Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý và các đại biểu dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. |
Tới dự lễ dâng hương có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.
Đây là hoạt động văn hóa truyền thống trong khuôn khổ chương trình Tết Việt mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, bao gồm nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản và văn hóa truyền thống tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Hoạt động dâng hương diễn ra theo đúng nghi lễ truyền thống. |
Từ 7h sáng, dù trời mưa phùn, đoàn rước gồm hơn 400 hội viên thuộc các chi hội trực thuộc Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã tề tựu đông đủ tại sân Đoan Môn và tiến vào sân Rồng điện Kính Thiên, dâng lễ lên điện Kính Thiên theo đúng nghi thức truyền thống.
Chương trình bao gồm các nghi thức như lễ rước, dâng hương, tế lễ và nhiều hoạt động văn hóa dân gian như múa rồng, trống hội.
Chương trình bắt đầu bằng màn múa Rồng của các nghệ nhân làng Triều Khúc (Tân Triều - Thanh Trì), tái hiện hình ảnh con Rồng cháu Tiên, với mong ước mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an, nêu cao tinh thần thượng võ và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Tiếp đến là màn biểu diễn trống hội Thăng Long của các nghệ nhân làng Hạ Yên Quyết (Yên Hòa - Cầu Giấy), thể hiện khí phách hào hùng của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Các đại biểu thả chim phóng sinh. |
Nghi lễ dâng hương được thực hiện trang trọng, đúng nghi thức. Sau phần nghi lễ, du khách được thưởng thức các chương trình văn nghệ dân gian đặc sắc do Trung tâm UNESCO phát triển văn hóa và thể thao biểu diễn.
Trong không gian linh thiêng của Hoàng thành Thăng Long những ngày đầu xuân mới, Lễ dâng hương khai xuân là một hoạt động tâm linh thành kính, hướng về cội nguồn tiên tổ, tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.
Lễ dâng hương khai Xuân Kỷ Hợi là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động phục vụ nhân dân đón xuân vui Tết, được tổ chức từ 23 tháng Chạp năm Mậu Tuất đến rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi. Trước đó, một số nghi lễ truyền thống cũng được nghiên cứu, tái hiện, như lễ cúng ông Công ông Táo, lễ phong ấn, lễ tiến lịch, lễ dựng cây nêu và lễ hạ cây nêu… |