Cách làm lịch trong triều đình
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thời Lê (1427-1789), Tư/Ty Thiên giám được xây dựng tại vị trí phía Nam, ngoài cửa Nam môn của Hoàng Thành Thăng Long.
Mỗi năm, Tư Thiên giám phải làm ra một cuốn lịch mới. Đây là cơ quan duy nhất được làm lịch cho cả nước sử dụng gồm: “Ngự lịch” là lịch đặc biệt dâng lên cho vua, “Quan lịch” dành cho các quan và “Dân lịch” là lịch ban phát xuống các làng xã. Điểm chung của 3 loại lịch là thời giờ, thời tiết và phân chia 12 tháng, 24 tiết khí trong năm: Vũ thủy, Xuân phân, Thanh minh, Lập hạ, Lập thu, Lập đông... để chỉ sự biến đổi thời tiết theo mùa trong năm.
Do đặc thù công việc, cấu trúc của Tư Thiên giám gồm tòa nhà khác nhau, trong đó phải kể đến các đài trắc ảnh (quan sát trăng, sao). Theo các tư liệu bản đồ và khảo cứu tư liệu, cơ quan này có thể nằm gần sát ngã tư đường Lê Duẩn – đường Khâm Thiên ngày nay.
Để có lịch mới dâng lên vua ban cho quần thần và Nhân dân vào tháng 12 âm lịch, Tư Thiên giám chuẩn bị trong 1 năm, khi hoàn thành được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xin lệnh in khắc.
Công việc soạn lịch được quan trưởng lịch của Tư Thiên giám chịu trách nhiệm biên soạn. Đại Việt sử ký toàn thư chép, năm 1435 “cho Nguyễn Công Giai làm chưởng lịch, Hộ bộ chủ sự Dương Huyền Trung làm Linh đài lang” . Qua đây có thể thấy Tư Thiên giám có 2 bộ phận soạn lịch và phụ trách linh lang đài (đài trắc ảnh).
Hằng năm, Tư Thiên giám tính trước lịch công của năm sau, đến tháng 6 viết ra 2 bản dự thảo, 1 bản dâng lên vua và xin lĩnh tiền công mua giấy mực đế in. Bản lịch dự thảo dâng lên, Vua Xem xong rồi giao cho Trung Thư giám viết lại và giao cho tri giám trông coi việc khắc. Khi bản khắc xong, Tư Thiên giám vâng lệnh đôi chiếu xem xét lại, rổi cho in.
Lễ ban lịch ở điện Kính Thiên
Theo tư liệu lịch sử: “Đến ngày 24 tháng 12 thì làm lễ dâng lịch. Sáng ngày hôm ấy, các vị công, hầu, bá và các quan theo lệnh chỉ của vương thượng đều mặc phẩm phục vào triều làm lễ. Làm lễ xong, viên Tư Lễ Giám đem lịch để ngay ở ngự tiền sang dâng vương phụ, rồi Lễ Khoa đem lịch ban phát cho các quan”.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long và Công ty Ỷ Vân Hiên lần đầu thể nghiệm nghi lễ cung đình Lễ Tiến lịch tại sân điện Kinh Thiên - Hoàng thành Thăng Long dựa trên kết quả nghiên cứu về nghi lễ cung đình với hình thức sân khấu hóa gồm các nghi lễ sau, gồm: Nghi thức các quan vào chầu; quan Tư Thiên giám tiến ngự lịch; quan Truyền chế đọc chế; quan Lễ khoa ban quan lịch.
Có thể thấy, Nhà nước phong kiến xưa rất cẩn thận và coi trọng về việc làm lịch cũng như các hiện tượng tiết khí, ngày giờ tốt, thuật phong thủy. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất vẫn là soạn lịch hằng năm để có thể bao quát mọi vấn đề về đời sống sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân và hoàng gia như các nghi lễ tại Thái Miếu, Tổ Miếu, tục kiêng kỵ tên húy của hoàng gia.
Chính vì thế nhà vua đã giành hẳn một nghi lễ cung đình để ban lịch mới, qua đó thể hiện rất rõ sự tôn kính theo “Mệnh trời”, trách nhiệm của “Thiên Tử” và sự quan tâm của nhà vua đối với Nhân dân. Kính trên và quan tâm sâu sắc kịp thời đến Nhân dân là thông điệp có ý nghĩa nhất đối với nghi lễ ban lịch của nhà Lê nói riêng và các triều đại khác nói chung.
Thời gian trưng bày online: Từ ngày 19/1 trên Website: www.hoangthanhthanglong.vn và trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.