Đông Anh - Đô thị xanh, hiện đại phía bắc sông Hồng.
Đông Anh là vùng “địa linh, nhân kiệt” có bề dày lịch sử, truyền thống thượng võ, tinh thần yêu nước, cùng nền văn hóa giàu bản sắc; là vùng đất nổi danh với hệ thống những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu chứa đựng truyền thống văn hóa, cốt cách tâm hồn người Đông Anh. Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Đông Anh được xác định là đô thị trung tâm văn hiến, văn minh, hiện đại, đô thị kiểu mẫu phía Bắc sông Hồng, là trung tâm văn hóa tài chính lớn của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Năm 2021 - huyện Đông Anh nói riêng, Hà Nội và cả nước nói chung phải gồng mình thực hiện nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế xã hội lại vừa phải ra sức chống lại dịch Covid-19. Song song với đó, huyện Đông Anh đã triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” một cách nghiêm túc và hiệu quả.
Mục tiêu chung của huyện là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa về cả quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với hạ tầng đồng bộ tương đối hiện đại như dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, một số sản phẩm gắn với truyền thống văn hóa, làng nghề, thế mạnh của huyện, có chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng của người dân Thủ đô và khu vực xuất khẩu. Bên cạnh đó huyện còn tập trung đầu tư một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế riêng của huyện như: du lịch văn hóa; biểu diễn rối nước truyền thống, biểu diễn tuồng…; thủ công mỹ nghệ, thiết kế; quảng cáo mỹ thuật, triển lãm, điện ảnh; phần mềm, các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh, xuất bản phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn. Mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa của huyện từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo tiền đề, động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa của huyện sẽ có đóng góp quan trọng, tạo cơ sở thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác, đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội... Mục tiêu đến năm 2045 là đưa ngành công nghiệp văn hóa của huyện thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng, là động lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Đông Anh trở thành đô thị thông minh, hiện đại, đóng góp vào việc xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố sáng tạo của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc.
Khu di tích văn hóa Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Việc nâng cao ý thức trách nhiệm và sự tham gia của cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp, hệ thống truyền thông và cộng đồng về vị trí, vai trò phát triển công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện; phát huy truyền thống anh hùng, bản sắc văn hóa Cổ Loa - Đông Anh - Thăng Long - Hà Nội, bảo tồn và phát huy các giá trị của huyện… cũng là một nhiệm vụ lớn nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu và sức hút của công nghiệp văn hóa huyện.
Huyện Đông Anh đã vận dụng, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho sự phát triển bền vững như: khai thác hiệu quả không gian, thời gian và các giá trị văn hóa của khu di tích lịch sử đặc biệt là Cổ Loa, đền Sái, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa đình, đền chùa, di tích lịch sử cách mạng ATK, khu lưu niệm Cây đa Bác Hồ. Đồng thời, gìn giữ bảo tồn các nhà cổ, làng cổ; bảo tồn làng nghề, các di sản công nghiệp đầu những năm 60 của thế kỷ 20, trường quay Cổ Loa, hệ thống thủy nông Ấp Bắc - Nam Hồng… thành di sản văn hóa; phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; thu hút đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, chuyên gia, nhà khoa học…; ưu tiên, khuyến khích xúc tiến đầu tư, quảng bá các loại hình công nghiệp văn hóa. Khuyến khích xây dựng hình thành phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ theo hình thức công - tư để phát triển công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh phát triển giáo dục, phát triển “thành phố thông minh” gắn với phát triển bền vững không gian sáng tạo, trở thành “hệ sinh thái” quan trọng, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Song song đó, huyện còn đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển thị trường công nghiệp văn hóa bằng cách lựa chọn, xây dựng các thương hiệu sản phẩm văn hóa truyền thống, các sản phẩm OCOP của huyện để xây dựng sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao kết hợp với du lịch để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa của huyện với Thủ đô và du khách trong và ngoài nước. Đẩy mạnh thu hút và hỗ trợ đầu tư vào các dự án phát triển công nghiệp văn hóa; mở rộng hợp tác giao lưu với các địa phương, Thủ đô và quốc tế về văn hóa để tích lũy kinh nghiệm, uy tín trong phát triển công nghiệp văn hóa; tuyên truyền, hưởng ứng các sáng kiến của Thủ đô Hà Nội đã cam kết với UNESCO khi gia nhập các thành phố sáng tạo. Bên cạnh đó, việc quy hoạch phát triển đô thị gắn liền với giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa địa phương, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân cũng là một vấn đề được huyện Đông Anh ưu tiên.
Có thể nói, công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và lấy văn hóa, con người làm nền tảng, nguồn lực, là động lực quan trọng để tạo sự phát triển bền vững cho huyện Đông Anh. Công nghiệp văn hóa ở huyện Đông Anh có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tạo chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, lao động và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt.