Bao giờ cũng vậy, hễ cứ tháng ba tới là trong ký ức tôi lại dâng trào bao kỷ niệm về cuộc sống nơi quê nhà của một thời ấu thơ, nơi mà ở đó cuộc sống của gia đình tôi cũng như hết thảy mọi người dân quê đều rất thiếu thốn. Vì kinh tế khó khăn, thiếu đói nên cơm gạo trắng chẳng mấy khi lũ trẻ trong làng chúng tôi được ăn đủ, ăn no, mà toàn phải ăn cơm độn ngô, khoai, sắn. Nhà nào cũng vậy, cứ quẩn quanh cơm độn suốt năm này tháng khác, trừ mấy bữa ngắn của dịp ngày mùa thu hoạch lúa, hay mấy ngày tết nhất th
Cũng vì thế mà tháng ba tới luôn đọng lại trong tôi vị ngọt ngào của những củ khoai lang mùa cũ, khi mà chỉ có những củ khoai lang thu hoạch từ mùa cũ trong Tết, đã héo, mới làm nên được vị ngọt chảy mật đến khó quên được như thế. Chẳng vậy mà bà nội tôi vẫn thường bảo “khoai lang tháng ba ngọt như đường phèn” là vậy. Thực ra ở quê thì khoai lang được trồng quanh năm, thế nhưng chỉ có khoai lang trồng khoảng tháng 8, tháng 9 và thu hoạch vào tháng 12 mới ngọt, mới ngon, vì trải qua 3 tháng mùa đông hanh hao, khoai héo nhanh, rút bớt nước trong thân củ, vì vậy mà lượng đường được giữ lại trong củ khoai khi luộc chín mới có độ ngon ngọt, rồi chảy mật vàng óng ra đáy xoong, tạo mùi thơm đầy sức hấp dẫn.
Tôi còn nhớ, suốt quãng thời gian học cấp 1 trường làng, cấp 2, rồi lên tới cấp 3 trường huyện, cứ vào cữ tháng ba, kéo dài cho tới tận cuối tháng tư, bao giờ sáng sớm mẹ cũng dậy nấu cám cho lợn, đun nước cho cha pha trà, và không quên luộc một nồi khoai lang thật lớn để các thành viên trong gia đình ăn, trước khi mọi người đi làm, đi học. Mẹ tôi thường dậy sớm lắm, khoảng 4 giờ hơn là mẹ đã trở giấc để lo toan bao công việc. Nồi khoai lang bao giờ mẹ cũng sửa soạn trước tiên. Mẹ lấy khoai ở gầm giường, mang ra sân giếng rửa thật sạch rồi mới cho vào nồi, đổ ngập nước, rồi bắc bếp luộc. Khoai được đun chín đến mềm, sau đó mẹ mới chắt cạn sạch nước. Khi nồi khoai lang luộc cạn nước, đáy xoong hơi xém tạo mùi thơm đầy hấp dẫn cũng thường là lúc cha đánh thức mấy anh chị em chúng tôi dậy đánh răng rửa mặt, chuẩn bị ăn sáng để đến trường. Những củ khoai lang nóng hổi tuyệt ngon được mấy anh chị em chúng tôi ăn một cách ngon lành, đứa nào cũng ăn thoải mái, ăn no chứ không phải ý tứ phần mẹ cha, bởi nhà tôi gạo thì thiếu, nhưng khoai lang luôn rất nhiều, bởi mùa nào mẹ cũng trồng tới mấy sào khoai, khi thu hoạch về chất đầy gầm giường, trái bếp để ăn dần.
Trải qua bao gian nan vất vả với nhiều thiếu thốn, vậy mà cha mẹ tôi cũng nuôi mấy anh chị em chúng tôi ăn học đủ đầy. Giờ các con đã trưởng thành, mỗi người lập nghiệp ở những miền quê khác nhau, nhưng mẹ cha tôi vẫn không chịu theo ở với một người con nào, mà ông bà vẫn quyết định bám trụ lại với quê cha đất tổ, bởi mẹ cha tôi nói không thể dời xa mảnh đất đã gắn liền suốt cả đời mình...
Một tháng ba nữa lại về, và trong nỗi nhớ cái vị ngọt ngào của khoai lang mùa cũ, tôi cũng luôn hoài nhớ về mảnh đất đã sinh ra và chở che, nuôi sống mình, bởi ở nơi ấy có mẹ có cha tôi, có biết bao những người thân yêu ruột thịt luôn ngóng đợi tôi cũng như bao người con của quê hương trở về...