Khi thực dân Pháp khủng bố phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, ông bị quan lại Nam triều lập chứng giả bắt giam ở Khánh Hòa (1908), bị khép tội làm loạn và xử tử hình.
Nhằm tưởng nhớ vị Tiến sĩ giàu lòng yêu nước, từ lâu trên đất Hà Nội có phố Trần Quý Cáp. Phố dài 280 mét, từ phố Nguyễn Khuyến đến ngã ba phố Nguyễn Như Đổ, nối với đường sau ga Hàng Cỏ đi vào làng Linh Quang. Đây là đất thôn Yên Hòa, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Văn Miếu, Văn Chương, quận Đống Đa. Thời thuộc Pháp đây là phố Đinh Tiên Hoàng, một phố nhỏ và lầy lội. Sau năm 1954, thành phố mở rộng phố này. Thời chiến tranh phá hoại, ở đầu phố xây thêm Ga B (còn gọi là ga Trần Quý Cáp hay Ga Mới), cho khách từ Hà Nội đi tuyến phía Bắc và phía Đông.
Nhiều năm đã trôi qua, những hiểu biết của người viết bài này về một Tiến sĩ Nho học nổi danh của xứ Quảng Nam chỉ đơn giản có thế. Gần đây, tình cờ được đọc “Xứ Trầm hương” của thi sĩ Quách Tấn viết về sông núi và người tài giỏi của tỉnh Khánh Hòa, đã cho tôi hiểu thêm nhiều điều thật sâu sắc và xúc động về Trần Quý Cáp.
Nhà thơ Quách Tấn, sinh năm 1910 tại thôn Trường Định, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Ông giỏi chữ Hán, chữ Pháp, các sáng tác thơ đều “sử dụng các hình thức cổ điển” (Từ điển Văn học). Không chỉ nổi danh về thi ca, Quách Tấn còn có “Nước non Bình Định” (1968) và “Xứ Trầm hương” (1969) in tại miền Nam trước năm 1975. Đọc những trang khảo cứu của Quách Tấn, chúng ta thấy vang lên âm điệu của thi ca cuốn hút người đọc.
Để giúp bạn đọc có thêm hiểu biết về hành trạng của một nhà chí sĩ được người Hà Nội tôn vinh, người viết bài này xin được lược trích phần Quách Tấn viết về những giây phút cuối cùng của nhà yêu nước Trần Quý Cáp trước khi bị trảm quyết in trong “Xứ Trầm hương” (Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa tái bản lần thứ hai năm 2002). Phần lược trích như sau:
“Sông Cạn là một nhánh nhỏ của sông Cái tức sông Nha Trang.
Phong cảnh của con sông cũng như của cầu Sông Cạn không có gì là ngoạn mục. Nhưng cầu Sông Cạn là một cây cầu lịch sử.
Năm Bính Tuất (1886) dưới triều Đồng Khánh, hai nhà lãnh đạo nghĩa binh Cần Vương là Trịnh Phong và Nguyễn Khanh tuẫn quốc nơi gò bên cầu. Và 24 năm sau đến lượt chí sĩ Trần Quý Cáp.
Nguyên cuối triều Thành Thái đầu triều Duy Tân, cụ Trần Quý Cáp, hiệu Thái Xuyên, người làng Bất Nhị, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, đậu Tiến sĩ, vào ngồi giáo thọ (1) huyện Tân Định, tỉnh Khánh Hòa.
Cụ là một nhà chí sĩ cùng các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng là chỗ thâm giao. Khi ngồi giáo thọ Tân Định, Trần chí sĩ ngấm ngầm tuyên truyền chống nào khoa cử, bài trừ hủ tục, hô háo chấn hưng công thương…
Biết rằng chí sĩ là một nhà cách mạng nguy hiểm, bọn thực dân và bọn quan An Nam, tay sai của chúng, luôn luôn theo dõi. Để tránh sự dòm giỏ ngó treo của bọn chó săn, các thơ từ của chí sĩ, thơ nhà cũng như thơ ngoài, đều gởi cho quan huyện Tân Định. Quan huyện Tân Định lúc bấy giờ là Tấn sĩ Hồ Sỹ Tạo, người Hòa Cư, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định, bạn đồng khoa cùng chí sĩ. Nhờ vậy mà chữ thánh hiền không bị mắt cú vọ rây nhơ.
Năm Mậu Thân (1908) ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định nổi lên phong trào “xin xâu xin thuế”. Đồng bào hớt tóc ngắn kéo nhau đến Tỉnh yêu cầu Chánh phủ giảm bớt xâu thuế. Phong trào rất sôi nổi. Để trấn an nhân dân bọn thực dân phong kiến sau khi thấy bắn giết không đi tới đâu, bèn hứa hẹn thỏa mãn lời yêu cầu. Đồng bào giải tán, chúng lùng bắt những người cầm đầu, lớp bỏ tù, lớp xử tử.
Trong khi phong trào đang sôi nổi, gia đình cụ Trần gởi thư vào nói rõ tình hình và thỉnh ý cụ. Theo thường lệ, thư gửi cho quan huyện Tân Định. Chẳng may lúc bấy giờ cụ Hồ Sỹ Tạo về Bình Định linh gian cho bà cụ thân sinh. Quyền tri huyện là Phan Bá Hoành mở thư ra xem, liền đem trình cho tỉnh để lập công hầu mong được thực thụ chức tri huyện Tân Định.
Quan tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ là Phạm Ngọc Quát làm Tuần vũ và Nguyễn Mại làm Án sát.
Gặp được dịp tỏ lòng trung thành cùng chủ, Phạm Ngọc Quát cùng Nguyễn Mại tư Sứ và Bộ, một mặt bắt tống lao nhà chí sĩ. Cụ Hồ Sỹ Tạo đương ở nhà cư tang cũng bị liên lụy.
Hai cụ bị kết án tử hình vì tội mưu đồ phản loạn. Cụ Trần bị xử lăng trì. Cụ Hồ bị trảm quyết. Triều đình Huế xét “không có gì nặng” giảm án cụ Trần xuống trảm quyết và cụ Hồ khổ sai chung thân.
Cụ Trần bị trảm quyết tại cầu Sông Cạn.
Cụ bước ra pháp trường với thái độ thản nhiên. Cụ lấy chiếc khăn nhiễu bịt đầu đưa cho tên đao phủ:
- Sự nghiệp của tôi chỉ có chừng nớ. Chú cầm lấy và chém tôi một đao cho mát.
Trời đang nắng bỗng kéo mây và gió lạnh thổi! Đồng bào không cầm lòng được, khóc rống! Bọn thực dân cũng tỏ vẻ bùi ngùi. Riêng bọn quan An Nam, tay sai của chúng, lấy làm đắc ý vì đã tỏ được lòng khuyển mã cùng quan thầy lại trừ được cái đinh chính nghĩa ở trước đôi mắt tà nịnh. Chúng lại còn buộc gia đình phải mai táng cụ Trần tại Khánh Hòa! Mãi mười lăm năm sau, trung cốt mới được đưa về cố thổ. Người có tâm trong nước, ai cũng căm giận phường gian nịnh, vì danh lợi mà bán tâm hồn cho giặc, phản quốc phản dân.
Và người Khánh Hòa in sâu cảnh tượng thương tâm ấy. Cho nên mùa xuân năm Ất Dậu, sau khi Nhật lật đổ Pháp (1945), nhân dân trong thành phố Nha Trang có mấy con đường mới cần đặt tên, các thân hào nhân sĩ Khánh Hòa liền đề nghị đặt tên Trần Quý Cáp cho con đường chạy trước một nhà của hậu duệ Phạm Ngọc Quát, để kẻ qua người lại lấy đó mà làm gương. Và các ông già bà cả đã chứng kiến thảm cảnh năm Mậu Thân (1908) còn sống sót đến nay, hễ nhắc đến chuyện xưa đều không cầm được nước mắt!
Còn con sông Cạn đến mùa nắng thì nước khô. Nhưng nơi cầu, nước không bao giờ ráo. Phải chăng đó là giọt lệ khóc anh hùng tích tụ, dòng hận của khách “Quốc thù vị báo” còn lưu?”
Từ Nha Trang đi lên, trước khi đến chợ Thành Diên Khánh thì phải qua cầu Sông Cạn, nghĩ đến chuyện chí sĩ Trần Quý Cáp, đến hai vị anh hùng họ Trịnh họ Nguyễn, người hữu tâm không thể hờ hững đi qua.
——————————————
(1): Theo quan chế các triều Lê Nguyễn, người đứng đầu về giáo dục ở phủ là Giáo thụ, người đứng đầu ở huyện là Huấn đạo. Trong sách, Quách Tấn viết Trần Quý Cáp làm Giáo thọ (thụ) huyện Tân Định là nhầm. Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam”- Viện Nghiên cứu Hán Nôm viết Trần Quý Cáp làm quan Giáo thụ phủ Ninh Hòa.