Thơm sinh ra ở miền trung, nhà quanh năm lúc nào cũng khổ, có khi chớp mắt nước đang dâng quá nóc đầu gối, quay qua quay lại cũng chỉ có xương rồng, cây trái èo ọt, vô nam tìm đường sống, không bằng cấp, không nghề, vậy là phải buôn gánh bán bưng. Vỉa hè chỗ Thơm ngồi lúc nào cũng đông khách, mớ cua mới lấy, rau mới bẻ hồi sớm ngoài đường, mấy trái mướp non trên giàn sớm nay vừa hái. Tấm nylon ven đường cũng nuôi sống cô dâu trẻ vừa cưới anh chạy xe ôm hơn năm trước. Mẹ chồng thắc mắc sao bụng thơm hoài không bự ra miếng nào, xen lẫn những tiếng thở dài chán ngán. Câu nói của mẹ chồng rớt lại trong giấc ngủ ngắn. Thơm câm lặng, ngay trong tiếng thở dốc của chồng, câm lặng khi cua chết bị mắng vốn, câm lặng luôn khi rau muống có vài đọt già chưa kịp bỏ cũng thành tiếng chửi thề chui tọt lỗ tai, khách mà anh đâu phải người nào cũng vui vẻ, buôn bán như làm dâu trăm họ, em quen rồi!
Chai nước suối đục lỗ trên nắp run rẩy rớt xuống ngón tay, cô dâu trẻ ngồi móm trên cái ghế nhựa, lọt thỏm giữa đám đông. Tiếng chửi bới, gọi nhau í ới giữa chợ làm Thơm như chìm nghỉm. Bởi người ta chỉ nhớ những thứ đặc biệt, đâu có ai thèm quan tâm những điều nhỏ nhặt bao giờ?
Ngày hai buổi chợ sớm - chiều. Tối Thơm ráng nằm im, câm lặng giữ cho bầy nòng nọc của chồng bơi càng lâu càng tốt. Tiếng dép lẹp xẹp của má chồng đi qua đi lại ngoài bếp, mấy con gà cục tác mới biết đã sớm mai, trứng cần lượm, rau cần bó, cua cần bỏ bao, phiên chợ sớm bị chận lại bởi, câu nói của mẹ chồng như lặp lại bên tai: "cây độc không trái, gái độc không con". Nên phiên chợ như khoảng trời riêng mà Thơm may mắn có được. Mặc dù ở đó Thơm làm dâu trăm họ, vẫn chưa bao giờ thấy trống trải trên giường, khi tiếng honda của chồng khuất xa ngoài đầu hẻm.
Sài Gòn không phụ Thơm, nhưng người ta có phụ Thơm hay không? Cái này còn chưa biết. Có phải đời người luôn câm lặng giữa những lấp lửng-đợi chờ? Có khi làm dâu cũng chưa phải là điều khó.
Chợ đông, người xa lạ: vẫn còn chỗ cho Thơm. Nội thở dài cũng không cần phải nén. Vô sinh-hiếm muộn đâu phải bởi một người.