Kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc Dự án đường Vành đai 1
Sáng 11/12, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã chất vấn nhiều vấn đề nóng của TP, đặc biệt là những vướng mắc khi giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 1 - "tuyến đường đắt nhất hành tinh" và những bất cập thiếu bãi đỗ xe ngầm, bãi xe công cộng.
Dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2025
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ Long Biên) cho biết, Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đi qua 2 quận Ba Đình và Đống Đa có chiều dài 2.274m vừa được thành phố Hà Nội điều chỉnh nhằm đồng bộ quy mô thực hiện dự án đầu tư.
Đây là dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Lãnh đạo thành phố cam kết dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
“Đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội và các đơn vị liên quan cho biết tiến độ triển khai xây dựng dự án hiện nay ra sao? Vì sao có sự chậm trễ này và các giải pháp để hoàn thành tiến độ bàn giao, đưa vào sử dụng thế nào?”, đại biểu Nguyễn Quang Thắng đặt câu hỏi.
Trả lời nội dung này, ông Đồng Phước An, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội cho biết, hiện tiến độ dự án đường Vành đai 1 chưa đáp ứng yêu cầu. Theo kế hoạch, dự kiến dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2024. Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) có nhiều khó khăn, ví như người dân không phối hợp, không xác nhận nguồn gốc đất, không xác nhận chỉ giới. Thậm chí, có hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng, dẫn đến dự án chậm tiến độ.
Thời gian qua, Ban Quản lý dự án cùng các quận Ba Đình, Đống Đa tích cực triển khai nhiều giải pháp bồi thường, GPMB. Trong quý I và II/2025, các quận Ba Đình, Đống Đa phấn đấu hoàn thành công tác GPMB. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý chỉ đạo các nhà thầu khi nào có mặt bằng sẽ triển khai thực hiện dự án ngay.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trên địa bàn quận có 1.334 phương án bồi thường GPMB thực hiện dự án này. Trong đó, có khoảng 1.000 đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến những vướng mắc, cơ chế chính sách trong đền bù GPMB. Đến nay, các quận đã chi trả được 667 phương án bồi thường và quyết tâm phê duyệt, hoàn thành xong các phương án bồi thường trong năm nay để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Liên quan đến dự án này, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, thời gian qua, các sở, ngành, TP đã tháo gỡ 8 nhóm chính sách liên quan đến công tác bồi thường, GPMB của dự án. Trong toàn tuyến 2.274m, quận có 650m với 643 phương án GPMB đã phê duyệt xong.
Ông Định chia sẻ, đây là dự án khó nhất cả nước và TP. Đến nay, TP đã có nhiều chính sách tháo gỡ, trong đó có 8 nhóm chính sách đặc thù. UBND quận cam kết quý 1/2025, chậm nhất là quý 2/2025 sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai dự án.
Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài 2.274m, mặt cắt ngang 50m. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa), điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình); khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan... Mức đầu tư giai đoạn 1 Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là hơn 7.211 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 627 tỷ đồng; chi phí GPMB hơn 5.818 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách TP. Dự án này từng được coi là "tuyến đường đắt nhất hành tinh" với hơn 7 nghìn tỷ đồng đầu tư cho hơn 2km đường.
Quy hoạch 1.690 bãi đỗ xe, mới đầu tư được 72 bãi xe
Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 20 HĐND thành phố Hà Nội sáng 11/12, đại biểu Nguyễn Thanh Nam (Tổ Phú Xuyên) cho biết, công tác phát triển giao thông đô thị của thành phố còn nhiều bất cập, đặc biệt là xây dựng và vận hành các bãi xe công cộng, bãi đỗ xe ngầm. Đại biểu đề nghị UBND thành phố thông tin về tiến độ thực hiện các dự án này.
Một đại biểu khác nêu ý kiến, theo quy hoạch, TP cần 1.627 bãi đỗ xe, gồm các bãi đỗ xe ngầm. TP có 155 dự án đầu tư bãi đỗ xe, trong đó có 73 dự án đã hoàn thành, nhiều dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm còn chậm tiến độ, chưa được triển khai do những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề giá trông giữ xe. “Đề nghị Sở Tài chính cho biết những giải pháp về vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải cho biết phương án tham mưu thành phố về triển khai phần mềm trong quản lý, trông giữ xe để tránh thất thoát, thuận tiện cho người dân?”, đại biểu đặt vấn đề.
Trả lời, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay thành phố thiếu rất nhiều bãi đỗ xe. Theo quy hoạch, thành phố có 1.690 bãi đỗ xe, nhưng hiện mới đầu tư xây dựng được 72 bãi đỗ xe hoạt động. Trong khi đó, theo quy hoạch, diện tích giao thông tĩnh phải đáp ứng được 30% nhưng thực tế thành phố mới đáp ứng được 0,5%.
Theo ông Nguyễn Phi Thường, mới đây UBND thành phố đã họp với các quận, trong đó đưa ra danh mục các dự án khuyến khích đầu tư liên quan đến bãi đỗ xe ngầm. Thành phố cũng vừa thông qua Đề án giao thông thông minh cho từng giai đoạn với nguồn đầu tư lớn. Trước mắt, Sở GTVT đang tập trung hoàn thành việc thí điểm áp dụng công nghệ tự động không thu tiền mặt trông giữ xe để báo cáo thành phố triển khai từ đầu năm 2025.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, liên quan đến khu vực đỗ xe tạm, các kỳ họp trước, đại biểu HĐND TP đã chất vấn, nhưng đây là vấn đề liên quan đến Luật An toàn giao thông, Luật Đường bộ, Luật Thủ đô, tới đây Sở sẽ tham mưu, trình UBND TP quy định 250 tuyến phố được phép trông xe với điều kiện bảo đảm không ùn tắc, góp phần bảo đảm trật tự đô thị.
Liên quan đến vấn đề thu phí, giá, theo ý kiến của Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, dự kiến sẽ hoàn chỉnh tờ trình trong quý 1/2025.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giao thông thông minh (ITS), Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho biết, HĐND TP vừa thông qua Đề án giao thông thông minh ở kỳ họp trước và hôm qua, UBND TP chính thức thông qua Đề án giao thông thông minh của Thủ đô. Trong đó chia làm 3 giai đoạn: 2025-2027 hình thành phát triển; 2027-2029 mở rộng phát triển; sau 2030 giai đoạn phát triển bền vững. Kèm theo từng giai đoạn đã giới hạn phạm vi hoàn thành.
Khi thực hiện đề án giao thông thông minh sẽ giúp giải quyết vấn đề giao thông của Hà Nội căn cơ hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, Hà Nội đã triển khai trên 360 bãi điểm đỗ xe 2 không (không tiền mặt, không dừng) và 1 có (có hóa đơn, biên lai). “Giai đoạn thí điểm đã triển khai ở 17/30 quận huyện, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 97,7%, đạt kết quả tốt, tạo thói quen không dùng tiền mặt, minh bạch, tiến tới bảo đảm trật tự an toàn mỹ quan đô thị. Chúng tôi mong muốn triển khai đầu năm 2025...” - Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường chia sẻ./.