Khu vườn của người đàn bà góa

Thanh Ba| 14/03/2020 11:23

Cô ơi, cô có thể cho cháu xin một bông hồng được không ạ? Nghe Lân hỏi, người đàn bà vẫn cúi mặt lúi húi làm vườn và không quên hỏi Lân đang đứng phía ngoài

Khu vườn của người đàn bà góa
Minh họa của Nguyễn Văn Đức
- Cô ơi, cô có thể cho cháu xin một bông hồng được không ạ? Nghe Lân hỏi, người đàn bà vẫn cúi mặt lúi húi làm vườn và không quên hỏi Lân đang đứng phía ngoài:

- Cháu xin bông hồng để làm gì? Câu hỏi của người đàn bà làm Lân bỗng chốc bối rối. Nó định rút lại ý định xin xỏ của mình nhưng suy nghĩ một hồi, giọng nó bỗng lí nhí:

- Cháu… muốn tặng mẹ. Hôm nay… là sinh nhật của mẹ cháu. Mẹ cháu rất thích hoa hồng. Người đàn bà quay mặt lại nhìn Lân bằng cái nhìn im lặng. Gương mặt cô đầy những vết thẹo loang lổ, choán lấy hai má. Lân run run. Nó cúi xuống nhìn đôi bàn tay đang vân vê rối rít của mình với vẻ sợ hãi. Không thấy người đàn bà cười nói gì nữa. Nó nghĩ chắc cô sẽ không đồng ý. Nó luống cuống chào, định quay bước đi thì người đàn bà đặt vào tay nó bông hồng nhung đẹp nhất:

- Đây. Cháu hãy đem về tặng mẹ đi!

- Cháu… cháu cảm ơn cô… Lân nhận lấy bông hoa, khẽ hé môi cười, vòng tay chào người đàn bà rồi lặng lẽ bước về phía con đường toàn cỏ tranh, cỏ xước mọc um tùm. Người đàn bà mải mê đứng nhìn theo bóng dáng của thằng bé nhỏ thó, gầy yếu lại bị khoèo chân. Con cái nhà ai? Sao thằng bé lại biết khu vườn của mình? Cô khẽ lắc đầu, nghĩ bụng.

Người đàn bà nhẹ nhàng dạo quanh khu vườn. Cô nhìn ngắm những bông hoa tự tay mình trồng và chăm sóc với đủ sắc màu, kiểu dáng. Cô khẽ ngồi xuống bên những bông hồng phấn, tay vuốt nhẹ mấy cánh hoa, lòng thổn thức về một điều gì cơ hồ đã hằn sâu trong tâm trí. Nước mắt cô chảy xuống hai gò má đầy những vết thẹo đỏ hỏn.

Lân đi cà nhắc, nhìn cách đi có thể hiểu nó khó nhọc như thế nào. Nó luôn lủi thủi một mình vì đám bạn chẳng ai muốn chơi với nó. Người gì bị khoèo chân. Lại gầy đét. Mỗi lần nhắc đến tên Lân, đám bạn trong làng cứ phải kèm theo từ “khoèo” mới hả, nào là “Lân khoèo”, “nhóc khoèo” hay “thằng khoèo”. Bọn nó thường tụ họp nhau dưới gốc cây gạo đầu làng chơi bắn bi, đánh đáo. Lân muốn được nhập hội, khổ nỗi, lần nào xin rát cả họng, bọn nó cũng lắc đầu nói “đủ người rồi”. 

Nhà của mẹ Lân ở bìa rừng, nơi ít ai qua lại. Lân đặt lên ngôi nhà của mẹ một bông hồng đỏ. Thằng bé ngồi bệt bên cạnh, đôi mắt trong sáng vui tươi. Nó khoe: 

- Mẹ ơi, tuần trước, ba đi làm về, mua cho con cái áo ấm mới này.  Mẹ ơi, mẹ nhớ hôm nay là ngày gì không? Ngày sinh nhật của mẹ đấy. Bông hoa này con xin được và đem tặng mẹ. Mẹ có thích không? Thằng bé huyên thuyên toàn chuyện vui. Nó mải miết kể, rồi gục đầu bên nhà mẹ ngủ thiếp đi một lúc lâu. Khi tỉnh dậy, mặt trời đã lấp ló sau ngọn cây gạo, nó chào mẹ rồi lủi thủi đi về. 

Một ngày đi ngang qua khu vườn của người đàn bà mình đã xin hoa, Lân dừng lại bên ngoài khu vườn, tần ngần ngắm những bông hoa đủ màu đang khoe sắc. Thằng bé tò mò muốn vào thăm thú bên trong khu vườn dù rằng chưa biết gì về người chủ của khu vườn của nó. Nó nghĩ đến gương mặt của người đàn bà và nhớ có lần nghe bọn thằng Khang, thằng Cường cùng xóm từng xì xầm với nhau:

- Nghe nói chủ khu vườn là một người đàn bà góa bị một căn bệnh hiếm. Bà ta ít khi ra khỏi nhà, ít khi giao tiếp, trò chuyện với ai. Người làng mình đã gặp bà ấy, thấy bảo khuôn mặt bà đáng sợ lắm. Bởi thế, chẳng ai dám đến gần. Lân đang bâng quơ nghĩ ngợi thì giọng người đàn bà cất lên khiến Lân giật mình:

- Cháu có muốn vào thăm khu vườn không?

- Cháu… cháu… Lân ấp úng nhưng rồi cũng gật đầu theo chân người đàn bà vào khu vườn. Lân rất ngạc nhiên vì bên trong khu vườn không chỉ có hoa mà còn có nhiều rau quả khác.

- Cháu ăn đi! Người đàn bà đưa cho Lân miếng đu đủ chín và giục thằng bé ăn.

- Cháu… cháu cảm ơn cô! Chẳng hiểu sao, khi nhìn vào khuôn mặt của người đàn bà lần này, Lân không còn cảm giác run run như lần đầu, cũng không cảm thấy sợ như bọn thằng Khanh, thằng Cường đã nói.

- Cô ơi… Lân ngẩng đầu lên nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của người đàn bà ngồi bên rồi bỏ lửng câu nói.

- Cháu tò mò vì khuôn mặt của cô, đúng không?

- Cháu… Lân ngập ngừng. Người đàn bà buông ánh nhìn ra khoảng nắng giữa khu vườn. Cô chậm rãi kể cho Lân nghe về cuộc đời của mình. 

Người đàn bà tên Linh. Năm nay tròn 40 tuổi. Cô từng có một gia đình hạnh phúc với người chồng hiền lành và cậu con trai kháu khỉnh. Cậu con trai của cô nếu còn sống thì nay cũng lên 9 như Lân. Hai vợ chồng cô vốn làm việc trên phố. Tuy ở nhà thuê trọ nhưng tổ ấm của cô luôn vui vẻ và ngập tràn tiếng cười. Có ai ngờ biến cố lại xảy ra. Chồng cô qua đời chỉ sau ba tháng phát hiện mình mắc phải một căn bệnh lạ. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì con trai cô cũng bỏ đi tức tưởi khi vào tiệm hoa bên đường mua hoa tặng mẹ và bị một gã say rượu đi xe máy tông phải. Đau khổ chất chồng khiến cô Linh muốn kết liễu đời mình đi theo chồng con. Ý định tự tử chưa thành, một lần nấu bếp ga mi ni, chẳng may bếp nổ. Cô bị bỏng nặng. Người trong xóm trọ đưa cô tới bệnh viện.

Các bác sĩ đã kịp thời cứu cô từ lưỡi hái tử thần. Tuy nhiên, toàn thân cô bị bỏng nặng, nhiều nhất là ở khuôn mặt. Người thân khuyên cô mãi, cô mới từ bỏ ý định tìm đến cái chết. Sức khỏe yếu một phần, phần nữa là cô không muốn mọi người nhìn mình với đôi mắt thương hại, thế nên cô về lại ngôi nhà gia đình người cậu ruột của mình ngày xưa (nay đã chuyển lên phố sống) và sống thui thủi một mình đã ba năm nay. Thời gian trôi qua, cô cải tạo khu đất hoang đầy cỏ dại quanh ngôi nhà và tự tay trồng những cây, những hoa mình thích, để lòng khuây khỏa. Cô ít khi ra khỏi nhà. Có người loáng thoáng thấy khuôn mặt cô một đôi lần đã cho rằng cô bị bệnh hiếm. Họ xì xào, rỉ vào tai nhau hãy tránh xa ngôi nhà ấy. Ngay cả trẻ con trong làng cũng đều được gieo rắc nằm lòng ý nghĩ nếu đến gần người đàn bà góa ở cuối làng thì sẽ có khuôn mặt giống như bà ấy. Bởi vậy, đứa nào cũng sợ. Chỉ có Lân là khác.

- Cô ơi, từ nay cháu có thể đến đây chơi được không ạ? 

- Được chứ cậu bé! Cháu có thể đến chơi bất kỳ lúc nào. Người đàn bà hé môi cười. Lần đầu tiên Lân thấy cô cười. Như nhớ ra điều gì, người đàn bà chợt hỏi Lân:

- À, hôm trước cháu tặng mẹ bông hoa, mẹ vui không?

- Dạ… mẹ vui… Nhưng…

- Nhưng sao vậy?

- Mẹ cháu… mất rồi cô ạ. Cháu xin cô bông hoa đem đến mộ tặng mẹ.

- Mẹ cháu… Cô xin lỗi. 

- Dạ. Không sao cô ạ. Tại cháu không nói cho cô biết. Rồi Lân rủ rỉ kể cho người đàn bà nghe về gia đình mình. Cách đây 4 năm, vì trượt chân ngã xuống suối nên mẹ Lân đã mất. Anh Thành, ba Lân ngày nào cũng phải ra khỏi nhà từ khi sớm bửng đến tối mịt mới về. Anh đi làm cùng mấy người thợ hồ, thợ đụng ở làng bên. Cơm nước ở nhà, tự thằng bé lo cả. Khi thì cơm nguội với nước mắm, khi thì mì gói thay cơm. Kể từ ngày mẹ mất, ba nó ít nói hẳn. Nhiều lúc buồn, chẳng biết trò chuyện cùng ai, nó chỉ còn cách đến bên mộ mẹ ngồi.

- Ê Lân khoèo, mày đi đâu đấy? Đừng nói với bọn tao là mày đến chỗ khu vườn của người đàn bà góa bị bệnh hiếm đấy nhé! Thằng Cường nghểnh cổ hỏi rồi nhoẻn miệng cười.

- Cô Linh không phải bị bệnh hiếm. Lân thanh minh. 

- Sao mày biết tên bà ấy là Linh? Bà ấy nói cho mày nghe hả? Thằng Khanh thắc mắc.

- Ừ. Cô ấy kể cho mình nghe rất nhiều chuyện. Cô ấy tốt lắm. Không như mọi người nghĩ đâu. Không tin mọi người đi cùng mình. 

- Được không? Hay là bọn mình thử nghe thằng Lân khoèo, đến đó một lần thử xem sao? Cường quay sang Khanh và mấy đứa còn lại, giọng rủ rê.

- Ừ… đi thì đi, sợ gì. Cả bọn đồng thanh.

- Đây là… Người đàn bà vừa ngạc nhiên khi thấy mấy cậu bé đứng khép nép phía sau Lân, lấm lét nhìn mình. Lân vui vẻ:

- Cô ơi, đây là mấy người bạn của cháu cùng ở trong làng. Cháu đã kể với các bạn về khu vườn của cô. Các bạn rất hào hứng muốn được tận mắt đến xem.

- Không sao, các cháu vào đây! Người đàn bà dẫn những đứa trẻ đi quanh khu vườn, giới thiệu cho chúng biết về từng loài hoa, loại cây, loại quả. Cô còn đem ra bao nhiêu là trái cây hái được ngoài vườn đãi lũ trẻ. Trước còn lạ, còn sờ sợ. Sau, đứa nào cũng vui vẻ, cũng thích thú. Những ngày sau, chúng rủ nhau đến khu vườn của người đàn bà nhiều hơn. Qua những câu chuyện mấy đứa trẻ kể lại, người làng ngày một lân la trò chuyện, trở thành hàng xóm bình thường với người đàn bà góa ở cuối làng. Người trong làng mỗi lần đi vào rừng đều dừng lại trước khu vườn của cô, khi xin miếng nước uống, khi chuyện trò. Mỗi lần như thế, họ không chỉ thấy những vết sẹo quen thuộc vẫn đỏ hằn trên khuôn mặt người đàn bà luống tuổi mà còn thấy cả nụ cười hiền hậu của cô.

Hôm nay Lân cùng ba đi viếng mộ của mẹ. Ngang qua khu vườn của người đàn bà ở cuối làng, Lân ríu rít chào hỏi cô và được cô hái tặng cho cả một bó hồng. Lân sung sướng cười, cảm ơn cô. Anh Thành, ba Lân cũng khẽ mỉm cười, ngập ngừng:

- Cô… cô tốt với thằng bé quá! Khi nào cần tôi giúp gì, cô cứ nói với tôi.

- Cảm ơn anh! 

Người đàn bà cứ thế đứng dõi theo anh Thành và Lân đang dắt tay nhau đi khuất dần trên con đường làng rợp bóng cây xanh. Bỗng nhiên cô thấy hình bóng ba con Lân thân thuộc đến lạ… 
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Khu vườn của người đàn bà góa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO