Huyện Lương Sơn (Hoà Bình): Hiệu quả cao từ chương trình OCOP
Tính đến tháng 9 năm 2023, huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) đã có 13 sản phẩm OCOP, bên cạnh đó toàn huyện có 07 Hợp tác xã và 03 tổ nhóm sản xuất rau Hữu cơ và VietGAP với tổng diện tích sản xuất là 20ha; tổng sản lượng bình quân hàng tháng là 30-37tấn/tháng. Kết quả trên là minh chứng rõ nét cho hiệu quả từ chương trình OCOP mang lại trên địa bàn huyện Lương Sơn.
Chương trình OCOP tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn
Với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ khai thác lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình OCOP được xem là nền tảng vững chắc, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Lương Sơn.
Vốn là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ... Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện Lương Sơn cung cấp ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng như: Rau hữu cơ, dê núi Lương Sơn, chuối Viba… Nhiều sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu tập thể, một số sản phẩm được vinh danh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, Cúp vàng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng...
Trao đổi với phóng viên Người Hà Nội ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết, việc triển khai thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Hòa Bình và triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng NTM; các công trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã đã thật sự phát huy hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày được nâng lên.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của HĐND, UBND tỉnh Hoà Bình, sự vào cuộc đồng bộ của Nhân dân, đến nay tính đến tháng 9 năm 2023, huyện Lương Sơn đã có 13 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm 3 sao (Chuối Viba, Mật ong Lâm Sơn, Thịt dê núi Lương Sơn, Trứng vịt Hùng Tiến, Ổi Lê Mỹ Tân và Bưởi Mỹ Tân, thịt gà Thuận phát, bưởi diễn Tân Thành và chè Mỹ Tân, Bột sắn dây Nhuận Trạch, Trà túi lọc thìa canh); 02 sản phẩm 4 sao cấp tỉnh (Cao xạ đen, Cao cà gai leo của Hợp tác xã Tuyết Nhi). Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 07 Hợp tác xã và 03 tổ nhóm sản xuất rau Hữu cơ và VIETGAP; Tổng diện tích sản xuất là 20ha; Tổng sản lượng bình quân hằng tháng là 30-37tấn/tháng.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình OCOP
Năm 2023, huyện Lương Sơn đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng đặc biệt là tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh nhằm nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm đồng thời mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, hoàn thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm.
Ngoài kết quả đạt được, sản phẩm OCOP Lương Sơn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: những sản phẩm mới mang tính sáng tạo còn ít, thiếu các câu chuyện về sản phẩm, gắn với sản phẩm... Do vậy, để sản phẩm OCOP của huyện tiếp tục phát triển, mang hiệu quả kinh tế ngày càng cao, rất cần được các cấp, các ngành của tỉnh Hoà Bình quan tâm hơn nữa. Bên cạnh yêu cầu phải chuẩn hóa các sản phẩm (mẫu mã, bao bì, chất lượng) thì những ý tưởng sáng tạo để có sản phẩm mới cần phải chú trọng.
Để làm được điều này, cần tiếp tục tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức của các chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ các ý tưởng để sản xuất sản phẩm OCOP, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng, uy tín của sản phẩm OCOP trước khi đưa ra thị trường...
Để việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thời gian tới huyện Lương Sơn sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai một số nội dung:
Thứ nhất, đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở mỗi đơn vị cơ sở gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, ưu tiên mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển sản phẩm hàng hoá chủ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư.
Thứ hai, xây dựng nhiều mô hình mới, nhân rộng các mô hình sản xuất đang hoạt động có hiệu quả áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình sản xuất sản phẩm sạch, an toàn; hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, Hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích liên kết liên doanh theo phương châm “doanh nghiệp hóa, liên kết hóa, xã hội hóa”; tăng cường xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp tại địa phương, hình thành các vùng sản xuất tập trung, có giá trị kinh tế cao như (vùng trồng rau, vùng trồng chuối, vùng trồng cây ăn quả ...).
Thứ ba, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ tham gia chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình nhằm nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình, trọng tâm là cán bộ xã và cán bộ thôn, xóm; hướng dẫn cập nhập kiến thức, thông tin chính sách trong chỉ đạo điều hành, các cơ chế, chính sách trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, kết hợp tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm tại những địa phương có kinh nghiệm trong việc tổ chức, chỉ đạo, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện để người dân được biết, tới tham quan và mua sắm./.