Khai thác đề tài chiến tranh: Dòng phim chủ đạo của điện ảnh cách mạng Việt Nam

Nguyễn Văn Thụ| 23/08/2020 07:25

Trong suốt chiều dài các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta, cả khi đất nước đã hòa bình thống nhất, văn học nghệ thuật, cách mạng nói chung, điện ảnh cách mạng nói riêng, đã bám sát và phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân và dân. Nhiều tác phẩm điện ảnh, phục vụ tuyên truyền, nâng cao dân trí, giải trí, góp phần tích cực cổ vũ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cứu nước của dân tộc. Có thể nói, cuộc chiến đấu chống quân xâm lược của n

Khai thác đề tài chiến tranh: Dòng phim chủ đạo của điện ảnh cách mạng Việt Nam
Một cảnh trong phim “Con chim vành khuyên”
Dấu ấn qua những chặng đường

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chỉ ít lâu sau, giặc Pháp quay lại định cướp nước ta lần nữa. Và ngày 19/12/1946, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước bước vào kháng chiến toàn quốc. Đây là những dấu mốc quan trọng để xác định hoạt động của điện ảnh cách mạng Việt Nam về đề tài chiến tranh.

Theo tác giả Trần Trọng Đăng Đàn viết trong bộ sách “Điện ảnh Việt Nam”, có một số đoạn phim quay thực dân Pháp tấn công phố Hàng Than và Trận đánh Ô Cầu Dền do nghệ sĩ Việt Nam (không rõ tên) quay, chưa kịp in tráng, đã bị mất do chiến sự lan rộng. Nếu thông tin này là chính xác thì có thể coi đây là hoạt động điện ảnh cách mạng Việt Nam đầu tiên về đề tài chiến tranh.

Tuy nhiên, phải chờ tới sự ra đời bộ phim tài liệu "Trận Mộc Hóa” của nhà quay phim - đạo diễn Mai Lộc thì chúng ta mới có dấu mốc tác phẩm điện ảnh cách mạng đầu tiên về đề tài chiến tranh. Đây là tác phẩm phim tài liệu nhựa do các nghệ sĩ Việt Nam đảm nhiệm mọi công đoạn.

Tiếp theo, có thể kể đến các phim: “Đả đảo đế quốc” của điện ảnh Nam Bộ, “Dân công phục vụ tiền tuyến” do Nguyễn Hồng Nghi quay trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Hà Nam Ninh, “Trận chiến Đông Khê”, “Chiến thắng Tây Bắc”… trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong những năm 1955 - 1965, một loạt cơ quan hoạt động điện ảnh ra đời đã tạo cơ sở quan trọng để điện ảnh cách mạng phát triển. Bên cạnh sự phát triển mạnh của phim tài liệu thể hiện qua những thước phim giới thiệu những chiến công, những thành tích vẻ vang trong kháng chiến chống thực dân Pháp như phim: “Điện Biên Phủ” (1950), “Điện Biên Phủ chiến thắng” (1960) “Kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1964), “Chiến thắng Bình Giã (1964), “Chiến thắng Dương Liễu Đèo Nhông” (1964) “Chúng tôi buộc phải cầm súng” (1963)  “Cồn cỏ anh hùng” (1964)… giai đoạn này cũng xuất hiện phim truyện nhựa. Phim truyện về đề tài chiến tranh giai đoạn này tập trung vào hai mảng lớn là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Có thể kể tới các bộ phim: “Biển động” (1958), “Chung một dòng sông” (1959), “Chị Tư Hậu” (1962), “Con chim vành khuyên”, “Hai người lính” (1962), “Người chiến sĩ trẻ” (1964), “Lá cờ chuẩn” (1965)…

Giai đoạn 1965 - 1975, đất nước ta phải đối đầu trực tiếp với đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ác liệt nhất trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc. Cũng như các lĩnh vực khác, điện ảnh cách mạng Việt Nam cũng dốc toàn lực cho cuộc kháng chiến và đạt được những thành tựu to lớn. Phim về đề tài chiến tranh phát triển mạnh hơn cả về phim truyện và phim tài liệu. Riêng phim tài liệu, theo thống kê có 772 phim (lớn gấp 2,2 lần so với tổng số phim được sản xuất trong thời gian trước đó), trong đó, mảng đề tài lớn nhất, sâu rộng nhất là Việt Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ. Có thể kể tới các bộ phim: “Đầu sóng ngọn gió” (1966, giải chính thức Liên hoan phim quốc tế Moscow 1967), “Trận địa mặt đường” (1970), “Lũy thép Vĩnh Linh” (giải chính thức Liên hoan phim quốc tế Moscow 1971), “Thành phố lúc rạng đông” (1975).       

Đáng chú ý, giai đoạn này có tới 30/47 phim tập trung về đề tài chống giặc giữ nước, trong đó có 5 phim về chống Pháp tái xâm lược, 17 phim chống giặc Mỹ xâm lược miền Nam, 9 phim chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc,1 phim đề tài lịch sử chiến tranh giữ nước (phim “Trần Quốc Toản ra quân”). Tiêu biểu là các phim: “Nổi gió”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Đường về trận địa”, “Rừng O Thắm”, “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”, “Đường về quê mẹ”, “Bài ca ra trận”, “Vùng trời”, “Em bé Hà Nội”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”…

Giai đoạn 1976 - 1985, điện ảnh cách mạng Việt Nam hướng vào mảng đề tài khắc phục hậu quả sau chiến tranh, giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc. Có thể nhắc tới một số phim: “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”, “Phương án ba bông hồng”, “Bài ca không quên”, “Ván bài lật ngửa”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Biệt động Sài Gòn”… Lượng phim truyện giai đoạn này tăng lên đáng kể.

Giai đoạn 1986 đến đầu thế kỷ XXI, nhiều tác phẩm điện ảnh cách mạng Việt Nam tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh như: “Anh chỉ có một mình em”, “Bản tình ca trong đêm”, “Bí mật thành phố cấm”, “Bông hoa rừng Sác”, “Dòng sông hoa trắng”, “Đất nước đứng lên”, “Hà Nội 12 ngày đêm”, “Hoa ban đỏ”, “Hoàng Hoa Thám”, “Không có đường chân trời”, “Lưỡi dao”, “Ngã ba Đồng Lộc” và khai thác đề tài hậu quả của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ở mảng phim truyện có phim như: “Ai xuôi vạn lý”, “Đứa con kẻ tử thù”, “Tướng về hưu”…  

Khai thác đề tài chiến tranh: Dòng phim chủ đạo của điện ảnh cách mạng Việt Nam
Một cảnh trong phim “Mùa gió chướng”

Những dòng phim chủ đạo     

Có thể thấy chủ đề chính của những tác phẩm điện ảnh cách mạng Việt Nam về chiến tranh là các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây là chủ đề lớn, khi khai thác, các tác giả đã đi vào những khía cạnh khác nhau của cuộc kháng chiến mà trong đó, con người là trung tâm với những cung bậc cảm xúc nhất định. Từ vị lãnh tụ vĩ đại, linh hồn của cuộc kháng chiến đang sống và làm việc ở Việt Bắc trong các thước phim của nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn (Xưởng phim Đồi cọ) đến các chiến sĩ quân đội nhân dân chiến đấu dũng cảm trên các mặt trận Đông Bắc, Tây Bắc, Điện Biên Phủ của Xưởng Đồi Cọ ở miền Bắc; trên Bưng Biên, Trà Vinh, Đồng Tháp... của Xưởng phim Khu Tám Nam Bộ…

Ở mỗi giai đoạn của cuộc kháng chiến, chủ đề của những tác phẩm điện ảnh cách mạng Việt Nam cũng có những chuyển biến phù hợp với tình hình của công cuộc kháng chiến. Các tác phẩm của Điện ảnh Quân đội, của Xưởng phim Tài liệu và khoa học Trung ương, Phim Truyện Việt Nam, Phim Giải Phóng thể hiện rõ điều này. 

Âm hưởng chung của các tác phẩm điện ảnh cách mạng về chiến tranh là nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tiến công địch, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Ngoài phim tài liệu, các tác phẩm phim truyện Việt Nam những năm 60, 70, 80 của thế kỷ XX đã rất thành công ở việc xây dựng hình tượng nhân vật, như là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống ngoại xâm. Có thể kể tới các phim: “Chung một dòng sông”, “Con chim vành khuyên”, “Lá cờ chuẩn”, “Nổi gió”, “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Đường về quê mẹ”…; có những phim mang đậm chất sử thi anh hùng ca như: “Giải phóng Sài Gòn”, “Tiếng cồng định mệnh”…

Đó là ảnh hưởng của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa - một phương pháp sáng tác cơ bản được định hình trong khối xã hội chủ nghĩa ngày ấy. Phương pháp này không chỉ là định hướng chỉ đạo mà dường như còn là niềm hứng khởi trong sáng tác của cả một thế hệ nghệ sĩ điện ảnh. Không chỉ là các tác phẩm sáng tác, xây dựng nhân vật hư cấu mà ngay cả đối với những sáng tác về nhân vật có thật như: Nguyễn Văn Trỗi  (phim “Nguyễn Văn Trỗi”), Nguyễn Thị Định (“Đêm Bến Tre”), Nguyễn Ái Quốc (“Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”).

Nhìn chung, những tác phẩm điện ảnh cách mạng Việt Nam với chủ đề về chiến tranh giai đoạn trước những năm 80 của thế kỷ trước ít nói về những mất mát hy sinh trong chiến tranh hoặc nếu có, cũng ít nói tới sự bi thảm. Sau này, khi chiến tranh lùi dần, như một sự điềm tĩnh nhìn lại, các tác giả bắt đầu khai thác nhiều hơn những hy sinh mất mát trong chiến tranh, nh́n nhận nó như một tất yếu của chiến tranh và đặc biệt, có ý nhắc nhở các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau phải luôn ghi nhớ những hy sinh mất mát đó để sống tốt hơn, cống hiến tốt hơn cho ngày hôm nay. Các phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái sông Hương”, “Mùi cỏ cháy”, “Bài ca không quên”, “Mùa gió chướng”… là một minh chứng.

Những tác phẩm điện ảnh cách mạng Việt Nam từ sau khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập phát triển ít khai thác đề tài chiến tranh so với giai đoạn trước, cả chất anh hùng ca và chất bi tráng ca. Đó cũng là lẽ tất yếu khi mà chiến tranh đã dần lùi xa, yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được tiến hành trong bối cảnh mới và yêu cầu cuộc sống mới với những nhu cầu mới, đã và đang đặt ra những vấn đề mới. Đặc biệt, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, tác phẩm điện ảnh cũng được xem như một loại hàng hóa, thì cách khai thác đề tài chiến tranh cũng đã có những chuyển biến khác. Phim truyện "Sống trong sợ hãi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khai thác hậu quả của chiến tranh, cụ thể là hậu quả của bom mìn do chiến tranh để lại. Cùng đề tài ấy có các phim tài liệu "Không để tử thần lên tiếng", "Những người phụ nữ nhỏ bé" của Điện ảnh Công an nhân dân...

Khai thác hậu quả chiến tranh, nhiều tác phẩm khai thác đề tài chất độc dioxin và hậu quả để lại cho con người với bao cảnh đời đau khổ cho mấy thế hệ trong một gia đình...; khai thác về sự hy sinh của người phụ nữ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng suốt bao nhiêu năm héo mòn chờ người yêu, thờ chồng, ở vậy nuôi con...

Phim truyện về đề tài bảo vệ an ninh Tổ quốc sau chiến tranh cũng có một số tác phẩm: “Bí mật thành phố cấm”, “Đêm giông”, “Ngược dòng”, “Người không mang họ”, “Vụ áp phe Đông Dương”.

Có thể nói, khai thác về đề tài chiến tranh là một trong những dòng phim chủ đạo của điện ảnh cách mạng Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua. Bằng ngôn ngữ đặc thù của nghệ thuật thứ bảy, điện ảnh cách mạng Việt Nam có những thành tựu đáng tự hào mà không phải nền điện ảnh nào trên thế giới cũng có được. Hy vọng, đề tài chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo của các nghệ sĩ điện ảnh thế hệ kế tiếp để ôn lại, để nhắc nhở mọi người phát huy niềm tự hào về một dân tộc anh hùng, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) - Một góc nhìn”
    Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong cùng các cộng sự giới thiệu và ra mắt sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) - Một góc nhìn” tại TP Huế.
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • Miền Bắc đón không khí lạnh, có nơi dưới 10 độ C
    Dự báo khoảng chiều tối và đêm nay 25/11, không khí lạnh cường độ mạnh bắt đầu ảnh hưởng đến miền Bắc, chiều tối và đêm cùng ngày, Đông Bắc Bộ mưa rải rác.
  • Show diễn chỉ có trong thế vận hội quốc tế “hạ cánh” Phú Quốc cuối năm
    Bản giao hưởng đại dương - Symphony Of The Sea đang khiến hàng nghìn du khách phải trầm trồ trước độ “chịu chi” của Sun Group, khi có tới gần 20 phút trình diễn pháo mỗi tối, từ pháo nước, pháo Jetski và pháo trên “đôi cánh” của những quán quân, á quân flyboard thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Khai thác đề tài chiến tranh: Dòng phim chủ đạo của điện ảnh cách mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO