Kí họa trong chiến hào - Vẹn nguyên giá trị nhân văn
Đối với những phóng viên chiến trường, hành trang họ mang theo không thể thiếu cuốn sổ và cây bút. Đã có bao thông tin, sự kiện, tư liệu nơi chiến trường được gom nhặt, lưu giữ từ hành trang đơn sơ ấy. Những trang nhật ký nơi chiến hào của nhà báo, họa sĩ Phạm Thanh Tâm là một minh chứng.
“Chiếu rọi một nhãn quan độc đáo”
Nhà báo Phạm Thanh Tâm gia nhập quân đội tháng 5/1950 với vai trò là phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ kí họa cho tờ Quyết thắng - tờ báo của Đại đoàn pháo binh 351. Ông phụ trách đưa tin về các hoạt động của du kích Trung đoàn chống lại quân chiếm đóng. Khi quân Pháp tiến đánh thành phố Nam Định (nơi là vị trí phân khu Trung đoàn của ông), Phạm Thanh Tâm cùng các chiến sĩ rút về làng mạc lân cận.
Giữa năm 1952, ông được cử tham dự khóa huấn luyện quân sự ở Vân Nam (Trung Quốc), đến cuối tháng Giêng năm 1954 - vài tháng sau khi Việt Minh quyết định tấn công Điện Biên Phủ, ông rời trường huấn luyện ở Trung Quốc ra mặt trận. Từ thị trấn Lào Cai, ông đi bộ hơn 160km xuyên rừng để tới Yên Bái. Và những trang nhật kí nơi chiến trường cũng được bắt đầu từ hành trình xuất phát ở Yên Bái lên mặt trận Điện Biên Phủ, khi ấy là tháng 2/1954.
Như bao phóng viên nơi lửa đạn, Phạm Thanh Tâm có mặt khắp chiến trường, xuyên qua chiến hào, tìm đến các trận địa pháo kề cận quân thù để thu thập thông tin về tình hình chiến sự. Ông ngủ trong chiến hào, tham gia đào hầm, hành quân, kéo pháo; sáng tác những bài hát, bài thơ cách mạng; ký họa chân dung chiến sĩ...
Trong cuốn sổ tay khổ 14x24cm với 44 trang viết tay bằng bút mực, Phạm Thanh Tâm đã kể lại cuộc hành quân phi thường của những người lính pháo binh và bộ binh lên Điện Biên Phủ. Vượt qua núi non trùng điệp, hiểm trở, họ miệt mài kéo pháo, đào hầm, ngụy trang... Điểm xuyết trong những trang nhật ký là những bức tiểu họa vẽ đồng đội, xe Molotova, bản đồ và cả những bức chân dung tự họa của tác giả.
Cùng với những ghi chép về chiến trường, còn Phạm Thanh Tâm ghi lại lời kể của các chiến sĩ trong cùng ngày hoặc vài ngày sau sự kiện, tại nhiều địa điểm mà ông đã đi qua nơi chiến trường Điện Biên Phủ. Nào Bản Tấu, Bến Tre, đường 41, Hồng Cúm, Mường Thanh, Nậm Rốm, các cứ điểm của Pháp trên đồi A1, D, C và E...
“Những ghi chép trong cuốn sổ nhỏ của nhà báo Phạm Thanh Tâm chính là “tư liệu lịch sử quan trọng chiếu rọi một nhãn quan độc đáo về những khía cạnh ít được biết đến của cuộc chiến từ phía Việt Nam, đặc biệt là lòng dũng cảm, sức chịu đựng gian khổ, hi sinh của những người lính Việt Minh” (Jessica Harrison Hall - Giám tuyển bộ phận Gốm sứ Trung Hoa và Nghệ thuật Việt Nam, Phòng Châu Á tại Bảo tàng Anh) đánh giá.
Vẹn nguyên giá trị nhân văn
Sherry Buchanan - học giả và chủ bút tờ Wall Street (Nhật báo phố Uôn) và International Herald Tribune (Diễn đàn dự báo quốc tế), người có công đưa cuốn nhật ký của họa sĩ Phạm Thanh Tâm tới công chúng chia sẻ, thời khắc bà nhìn thấy cuốn nhật ký của họa sĩ trái tim bà đã “rộn ràng vì hào hứng”.
Bà Sherry Buchanan kể lại, trong những lần trò chuyện cùng họa sĩ Phạm Thanh Tâm tại nhà riêng trong một con ngõ nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh, bà đã được họa sĩ cho xem “kho báu” mà ông coi là “linh hồn và kỷ niệm” của mình. Đó là chiếc hòm sắt chứa hàng trăm bức tranh về chủ đề kháng chiến. Vì muốn hiểu sâu hơn, bà đã mạo muội hỏi họa sĩ rằng ông có viết nhật ký trong trận chiến không.
“Thay vì trả lời, ông kẹp điếu thuốc vào môi, trầm ngâm một lúc rồi lên lầu. Lúc trở xuống, ông mang theo một hộp giấy bồi cũ kỹ. Nó bị bỏ quên dưới tủ quần áo hoặc gầm giường lâu đến nỗi lớp bụi đen ẩm ướt dày 5 phân đã phủ kín mặt hộp. Bên trong là tập nhật ký được bọc nilon. Ông lấy ra một cuốn sổ bọc trong một mảnh vải giờ đã bạc màu. “Mảnh áo của tôi đây”, ông bảo, lâu nay mình quên mất”, bà Sherry Buchanan chia sẻ.
Cuốn nhật kí viết nơi chiến trường Điện Biên Phủ ấy được nhà báo Phạm Thanh Tâm lưu giữ suốt 50 năm. Đến năm 2005, nhật kí được dịch ra tiếng Anh và in thành sách cùng các tranh kí họa ông vẽ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bản tiếng Pháp của cuốn sách được phát hành năm 2011.
Với mong muốn giới thiệu đến độc giả Việt Nam, sau gần 20 năm NXB Kim Đồng đã chính thức đưa được cuốn sách trở về quê hương trong dịp kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuốn sách dày hơn 200 trang được chia làm 3 phần: “Đường ra trận”, “Trong chiến hào” và “Về hậu phương”.
Mở đầu nhật kí là niềm vui, sự náo nức của Phạm Thanh Tâm cũng như đồng đội khi được “sống đời anh dũng của anh bộ đội”:
“Tôi cùng ½ đội văn công đi chiến dịch. Vui và hăng say vì thấy mình đã khỏe, tuy hơi gầy.
Qua bến Ngọc, trời đã chiều. Mới cách đây ít hôm, giặc Pháp dội bom. Phố Ngọc mất vui vì tan hoang gạch ngói. Đất đỏ bị xới tung, đào thành vũng lớn. Các cây cọ bị cụt, trơ lại những cành xơ xác, úa vang, ủ rũ” (nhật kí ngày 21/2/1954).
Trên con đường ra trận lên với Điện Biên, Phạm Thanh Tâm ghi lại những chân dung ông gặp. Đó là dân công hỏa tuyến, công binh mở đường, thanh niên xung phong và đặc biệt gần gũi với ông hơn cả là chân dung những người pháo thủ thức suốt đêm để kéo pháo lên trận địa.
“Trong chiến hào” là những trang nhật kí viết trong suốt 55 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới tầm đại bác nơi ranh giới giữa sống và chết rất mong manh, những dòng nhật kí thiết tha tình đồng đội, đồng chí giàu lòng trắc ẩn. Những ghi chép của ông trong những ngày này là trang tư liệu sống động hữu ích cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phần cuối của tập sách, “Về hậu phương” là niềm vui chiến thắng, những dự cảm về cuộc chiến phía trước để có được ngày hòa bình lâu dài.
Ngoài nội dung nhật kí, “Kí họa trong chiến hào” còn giới thiệu tới độc giả hình ảnh 16 trang nhật kí gốc gồm các trang viết tay, trang vẽ bản đồ, hiện vật thời chiến… Nhưng đặc biệt nhất là hơn 30 bức tranh kí họa được tác giả vẽ trong chiến hào. Tranh kí họa của Phạm Thanh Tâm đầy cảm xúc. Bên cạnh những bức chân dung người lính, nữ dân quân, người phụ nữ gánh bánh đa, chiến sĩ... Phạm Thanh Tâm còn ghi lại cuộc sống nơi chiến trường qua những bức ký họa sinh động. Nào những chiếc xe tải, chiến hào trên đồi; nào lính pháo binh đang điều hành khẩu pháo, công binh đang sửa đường dây liên lạc, chiến sĩ tải đạn qua chiến hào, người lính đang nhắm bắn... Và đặc biệt là những khoảnh khắc ấm áp của tình đồng đội chăm sóc chiến sĩ bị thương, niềm vui thường ngày của người lính bên bờ suối ngay sau ngọn đồi E khốc liệt giữa chiến dịch, niềm vui hòa bình khi những bông hoa nở trên mũ sắt vỡ…
Ra mắt độc giả thế giới năm 2005, sau 20 năm trở lại với độc giả Việt Nam đúng vào dịp kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, “Kí họa trong chiến hào” vẫn giữ nguyên vẹn giá trị thời sự và nhân văn. Từ góc nhìn của người trong cuộc, “Kí họa trong chiến hào” thấm đẫm lòng yêu nước, tình cảm quân - dân, tình đồng chí… Đúng như nhà báo Phạm Thanh Tâm chia sẻ “Trong chiến tranh có tình yêu và thù hận. Chiến tranh là vậy. Nhưng hận thù không đủ thắng một cuộc chiến. Chúng tôi đã có một tình yêu lớn lao, tình yêu nước, tình yêu dành cho nhau. Những xúc cảm yêu thương đó là những gì tôi bày tỏ trong nhật ký và mang theo mình suốt cuộc đời”.
“Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ kí họa, Phạm Thanh Tâm khi ấy mới ở độ tuổi đôi mươi. Có mặt tại nhiều điểm nóng của mặt trận, với cuốn sổ ghi chép nhỏ, người họa sĩ trẻ đã tường thuật một cách sống động và chân thực chặng đường hành quân cùng 55 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta. Đó cũng là hành trình trưởng thành của một người thanh niên, dưới làn mưa bom lửa đạn vẫn luôn giữ được khiếu hài hước và lòng trắc ẩn”.
Nhà xuất bản Asia Ink