Tên lửa Novator 9M729 của Nga bị Mỹ cáo buộc vi phạm INF. |
Trong vòng một thập kỷ qua, việc duy trì bản hiệp ước được ký từ thời Chiến tranh Lạnh đã gặp nhiều khó khăn và luôn hiện hữu nguy cơ đổ vỡ khi Nga và Mỹ liên tục cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản của văn kiện này. Phía Mỹ cho rằng Nga đã bí mật phát triển loại tên lửa vượt ra ngoài giới hạn cho phép của INF, còn Mátxcơva cũng tuyên bố Washington phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa không chỉ đơn thuần vì mục đích phòng thủ. Đỉnh điểm là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 10-2018 khẳng định, Nga vi phạm INF khi chế tạo tên lửa Novator 9M729. Trong khi đó, Nga cho rằng đây chỉ là cái cớ để Mỹ rút khỏi hiệp ước nhằm tự do phát triển các loại tên lửa mới.
Ngày 1-2 vừa qua, Tổng thống D.Trump tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước INF với Nga và bắt đầu tiến trình rút khỏi văn bản này. Ngay lập tức, Nga thông báo sẽ rời bỏ INF trong vòng 6 tháng như một biện pháp đáp trả tương xứng. Sắc lệnh có hiệu lực ngay sau khi ký hôm 4-3 vừa qua của ông chủ Điện Kremlin cũng nêu rõ: “Nga chấm dứt tuân thủ INF cho tới khi Mỹ ngừng các hành động vi phạm hoặc cho tới khi bản hiệp ước này hết hạn và không còn hiệu lực”.
Các chuyên gia lo ngại, việc cả Nga và Mỹ cùng giảm cam kết đối với INF, đồng thời không loại trừ khả năng rút hẳn khỏi hiệp ước sẽ đe dọa tới sự bền vững của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí sắp hết hạn vào năm 2021. Không có sự ràng buộc của cả INF và START-3, toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân ở cấp độ song phương và đa phương sẽ bị đe dọa. Các cuộc chạy đua vũ trang được nhận định là không bắt đầu ngay mà sẽ diễn ra trong nhiều năm nữa khi các loại vũ khí tối tân mới ra đời cùng sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ. Ngay trong Thông điệp Liên bang ngày 20-2, Tổng thống Nga V.Putin cũng khẳng định, mục tiêu của nước này là phát triển một số loại vũ khí tân tiến và cảnh báo nếu Mỹ triển khai các tên lửa gần Nga, Mátxcơva sẽ buộc phải đáp trả bằng các động thái cứng rắn.
Hy vọng lớn nhất hiện nay là việc các bên duy trì nỗ lực đối thoại thông qua các kênh liên lạc có thể như ngoại giao, quân sự và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hồi tháng 1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận, hai nước vẫn đang làm việc để có thể tổ chức một cuộc họp thảo luận về INF. Các bên cũng không loại trừ khả năng sẽ có một phiên bản mới của Hiệp ước INF được thiết lập nếu có thêm nhiều nước tham gia, thay thế phiên bản ra đời cách đây hơn 30 năm đã dần lỗi thời. Thông điệp Liên bang trình bày ngày 5-2 của Tổng thống Mỹ D.Trump cũng để ngỏ khả năng ký kết một thỏa thuận mới thay thế INF với sự tham gia của nhiều bên hơn, kể cả Trung Quốc. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định, nước này vẫn duy trì lập trường cởi mở trước việc tiến hành các vòng đối thoại có ý nghĩa với Mỹ.
Mức độ nguy hiểm của các loại vũ khí hạt nhân với hòa bình thế giới đã được khẳng định. Vì vậy, nguy cơ ngày càng lớn về sự sụp đổ của INF đang đặt ra mối quan ngại sâu sắc và thúc giục các bên liên quan cũng như cộng đồng quốc tế có những bước đi có trách nhiệm để duy trì sự ổn định an ninh toàn cầu.