác phẩm đa dạng về chất liệu từ màu nước, ký họa, lụa, sáp dầu... với chủ đề về Hà Nội sẽ được giới thiệu tới công chúng tại Trung tâm thông tin triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 20/11 đến 28/11/2024.
  • Khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”
    Chiều 18/11, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (số 29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”.
  • Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
    Việc công nhận “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài” là Di sản văn hóa phi vật thể cũng đánh dấu hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đặc trưng ở Phú Thọ.
  • Trưng bày chuyên đề “Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê”
    Chào mừng Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), sáng 18/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê”. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong tới dự.
  • Khám phá Hà Nội qua triển lãm "Mười Bốn Art Show 2024"
    Triển lãm “Mười Bốn Art Show 2024” đang diễn ra tại không gian Aqua Art - Hanoi Aqua Central 44 Yên Phụ, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.
  • Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành chính thức nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
    Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
    Tối 17/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 “Giao lộ Sáng tạo” đã kết thúc với thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn trong lòng nhân dân Thủ đô và du khách.
  • [Podcast] Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam
    Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của “nguyên khí quốc gia”, nơi đây đào tạo sĩ tử và hơn thế nữa, là nơi tôn vinh nhân tài. Hiện nay, Di tích đặc biệt quan trọng này đang là nơi lưu giữ những hiện vật vô cùng giá trị: Bia Tiến sĩ là Bảo vật Quốc gia, Di sản tư liệu thế giới; Khuê Văn Các được chọn là Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội…
Lê Thánh Tông – một ý chí tự cường vĩ đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO