Kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, đến ngày 1/4/2019, Hà Nội có trên 8 triệu người. Con số này cho thấy thực tế mức tăng dân số đã vượt ngưỡng dự báo so với cả Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do vậy, đây là vấn đề cần được phân tích sâu trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP tới đây.
Dân số Hà Nội tăng nhanh ở cả nội thành và ngoại thành (ảnh chụp trước thời gian giãn cách). Ảnh: Hải Linh |
|
Dân số vượt ngưỡng dự báo
Tính đến nay, vừa tròn một thập kỷ thực hiện hai quy hoạch quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Đó là, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, thực hiện Luật Quy hoạch 2017, hai quy hoạch này được tích hợp cùng với quy hoạch một số ngành, lĩnh vực khác.
Việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội vì vậy cần được xem xét nhiều mặt để đảm bảo sự đồng bộ, liên thông. Mặt khác, các định hướng phát triển lớn của đất nước đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, khiến các quy hoạch ở mọi cấp độ cần được điều chỉnh với những mốc thời gian và giải pháp thực hiện để đảm bảo chỉ tiêu có tính khả thi nhất. Trong đó, với mọi quy hoạch, yếu tố đầu vào, quan trọng nhất cho mọi tính toán chính là dự báo về dân số.
Dự báo dân số Hà Nội đến năm 2020, cách đây tròn một thập kỷ của hai bản quy hoạch có khác nhau. Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội dự báo dân số Hà Nội khoảng 7,9 - 8 triệu người, Quy hoạch chung xây dựng khoảng 7,3 – 7,9 triệu người.
Dự báo đến năm 2030 của cả hai quy hoạch cũng có chút khác biệt nhưng đều thống nhất dân số Hà Nội sẽ không vượt quá 9,2 triệu người. Quy hoạch chung xây dựng có tầm nhìn xa hơn, khi dự báo đến năm 2050, Hà Nội có thể đạt đến 10,8 triệu dân. Kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, đến ngày 1/4/2019, Hà Nội có tổng dân số 8.053.663 người. Con số này cho thấy thực tế mức tăng dân số ở Hà Nội đã vượt ngưỡng dự báo so với cả hai bản quy hoạch trước một năm. Đây là vấn đề cần được phân tích sâu trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP tới đây.
Đi sâu phân tích cho thấy, quy mô dân số dự báo theo quy hoạch tại khu vực nội đô mở rộng (phía Tây đường Vành đai 2) đang vượt ngưỡng do các khu đô thị đã và đang xây dựng. Cùng với việc thành lập các quận mới: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… quy mô dân số đô thị trung tâm nhiều khả năng cũng sẽ vượt xa dự báo 460 vạn người. Trong khi đó, các đô thị vệ tinh và thị trấn trong hành lang xanh chưa hình thành để san sẻ cơ cấu dân cư cho đô thị trung tâm và tạo nên hệ thống chùm đô thị tối ưu như mong muốn.
Đây là thực tiễn cần có nghiên cứu về giải pháp thực hiện hiệu quả, cho cả một quá trình với kế hoạch, các chỉ số và kịch bản theo chu kỳ 5 năm. Nên chăng, việc đẩy nhanh việc phát triển đô thị tại khu vực Bắc sông Hồng và 1 - 2 đô thị vệ tinh trong vòng 10 năm tới; đồng thời với việc hạn chế, dừng phát triển đô thị ở khu vực nội đô nói chung, sẽ góp phần chuyển dịch hướng tập trung và giãn dân cư từ nội đô ra ngoài.
Dân số gắn với bảo tồn khu vực nội đô lịch sử
Tại khu vực nội đô lịch sử đang xảy ra nghịch lý, vừa có sự giảm dân số tại khu phố cổ, phố cũ; vừa có sự gia tăng ở các khu vực còn lại khiến hầu hết thời gian “sống” diễn ra sự quá tải, nhất là hệ thống giao thông. Dân số giảm hay tăng, có lợi hay bất lợi cho bảo tồn và cải tạo trong khu vực nội đô lịch sử? Dân số thống kê theo hộ khẩu có ý nghĩa quan trọng hơn dân cư (tham gia hoạt động sống) trong bảo tồn và phát triển? Đây là vấn đề cần phải được suy nghĩ thấu đáo.
Các biệt thự tuyệt đẹp xây dựng trước năm 1954 ở khu phố cũ Hà Nội, trừ công trình được sử dụng làm công sở, sứ quán, giờ đây hầu hết bị che khuất bởi những công trình cơi nới của dân cư xung quanh. Hay cấu trúc không gian nhà ống với những lớp mái ngói nhấp nhô, khoảng sân trời đan xen dần bị phá bỏ bởi công trình mới là hệ quả của việc gia tăng dân số.
Tuy nhiên, nhân tố chính tạo nên hậu quả này là thể chế chứ không phải do sự gia tăng dân số ảnh hưởng đến bảo tồn. Điều đó diễn ra âm thầm từ khi các hộ dân, sau năm 1954 được phân vào ở biệt thự và nhà cổ. Các công trình này biến thành “chung cư”. Từ thực tế này để thấy rằng thể chế hiện nay cần có sự liên thông giữa yêu cầu bảo tồn với quản lý đất đai, nhà cửa cũng như các hoạt động dân sự đối với công trình nhà ở có giá trị quan trọng hơn vấn đề gia tăng hay giảm dân số.
Các dự án giãn dân trong khu phố cổ cho thấy, dù khu phố cổ có giảm dân số thì hoạt động đô thị vẫn sầm uất và tạo nên sức hút cho khu vực này. Cải tạo không gian phố truyền thống theo hướng ưu tiên cho các hoạt động thương mại là mấu chốt của bảo tồn trong khu phố cổ. Nếu nhìn nhận ở khía cạnh hoạt động du lịch, trừ trong đại dịch Covid-19 hiện nay cho thấy, không có sự suy giảm cư trú, mà chỉ có sự gia tăng, bởi lượng khách du lịch lưu trú tại khách sạn mini thay thế các ngôi nhà cổ, cũ… Công tác quy hoạch nên đề cập đến việc giới hạn quy mô khách lưu trú – đồng nghĩa với giới hạn quy mô khách sạn trong khu phố lịch sử. Như vậy, vấn đề phát triển du lịch gắn với bảo tồn cần được đặt ra.
Luật Thủ đô, Nghị quyết của HĐND TP đã đề cập đến việc quản lý dân số trong cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ. Hà Nội cũng đã có những nỗ lực thử nghiệm, tuy nhiên thực tế dân số tại các khu vực này vẫn tăng. Điều này hiển thị tại những công trình xây mới thay thế số ít các chung cư cũ với quy mô lớn gấp đến 2 - 4 lần nhà cũ. Các quy định hiện thời yêu cầu không tăng dân số ở đây mâu thuẫn với thực tế và yêu cầu bù đắp chi phí của DN đầu tư. Đây là vấn đề trong phát triển, cải tạo đối với một khu vực lịch sử của Hà Nội.
Những phân tích nêu trên về vấn đề dân số gắn với các khía cạnh khác nhau của đô thị, mới chỉ là những khái quát ban đầu, để công tác lập quy hoạch tích hợp hay điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội nhìn nhận lại. Đặc biệt, cần thay đổi triệt để phương pháp quy hoạch nhằm tư vấn cho công tác quản lý phát triển những công cụ mạnh. Từ góc nhìn dân số càng cho thấy, việc đổi mới công tác quy hoạch đô thị theo hướng hợp nhất là cần thiết và tất yếu. Điều đó sẽ đảm bảo cho Thủ đô Hà Nội phát triển đúng hướng, bền vững trong tương lai.
Thực tiễn cho thấy, tư duy trong quy hoạch và quản lý phát triển ở những đô thị đặc biệt phức tạp như Hà Nội cần mang tính chiến lược, hành động, tập trung vào quy trình, mang tính dài hạn, tính đến toàn cầu hóa và hợp nhất liên ngành. |