Kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối |
Theo ông Đỗ Thanh Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam, Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” là hoạt động nhằm cụ thể hóa Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với hoạt động chính là đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng, nhằm phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với nguồn hàng Việt có giá trị phải chăng, chất lượng đảm bảo. Trong thời gian qua, sự phát triển của thị trường kinh doanh hàng hóa tại khu vực biên giới đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động không chỉ tại khu vực mà còn ở các vùng lân cận. Trao đổi thương mại thông qua các khu kinh tế cửa khẩu theo đó gia tăng, góp phần phát triển sản xuất trong nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phát triển kinh doanh biên mậu gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do, sản phẩm tại nhiều địa phương chưa khẳng định được mẫu mã, thương hiệu và còn nhỏ lẻ nên chưa có tính cạnh tranh. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua việc xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn do những chính sách tăng cường quản lý thắt chặt hàng biên mậu tại cửa khẩu của Trung Quốc.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, địa phương và Hiệp hội cũng đã cùng nhau bàn thảo về việc tăng cường liên kết tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp phân phối cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn để cung cấp tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ nói chung và tại các tỉnh biên giới nói riêng.
Các doanh nghiệp và Hiệp hội cũng kiến nghị, chính phủ cần tăng cường công tác đối ngoại thương mại phát triển biên mậu Việt Nam – Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích thu hút đầu tư, mở rộng thị trường thu mua công, nông, lâm xuất nhập khẩu nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có những giải pháp để xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho hoạt động biên mậu ở các cửa khẩu biên giới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc đạt 106 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2017, trong đó, thương mại biên giới chiếm 25%. Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc gồm: điện thoại và linh kiện, máy vi tính và linh kiện, nông thủy sản, sơ sợi và dệt may. Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Lào năm 2018 đạt 1 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017, trong đó thương mại biên giới chiếm trên 90%, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang Lào gồm: thủy sản, giày da, may mặc, sắt thép các loại, dây diện, cáp điện…. Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Campuchia năm 2018 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2017, trong đó thương mại biên giới chiếm trên 70%, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang Campuchia gồm: hàng công nghiệp tiêu dùng, sắt thép, vải sợi các loại, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may….
Sự phát triển của thị trường kinh doanh hàng hóa thương mại tại khu vực biên giới góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới, cải thiện rất nhiều đời sống người dân vùng biên.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp phân phối. |
Ông Đỗ Thanh Nam nhận định, các địa phương có đường biên giới với các nước láng giềng đa phần là những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện là một trong những thị trường tiềm năng có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là những khu vực mà tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng rất phổ biến. Vì vậy, rất cần những giải pháp nhằm đưa hàng Việt Nam tiếp cận khu vực này. Điều này vừa thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, vừa có thể kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hoạt động thương mại biên giới nói riêng.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp phân phối.