Tính “động” trong từng tác phẩm
Những ngày đầu xuân Nhâm Dần, bước vào Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, dễ thấy các tác phẩm thư pháp đương đại lớn nhỏ điểm xuyết. Có thể kể đến bức “Rồng rắn lên mây” kích cỡ lớn treo phía trên trần nhà; hai bức “Vô đề” treo ở hai bên hành lang và cả không gian “Phiêu diêu” - dành riêng để trưng bày các tác phẩm của hai thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng và Phạm Văn Tuấn (đều là cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
40 tác phẩm, gồm những câu thơ chữ Nôm, kinh Phật, thành ngữ, tục ngữ được diễn dịch bằng âm Nôm từ lịch sử đến hiện tại, được trưng bày tại triển lãm “Phiêu diêu” đã góp phần tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa Hà Nội. Điểm nổi bật tại không gian là “tính động” của thư pháp, tức là việc trình diễn thư pháp được thực hiện rồi trưng bày ngay tại chỗ chứ không như thường thấy là sáng tác từ trước sau đó mới mang tới treo tại không gian triển lãm.
Theo thư pháp gia Phạm Văn Tuấn thì ngay trong không gian triển lãm “Phiêu diêu”, một không gian “tĩnh” cũng có thể thấy tính “động” khi mỗi nét bút trong từng tác phẩm đều thể hiện sự giải phóng năng lượng, gợi cảm xúc mạnh mẽ cho khách tham quan. “Không gian trưng bày gồm 16 tác phẩm thư pháp chữ Nôm được trình bày bằng tinh thần của trường phái biểu hiện trừu tượng và thẩm mỹ của nghệ thuật thị giác. Ví dụ như tác phẩm “Hồ Gươm” có những nét mực nhòe, ướt làm nền, tạo độ tương phản với nét chữ lỳ. Có tác phẩm lại sử dụng hoa văn từ văn bia cổ, ấn triện và trang sách xưa là những chất liệu cổ điển để làm phông nền, vừa có tác dụng thẩm mỹ vừa có tính kết nối với lịch sử. Hay “Phiêu diêu” - tác phẩm chủ đề của triển lãm được treo ở trung tâm căn phòng, gây ấn tượng bằng cách tách ra làm ba phần rồi treo lộn ngược. Hai tác phẩm ấn triện ở hai bên căn phòng lại tạo hiệu ứng chiều sâu và bóng đổ bằng các con ấn với chiều cao khác nhau. Thật thú vị là từng con chữ trên các ấn triện đã được thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng thể hiện chỉ còn hình bóng của chữ” - thư pháp gia Phạm Văn Tuấn chia sẻ.
Hướng đến nghệ thuật thị giác
Nhà nghiên cứu Phạm Văn Tuấn cho biết, thư pháp truyền thống mang tính mặc định, gắn bó hàng nghìn năm với đời sống người dân từ thành thị đến nông thôn. Câu đối truyền thống mang tính nghiêm cẩn, mô phạm, ngay ngắn, đầy đủ các nét thẳng, vuông. Còn trào lưu thư pháp đương đại chịu ảnh hưởng của xu thế thời đại trong cách giải cấu trúc, cách nhận thức về văn tự, ngôn ngữ. Nó có cách đọc đi sâu hơn về thị giác. Để đi theo nghệ thuật đương đại, cần kết hợp trào lưu nghệ thuật đương đại, có tiếng nói của nghệ thuật đương đại. Vậy nên, các tác phẩm đặt mục tiêu vào thị giác là chủ yếu chứ không đơn giản là nghệ thuật thuần túy.
Cũng theo thư pháp gia Phạm Văn Tuấn thì trong thư pháp đương đại, hiệu ứng thị giác và hiệu ứng văn hóa là điểm nhấn chính. Các biểu trưng từ văn hóa cổ truyền được kết hợp nhịp nhàng với văn hóa nghệ thuật đương đại tạo nên điểm nhấn hiện đại cho tác phẩm. Diễn ngôn chồng diễn ngôn, nghệ thuật chồng nghệ thuật, quá khứ chồng lên quá khứ và tương tác với hiện đại, để cho tác phẩm là điểm cuối, nhưng lại là điểm đầu cho hành trình của nghệ thuật, của văn hóa đậm đà bản sắc Việt. Đặc biệt, các tác phẩm trong triển lãm được thực hiện trên giấy dó, một chất giấy thuần Việt hiện được làm thủ công tại huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh). Mực sử dụng cho các tác phẩm là mực nước chiết xuất từ đất lấy từ các địa điểm khác nhau, do nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương chế tác.
“Triển lãm thư pháp là cách nâng bản sắc Việt Nam lên một tầm cao mới. Giấy dó có độ mềm, bền rất lâu. Mực đất được tinh lọc từ lớp đất nằm sâu 100 mét dưới lòng đất tạo ra màu tươi, sinh động. Ngoài ra, nhóm còn sử dụng loại hình khác, như văn bia, văn bản “Phương Đình dư địa chí” của cụ Nguyễn Văn Siêu. Đó vừa là tinh hoa của người Hà Nội nói riêng và cũng là tinh hoa của người Việt nói chung. Nó vừa mang giá trị văn hóa vừa mang giá trị nghệ thuật nên có được sự đón nhận của người xem. Đặc biệt, các tác phẩm của chúng tôi đã lan tỏa đến cả nước Mỹ và được người dân ở đó đón nhận nồng nhiệt” - thư pháp gia Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh.
Theo thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng, nhóm thư pháp Tiền vệ với 5 thành viên Lê Quốc Việt, Trần Trọng Dương, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Văn Tuấn đã mang đến cái nhìn mới mẻ cho thư pháp, dẫn lối cho thư pháp đi vào cuộc sống đương đại. Điều này đòi hỏi việc thực hành của người nghệ sĩ, thư pháp gia phải song hành cùng việc nghiên cứu sâu sắc, tiếp cận văn hóa đa chiều, học hỏi giao lưu quốc tế... Đây cũng là điều rất ít người làm được.
Mở ra tương lai cho công nghiệp văn hóa
Chia sẻ về ý tưởng đưa triển lãm thư pháp vào Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển nghệ thuật của Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo cho biết, đọc các câu chuyện trên đại tự, trên các phần điện thờ tại không gian này, anh đã nghĩ nơi đây hợp nhất với việc tổ chức triển lãm thư pháp. Phải làm triển lãm thư pháp tầm khu vực thì mới đối thoại được với những quốc gia đồng văn, đồng chủng; chia sẻ câu chuyện tiếp biến về nghệ thuật thư pháp trong không gian này là lý tưởng nhất.
“Tôi đặt ra “bài toán” cho các nghệ sĩ là hãy sử dụng yếu tố thuần Việt nhất có thể. Ví dụ, dùng giấy dó mà không dùng giấy xuyến chỉ, dùng mực đất mà không dùng mực tàu, dùng chổi đót mà không dùng bút lông... Những yếu tố giúp tạo ra đối thoại mang tính bản địa trong một không gian đã có dấu ấn Trung Hoa rất mạnh mẽ như nơi này. Cách giám tuyển của tôi là cố gắng tìm một tác phẩm phù hợp với không gian này, và tôi nhận thấy rất khó tìm một không gian phù hợp với sắp đặt và trình diễn thư pháp “Rồng rắn lên mây” như nơi đây” - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.
Thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng khẳng định, với bất kỳ triển lãm nào nhóm đều không dùng lại chất liệu cũ, không dùng lại các tác phẩm cũ. Theo anh thì người nghệ sĩ phải luôn vận động, luôn đổi mới mình như người chèo thuyền ngược dòng sông, chỉ cần anh ta dừng lại thì con sông sẽ nhanh chóng kéo thuyền của anh ta tụt lại phía sau. “Trong tương lai, tôi không biết trước sẽ làm triển lãm hay không nhưng công việc của tôi và nhóm vẫn vậy. Chúng tôi vẫn tiếp tục viết những câu đối hoành phi, những bài nghiên cứu, dịch thuật. Đó là cách các nghệ sĩ, thư pháp gia như chúng tôi tương tác với đời sống cũ. Đó cũng chính là cách trau dồi và đối thoại với đời sống từ hội họa đến kiến trúc, điêu khắc, thư pháp cổ và chữ Quốc ngữ...” - thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng nhấn mạnh.
Với những khai mở ở hiện tại, trong tương lai, tôi tin những không gian sáng tạo của nhóm thư pháp Tiền vệ sẽ trở thành nơi lan tỏa ý tưởng sáng tạo nhằm khôi phục giá trị văn hóa truyền thống, nơi kết nối những người yêu nghệ thuật dân tộc và trở thành một địa điểm tham quan lý thú đối với bất kỳ ai nặng lòng với văn hóa cổ. Văn hóa truyền thống, dù ở hình thái nào vẫn vẹn nguyên giá trị và trở thành điều căn cốt cho nền công nghiệp văn hóa trong tương lai.