Sự lan tỏa, hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết từ đâu?
Xin thưa, nếu cố tìm về làng Việt Xá để làm phóng sự, ký sự hay điều tra xã hội học mà giúp cho nhà kinh tế có tư liệu, tôi chắc là ông Văn Lừng sẽ rất băn khoăn. Ông ấy đã băn khoăn, thì tôi càng lúng túng. Số là, cái làng ấy khi thì tôi ngỡ là ở Hà Nam hay Nam Định, Thái Bình… gì đó; mấy ông bạn tôi lại nói: hay Việt Xá là một làng ở xứ Thanh, xứ Nghệ mà ông không dám nhận? Biết chúng tôi băn khoăn lúng túng, một nhà nghiên cứu văn chương nhắc: các ông rõ là học trước quên sau. Làng ấy do tác giả tiểu thuyết “bịa ra” – nói cho có nghề, gọi là hư cấu ra. Nó ở trong đầu óc, tâm can nhà văn mà ra, chứ ở đâu nữa!
Vâng, Văn Lừng toàn viết chuyện làng, chuyện nhà quê dễ đã hơn vài chục năm nay, sau cũng khoảng thời gian ấy làm nghề dạy học cũng ở quê, rồi lên tỉnh làm giám đốc bảo tàng… Mạch làng là cuốn thứ 8 của ông, cuốn này, nói theo lối nhà văn Kim Lân, nhà văn Tô Hoài, thì ông viết thành (đạt) hơn cả… Chả thế mà truyện ông hư cấu ra, tưởng tượng ra, toàn là chuyện người làng Việt Xá trong tiểu thuyết này đã khiến nhiều người cứ tưởng là chuyện thật, thật quá, nhân vật thì hiển hiện, câu chuyện thì có giềng có mối, có dẫn có chuyển, có thắt lại mở rồi lại vắt sang nhà này họ kia hợp lý hợp cảnh như được “bê nguyên xi” từ một số chuyện và người mà chúng ta đã từng biết, từng rõ ở một số nơi vậy.
Tôi nghĩ thêm, thì cho rằng nếu tác giả tiểu thuyết Mạch làng không hiểu thấu đáo lịch sử làng quê từ xưa đến nay, không rõ người nông dân đang phải vật lộn - đúng là vật lộn, và chiến đấu với bọn xấu trên từng thửa đất hoang và cả vùng đất thiêng… đặc biệt, nếu thiếu một tấm lòng nhân hậu, một sự trí lực, thì ông khó mà viết được tập tiểu thuyết hấp dẫn như vậy. Trong tiểu thuyết này, nhà văn đã từ cái trí cái tâm của mình, và bằng tay nghề dựng truyện, khắc họa tính cách nhân vật của một nhà tiểu thuyết thực thụ, đã hiến cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh thật khái quát, điển hình. Đó là bức tranh lắm vẻ dạng, nhiều màu sắc với rất nhiều chi tiết sinh động, tươi ròng sự sống. Nhờ thế, tiểu thuyết Mạch làng của ông mới ra mắt mới dăm ba tháng đã được nhiều người tìm đọc và kể cho nhau nghe, khả năng lan truyền ấy khiến sách được in nối bản, tái bản là rất rõ.
Cuộc chiến ở Việt Xá là gì?
Việt Xá là một làng cổ, có nghề làm tranh dân gian từ lâu, “tranh Việt Xá nghiêng về chiều sâu tâm tưởng, thoạt nhìn chưa cảm nhận được ngay, nhưng nhìn lâu, chiêm bái kỹ, dần dần rồi mới phát hiện ra thần thái, hồn vía của bức tranh. Nếu nhìn kỹ, tập trung quán tưởng, sẽ thấy chiều sâu thăm thẳm của bức tranh Việt Xá có một luồng sáng phát ra, một thần lực cuốn hút hồn người.”
Làng Việt Xá vốn thuần nông trên đất cổ và đất bãi cả ngàn năm. Số người làm tranh dân gian không đông, số người được học hành thi thư cũng không thật nhiều, nhưng họ – cái số nho nhỏ này từ bao đời đã ký gửi được hồn mình, hồn dân tộc vào trong từng thớ gỗ trên đình, trong tranh in vẽ, và trong nhiều câu hát lúc hội hè, lúc bức bối… nên được cả làng mến trọng. Làng Việt Xá có đình thờ Thành hoàng tọa trên khu đất cao đắc địa, gọi là khu Đống Đình, rất thiêng.
Sau những cuộc chiến tranh giải phóng, dân làng Việt Xá như được hồi sinh, lại lao vào công cuộc làm ăn mới. Là đất cổ, làng có lắm người thực tài thực học mà nên danh giá như Trần Hoàng Văn Bảo (PGS. TS từng du học ở Nhật, từng là Chủ nhiệm Khoa Cao học của ĐH Kiến trúc), như cô giáo Phạm Lại Phương Liên vừa xinh tươi đẹp nết lại dạy giỏi…, làng cũng có những người lạ, như An Thị Ngão dung nhan xấu xí, tính nết đanh đá ngoa ngoắt, thế mà có lúc lại bắt vần ngon lành với người lạ: Nhà tôi ở phố Hàng Tre/ Ai yêu thì đến, cười chê thì đừng.
Ở làng Việt Xá cũng có những người con nhà dòng dõi văn hóa – cách mạng như Hoàng Sĩ Thắng, những người là lính trận trở về như Công Văn Nghĩa, người lăn lộn bám đất bám nghề như Trần Văn Thước, người gặp bao đau đớn khổ ải như vợ chồng Tý - Tách…, trước sau, dần dần, họ đã hiểu ra sự thật bất công mà cả làng phải chịu, và họ liên kết với nhau, chống lại bọn mang danh cán bộ, vì lòng tham vô độ của cá nhân mình mà đang phá nát thuần phong mỹ tục của làng, làm hỏng đường lối, bài bản xây dựng nông thôn mới của nhà nước.
Cuộc chiến đấu không tiếng súng mà đầy khó khăn, thật đơn độc của họ có lúc đã thất bại khi bị một nhóm người tiếm quyền. Ở những chương, đoạn dựng lại chân dung bọn bất lương, tráo trở và dâm ô, tác giả Mạch làng đã rành rẽ và tỉ mẩn, phác họa và khắc họa để cất lên lời cảnh tỉnh về vấn đề bổ nhiệm cán bộ…
Câu chuyện ba trong một?
Mở đầu tiểu thuyết Mạch làng là cảnh một người đàn ông “quần áo chỉnh tề, sơ vin, ca vát, đôi mắt kính đeo trễ trên sống mũi, chiếc ba toong vung vẩy trong tay, rất bộ lệ, nhưng lại thả đôi chân trần chập choạng trên mặt đường ướt lạnh. Hắn đi như kẻ mộng du. Gặp ai cũng gườm gườm, xoi mói, rồi ngửa cổ lên trời cười…
Người đàn ông ấy chính là Trần Hoàng Văn Bảo. Anh ra nông nỗi thế, là vì vợ anh – cô giáo dạy giỏi đã chết tức tưởi oan uổng bởi sự ghen tuông mù quáng của chị gái và sự cưỡng dâm của anh rể, kẻ vô học mà mua được đủ bằng cấp, leo lên địa vị bí thư…
Giữa tác phẩm là cảnh một ngày đầu năm, mọi người đến nhà Hoàng Sĩ Thắng chúc Tết. Văn Công Nghĩa: Em đang sốt ruột muốn nghe chuyện của anh! Hoàng Sĩ Thắng cười: Chẳng có gì ghê gớm đâu! Nhưng mà tôi ức! Từ cái uất ức ấy mới ra làm trang trại…
Gần cuối tác phẩm, có chuyện Đinh Phú Cường theo mưu của vợ chồng Hương – Lịch, đã huy động lực lượng máy xúc, ủi cùng dân quân đến phá miếu Tiên. Những người muốn giữ đất làng, muốn bảo tồn và khôi phục một di tích linh thiêng – nơi lưu giữ hồn mạch của làng đã đứng chặn xe ngăn cản… Sự chiến thắng của những người giữ đất giữ hồn thiêng của làng Việt Xá là vậy.
Kể chuyện và dựng cảnh như thế, nhà văn đã cho thấy Mạch làng không chỉ thuật lại cuộc chiến trong làm ăn kiếm sống sao cho đúng pháp luật, mà còn là cuộc chiến đấu cho sự chiến thắng của đạo lý Việt, tâm linh người Việt, hay nói cách khác, tác phẩm ở đoạn này, là khúc ca oai hùng vút lên từ sự nhọc nhằn đau đớn, một khúc ca về sự chiến thắng của văn hóa Việt.
Cuối tác phẩm, khúc ca này như du dương dìu dặt tươi mới hơn, đoạn Vĩ thanh kể: Trần Hoàng Văn Bảo đã khỏi bệnh. Anh lại múa hát trước ảnh vợ và kể cho vợ nghe rằng: bản thiết kế phục hồi ngôi đình Việt Xá do anh làm ngay trong những ngày tỉnh ra đôi chút giữa ngơ ngẩn điên loạn đã hoàn thành, là do hồn thiêng của tổ nghề, của làng và cả sự dẫn dụ hối thúc và tin tưởng của Phương Liên…, rằng bản thiết kế này đã được Hội đồng khoa học Hoàng gia nước Anh đánh giá cao, công nhận là một luận văn khoa học có giá trị.
Ở các trang 417 đến 427 này, có cảm giác là nửa thực nửa mơ. Là Vĩ thanh, nên ai hiểu sao cũng được chăng? Nhưng riêng tôi thì cho là ông Văn Lừng vẫn viết rất tỉnh, ngay cả chuyện ông dành gần 6 trang (từ 420 đến 426) để cho bút mình bay lên trong thăng hoa lao động viết mà kể – bình về vẻ đẹp của kiến trúc đình làng Việt Xá, một di tích tiêu biểu cho mạch sống của quê hương, của tài hoa trác việt người thợ mộc nước ta.